Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả của y tế dự phòng
Lượt xem: 66
Từ xưa đến nay y học luôn coi trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phương châm đó đã được quán triệt và vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn xây dựng nền y nước nhà. Đi đôi với đầu tư xây dựng mạng lưới khám chữa bệnh, ngành Y tế luôn chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất để bảo đảm triển khai các giải pháp đồng bộ làm tốt công tác y tế dự phòng.
Ở Cao Bằng những năm qua nhờ chính sách đầu tư của nhà nước và từ nhiều nguồn hỗ trợ khác, công tác y tế dự phòng không ngừng mở rộng củng cố vững chắc và có những đóng góp tích cực chủ động trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Đến nay mạng lưới y tế dự phòng đã phát triển rộng khắp với chức năng nhiệm vụ này càng đa dạng với nhiều lĩnh vực hoạt động. Ở tuyến tỉnh hiện có 4 Trung tâm chuyên làm công tác dự phòng gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét ký sinh trùng côn trùng,Trung tâm phòng chống HIVAIDS, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội. Các huyện đều có Trung tâm Y tế huyện thực hiện chức năng y tế dự phòng. Ngoài ra các trung tâm chuyên ngành như: Trung tâm Nội tiết, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Phạm vi và đối tượng hoạt động cũng chủ yếu mang tính dự phòng với mục tiêu là xây dựng môi trường sống an toàn để nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh.

Một trong những kết quả nổi bật nhất và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt nhất của công tác y tế dự phòng trong nhiều năm qua là Cao Bằng đã ngăn chặn và đẩy lùi được một số bệnh dịch nguy hiểm đối với địa bàn một tỉnh miền núi như: Sốt rét, Thương hàn, Tiêu chảy, Ho gà... Nhìn lại năm 2016 thông qua các biện pháp y tế dự phòng Cao Bằng đã chủ động khoanh vùng ngăn chặn và dập tắt kịp thời nhiều bệnh dịch mới như: dịch bệnh Ebola, dịch Cúm A (H5N6, H7N9) ở người, dịch tiêu chảy cấp. Cụ thể như tháng 5 dịch vi rút đường ruột CoxsackieA6 xảy ra tại xã Quảng Lâm huyện Bảo Lâm đã được ngành Y tế chỉ đạo dập tắt kịp thời không để lây lan ra diện rộng. Đối với dịch viêm đường hô hấp cấp tính nghi mắc Ho gà trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, ngày 11/8/2016 từ khi nhận được thông báo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, tại xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm có bệnh nhân nghi mắc bệnh Ho gà, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện và điều trị bệnh nhân, xử lý kịp thời, không có trường hợp nào tử vong.

Bên cạnh việc thực hiện công tác phòng, chống dịch và bệnh dịch nguy hiểm, ngành Y tế còn thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia và các chương trình y tế khác. Các dự án phòng, chống bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, phòng chống bệnh Đái tháo đường, bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được triển khai đúng kế hoạch, tỷ lệ người có bệnh được tư vấn, điều trị ngày càng tăng. Các bệnh lây nhiễm như: Lao, Phong, Sốt rét, Sốt xuất huyết được kiểm soát, bệnh nhân được quản lý và điều trị tốt. Công tác tiêm chủng mở rộng được tổ chức thực hiện tại 100% xã, phường, đảm bảo chất lượng, không có tai biến xảy ra. Trong năm, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 95%, 96,3% trẻ từ 1 - 14 tuổi được tiêm vắc xin Sởi - Rubella với hệ số an toàn gần như tuyệt đối; 90% phụ nữ có thai được tiêm đủ liều vắc xin phòng chống uốn ván sơ sinh. Dự án chăm sóc sức khoẻ sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng đã thực hiện tư vấn về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ tại các cơ sở y tế, quản lý thai nghén, khám thai định kỳ và đỡ đẻ an toàn cho các bà mẹ; 78,3% phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế, 88% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau đẻ tại nhà, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 19,9% năm 2015 xuống còn 19,4% năm 2016. Đó là những kết quả quan trọng có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc trong công tác y tế dự phòng.

Tuy nhiên tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biêt khó khăn do môi trường sống còn thiếu vệ sinh, nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế, khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế chậm... nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Năm 2016 đã có hơn 18.300 người mắc bệnh Tiêu chảy, gần 9.000 người mắc bệnh Cúm, hơn 800 người mắc Quai bị v.v.. Thực tế đó đang đặt ra cho công tác y tế dự phòng cần phải tăng cường triển khai các biện pháp đồng bộ, tích cực phát hiện và ngăn chặn phòng ngừa có hiệu quả, tạo thế chủ động để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Hoạt động của Y tế Dự phòng bao trùm trên nhiều lĩnh vực, cần có sự tham gia thường xuyên của các cấp các ngành và toàn xã hội. Trong đó các Trung tâm Y tế cần chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho ngành, cho tỉnh triển khai các biên pháp cụ thể, thiết thực, bảo đảm chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men, vật tư, hoá chất, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc cơ sở bảo đảm phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác y tế dự phòng. Mỗi cán bộ nhân viên y tế cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác chuyên môn với công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ngay cả trong công tác khám chữa bệnh cũng bao hàm cả yếu tố dự phòng. Một căn bệnh hiểm nghèo (chẳng hạn như bệnh Lao) có thể chữa khỏi nếu đươc phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Năm 2016 toàn tỉnh có gần 202 ngàn lượt người được khám bệnh dự phòng, chiếm tỷ lệ 20%) trong đó đã khám phát hiện 312 bệnh nhân Lao các thể, tỷ lệ điều trị khỏi đạt trên 89%; khám sàng lọc tại cơ sở được 1.389 bệnh nhân Đái tháo đường; quản lý trên 4.800 bệnh nhân Tăng huyết áp; Trên 69.000 dân được bảo vệ bằng hoá chất phòng chống sốt rét. Khám bệnh dự phòng là một phương thức tốt để hạn chế bệnh tật phát sinh, phát triển dẫn đến hậu quả cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Với tư cách vừa là đối tượng vừa là chủ thể của chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mỗi người dân thuộc mọi thành phần đối tượng đều có thể tham gia thực hiện các biện pháp y tế dự phòng bằng cách tạo lập cho mình môi trường sống bảo đảm vệ sinh, thực hiện lối sống lành mạnh an toàn, có chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức khỏe và khả năng phòng chống bệnh tật. Một môi trường xã hội khỏe mạnh và mọi người cùng khỏe mạnh cũng có nghĩa là chúng ta đã góp phần làm tốt công tác y tế dự phòng, yếu tố cơ bản để phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang