Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS
Lượt xem: 142
Sáng 29/11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh trực tuyến hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS. Dự Lễ mít tinh có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS ma túy, mại dâm.
anh tin bai

Các đại biểu tham dự Lễ mít tinh tại điểm cầu tình Cao Bằng. Ảnh: Trọng Thụ

Dự mít tinh tại điểm cầu UBND tỉnh Cao Bằng có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh; Sở Y tế; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 có chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” chính là đảm bảo việc bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác; tất cả mọi người đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.

Theo Bộ Y tế, trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ chương trình, các chương trình dự phòng, can thiệp và phát thải đã được triển khai rộng khắp cả nước. Hiện nay cả nước có hơn 40.000 người đã được phát hiện nhiễm HIV, trong cộng đồng còn hơn 70.000 người đang là nguồn tiếp tục lây lan HIV. Đến nay, có trên 200 cơ sở tại 29 tỉnh/thành phố đã cung cấp dịch vụ PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV) cho trên 60.000 người. Việt Nam đặt ra mục tiêu "Giảm số người nhiễm HIV, người tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030".

Tại Cao Bằng, tính đến ngày 30/10, toàn tỉnh phát hiện mới 69 trường hợp nhiễm HIV, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV toàn tỉnh 2.418 trường hợp; lũy tích bệnh nhân AIDS 1.687 người; 1.443 trường hợp đã tử vong do AIDS. Số bệnh nhân HIV còn sống quản lý được là 975 người; trong đó có 7 trẻ em. 

Tỉnh duy trì các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức; duy trì hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 10 Trung tâm Y tế huyện/thành phố, 161 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; tư vấn, làm xét nghiệm HIV cho 5.684 lượt người đối tượng là nghiện chích ma túy, người có nguy cơ cao. Duy trì chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại HIV/AIDS, hoạt động cấp phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn tại các địa bàn trọng điểm.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh Cao Bằng mở mới 1 cơ sở điều trị Methadone, 1 cơ sở điều trị ARV tại Bệnh viện Tĩnh Túc (Nguyên Bình); 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone, 1 cơ sở điều trị ARV tại Trạm y tế xã Thái Học (Bảo Lâm) và 1 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Duy trì điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 13 cơ sở điều trị và 2 cơ sở cấp phát thuốc toàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn triển khai các hoạt động phòng, chống HIV; tư vấn xét nghiệm HIV; giám sát dịch tễ học HIV và sử dụng phần mềm HIV info 4.0...

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh thông điệp Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay là "Đồng hành, chia sẻ, kiên cường”, đây chính là lời kêu gọi mỗi người dân, mỗi tổ chức, cộng đồng mỗi quốc gia, hãy cùng chung tay hành động sẻ chia trách nhiệm và thể hiện tinh thần kiên cường bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cần xác định công tác phòng chống, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; rà soát bổ sung hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền giáo dục nhất là chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Y tế huy động sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai các giải pháp chuyên môn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị dịch bệnh, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác phòng chống HIV/AIDS.

Đối với những người đã và đang sống chung với HIV/AIDS, cần có cái nhìn tích cực tư duy mới về việc sống chung với HIV/AIDS; thúc đẩy quyền lợi và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người cùng hoàn cảnh, hướng tới một xã hội không còn phân biệt và một tương lai không còn HIV/AIDS.

Mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDS, nhất là về tài chính, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng thực hành tốt nhất để đạt được mục tiêu đề ra. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực, xây dựng các chính sách đồng bộ và chỉ đạo triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS. Với tinh thần quyết tâm và đoàn kết, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kết quả lớn hơn nữa trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, hoàn thành mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, tiếp tục đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công đại dịch này.

Mai Hoa

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang