Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn
Lượt xem: 4792
Bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn có ở nhiều nơi trên thế giới, ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của các cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành phố có trường hợp mắc bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn.
Sán dây, ấu trùng sán lợn là một loại ký sinh trùng trong cơ thể người, nguyên nhân mắc bệnh thì có liên quan đến tập quán ăn uống, canh tác. Bệnh được chia làm 2 loại đó là bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn. Một người được chẩn đoán là nhiễm bệnh sán dây hay là nhiễm bệnh ấu trùng sán lợn thì lại phụ thuộc vào giai đoạn phát triển tối đa của con sán trong cơ thể.

Bệnh sán dây là khi người bệnh ăn các loại thịt lợn, thịt bò tái hay là nem chua mà thịt đó lại có chứa các nang sán thì những nang sán đó khi vào bên trong cơ thể người sẽ thoát nang và ký sinh tại ruột non. Sau khoảng từ 8-10 tuần sẽ phát triển thành con sán trưởng thành và có khả năng gây bệnh. Một con sán dây trưởng thành có chiều dài khoảng từ 4 - 12m, mỗi đốt sán có cả cơ quan sinh dục đực và cái, có từ 20.000-50.000 trứng, nếu như người bệnh không được tẩy sán thì loài này có thể ký sinh trong cơ thể người khoảng từ 4 đến 8 năm, đặc biệt có nhiều trường hợp tồn tại lên đến 20 năm, thậm chí 70 năm.

Một người sẽ mắc Bệnh ấu trùng sán lợn là khi họ ăn phải trứng sán trong thức ăn, trong những loại rau sống hoặc rau thủy sinh. Thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng từ 9-10 tuần, sau khi ăn phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,…

Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không, cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: Đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và các xét nghiệm cận lâm sàng; bên cạnh đó là các yếu tố dịch tễ như thói quen ăn uống, xung quanh khu vực người bệnh sống có phát hiện trường hợp nhiễm sán.

Bệnh sán dây thường không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên các triệu chứng trên thường khá mờ nhạt và người bệnh chỉ phát hiện việc mình bị bệnh sán dây khi nhìn thấy đốt sán ra theo phân là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít. Ở người mắc bệnh ấu trùng sán lợn tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nang sán là những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân. Các bệnh giun sán nói chung, khi vào cơ thể đều chiếm thức ăn, dẫn đến kém hấp thu, làm chậm phát triển thể lực, gây rối loạn tiêu hoá.

Ấu trùng sán lợn gây nguy hiểm nhất là khi ký sinh ở não và vào tim, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và có thể để lại các biến chứng. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Trường hợp ký sinh tại mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Với bệnh sán dây thì có thể chẩn đoán dễ dàng dựa vào xét nghiệm phân. Đối với người nhiễm ấu trùng sán lợn phải tiến hành chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương.

Nếu mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn, người bệnh không nên quá lo lắng, vì bệnh được điều trị khỏi bằng các thuốc tẩy giun sán như là Praziquantel, Niclosamide hoặc Albendazole. Người nhiễm sán trưởng thành chỉ cần uống thuốc 1 ngày là khỏi. Tuy nhiên người nhiễm ấu trùng sán thì cần điều trị dài ngày hơn. Trong quá trình điều trị phải có sự theo dõi chặt chẽ, sát sao của thầy thuốc vì phản ứng của thuốc có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Do đó khuyến cáo mọi người không nên tự mua thuốc để điều trị ở nhà.

Phòng bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn cũng như phòng các loại bệnh giun truyền qua đất như giun đũa, giun tóc, giun móc mỏ thì người dân cần phải thực hiện tốt ăn chín, uống sôi. Nếu ăn các loại rau sống thì cần phải rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước chảy. Không ăn thịt trâu, bò chưa được nấu chín dưới bất kỳ hình thức nào. Không phóng uế bừa bãi, sử dụng hố xí tự hoại, không tưới rau bằng phân người chưa xử lý. Tẩy sán kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.

Nếu nghi ngờ mình và người thân có thể bị mắc sán dây, ấu trùng sán lợn, cũng như các bệnh như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim hãy đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang