27/05/2025
Sở Y tế yêu cầu kiểm tra, xử lý, truy tìm nguồn gốc thuốc giả Nexium® 40mg
Lượt xem: 52
Ngày 26/5, Sở Y tế Cao Bằng đã ban hành Công văn số 2661/SYT- NV gửi UBND các huyện, thành phố; các đơn vị trực thuộc; các cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh yêu cầu về kiểm tra, xử lý, truy tìm nguồn gốc thuốc giả Nexium® 40mg.
Hình minh hoạ
Theo chỉ đạo của Cục Quản lý dược (Bộ
Y tế), mẫu thuốc Nexium® 40mg Enterik Kapli Pellet Tablet (Esomeprazol) (số lô:
23H420, hạn dùng: 9/2027, mẫu thuốc không có thông tin về số giấy đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu, cơ sở
sản xuất, cơ sở nhập khẩu trên nhãn) không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ
tiêu định lượng Esomeprazole theo tài liệu tham khảo là tiêu chuẩn cơ sở viên
nén Nexium, SĐK: VN-19782-16 của nhà sản xuất Astra Zeneca có kết quả là
6,91mg/viên (17,27% hàm lượng ghi trên nhãn).
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng,
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh, các cơ sở kinh doanh dược trên địa
bàn tỉnh không kinh doanh, phân phối và sử dụng sản
phẩm Nexium® 40mg Enterik Kapli Pellet Tablet
(Esomeprazol) giả nêu trên. Đề nghị UBND tiếp nhận và
xác minh thông tin, truy tìm nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm có thông tin như mô
tả nêu trên nếu phát hiện trên
địa bàn. Khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh
thuốc đối với các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc nêu
trên. Xử lý hoặc kiến nghị
xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám
sát các đơn vị thực hiện thông báo này và báo cáo về
Sở Y tế theo quy định.
Sở Y tế giao Trung
tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất
lượng thuốc trên địa bàn tỉnh.
Thuốc Nexium®
40mg là thuốc được dùng để điều trị các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày
thực quản và các tình trạng khác liên quan đến axit dạ dày quá mức.
Việc sử dụng thuốc giả không chỉ vô
hiệu trong điều trị mà còn gây hậu quả nghiêm trọng. Để bảo vệ sức khỏe, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực
hiện nguyên tắc "2 không":
- Không tự ý mua thuốc kê đơn: Người bệnh cần
đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, đánh giá và kê đơn phù hợp.
Việc tự ý mua thuốc khi có triệu chứng có thể dẫn đến sử dụng thuốc giả hoặc
không đúng liều lượng.
- Không mua thuốc xách tay hoặc
trên sàn thương mại điện tử: Hàng năm, Bộ Y tế xử lý hàng
trăm vụ kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, đặc biệt trên các nền tảng mạng
xã hội. Thuốc không rõ nguồn gốc thường không đảm bảo chất lượng và an toàn.
Mai Hoa (t/h)