Bệnh tiêu chảy ở trẻ em là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nước, thường xuyên hơn bình thường (trên 3 lần/ngày). Tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, hoặc do chế độ ăn uống không hợp lý. Tiêu chảy có thể gây mất nước và các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, do đó việc nhận biết và xử trí, điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Ngoài hiện tượng mất nước, trẻ bị tiêu chảy
kéo dài còn dẫn tới biến chứng chán ăn, bỏ ăn, dần dần suy dinh dưỡng và kiệt
sức.
Tiêu chảy là gì?
Trẻ
bị tiêu chảy khi trong phân có nhiều nước hơn bình thường, hoặc đi tiêu trên 3
lần/ngày. Tiêu chảy là cách cơ thể tự loại bỏ vi trùng và hầu hết các đợt tiêu
chảy ở trẻ em sẽ kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Tiêu chảy có thể xảy ra kèm
theo sốt, buồn nôn và nôn, chuột rút và thậm chí phát ban.
Nguyên nhân trẻ bị tiêu
chảy
Nhiễm trùng đường ruột:
Có
nhiều loại vi trùng được xem là tác nhân khiến đường ruột của trẻ bị nhiễm
trùng.
Vi
rút: Viêm dạ dày ruột do vi rút là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, thường gây ra hiện tượng
tiêu chảy, buồn nôn và nôn; các triệu chứng thường kéo dài vài ngày và bệnh nhi
(đặc biệt là trẻ sơ sinh) dễ bị mất nước do không bổ sung đủ chất lỏng cho cơ
thể.
Vi
khuẩn: Nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ
em, chẳng hạn như E.coli, Salmonella, Campylobacter, Shigella… Chúng thường xâm
nhập hệ tiêu hóa sau khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, khiến trẻ đi ngoài phân lỏng
và nôn mửa trong vòng vài giờ sau khi bị nhiễm.
Ký
sinh trùng: Các loại ký sinh trùng cũng được xem là một trong những nguyên
nhân gây tiêu chảy ở trẻ em.
Bên cạnh ba tác nhân kể
trên, đôi khi trẻ em bị tiêu chảy là do: Có chế độ ăn nhiều đường
(ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều nước trái cây đóng hộp…); Dị ứng thực phẩm; Không
dung nạp lactose, fructose hoặc sucrose. Đang bị các vấn đề về ruột như bệnh
celiac, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm loét đại tràng…
Dấu hiệu tiêu chảy ở trẻ em
Biểu
hiện thường thấy đầu tiên ở những trẻ bị tiêu chảy là những cơn đau bụng quặn
thắt, sau đó là đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Tình trạng này lặp đi lặp lại
trong nhiều ngày (trung bình từ 3 - 5 ngày). Ngoài ra, trẻ còn gặp phải một số
triệu chứng khác như: Sốt; mất cảm giác ngon miệng; buồn nôn, nôn nhiều lần; sụt
cân; mất nước…
Những biến chứng khi trẻ bị
tiêu chảy
Mất
nước là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh tiêu chảy ở trẻ
em. Tiêu chảy nhẹ thường không gây mất nước đáng kể, nhưng tiêu
chảy vừa hoặc nặng sẽ khiến trẻ mất nước nghiêm trọng. Tình trạng này rất nguy
hiểm, có thể gây ra co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong.
Những
biểu hiện cho thấy trẻ bị mất nước nghiêm trọng là: Chóng mặt và choáng váng; miệng
khô; không đi tiểu trong vòng 4 - 6 giờ ở trẻ nhỏ hoặc 6 - 8 giờ ở trẻ lớn; nước
tiểu vàng sẫm; mắt sâu hơn bình thường; ít hoặc không có nước mắt khi khóc; da
khô… Ngoài hiện tượng mất nước, trẻ bị tiêu chảy kéo dài còn dẫn tới biến
chứng chán ăn, bỏ ăn, dần dần suy dinh dưỡng và kiệt sức.
Cách xử trí khi trẻ bị tiêu
chảy
Cách
điều trị tiêu chảy ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Tiêu chảy do nhiễm trùng
đường tiêu hóa
Tiêu
chảy do vi rút sẽ tự khỏi. Trong khi đó, hầu hết trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn cần được điều trị
bằng thuốc kháng sinh. Tiêu chảy do ký sinh trùng phải được điều trị bằng thuốc
chống ký sinh trùng.
Tiêu chảy do rối loạn tiêu
hóa
Trẻ
thường bị rối loạn tiêu hóa do ăn phải thức ăn lạ khiến cơ thể từ chối dung
nạp, hoặc khi trẻ chuyển từ giai đoạn bú mẹ sang ăn dặm, từ chế độ ăn lỏng sang
ăn đặc, trẻ bắt đầu đi mẫu giáo và chưa kịp thích nghi với chế độ ăn mới. Lúc
này, phương pháp điều trị thích hợp là tập cho trẻ làm quen với thức ăn mới một
cách từ từ, vừa tập vừa lắng nghe phản ứng cơ thể trẻ. Nếu thấy trẻ tiêu chảy sau
khi ăn món nào, cần ngưng cho trẻ ăn và thử lại một thời gian sau đó.
Tiêu chảy do dị ứng thực
phẩm
Nếu
trẻ bị dị ứng thực phẩm, cần tránh cho trẻ ăn những thực phẩm gây dị ứng. Để
xác định trẻ dị ứng với loại thực phẩm nào, bạn hãy ghi nhật ký về những gì bé
ăn, uống cũng như thói quen đi tiêu của trẻ. Một số loại thực phẩm dễ gây dị
ứng ở trẻ là trứng, hải sản, sữa bò, đậu phộng, đậu nành…
Tiêu chảy do bệnh viêm ruột
Với
những trẻ bị bệnh viêm ruột và viêm loét đại tràng, phương pháp điều trị sẽ là
kê toa thuốc, phẫu thuật và điều chỉnh chế độ ăn của trẻ.
Tiêu chảy do không dung nạp
lactose, fructose hoặc sucrose
Trong
trường hợp trẻ không dung nạp được lactose, là một loại đường có trong sữa và
các sản phẩm từ sữa, được tạo thành từ hai loại đường đơn giản hơn là glucose
và galactose. Do vậy, cần giảm hoặc tránh các loại thực phẩm, đồ uống làm từ
sữa (như sữa tươi, sữa chua, phô mai, bánh ngọt, kem…). Bạn có thể cho trẻ uống
các loại sữa hạt thay thế (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa hạt điều…) để ngăn
ngừa nguy cơ thiếu canxi ở trẻ. Nếu con bạn không dung nạp đường fructose hoặc
sucrose, cần giảm hoặc tránh các loại thực phẩm, đồ uống có chứa các loại đường
này.
Đức Giang (T/h)