Làm mẹ an toàn có nghĩa là tất cả phụ nữ đều được nhận sự chăm sóc cần thiết để được hoàn toàn khỏe mạnh trong suốt thời gian mang thai, sinh đẻ và sau đẻ.
Bà mẹ cần trang bị
kiến thức và kỹ năng về làm mẹ an toàn. Ảnh: Trong Thụ
Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung
quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của chương trình
làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ
sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong
sơ sinh. Các nội dung giáo dục sức khoẻ về làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế
thế giới (WHO) và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến
lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu...
Tại Việt Nam, trong 11 năm qua (từ năm
2011-2022), công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nước ta đã đạt
được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt
trên 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì từ 95-97%. Ngoài ra,
tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ duy trì từ 75-80%.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe bà
mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số
tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9 phần nghìn, dưới 1 tuổi là
12,1 phần nghìn (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có
khoảng 19 và 12 trẻ tử vong). Con số này còn cao so với một số nước cùng mức
thu nhập. Cụ thể, ở Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8 phần
nghìn. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2 phần nghìn. Mỗi ngày có 39 trẻ sơ sinh ở Việt Nam tử vong, ngành Y tế đang cố
gắng áp dụng các biện pháp can thiệp để giảm chỉ số này.
Tuần lễ
Làm mẹ an toàn năm 2023 với chủ đề năm 2023 là "Làm mẹ an toàn - Sức khỏe
cho mẹ, tương lai cho bé" diễn ra từ ngày 01-07/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe
cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn, nhằm giảm tỷ lệ tai biến
sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, góp phần giảm sự khác
biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các
vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Trong Tuần lễ Làm mẹ an
toàn sẽ tập trung giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về
lợi ích của việc khám thai định kỳ, quản lý thai nghén; giới thiệu chi tiết các
cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em có sẵn tại
địa phương, bao gồm cả dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến... để tăng số lượng
bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này.
Vì sức khỏe của mẹ và con, vợ chồng cần biết và
thực hành làm mẹ an toàn. Để làm mẹ an toàn, phụ nữ mang thai cần ăn đầy đủ và cân đối
các nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), cần
ăn tăng bữa và mỗi bữa ăn nhiều hơn để mẹ khỏe, con khỏe. Không hút thuốc lá,
thuốc lào, không uống rượu bia, nước trà đặc và cà phê.
Phụ nữ mang
thai uống 1 viên sắt - axít folic hoặc viên đa vi chất đều đặn mỗi ngày trong
suốt thời gian mang thai cho đến hết 1 tháng sau sinh để phòng chống thiếu máu
do thiếu sắt và phòng dị tật ở thai nhi. Phụ nữ mang thai cần tiêm phòng uốn
ván đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ ít nhất 4 lần (lần 1 vào 3 tháng
đầu, lần 2 vào 3 tháng giữa, lần 3 và lần 4 vào 3 tháng cuối của thời kỳ thai
nghén) để được theo dõi sức khoẻ và tư vấn. Khám thai không phải chỉ là siêu
âm. Ngoài khám thai định kỳ, bà mẹ cần đi khám ngay bất cứ khi nào thấy có dấu
hiệu bất thường. Việc khám thường xuyên
sẽ giúp phát hiện những bất thường xảy ra trong thời kỳ mang thai góp phần hạn
chế những tai biến sản khoa, đồng thời hướng dẫn cho sản phụ những vấn đề liên
quan đến tình trạng thai sản của họ.
Phụ nữ mang
thai cần tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế để phòng bệnh uốn ván
cho cả con và mẹ. Vắc xin phòng uốn ván không có hại cho mẹ và thai nhi.
Người chồng và gia đình nhắc nhở, giúp đỡ người phụ nữ mang thai để được tiêm
đầy đủ các lần tiêm phòng uốn ván: Lần 1 tiêm sớm khi phát hiện có thai.
Lần 2 tiêm sau lần đầu 1 tháng và ít nhất trước khi sinh 1 tháng. Nếu trước khi
mang thai đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin uốn ván hoặc vắc xin có thành phần uốn ván
thì chỉ cần tiêm 1 mũi trong lần mang thai này.
Phụ nữ mang
thai và gia đình cần chuẩn bị kỹ càng cho cuộc đẻ (dự kiến nơi sinh, chuẩn bị
thẻ bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân, Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em hoặc
Sổ khám thai, tiền, phương tiện vận chuyển, người hỗ trợ, đồ dùng cho mẹ và cho
bé). Phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh không nên đi xa để có thể kịp thời
đến cơ sở y tế sinh con.
Phụ nữ mang
thai không làm việc nặng, không tiếp xúc với chất độc hại và ít nhất 4 tuần
trước khi sinh chỉ làm việc nhẹ nhàng. Phụ nữ mang thai cần giữ vệ sinh cá nhân
sạch sẽ hàng ngày, đặc biệt là vùng sinh dục và vú, mặc quần áo rộng rãi.
Hãy đưa ngay
phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào để
được cứu chữa kịp thời.
Phụ nữ mang thai
cần sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn tính mạng cho cả mẹ và con. Người chồng
và gia đình cần quan tâm chăm sóc phụ nữ mang thai để đảm bảo sức khỏe của bà
mẹ và sự phát triển của thai nhi. Sử dụng "Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ -
trẻ em" ngay khi bắt đầu có thai để biết cách chăm sóc, theo dõi phụ nữ
trong quá trình mang thai.
Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé, làm mẹ an toàn là quyền và lợi íc của phụ nữ. Gia đình và cộng đồng cần hỗ trợ để tạo môi trường an toàn cho bà mẹ và trẻ
sơ sinh.
Mai Hoa