Nguy cơ nhiễm liên cầu lợn từ thói quen ăn uống và xử lý thực phẩm sai cách
Trong những năm gần đây, bệnh do liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) lây sang người đang trở thành mối quan ngại lớn, nhất là vào mùa nắng nóng - thời điểm vi khuẩn dễ phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh. Những thói quen ăn uống thiếu an toàn như ăn tiết canh, lòng lợn, thịt lợn tái, sống, cùng với việc chế biến thực phẩm không đúng cách là con đường chủ yếu khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người, gây ra các bệnh lý nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ăn tiết canh sống là
một trong những nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn viêm cầu lợn sang người. (Đồ
họa: Hoàng Trang)
Liên cầu
khuẩn lợn là loại vi khuẩn thường tồn tại trong cơ thể lợn, đặc biệt ở những
con bị bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Khi xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn có thể gây ra các bệnh lý
nghiêm trọng như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết và có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân
nhiễm liên cầu lợn có thể dao động từ 10 -
17%, trong khi không ít trường hợp khỏi bệnh vẫn phải gánh chịu di chứng nặng
nề như điếc, tổn thương thần kinh hoặc suy đa tạng.
Một thực tế đáng lo ngại là ở không ít gia đình, quán ăn vẫn duy trì các món ăn "đặc sản" chế biến từ thịt
lợn chưa nấu chín như tiết canh, lòng lợn, nem chua, dồi, thịt tái... Không ít người, đặc biệt là người lớn tuổi vẫn cho rằng nếu con lợn sạch, khỏe
sẽ không có nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, ghi nhận từ các cơ sở y tế cho thấy đa
số ca mắc liên cầu lợn ở người đều liên quan đến việc
tiêu thụ những món ăn này.
Ngoài ra,
người làm nghề giết mổ, buôn bán, chế biến thịt lợn nếu không trang bị đầy đủ
đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang, hoặc có vết thương hở trên da cũng có nguy
cơ nhiễm bệnh cao do tiếp xúc
trực tiếp với mầm bệnh trong máu, dịch cơ thể của lợn.
Sau khi bị
nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, người bệnh thường bắt đầu xuất hiện triệu chứng
trong vòng vài giờ đến 5 ngày, phổ biến nhất là sau 1 đến 3 ngày. Bệnh có thể diễn tiến
nhanh, đặc biệt ở những người có vết thương hở, tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc ăn thực phẩm chưa được nấu chín kỹ như tiết canh,
thịt lợn sống. Các triệu chứng sớm bao gồm: sốt
cao, rét run, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, ban xuất
huyết trên da. Một số trường hợp nặng có thể dẫn
đến hôn mê, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và có thể tử vong nếu không được xử trí kịp
thời.
Đáng chú ý, nguy cơ nhiễm bệnh cũng có thể đến từ việc gián tiếp tiếp xúc với mầm bệnh qua các dụng cụ bếp núc không được vệ
sinh sạch sẽ như sử dụng
chung dao, thớt cho thịt sống và thịt chín.
Một trong
những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiễm liên cầu lợn ở người là thói quen ăn
uống và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn. Việc lựa chọn, sơ chế, chế biến và bảo quản thịt lợn không đúng cách tạo điều kiện để vi
khuẩn tồn tại và phát tán, đặc biệt
trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm như ở nước ta. Một số hành vi phổ biến tiềm
ẩn nguy cơ cao bao gồm:
Sử
dụng thịt lợn không rõ nguồn gốc: Thịt lợn mua ngoài chợ, không qua kiểm dịch có thể mang vi khuẩn liên
cầu lợn mà mắt thường không nhận biết được.
Đặc biệt, thịt có màu đỏ bầm bất thường, xuất huyết hoặc phù nề càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Giết
mổ lợn bệnh hoặc đã chết:
Nhiều người vì tiếc của nên vẫn giết mổ lợn bệnh hoặc mới
chết để lấy thịt gây nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh:
Không đeo găng tay khi chế biến, không rửa tay hoặc sát khuẩn sau khi sơ chế tạo điều kiện để
vi khuẩn từ thịt lợn sống lan sang thực phẩm khác hoặc trực tiếp lây vào cơ thể người.
Bảo quản và nấu không đúng cách: Để thịt sống tiếp xúc với thịt chín, vận chuyển thịt lợn
không đúng quy cách, không vệ sinh dụng cụ bếp thường xuyên, nấu thịt tái không đủ nhiệt độ... đều góp phần làm
lây làn mầm bệnh.
Theo khuyến
cáo của Cục An toàn Thực phẩm và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để
phòng tránh nguy cơ nhiễm liên cầu lợn từ thực
phẩm, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
Tuyệt
đối không ăn tiết canh, thịt lợn tái, các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín kỹ: thịt lợn cần được nấu chín kỹ ở nhiệt độ trên 70°C.
Không
mua, vận chuyển, giết mổ hoặc tiêu thụ thịt lợn chết, lợn có dấu hiệu bệnh: chỉ nên mua
thịt tại các cửa hàng, cơ sở đã được
kiểm dịch.
Sử
dụng đồ bảo hộ khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn: Đeo găng
tay, khẩu trang, che chắn vết thương hở trên cơ thể.
Vệ
sinh sạch sẽ
dụng cụ nhà bếp: Dao, thớt, bát, đũa phải dùng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Rửa tay
sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau
khi chế biến thực phẩm.
Tiêu
hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định: Đây là
biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan sang người và vật nuôi
khác.
Khám
bệnh kịp thời: Khi có các
triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn như sốt cao, đau đầu, buồn nôn,
đi ngoài, xuất huyết dưới da... đặc biệt sau khi ăn thịt lợn hoặc tiếp xúc với
lợn nghi ngờ bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được
kiểm tra và điều trị kịp thời.
Liên cầu lợn
là mối nguy hiểm tiềm ẩn
đằng sau mỗi bữa ăn thiếu an toàn và
thói quen xử lý thực phẩm sai cách. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh viêm cầu lợn cho người, vì vậy cách
phòng bệnh hiệu quả nhất là
thay đổi thói quen ăn uống, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân cần nâng cao ý thức, chủ
động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức
khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hoàng Trang (S/t)