Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phát hiện sớm hen phế quản, bảo vệ sức khỏe đường hô hấp
Lượt xem: 37
Hen phế quản (còn gọi là hen suyễn) là một bệnh lý viêm mạn tính của đường hô hấp, gây nên tình trạng co thắt phế quản, làm hạn chế luồng khí ra vào phổi. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở trẻ em nhưng cũng thường gặp ở người lớn, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất.
anh tin bai

Hen phế quản không phải là bệnh nan y, tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát đúng cách, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tính mạng khi xảy ra các cơn hen cấp nặng.

Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở làm cho niêm mạc phế quản sưng nề, tăng tiết chất nhầy và co thắt - khiến người bệnh khó thở, thở rít, ho kéo dài, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sáng sớm. Các triệu chứng này thường tái diễn nhiều lần và có thể tăng nặng khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích như: Bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông thú nuôi; Khói thuốc, khói bếp, ô nhiễm không khí; Thay đổi thời tiết, cảm lạnh, viêm nhiễm hô hấp; Tập thể dục gắng sức hoặc căng thẳng cảm xúc; Một số loại thuốc như aspirin, thuốc chẹn beta...

Người mắc hen phế quản thường có những biểu hiện đặc trưng như: ho kéo dài dai dẳng, đặc biệt về đêm hoặc sáng sớm, kèm theo thở khò khè, thở rít khi thở ra, tức ngực hoặc cảm giác nặng ngực, khó thở từng cơn. Một số người cảm thấy hụt hơi khi nói, khi cười hoặc khi vận động nhẹ. Các triệu chứng thường nặng hơn khi thời tiết thay đổi, khi tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông thú nuôi, hoặc khi người bệnh bị nhiễm trùng hô hấp. Ở trẻ nhỏ, hen phế quản có thể dễ bị nhầm lẫn với viêm phế quản tái diễn, do đó cha mẹ cần chú ý nếu trẻ ho khò khè kéo dài nhiều lần trong năm, đặc biệt khi gia đình có tiền sử dị ứng, hen suyễn.

Việc phát hiện hen phế quản sớm có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp kiểm soát triệu chứng tốt hơn, hạn chế cơn hen cấp và ngăn ngừa tổn thương phổi tiến triển theo thời gian. Chẩn đoán sớm còn giúp người bệnh được điều trị đúng cách ngay từ đầu, cải thiện chất lượng sống và giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong. Các bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh và tiến hành các xét nghiệm như đo chức năng hô hấp, test đáp ứng thuốc giãn phế quản, đo lưu lượng đỉnh thở ra và xét nghiệm dị ứng nếu cần thiết để chẩn đoán xác định.

Tuy hen phế quản là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh nếu tuân thủ điều trị và kiểm soát tốt các yếu tố kích phát. Việc sử dụng thuốc dạng hít đúng kỹ thuật, đúng liều và đúng thời gian là nền tảng điều trị quan trọng. Ngoài ra, người bệnh cần tránh tiếp xúc với các yếu tố dị ứng, khói thuốc, hóa chất, ô nhiễm môi trường; duy trì không gian sống trong lành, sạch sẽ, thoáng khí. Tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu cũng là biện pháp cần thiết giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bùng phát cơn hen. Việc tập luyện thể dục nhẹ nhàng và điều độ như: đi bộ, yoga, tập thở sâu, đồng thời duy trì tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, cũng góp phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.

Hen phế quản không nguy hiểm nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Mỗi người dân, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ hoặc đang gặp triệu chứng bất thường về hô hấp, cần chủ động đi khám chuyên khoa khi nghi ngờ mắc bệnh. Không chủ quan với những cơn ho kéo dài hay tiếng thở khò khè, đó có thể là tín hiệu đầu tiên của bệnh hen phế quản. Phát hiện sớm, điều trị đúng và chủ động kiểm soát là chìa khóa giúp bảo vệ sức khỏe đường hô hấp, mang lại cuộc sống khỏe mạnh.


Quốc Cường


ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang