Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lợi ích việc triển khai thanh toán điện tử của VietinBank trong ngành Y tế và ứng dụng CNTT tại các Trạm Y tế xã, phường
Lượt xem: 108
Việc triển khai giải pháp thanh toán điện tử của VietinBank trong ngành Y tế mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm thời gian giao dịch, tăng cường tiện ích cho bệnh nhân và người nhà, giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Giải pháp này còn giúp ngành Y tế tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh và quản lý tài chính, góp phần thực hiện tốt Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
anh tin bai

Giải pháp thanh toán điện tử của VietinBank trong ngành Y tế mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm thời gian giao dịch, tăng cường tiện ích cho người dân.

 

Một trong những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thủ tục hành chính và cải thiện trải nghiệm của người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế; thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và hướng tới hệ thống y tế hiện đại, minh bạch, hiệu quả đã và đang được Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Cao Bằng phối hợp thực hiện.

Để thực hiện được vấn đề này, Sở Y tế đã chỉ đạo: Theo lộ trình trong tháng 9 sẽ tiến hành thực hiện đối với các đơn vị: BVĐK tỉnh, Trung tâm Y tế: Hoà An, Hà Quảng, Quảng Hòa và Thành phố (tên đơn vị cũ trước ngày 01/7/2025). Do vậy, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với VNPT Cao Bằng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Cao Bằng lắp đặt, cài đặt các trang thiết bị, hệ thống thông tin, phần mềm để triển khai thực hiện đúng theo tiến độ đã đề ra.

Bà Đoàn Thu Trang - Phòng khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Cao Bằng cho biết: Việc đồng hành cùng định hướng triển khai Chiến lược chuyển đổi số của Bộ Y tế được thực hiện theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chỉ thị số 749/QĐ-TTG ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế về việc Triển khai bệnh án điện tử. Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 24/8/2024 về việc Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Lợi ích thanh toán điện tử của VietinBank trong ngành Y tế

Những lợi ích cụ thể trong việc triển khai giải pháp thanh toán điện tử của VietinBank trong ngành Y tế được chuyên viên Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Cao Bằng cụ thể hoá, tuyên truyền đến cán bộ y tế để có kế hoạch, giải pháp thực hiện, trong đó nhấn mạnh các giải pháp thanh toán như: Giải pháp thanh toán có kết nối hệ thống là giải pháp thanh toán kết nối với phần mềm quản lý của Bệnh viện, hỗ trợ bệnh nhân thanh toán viện phí nhanh chóng, thuận tiện, ghi nhận tự động các khoản thanh toán của bệnh nhân cho Bệnh viện theo thời gian thực; Giải pháp đối soát tự động là hình thức kiểm tra, đối soát về các giao dịch ghi có vào tài khoản thanh toán của Bệnh viện thông qua mã định danh tài khoản so với dữ liệu thanh toán ghi nhận trên hệ thống của Bệnh viện; Giải pháp chi hộ qua API là dịch vụ chi hộ tự động (qua kết nối API) là dịch vụ VietinBank cung cấp cho khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu chi trả tiền của khách hàng vào tài khoản thanh toán của người hưởng mở tại ngân hàng thông qua kết nối hệ thống giữa VietinBank và khách hàng, giao dịch này được ghi nhận tức thời…

Lợi ích của việc triển khai giải pháp thanh toán điện tử của VietinBank trong ngành Y tế có tác động trực tiếp đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân (người dân), các Bệnh viện và ngành Y tế. Đối với Bệnh viện, giúp giảm thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý tài chính hiệu quả, miễn giảm phí phát sinh. Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, sẽ tiện lợi và nhanh chóng hơn, an toàn thông tin và bảo mật, tránh rủi ro khi mang theo tiền mặt, dễ dàng tra cứu lịch sử giao dịch. Đối với ngành Y tế giúp hỗ trợ chuyển đổi số, tăng cường minh bạch và hiệu quả, cải thiện trải nghiệm của người dân.

Việc triển khai giải pháp thanh toán điện tử của VietinBank trong ngành Y tế không chỉ mang lại lợi ích cho Bệnh viện, bệnh nhân và người dân mà còn góp phần vào sự phát triển của ngành Y tế, hướng tới một hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả và minh bạch. 

anh tin bai

Việc triển khai giải pháp thanh toán điện tử của VietinBank trong ngành Y tế không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà còn mang lại lợi ích cho Bệnh viện và ngành Y tế.

 

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế tại các Trạm Y tế xã, phường

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với đơn vị hành chính 2 cấp đã được Sở Y tế triển khai thực hiện. Theo đó, có 5 phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế, bao gồm: Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Nghiệp vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em; 2 Chi cục và 20 đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức sắp xếp lại 161 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, 11 Điểm Trạm Y tế xã và 2 Phòng khám đa khoa khu vực thành 56 Trạm Y tế xã, phường và 116 Điểm Trạm để phục vụ người dân.

Để đẩy mạnh, không để gián đoạn các hoạt động khám chữa bệnh tại tuyến xã, phường; Sở Y tế đã thành lập các đoàn công tác, đích thân là đồng chí Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại Trạm Y tế các xã, phường sau khi sáp nhập.

Công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng có được đồng bộ hay không, cần phải có hệ thống CNTT tại tuyến y tế xã, phường đồng bộ, phù hợp… Do vậy, cần tập trung vào việc ứng dụng CNTT trong quản lý, khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế… Tăng cường công nghệ thông tin tại tuyến y tế xã, phường không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn góp phần vào việc xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả và minh bạch.

anh tin bai

Công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng có được đồng bộ hay không, cần phải có hệ thống, các giải pháp thực hiện ứng dụng CNTT tại tuyến y tế xã, phường đồng bộ, phù hợp.

 

Các giải pháp thực hiện ứng dụng CNTT

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại tuyến y tế xã, cần tập trung vào việc triển khai các hệ thống quản lý thông tin y tế cơ sở, đào tạo nhân lực và đảm bảo kết nối hạ tầng. Việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả quản lý và cải thiện khả năng tiếp cận y tế của người dân.

1. Triển khai hệ thống quản lý thông tin y tế cơ sở

Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử: Xây dựng và triển khai cho từng cá nhân, giúp lưu trữ, quản lý thông tin sức khỏe, tiền sử bệnh, lịch sử khám chữa bệnh một cách khoa học, dễ dàng tra cứu và chia sẻ.

Phần mềm quản lý Trạm Y tế: Bao gồm quản lý bệnh nhân, thuốc, vật tư y tế, thống kê báo cáo, giúp giảm tải công việc giấy tờ, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả hoạt động.

Hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu: Kết nối các Trạm Y tế xã với Bệnh viện tuyến trên và các cơ sở y tế khác, tạo điều kiện chia sẻ thông tin, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh nhân hiệu quả.

2. Đào tạo nhân lực

Đào tạo kỹ năng CNTT: Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về CNTT cho cán bộ, nhân viên y tế tại các Trạm Y tế xã, phường, giúp họ sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống quản lý và khai thác hiệu quả các công cụ hỗ trợ.

Đào tạo kiến thức y khoa: Kết hợp đào tạo kiến thức y khoa với kỹ năng CNTT, giúp cán bộ y tế hiểu rõ hơn về ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

3. Đảm bảo kết nối hạ tầng

Đường truyền Internet: Đảm bảo đường truyền Internet ổn định, tốc độ cao tại tất cả các Trạm Y tế xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các ứng dụng.

Trang thiết bị CNTT: Trang bị đầy đủ máy tính, thiết bị kết nối, phần mềm cho các Trạm Y tế xã, phường, giúp đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Nguồn điện: Đảm bảo nguồn điện ổn định, tránh tình trạng mất điện gây gián đoạn công việc.

4. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức

Tuyên truyền về lợi ích của CNTT: Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong y tế, giúp người dân hiểu rõ và tích cực tham gia.

Tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo: Tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo, tập huấn về CNTT cho người dân, giúp họ hiểu rõ hơn về các dịch vụ y tế và cách sử dụng.

5. Tăng cường sự phối hợp

Phối hợp giữa các đơn vị liên quan: Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Y tế, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương trong việc triển khai ứng dụng CNTT tại tuyến y tế xã, phường.

Phối hợp với các doanh nghiệp: Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giải pháp và phần mềm phù hợp.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại tuyến y tế xã, phường không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Y tế mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

 

Đức Giang

 

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang