Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ, có hình cánh bướm nằm phía trước cổ, ngay dưới yết hầu. Tuy kích thước khiêm tốn, nhưng tuyến giáp lại đóng vai trò trung tâm trong việc sản xuất các hormone quan trọng như thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, chu kỳ kinh nguyệt, tiêu hóa và thậm chí cả tâm trạng. Mọi rối loạn trong hoạt động của tuyến giáp đều có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe tổng thể.
Không ít người lầm tưởng
những biểu hiện như: mệt mỏi, sụt cân, trầm cảm nhẹ, rối loạn kinh nguyệt… là
do căng thẳng hoặc tuổi tác, mà không ngờ rằng nguyên nhân có thể bắt nguồn từ
tuyến giáp. Chính vì vậy, việc hiểu biết về cơ quan này và các bệnh lý liên
quan sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe lâu
dài. Sau đây là các bệnh lý phổ biến
liên quan đến tuyến giáp.
Suy
giáp (hypothyroidism)
Suy giáp là tình trạng
tuyến giáp hoạt động kém, không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết. Hậu quả là
quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị chậm lại. Người bệnh có thể cảm thấy mệt
mỏi dai dẳng, buồn ngủ nhiều, dễ tăng cân không kiểm soát, da khô, rụng tóc, trầm
cảm nhẹ, nhịp tim chậm và thường xuyên táo bón.
Ở phụ nữ, suy giáp còn có
thể gây rối loạn kinh nguyệt, khó có thai và ảnh hưởng đến sự phát triển trí
não của thai nhi nếu xảy ra trong thai kỳ. Nếu không được phát hiện và điều trị
kịp thời, bệnh có thể dẫn tới biến chứng nặng như: phù niêm, rối loạn tim mạch,
vô sinh và giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng.
Cường
giáp (hyperthyroidism)
Trái ngược với suy giáp,
cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất hormone quá mức, khiến quá trình trao
đổi chất diễn ra nhanh chóng và mất kiểm soát. Người mắc cường giáp thường cảm
thấy hồi hộp, tim đập nhanh, run tay, đổ mồ hôi nhiều, giảm cân nhanh, rối loạn
giấc ngủ, khó chịu, cáu gắt và yếu cơ.
Cường giáp nếu kéo dài
không điều trị có thể gây ra các biến chứng tim mạch như: rung nhĩ, suy tim và
loãng xương. Một số trường hợp còn có biểu hiện lồi mắt, sợ ánh sáng và viêm mắt
- đây là đặc trưng của bệnh basedow, một nguyên nhân tự miễn phổ biến gây cường
giáp.
Bướu
giáp (bướu cổ)
Bướu giáp là tình trạng
tuyến giáp phình to, có thể lan rộng sang hai bên cổ. Bướu có thể lành tính hoặc
ác tính. Nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu I ốt trong chế độ ăn. Ngoài ra,
viêm tuyến giáp hoặc sự phát triển u nang, nhân tuyến giáp cũng có thể là thủ
phạm.
Dù không phải lúc nào bướu
giáp cũng ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, nhưng nếu không điều trị, bướu có
thể phát triển lớn, gây chèn ép khí quản, thực quản, gây khó thở, khó nuốt và ảnh
hưởng tới giọng nói. Việc siêu âm tuyến giáp định kỳ giúp phát hiện sớm các bướu
nhỏ trước khi chúng gây ra biến chứng.
Ung
thư tuyến giáp
Dù là loại ung thư có
tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư nội tiết, ung thư tuyến giáp vẫn tiềm
ẩn nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Ung thư tuyến giáp thường phát
triển âm thầm, ít triệu chứng trong giai đoạn đầu. Dấu hiệu có thể gồm xuất hiện
một khối u cứng ở cổ, thay đổi giọng nói, nuốt khó hoặc nổi hạch vùng cổ.
Đa số các trường hợp ung
thư tuyến giáp được phát hiện khi siêu âm hoặc sinh thiết tuyến giáp. Việc điều
trị bao gồm phẫu thuật, sử dụng I ốt phóng xạ và theo dõi hormone tuyến giáp suốt
đời. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở các trường hợp phát hiện sớm có thể lên đến 98 - 99%.
Những
ai có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp?
Một số
nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tuyến giáp bao gồm:
Phụ nữ trung niên (40 -
65 tuổi): Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao gấp 5 - 8 lần nam giới, đặc
biệt trong thời kỳ sau sinh, tiền mãn kinh hoặc có rối loạn nội tiết.
Người có tiền sử gia
đình: Nếu trong gia đình có người bị bệnh tuyến giáp, nguy cơ di truyền sẽ tăng
lên rõ rệt.
Người sống ở vùng núi,
vùng thiếu I ốt: Chế độ ăn không đủ I ốt làm tăng nguy cơ bướu cổ và các rối loạn
tuyến giáp. Người từng điều trị xạ trị vùng đầu cổ có thể làm tổn thương tuyến
giáp dẫn đến suy giáp hoặc hình thành khối u.
Người có bệnh tự miễn:
Các bệnh như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, tiểu đường type 1 cũng dễ đi
kèm rối loạn tuyến giáp.
Phòng
ngừa và phát hiện sớm – Hành động thiết thực bảo vệ sức khỏe
1. Bổ sung i ốt hợp lý
I ốt là thành phần thiết
yếu để tuyến giáp sản xuất hormone. Thiếu i ốt không chỉ gây bướu cổ mà còn ảnh
hưởng đến trí tuệ, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Cách đơn giản nhất để bổ sung i ốt là sử
dụng muối i ốt trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, hải sản, rong biển, trứng và sữa
cũng là nguồn cung cấp I ốt tự nhiên phong phú.
2. Khám sức khỏe định kỳ
Tuyến giáp có thể bị tổn
thương mà không biểu hiện rõ ràng, vì vậy việc khám định kỳ là cách hiệu quả để
phát hiện sớm. Đặc biệt, phụ nữ nên xét nghiệm TSH, FT4, FT3 để chẩn đoán các
tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp và siêu âm tuyến giáp định kỳ từ tuổi
30 trở đi, nhất là nếu có tiền sử bệnh hoặc dấu hiệu nghi ngờ.
3. Theo dõi những thay đổi
nhỏ trong cơ thể
Những triệu chứng như mệt
mỏi kéo dài, thay đổi cân nặng bất thường, khàn tiếng, rụng tóc nhiều hay thấy
cổ phình to đều có thể là tín hiệu của bệnh tuyến giáp. Đừng chủ quan bỏ qua
các dấu hiệu này. Việc đi khám kịp thời không chỉ giúp điều trị hiệu quả mà còn
ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
4. Giữ lối sống lành mạnh
Giảm căng thẳng, ngủ đủ
giấc, không hút thuốc lá và hạn chế sử dụng chất kích thích sẽ giúp giảm nguy
cơ rối loạn nội tiết nói chung và tuyến giáp nói riêng. Ngoài ra, cần tránh lạm
dụng các loại thực phẩm gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp như: cải bắp sống,
củ cải trắng, đậu nành chưa chế biến kỹ…
Điều
trị bệnh tuyến giáp - Cần kiên trì và đúng cách
Hầu hết các bệnh lý tuyến
giáp đều có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và tuân thủ theo phác đồ của
bác sĩ. Điều trị có thể bao gồm dùng thuốc nội tiết thay thế, kháng giáp, I ốt
phóng xạ hoặc phẫu thuật. Quan trọng nhất là người bệnh không nên tự ý ngưng
thuốc, thay đổi liều hoặc dùng thuốc theo mẹo dân gian chưa được kiểm chứng.
Ngoài ra, sau điều trị,
người bệnh cần được theo dõi định kỳ để kiểm tra nồng độ hormone và đảm bảo tuyến
giáp hoạt động ổn định trở lại. Điều này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân đã
phẫu thuật tuyến giáp hoặc điều trị I ốt phóng xạ.
Tuyến giáp tuy là một cơ
quan nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ cơ thể. Việc chủ động tìm
hiểu, phòng ngừa và theo dõi bệnh lý tuyến giáp là cách tốt nhất để bảo vệ sức
khỏe lâu dài, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đừng để những biểu hiện nhỏ đánh lừa
bạn - sức khỏe tuyến giáp chính là "chìa khóa vàng" cho sự cân bằng của
cả cơ thể.
Thảo
Vân (St)