Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Ngành Y tế chủ động trong hoạt động điều trị Methadone tại Trạm Y tế xã trong bối cảnh chính quyền địa phương 02 cấp
Lượt xem: 43
Trong cuộc chiến phòng, chống ma túy, HIV/AIDS điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là một trong những chiến lược đặc biệt quan trọng được Chính phủ và ngành Y tế triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai, việc mở rộng các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc và tái cấu trúc mạng lưới điều trị Methadone về Trạm Y tế xã - nơi gần gũi và dễ tiếp cận nhất với người dân - đã minh chứng được hiệu quả, vừa đảm bảo hiệu quả y tế, vừa thể hiện tính nhân văn trong công tác hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
anh tin bai

Bệnh nhân tham gia uống thuốc Methadone tại Trạm Y tế xã Thái Học

Trước đây, khi chưa triển khai điều trị Methadone, người bệnh phải dùng tiền để mua thuốc phiện và sử dụng. Theo tính toán, trung bình mỗi người dùng ít nhất 300.000 đồng để dùng ma túy/heroin mỗi ngày. Thậm chí, có người tiêu đến 1-2 triệu đồng mỗi ngày cho ma túy. Nếu nhân lên với tổng số người sẽ thành con số vô cùng lớn. Vì vậy, khi người bệnh tham gia chương trình điều trị Methadone, ít nhất họ không phải dùng số tiền đó cho việc mua thuốc phiện và sử dụng; đồng thời, người bệnh cũng có thêm điều kiện, thời gian để tham gia các hoạt động, công việc tạo ra thêm kinh tế cho gia đình...

Từ năm 2008, Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình điều trị Methadone. Ban đầu, các cơ sở điều trị chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện, thường đặt tại Trung tâm y tế huyện hoặc Bệnh viện đa khoa. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng mô hình điều trị tập trung cũng bộc lộ một số bất cập: Người nghiện ở vùng sâu, vùng xa có thể phải đi xa hàng chục cây số để đến cơ sở điều trị; việc đi lại tốn kém, mất thời gian khiến nhiều người bỏ dở giữa chừng; gánh nặng cho đội ngũ cán bộ y tế cũng ngày càng lớn.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2021 - 2025, trước yêu cầu mở rộng độ bao phủ và giảm áp lực cho tuyến trên, Bộ Y tế và một số địa phương đã triển khai thí điểm mô hình điều trị Methadone nhiều ngày và phân quyền cho trạm y tế cấp xã/phường. Đối với tỉnh Cao Bằng từ năm 2024 đã đưa hoạt động điều trị Methadone về Trạm y tế xã nơi gần nhất với người bệnh đây được xem là một bước ngoặt giúp giải bài toán hiệu quả, tiết kiệm và bền vững trong chương trình điều trị nghiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở Y tế Cao Bằng đã mở thêm 04 Cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trạm Y tế xã Hưng Đạo (Thành phố Cao Bằng cũ), Trạm Y tế xã Đoài Dương, Đình Phong, Quang Trung (huyện Trùng Khánh cũ). Thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh v thực hiện  mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong tháng 6 ngành Y tế đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả, mô hình tổ chức hoạt động của các Cơ sở điều trị thay thế, Cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.  Hướng dẫn các Trung tâm Y tế xây dựng phương án chuyển các Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thuộc Trung tâm Y tế về Trạm Y tế xã quản lý để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Tính đến ngày 30/6/2025, Sở Y tế đã ban hành quyết định điều chuyển 10 Cơ sở điều trị thay thế thuộc khoa Tư vấn và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Y tế về Trạm Y tế xã. Hiện nay toàn tỉnh có 17 Cơ sở điều trị Methadone và 05 Cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế (trong đó có 02 cơ sở điều trị tại Trung tâm Y tế, 01 cơ sở điều trị tại Bệnh viện Tĩnh Túc, 14 cơ sở điều trị thuộc Trạm Y tế xã/phường/thị trấn). Tính đến ngày 30/6/2025, tổng số người nghiện ma túy đang được điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh là 1.052 người, chiếm tỷ lệ 87,7% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh

Anh M.V.T, xóm Khuổi Ngầu, xã Thái Học, tỉnh Cao Bằng cho biết: quá trình điều trị Methadone của tôi diễn ra thuận lợi, uống thuốc vào 1 giờ cố định buổi sáng và không còn phải đi xa nên tôi có thể vừa điều trị, vừa đi làm. Kiên trì phối hợp điều trị, tôi nhận thấy sức khỏe cải thiện rõ rệt, không còn bị các cơn nghiện ma túy hành hạ như trước và được gia đình, bạn bè đón nhận, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

Công tác phối hợp giữa y tế và công an địa phương trong quản lý bệnh nhân được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, chưa ghi nhận vụ việc vi phạm trật tự an ninh tại các cơ sở điều trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Ông Hoàng Văn Diêm, Trung tâm Y tế Bảo Lâm cho biết: Công tác điều trị Methadone tại địa bàn vẫn gặp một số khó khăn như người dân vẫn coi người nghiện ma túy là một căn bệnh không có thuốc nào có thể thay thế được; kỳ thị, phân biệt, xa lánh những người bị nhiễm HIV, nghiện chích ma túy. Nhiều đối tượng vẫn còn e ngại nên không đến đăng ký điều trị. Bên cạnh đó, một số người bệnh không tuân thủ điều trị do đi làm xa cơ sở điều trị, không có phương tiện đi lại; khó khăn cho việc quản lý các đối tượng. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của ngành Y tế cũng như các cấp chính quyền địa phương, việc triển khai cơ sở cấp phát thuốc, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại tuyến xã đã mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Diêm cho biết thêm: Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong tháng 6 Sở Y tế đã ban hành quyết định điều chuyển các Cơ sở điều trị thay thế thuộc khoa Tư vấn và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm Y tế về Trạm Y tế xã. Tại các cơ sở bố trí đội ngũ nhân sự gồm các bác sĩ, dược sĩ chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, giám sát các hoạt động cấp phát thuốc, uống thuốc trực tiếp theo đúng quy trình; bảo đảm 100% người bệnh có nhu cầu và tự nguyện tham gia dùng thuốc thay thế được đáp ứng. Nhờ đó đa số bệnh nhân tuân thủ liều điều trị hàng ngày đều đặn. Bên cạnh đó, người bệnh rút ngắn được thời gian đi uống thuốc, giúp đỡ được gia đình các công việc để phát triển kinh tế.

Bác sĩ Quách Hồng Sỹ, Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định: việc mở rộng điều trị Methadone tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là Trạm y tế xã là chủ trương lớn và mang lại hiệu quả thiết thực. Một số người bệnh phải đi hàng chục cây số mỗi ngày để uống thuốc, đây là khó khăn, trở ngại lớn đối với nhiều bệnh nhân ở xa cơ sở điều trị dẫn tới nguy cơ tái nghiện và khả năng bỏ điều trị là rất cao. Vì vậy việc cấp phát thuốc tại Trạm y tế xã gần nơi cư trú thì thời gian và chi phí đi lại được giảm đáng kể, giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận dịch vụ từ đó giúp tăng tỉ lệ tuân thủ và hiệu quả điều trị.Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực và chuẩn hóa quy trình quản lý. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông để giảm kỳ thị, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, chính quyền địa phương, gia đình và công an trong quản lý, giám sát và hỗ trợ người nghiện tuân thủ điều trị, không tái sử dụng ma túy.

Việc triển khai điều trị Methadone tại Trạm y tế xã trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) đã mở ra hướng đi phù hợp, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Trước hết, nhiều Trạm y tế xã vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện về nhân lực và chuyên môn; đội ngũ y tế tuyến xã thường phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong khi chưa được đào tạo bài bản về quản lý và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều Trạm y tế xã còn hạn chế. Những khó khăn này cho thấy cần có sự chỉ đạo linh hoạt, sự phối hợp đồng bộ và hỗ trợ từ các cấp để chương trình Methadone tại tuyến xã có thể phát huy hiệu quả trong mô hình quản lý hành chính mới.

Việc chuyển các Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thuộc Trung tâm Y tế về Trạm Y tế xã quản lý là hướng đi không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện cam kết của hệ thống chính quyền 02 cấp trong việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho mọi công dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương như người sử dụng ma túy. Không chỉ là câu chuyện về quản lý y tế, mà còn là minh chứng rõ nét của chính sách an sinh xã hội, thể hiện tầm nhìn nhân văn trong công tác phòng chống ma túy ở cấp cơ sở.

Thảo Vân

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang