Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Khi bị viêm phế quản, người bệnh thường ho, khạc đờm. Tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, vi khuẩn, vi rút, hóa chất độc hại, thay đổi thời tiết, độ ẩm là những nguyên nhân gây ra viêm phế quản. Có hai loại viêm phế quản gồm: viêm phế quản cấp, viêm phế quản mạn tính.
Để tránh biến chứng viêm phế quản cấp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay khi mới có triệu chứng
Viêm phế quản cấp: Là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc
phế quản ở người trước đó không có tổn thương, thường do vi khuẩn, vi rút hoặc cả hai.
Viêm phế quản mạn tính: Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, nó sẽ
kích thích liên tục các ống phế quản, đây là một trong những nguyên nhân chính
gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tình trạng này có thể kéo dài
hàng tháng, thậm chí là nhiều năm. Viêm phế quản mạn tính có cấp độ nghiêm
trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính.
Viêm phế quản là bệnh liên quan đến hô hấp. Nếu
không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng như: bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính, suy hô hấp.
Biến chứng có thể gặp của viêm phế quản là tình trạng bội nhiễm phổi,
giãn phế nang, tổn thương nghiêm trọng gây suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, tràn mủ
màng phổi,… thậm chí, bệnh gây suy giảm chức năng hô hấp trầm trọng. Viêm phế
quản cấp tính nếu không điều trị triệt để sẽ chuyển sang mạn tính, thường xuyên
tái phát, tuyến tiết nhầy bị phì đại, xơ hóa, phá hủy phế quản, tổ chức đàn hồi
của nhu mô phổi bị phá hủy, giãn phế nang.
Nguyên nhân gây viêm phế quản
Nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phế quản cấp tính thường
do vi rút,
bệnh còn có thể xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc tiếp xúc nhiều với các chất
gây kích thích phổi, ví dụ như: khói thuốc lá, bụi, ô nhiễm không khí.
Viêm phế quản mạn tính thường do sự lặp lại của viêm niêm mạc phế
quản trong thời gian dài. Đối tượng có nguy cơ cao mắc phải viêm phế quản mạn
tính là những người thường xuyên phải tiếp xúc với các chất kích thích phổi do
nghề nghiệp (như công nhân xây dựng, thợ mỏ than, công nhân kim loại,..) và
người nghiện hút thuốc lá. Mức độ ô nhiễm không khí cũng là một trong những yếu
tố góp phần phát triển bệnh.
Một số nguyên nhân dẫn đến
viêm phế quản phổ biến khác là:
- Tác động của môi trường: Bụi bẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc,…
- Sức đề kháng kém: Hệ thống miễn dịch của người bệnh bị tổn thương là
điều kiện thuận lợi để virus tấn công và gây bệnh.
- Ảnh hưởng của công việc: Những người làm việc trong môi trường chứa
chất kích thích đến phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn người
khác (thợ cơ khí, thợ may hoặc công nhân phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất,
khói).
- Ảnh hưởng của bệnh lý trào ngược dạ dày: Nguyên nhân dẫn đến tổn
thương ống phế quản là do sự lặp lại của các cơn ợ nóng, ợ chua kích thích vùng
cổ họng.
Triệu chứng viêm phế quản
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các triệu chứng viêm phế quản mạn
tính, tần suất và mức độ nghiêm trọng có thể sẽ khác nhau. Thông thường, bệnh
viêm phế quản mạn tính xuất hiện những triệu chứng đặc trưng như: Ho dai dẳng kéo dài; khó thở, thở khò khè. Bên cạnh đó, còn có
những dấu hiệu viêm phế quản mạn tính khác như: Mệt mỏi, ớn lạnh; sốt; tức ngực; tắc nghẽn xoang hoặc hôi
miệng. Do
tình trạng thiếu oxy trong máu nên da và môi của những người bệnh giai đoạn sau
thường xanh xao, nhợt nhạt, một số trường hợp còn có thể dẫn tới hiện tượng phù ngoại biên, sưng ở
chân và mắt cá chân.
Biến chứng viêm phế quản
Viêm phế quản cấp nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra
nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong một số trường hợp bệnh tái phát nhiều lần,
những ổ viêm nhiễm ở phế quản không được điều trị đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận
lợi cho viêm phổi, viêm giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính, suy hô hấp cấp.
Ở trẻ em có thể gặp biến chứng viêm phế quản bít tắc. Đôi khi, viêm phế
quản cấp là sự khởi đầu của một bệnh hen phế quản. Nếu người bệnh bị cúm có bội
nhiễm viêm phế quản thì bệnh trở nên nặng, khi đó việc điều trị sẽ khó khăn
hơn.
Những người có biểu hiện ho, khó thở, nhất là trường hợp nặng cần phải
đến cơ sở y tế, bệnh viện để khám bệnh, làm xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, xét nghiệm đờm để loại trừ một vài bệnh
khác như lao phổi, ung thư phổi, giãn phế quản, hen phế quản, dị
vật vào đường hô hấp hoặc phổi bị ứ đọng trong các trường hợp suy tim.
Để tránh biến chứng viêm phế quản cấp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người
bệnh cần đi khám và điều trị ngay khi mới có triệu chứng. Tùy vào mức độ, tình
trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, ngăn ngừa bệnh
tiến triển và gây biến chứng.
Mai Hoa (St)