Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bệnh lao kháng thuốc
Lượt xem: 3221
Bệnh lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao không bị tiêu diệt bởi các loại thuốc đặc trị. Điều này gây khó khăn và tốn kém hơn nhiều trong việc điều trị bệnh lao. Mắc lao thông thường đã nguy hiểm, mắc lao kháng thuốc thì mức độ nguy hiểm càng tăng lên nhiều lần. Bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị triệt để, bệnh nhân lao kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao, đồng thời trở thành “tác nhân” lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh, gây nên những hậu quả khôn lường về sức khỏe, kinh tế cho gia đình và xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và đứng thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao, bằng 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, đáng lo ngại là có gần 6% là lao siêu kháng thuốc.

Nguyên nhân gây lao kháng thuốc:

Một liệu trình điều trị lao kéo dài ít nhất là 6 tháng. Thuốc lao thường gây nhiều tác dụng phụ khó chịu. Điều này đã khiến nhiều bệnh nhân không tuân thủ đúng liệu trình.

Ngoài ra còn có một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc, thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng gì thì cho rằng đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ điều trị mà không biết rằng vi trùng lao sống rất “dai”, sau một thời gian “ẩn mình” và đột biến sẽ tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại, kháng lại các thuốc lao cũ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngay từ đầu do lây nhiễm lao từ một người đã bị lao kháng thuốc.

Những biểu hiện của lao kháng thuốc:

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân lao không giảm các triệu chứng như ho, khạc đờm, sốt sau một thời gian điều trị. Cũng có thể, các triệu chứng trên giảm đi rồi lại xuất hiện trở lại và có dấu hiệu tăng cao hơn so với trước đây.

Người bệnh vẫn có xét nghiệm dương tính sau khoảng 2 đến 3 tháng điều trị lao hoặc được kết luận là thất bại sau 5 tháng điều trị có nguy cơ lao kháng thuốc.

Sự nguy hiểm của lao kháng thuốc:

Bệnh lao kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm và triệt để và bệnh nhân có thể lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh gây ra những hậu quả khôn lường.

Điều trị lao kháng thuốc khó khăn hơn rất nhiều và thời gian, chi phí chữa trị cũng tăng hơn nhiều so với bệnh lao thông thường. Đặc biệt, bệnh lao kháng thuốc khó khỏi hơn nhiều so với bình thường và bệnh nhân có thể gặp những phản ứng tiêu cực cần xử lý kịp thời trong quá trình điều trị.

Phòng bệnh lao kháng thuốc:

Phòng bệnh lao kháng thuốc tốt nhất hiện nay là phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho người bệnh mắc lao mới tại cộng đồng để cắt nguồn lây nhiễm, tránh nguy cơ kháng thuốc; quản lý chặt chẽ người bệnh lao trong liệu trình điều trị, đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc theo đúng phác đồ, đúng nguyên tắc điều trị đó là:

- Phải dùng thuốc đúng liều quy định, nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, dùng liều cao dễ gây tai biến.

- Phải dùng thuốc đều đặn hàng ngày, các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu tối đa.

- Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì: giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 – 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.

Phát hiện sớm, điều trị tích cực là điều kiện cần và đủ để điều trị bệnh lao nói chung và lao kháng thuốc nói riêng. Bởi vậy, bên cạnh sự cố gắng của người bệnh và người nhà bệnh nhân, rất cần sự chia sẻ và tương trợ của cộng đồng, không kỳ thị người bệnh cũng như tăng cường các biện pháp phòng, phát hiện sớm bệnh.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang