Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phân biệt viêm tai ngoài và viêm tai giữa, nguyên nhân và cách phòng tránh
Lượt xem: 23
Viêm tai là bệnh lý thường gặp ở cả trẻ em và người lớn, phổ biến nhất và dễ gây nhầm lẫn là viêm tai ngoài và viêm tai giữa do có những triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, hai loại viêm tai này khác nhau rõ rệt về nguyên nhân, vị trí tổn thương và cách điều trị. Việc phân biệt đúng giúp phòng ngừa hiệu quả và bảo vệ sức khỏe tai - mũi - họng.
anh tin bai

Hình ảnh nội soi viêm ngoài tai.

Viêm tai là một trong những bệnh lý thuộc nhóm tai mũi họng thường gặp, có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em lẫn người lớn. Trong số đó, viêm tai ngoài và viêm tai giữa là hai dạng phổ biến và dễ bị nhầm lẫn do có những triệu chứng tương đồng như: đau tai, chảy dịch, sốt nhẹ. Tuy nhiên, mỗi loại viêm tai lại liên quan đến vị trí tổn thương khác nhau trong cấu trúc tai và do những nguyên nhân riêng biệt gây ra. Nhận diện đúng từng loại bệnh không chỉ giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả mà còn góp phần phòng tránh các biến chứng nguy hiểm, bảo vệ thính giác và sức khỏe lâu dài.

Phân biệt viêm tai ngoài và viêm tai giữa

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở ống tai ngoài - phần tai kéo dài từ vành tai đến màng nhĩ. Bệnh thường gặp ở những người có thói quen ngoáy tai, sử dụng tai nghe không vệ sinh, bơi lội nhiều hoặc sống trong môi trường ẩm ướt. Các triệu chứng điển hình bao gồm: ngứa tai, đau khi sờ vào tai, sưng đỏ ống tai, chảy dịch. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị sốt nhẹ nếu nhiễm trùng lan rộng.

Trong khi đó, viêm tai giữa là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở khoang tai giữa - nằm phía sau màng nhĩ. Bệnh này thường là hậu quả của các đợt viêm đường hô hấp trên như: cảm cúm, viêm họng, viêm mũi. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc viêm tai giữa do cấu tạo vòi nhĩ ngắn, hẹp và dễ bị tắc nghẽn. Triệu chứng thường gặp gồm đau tai dữ dội, chảy mủ tai, giảm thính lực, sốt cao. Ở trẻ nhỏ, bệnh còn có thể gây quấy khóc, biếng ăn, buồn nôn hoặc nôn.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm tai ngoài chủ yếu do vi khuẩn như: tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh hoặc do nấm gây ra. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ những tổn thương nhỏ ở ống tai do ngoáy tai quá mạnh, sử dụng vật sắc nhọn để vệ sinh tai, đeo tai nghe không sạch sẽ hoặc tiếp xúc với nước bẩn trong khi bơi lội.

Ngược lại, viêm tai giữa thường là biến chứng của các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên, do vi rút hoặc vi khuẩn gây ra. Khi vòi nhĩ bị tắc nghẽn, dịch viêm không thể thoát ra ngoài sẽ ứ đọng lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng tai giữa.

Cách phòng tránh hiệu quả

Để phòng tránh hiệu quả các bệnh lý viêm tai, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, cần giữ vệ sinh tai mũi họng hằng ngày. Rửa tay sạch sẽ, xì mũi đúng cách, vệ sinh tai nhẹ nhàng, tuyệt đối không ngoáy tai sâu hoặc dùng vật nhọn để làm sạch tai.

Thứ hai, hạn chế tiếp xúc với nước bẩn. Khi bơi lội, nên sử dụng nút tai chuyên dụng để tránh nước lọt vào tai. Sau khi bơi xong, cần lau khô tai nhẹ nhàng, tránh để nước đọng lại trong ống tai gây nhiễm khuẩn.

Thứ ba, điều trị triệt để các bệnh lý đường hô hấp như: cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng… để tránh biến chứng sang tai giữa. Cần đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc.

Thứ tư, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dưỡng chất, sinh hoạt điều độ, giữ ấm cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các mũi tiêm chủng phòng bệnh theo khuyến cáo.

Cuối cùng, nếu xuất hiện các triệu chứng như đau tai, nghe kém, chảy dịch tai... người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Việc chậm trễ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, viêm tai giữa mạn tính hoặc mất thính lực.

Viêm tai ngoài và viêm tai giữa là những bệnh lý phổ biến nhưng có thể phòng tránh được nếu người dân có kiến thức cơ bản và thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, bảo vệ tai mũi họng. Việc nhận biết sớm triệu chứng, điều trị đúng cách và chủ động phòng ngừa sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là thính lực - yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Người dân cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Hoàng Trang (St)

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang