Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Về sự ra đời của Trạm Vệ sinh phòng dịch Cao Bằng năm 1964
Lượt xem: 688
1. Công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch chống dịch ở Cao Bằng trước khi có Trạm Vệ sinh phòng dịch

Trước năm 1945, vấn đề vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân ở nông thôn và miền núi rất ít được quan tâm. Cảnh nghèo khó, thiếu ăn, thiếu vệ sinh, thiếu cơ sở y tế và thiếu nhân viên y tế đã gây ra hàng loạt bệnh tật mang tính chất dịch với nhiều người mắc. Các bệnh sốt rét, thương hàn, kiết lỵ, thổ tả, đậu mùa hầu như năm nào cũng phát thành dịch làm chết nhiều người. “Tổ chức y tế thời thuộc Pháp rất nhỏ yếu, với đại đa số nhân dân có thể nói là không có tổ chức y tế đảm bảo. Chỉ tại một số thành phố lớn và tỉnh lỵ mới có một số cơ sở y tế và thực hành một số biện pháp vệ sinh nhằm phục vụ bọn cai trị người Pháp và số ít người giàu có” (Lịch sử Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam – Bộ Quốc phòng xuất bản 1991).

Nói về vấn đề vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch cho nhân dân ở Cao Bằng trước năm 1945, Báo cáo số 01 KH ngày 19/01/1960 của Ty Y tế Cao Bằng cho biết: “Dưới hồi Pháp thuộc, tỉnh ta có 01 bệnh viện, phòng khám bệnh tỉnh gồm có 01 y sĩ và 15 y tá dưới quyền kiểm soát của viên quan Ba Đốc – tơ. Ngoài ra còn có trạm phát thuốc hộ sinh ở các huyện lẻ trong tỉnh, trạm có 01 y tá và 01 bà mụ. Tính chất mở bệnh viện và trạm phát thuốc mục đích chỉ là ban ơn cho một số ít đồng bào ở Thị xã và thị trấn nhưng đi sâu vào thực tế tổ chức của họ chỉ là phục vụ quan lại, viên chức và binh lính. Về mặt phòng bệnh tuy có tổ chức nhưng không đi sâu vào nông thôn nên đa số nhân dân lao động bị ốm đau, không được đến bệnh viện để chạy chữa. Về khoa học thường thức không biết gì là về phòng bệnh. Do ăn ở thiếu vệ sinh nên bệnh tật phát sinh nhiều, hàng năm các bệnh sốt rét cơn, ỉa chảy, kiết lỵ rất phổ biến, nhân dân ta mắc bệnh chỉ biết mời thầy cúng ma hoặc bói” và “dưới những hình thức tổ chức có tính chất nhà thương, vài trạm phát thuốc ra, ở nông thôn không còn một tổ chức bảo vệ sức khỏe nào để phục vụ cho nhân dân lao động”

Cách mạnh Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nền y tế Việt Nam – y tế cách mạng được thành lập để phục vụ nhân dân. Bắt đầu từ khi này, việc phòng chống các dịch bệnh đang phát sinh, thực hành vệ sinh, thực hiện đời sống mới đã được chính quyền cách mạng hết sức qua tâm chú trọng. Đây cũng là mốc đánh dấu sự ra đời của ngành y tế Cao Bằng mà ban đầu chỉ có một vài y tá, y công người Việt Nam từng làm việc cho nhà thương, bệnh xá của Pháp được giác ngộ cách mạng, được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh vận động, thuyết phục quay trở lại làm việc phục vụ cách mạng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như y tá Hoàng Quế Xuân, y tá Lâm Ngọc Roanh, y tá Nguyễn Trương, y tá Nguyễn Đức Roanh, hộ sinh Nguyễn Minh Đức...(ông Lâm Ngọc Roanh sau này là Phó Trưởng ty Y tế Cao Bằng rồi sau đó là Bí thư Thị ủy Thị xã Cao Bằng nhiệm kỳ 1962 – 1963, ông Hoàng Quế Xuân sau này là Bệnh viện phó, rồi Bệnh viện trưởng Bệnh viện tỉnh Cao Bằng). Đến tháng 12/1945, Bộ Y tế đã cử Bác sĩ Nguyễn Duy Ngọ lên Cao Bằng để xây dựng ngành y tế Cao Bằng.

Mặc dù chúng ta đã hết sức nhân nhượng nhưng thực dân Pháp ngày càng lấn tới, “vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Nhưng chúng ta “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Đêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Cùng với việc ưu tiên tập trung cho cứu chữa, điều trị, chăm sóc thương binh, bệnh binh và nhân dân, lúc này công tác vệ sinh phòng bệnh cũng được hết sức quan tâm chú trọng. Trong Tờ trình ngày 02/11/1949 do Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí ký đề nghị Hồ Chủ Tịch thành lập Nha Y tế thôn quê trên Việt Nam Dân quốc công báo số 12 – ngày 15/01/1950 (trang 7) cho biết: “Sau ngày thành lập Chính quyền, Bộ Y tế có chủ trương xây dựng một nền y tế nhân dân lấy cấp xã làm đơn vị để phổ biến ý học trong dân chúng, Một chương trình hoạt động đã được Hội đồng Chính phủ thông qua, nhưng mới bắt đầu thì xảy ra chiến tranh.

Cuộc kháng chiến đã đề ra cho Bộ Y tế những nhiệm vụ cấp bách. Tuynhiên, song song với công việc y tế kháng chiến, những mốc chính đặt nền tảng cho một nền y tế nhân dân đã được Bộ Y tế lần lượt thực hiện.

Trong năm 1948, Bộ Y tế đã mở ở tại nhiều nơi:
- Những lớp đào tạo nữ hộ sinh thôn quê để bảo vệ sản phụ hài nhi và chống nạn yểu vong ở các xã.
- Những lớp đào tạo cán bộ vệ sinh để truyền bá trong dân chúng một ý thức cách ăn ở hợp vệ sinh, cách ngăn bệnh và phòng bệnh”.

Sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, giai đoạn Tổng phản công; tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới với nhiệm vụ tiêu diệt một số bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Cao Bằng đến Thất Khê, củng cố và mở rộng khu căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 19/9/1950, quân ta tiến đánh đồn Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chiến dịch Biên giới toàn thắng. Ngày 14/10/1950, Hồ Chủ Tịch đã gửi thư khen ngợi đồng bào Cao – Bắc – Lạng nhân dịp chiến thắng trên chiến trường Biên giới, thư Bác viết: “Chúng ta đã thắng to trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng. Có cuộc thắng lợi đó là vì đồng bào ba tỉnh ta rất hăng hái tham gia kháng chiến. Vì bộ đội ta rất dũng cảm. Vì Chính phủ ta rất kiên quyết. Vì quân, dân, chính của ta đoàn kết chặt chẽ”.

Thắng lợi Chiến dịch Biên giới 1950, tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng, từ đây, cùng với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi vào xây dựng cuộc sống mới, ổn định đời sống, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến toàn quốc đi đến thắng lợi, ngành y tế Cao Bằng có điều kiện củng cố, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có công tác vệ sinh phòng bệnh và phòng dịch, chống dịch.

Theo Báo cáo y tế Cao Bằng năm 1952, khi này y tế Cao Bằng có 26 người (năm 1951 có 31 người); tổ chức bộ máy y tế ở tuyến tỉnh có: Văn phòng Ty Y tế, 01 bệnh viện, 01 phòng khám và phát thuốc, 01 kho thuốc, 01 nhà hộ sinh; còn ở tuyến huyện có 10 phòng cấp cứu huyện và 09 nhà hộ sinh huyện (riêng huyện Bảo Lạc đến năm 1953 mới thiết lập được bộ máy y tế); mặc dù chưa có bộ phận chuyên trách về công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch nhưng trong năm 1952 y tế Cao Bằng đã hết sức quan tâm tới vấn đề này, cho nên đã chủng đậu được 64.997 người, tổ chức nói chuyện về phòng bệnh và vệ sinh thường thức ở đô thị (Thị xã, thị trấn) và thôn quê được 71 lần cho 5.000 người; in 5.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng bệnh dịch tả, cách bảo vệ cho sản phụ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Về đào tạo: đã huấn luyện cho 5 y tá hộ sinh, 01 cán bộ y tế cơ quan, 01 cán bộ y tế xã, 35 chiến sĩ vệ sinh viện viên, 02 cán bộ hộ sinh xã, 23 học sinh lớp 7 về phòng dịch và phòng bệnh, vệ sinh thường thức. Nhân dịp có các giáo viên trong Tỉnh về dự các lớp tu nghiệp và bổ túc văn hóa, Ty Y tế đã cử người đến phổ biến tài liệu về phòng dịch, phòng bệnh và vệ sinh thường thức để các giáo viên về tuyên truyền và phổ biến cho học sinh và nhân dân ở địa phương; huấn luyện một số cán bộ xã thuộc các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hạ Lang và Thị xã về phương pháp chủng đậu và vệ sinh thường thức ở thôn quê.

Năm 1955, tại Cao Bằng đã xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm, làm nhiều người mắc và bị chết (qua các tài liệu lưu trữ hiện có thì năm 1955 nhiều dịch bệnh xảy ra ở Cao Bằng và gây tỷ lệ tử vong cao nhất). Báo cáo công tác phòng bệnh, chống bệnh năm 1955 của y tế Cao Bằng cho biết: “Trong năm đã có những bệnh phát sinh như: bệnh sốt rét sốt nóng, ho sưng phổi, ho gà, kiết lỵ, ỉa chảy, phù, sởi, thủy đậu, quai bị. Những bệnh này là những bệnh thường thấy trong nông thôn ở địa phương nào cũng có, nhiều nhất là ở ba huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hà Quảng. Trong những bệnh nói trên bệnh gây thiệt hại đến tính mạng của nhân dân nhiều nhất là bệnh ho sưng phổi và sốt rét, sốt nóng”, “Theo con số thống kê chưa đầy đủ bệnh ho sưng phổi cùng bệnh sốt rét sốt nóng đã làm chết 2.005 người trong ba tháng đầu năm. Các xã bị mắc và chết nhiều là Lương Thông, Đa Thông (Hà Quảng), Hồng Trị, Huy Giáp (Bảo Lạc), Thái Học, Yên Lạc (Nguyên Bình), Chu Trinh, Trưng Vương (Hòa An), Canh Tân, Minh Khai (Thạch An). Xã chết nhiều nhất là Lương Thông có 147 người chết. Trung bình các xã chết nhiều có từ 50-80 người chết bệnh. Trong những tháng giữa năm bệnh ho sưng phổi còn dai dẳng phát sinh lẻ tẻ ở một vài nơi. Đến những tháng cuối năm và hiện nay bệnh ho sưng phổi lại phát sinh lại nhưng không trầm trọng như đầu năm. Bệnh lại tái phát lại ở những xã trước đây đã gây thiệt hại. Ngoài ra còn có ở một số xã khác nhưng Xuân Hòa, Sóc Hà, (Hà Quảng), Dân Chủ, Bạch Đằng (Hòa An), Cao Chương, Lưu Ngọc (Trấn Biên – sau này đổi tên là Trà Lĩnh), Thái Học, Yên Thổ (Bảo Lạc). Từ tháng 4/1955 trở về đây bệnh ho xưng phổi đã làm 755 người mắc, chết 57 người, riêng trong tháng 12 đã chết 32 nguời và có thể còn nhiều hơn nữa vì các nơi chưa nắm vững và phản ánh kịp thời”; “Bệnh ho gà phát sinh thành dịch ở huyện Trùng Khánh vào tháng 4 và tháng 5 năm 1955 trong 4 xã Đoài Dương, Đình Minh, Khâm Thành, Lăng Hiếu có nhiều xóm tất cả các trẻ em từ 12 tuổi trở xuống đến 5 tháng đều bị mắc”, “Các huyện khác cũng có ho gà như: Bảo Lạc, Hà Quảng, Phục Hòa, Quảng Uyên, Hạ Lang, Trấn Biên. Tổng số các em mắc ho gà 2.550 trẻ chết 57, riêng Trùng Khánh đã có 2.132 em mắc và chết 26”; “Bệnh sởi phát sinh thành dịch ở Bảo Lạc vào tháng 7 và tháng 8 năm 1955 ở ngay Thị trấn và 3 xã Khánh Xuân, Thái Học, Yên Thổ”, “các huyện khác cũng có bệnh sởi như phát sinh lẻ tẻ như Trùng Khánh, Phục Hòa, Quảng Uyên, Thạch An, Hòa An và đến nay bệnh sởi vẫn còn dai dẳng. Tổng số mắc 619 người riêng Bảo Lạc đã có 451 người mắc và chết 6 người”; “Bệnh ỉa chảy và kiết lỵ, phù là những bệnh về mùa hè phát sinh từ sau hè đầu tháng 3 cho đến tháng 8 năm 1955 và hiện nay vẫn còn dai dẳng, bệnh có lẻ tẻ ở trong tất cả 10 huyện nhưng nhiều nhất ở những xã trọng điểm như: Lương Thông, Đa Thông, Đào Ngạn (Hà Quảng); Huy Giáp, Khánh Xuân (Bảo Lạc); Trưng Vương, Chu Trinh (Hòa An) và một số xã thuộc các huyện Trùng Khánh và Phục Hòa”, về ỉa chảy có 2.628 người mắc và chết 18 người, kiết lỵ có 1694 người mắc và chết 22 người; phù có 345 người mắc và chết 9 người.

Theo Báo cáo công tác phòng bệnh, chống bệnh năm 1955 của y tế Cao Bằng, việc phát sinh các dịch bệnh trong năm 1955 ở Cao Bằng một phần là do khi này bị thiếu ăn, thiếu mặc và bị thiên tai: “thời tiết giá lạnh nhiều, hạn hán, sâu bọ, bão lụt, mưa nhiều nên làm nước sông lên to, nhân dân bị cực khổ thấp kém, ảnh hưởng đến sức khỏe mà dễ sinh bệnh”; “một phần do ý thức vệ sinh phòng bệnh chưa có trong đời sống ăn uống, ở hàng ngày. Trong nhân dân còn nhiều hủ tục, mê tín, vệ sinh nên dễ mắc bệnh và lây bệnh”. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng thẳng thắn nêu nguyên nhân trách nhiệm: “Nhưng phần lớn quyết định là do thiếu sót về lãnh đạo công tác y tế nông thôn của các cấp chưa quan tâm đến đời sống của nhân dân, chưa có quan niệm rõ ràng làm cách mạng là phòng bệnh cho nhân dân tức là làm cải cách nông thôn, điều này chúng ta đã để bệnh phát sinh dầy đặc và không chấm rứt được bệnh”.

Để chống các dịch bệnh phát sinh trong năm 1955, Báo cáo công tác phòng bệnh, chống bệnh năm 1955 của y tế Cao Bằng cho biết: “Tỉnh đã thành lập tháng 3/1955 một đoàn y tế lưu động xuống Nguyên Bình điều tra tình hình bệnh chữa và phòng bệnh cho nhân dân ở xã Thái Học và Yên Lạc, sau thấy phát hiện bệnh nhiều Tỉnh đã thành lập thêm 2 đoàn xuống Bảo Lạc và Hà Quảng lưu động xuống các xã Huy Giap, Hồng Trị, Khánh Xuân, Lý Bôn, Vĩnh Quang ở Bảo Lạc; Lương Thông, Đa Thông, Kéo Yên, Sóc Hà ở Hà Quảng”, đồng thời “Tỉnh đã thành lập các đoàn cứu đói cáp phát vải, gạo kết hợp với cứu bệnh” và “Ty Y tế cũng mở một lớp y tá hộ sinh 70 người được phân phối đi tăng cường cho ba đoàn và thành lập thêm bảy đoàn đi xuống bảy huyện để thực hiện kế hoạch mùa hè tiêm phòng bệnh cho nhân dân. Tập trung cán bộ, phương tiện, thuốc men đến cao độ đã giải quyết kịp thời toàn diện trong tỉnh, những bệnh giải rác trong đông xuân và những bệnh do đói gây nên”; “Vào tháng 7 năm 1955 sau khi sơ kết phòng bệnh, chống dịch, nhận thấy tình hình bệnh còn rải rác, nguyên nhân vì chưa gây được một phong trào sâu rộng trong nông thôn để củng cố và duy trì phong trào; tỉnh đã trưng dụng 36 y tá xã bổ xung cho Phòng y tế, thành lập các tổ lưu động thường xuyên xuống nông thôn tiếp tục kế hoạch mùa hạ và thực hiện kế hoạch thu đông cho đến cuối năm. Để đảm bảo chất lượng cho các tổ lưu động, Ty đã bồi dưỡng thêm về chuyên môn và phương pháp vận động quần chúng cho cán bộ và biến một số thành các đội chủ lực đưa xuống những xã trọng điểm để hoạt động”. Báo cáo cũng nêu, công tác chống dịch đã được Tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện rất sát sao, cụ thể:

“1.Ra chỉ thị thành lập những ban phòng bệnh xã, tổ phòng bệnh xóm, quy định quyền hạn nhiệm vụ cho các ban thường xuyên nắm vững tình hình bệnh tật trong xã, phản ánh lên huyện 10 ngày một lần vận động nhân dân thực hiện phòng bệnh gây tủ thuốc và chữa bệnh tật cho nhân dân ở xã.

2. Đào tạo y tế như: cứu thương 2 tháng cho những xã chưa có cán bộ chú trọng đến các thành phần thiểu số, chiến sĩ vệ sinh 15 người cho những xã có trọng tâm bệnh và chiến sĩ vệ sinh 5 ngày cho các xóm. Ty y tế đã mở được một lớp cứu thương 41 người và cùng với huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hà Quảng đào tạo được 5 lớp có 61 người chiến sĩ vệ sinh 15 ngày. Các phòng y tế, các tổ lưu động, các đội chống bệnh của Tỉnh đã tranh thủ khi đi chữa bệnh chủng đậu, làm xã thí điểm đào tạo được 542 chiến sĩ vệ sinh (5 ngày).

3. Thành lập các tủ thuốc xóm, xã để kịp thời chữa bệnh và gây ý thức cho nhân dân tin tưởng vào việc dùng thuốc chữa bệnh, bớt mê tín cúng bái. Toàn tỉnh đã thành lập được 32 tủ thuốc, có từ trị giá đến 60.000 đồng như xã Tam Kim (Nguyên Bình) trên 50.000 đồng như xã Bế triều (Hòa An). Đã thành lập tủ thuốc các nơi đã dùng hình thức góp tiền hay lao động tập thể lấy tiền gây quỹ.
4. Điều tra phát hiện tình hình bệnh. Các nơi đã tuyên truyền học tập về các bệnh như: ho sưng phổi, ho gà, sốt nóng, sốt rét, kiết lỵ ỉa chảy để nhân dân tự biết bệnh khai báo và biết phương pháp phòng bệnh thông thường. Ty đã điều tra điển hình ở các xã: Trưng vương (Hòa An); Huy Giáp (Bảo Lạc); Thái Học (Nguyên Bình); Thượng Thôn (Hà quảng). Kết quả đã đi sâu tìm hiểu tình hình bệnh tật nông thôn để biết rõ ràng hơn và để có các kế hoạch phòng và chống cho sát.

5. Tổ chức thực hiện vệ sinh: Ty lấy việc tuyên truyền là chính, soạn tài liệu phòng bệnh mùa hè đã in được 2.000 bản, tài liệu phòng chống bệnh mùa đông 300 bản và tài liệu huấn luyện cứu thương 300 bản. Các nơi đã tổ chức các buổi học tập ở khu phố, xóm, làng, cán bộ có hướng dẫn kiểm điểm và liên hệ. Sau khi học tập. Kết quả nhân dân đã thấy rõ sự ích lợi của vệ sinh phòng bệnh, thấy Đảng, Chính phủ săn sóc đến đời sống của mình, càng thêm phần tin tưởng, nhiều gia đình đã có thực hiện, nhiều xóm có khế ước, kiểm điểm chung kết hợp với sản xuất, những điểm chính đã thực hiện là: uống nước chín, đào hố xí, hố rác, sử dụng phân bón, chống lạnh. Đã có những xã như: Nam Ty (Nguyên Bình), Lăng Hiếu (Trùng Khánh), Hồng Trị (Bảo Lạc) được nêu điển hình trong phong trào”.

Mặc dù trong năm 1955 ở Cao Bằng xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, có nhiều người mắc và lúc đầu có tỷ lệ tử vong cao như do triển khai các giải pháp, biện pháp quyết liệt, cụ thể nên công tác chống dịch đã có nhiều chuyển biến và đã thu được kết quả: “Đối với việc phòng bệnh nhân dân nhiều nơi tự động kiểm soát nhắc nhở nhau, trên đồng bào Mán các phụ nữ đã thấy mang yếm che ngực, nhà đã làm cửa che gió, giông đã lót ổ nằm, người đi làm đồng, trẻ em đi chăn trâu đã mang theo nước chín uống, nhiều gia đình đã có hố xí, biết sử dụng phân bón”, “Thống kê đã nắm được nhưng chưa đầy đủ: trong việc thực hiện vệ sinh phòng bệnh ở các địa phương đặc biệt có xóm Pác Đa, xã Độc lập (Quảng Uyên), Trưởng xóm đã phối hợp với các giáo viên nhà trường phát động tuần vận động thực hiện vệ sinh phòng bệnh và lấy tổ thanh niên xóm làm khâu thúc đẩy phong trào”.

Từ diễn biến tình hình dịch bệnh trong năm 1955 và kết quả chống dịch đạt được, Báo cáo công tác phòng bệnh, chống bệnh năm 1955 của y tế Cao Bằng đã kết luận: “Công tác phòng bệnh, chống dịch trong năm vừa qua Tỉnh ta cũng còn nhiều sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng nhưng cũng đã sửa chữa được và đạt được một số thành tích. Trước tình hình bệnh tật nhân dân hiện nay còn phát sinh giai giẳng, nhiệm vụ của chúng ta phải tăng cường lãnh đạo công tác y tế hơn nữa để kịp thời bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, thực hiện kế hoạch sản xuất năm 1956 và để thành lập khu tự trị giàu mạnh”.
Qua Báo cáo công tác y tế năm 1952 và Báo cáo công tác phòng bệnh, chống bệnh năm 1955 của y tế Cao Bằng cho thấy mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh đã được ngành y tế Cao Bằng quan tâm chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, chống dịch còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong năm 1955 ở Cao Bằng đã xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm, làm chết khá nhiều người. Từ thực thế chống dịch bệnh năm 1955 trong Tỉnh cho thấy cần phải thành lập ban phòng bệnh ở xã, tổ phòng bệnh ở xóm để thông tin, phản ánh tình hình dịch bệnh cho huyện và đôn đốc, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh, phòng bệnh ở xóm, ở xã. Đối với ngành y tế cần tổ chức đội chống dịch lưu động ở Tỉnh và tổ chống dịch lưu động ở huyện đế kịp thời sẵn sàng triển khai dập dịch khi có dịch xảy ra.

Trong năm 1956, Ty Y tế Cao Bằng đã có 01 Đội y tế lưu động gồm 02 y sĩ và 06 y tá; đối với Văn phòng Ty Y tế (khi này Ty Y tế chưa có các phòng chuyên môn) có 12 người (kể cả lãnh đạo Ty) thì đã có 04 người làm công tác theo dõi phòng bệnh (Báo cáo công tác tổ chức tháng 10/1956 ngày 12/11/1956 của Ty Y tế). Từ năm 1957, ngoài Đội chống sốt rét, Ty Y tế Cao Bằng đã có 02 đội phòng bệnh phòng dịch (Báo cáo số 56/KNVX ngày 13/3/1961 của Ủy ban Kế hoạch tỉnh Cao Bằng tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch năm 1960 và 3 năm về phát triển sự nghiệp y tế).

Theo Báo cáo số 15-BC-FB.YT ngày 28/01/1958, nhiệm vụ công tác y tế trong năm 1957 được Ty Y tế Cao Bằng xác định như sau: “Để thực hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 1957, nhiệm vụ của ngành y tế là phải đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công nhân và nhân dân, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ ngành đã lấy phương châm phòng bệnh là chính, lấy công tác điều trị đẩy mạnh phòng bệnh, dựa vào phương châm đó đề ra nội dung:
- Thực hiện vệ sinh phòng bệnh nhằm giải quyết 3 sạch.
- Chống các bệnh dịch, không cho bệnh lan tràn, giảm tỷ lệ ốm đau tử vong.
- Xây dựng củng cố cơ sở”.

Năm 1957, Cao Bằng không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra “Bệnh tuy không nguy hại nhưng lẻ tẻ và rải rác, đáng kể nhất dịch sởi ở huyện Hà Quảng, có tới 400 người mắc dịch cúm. Hầu hết các thị trấn, công trường, xí nghiệp, bệnh phát sinh từ tháng năm cho đến tháng 11. Bệnh kiết lỵ ở Hưng Đạo, Hoàng Tung (Hòa An) và giải rác ở các nơi khác”.

Trong năm 1958, y tế Cao Bằng đã củng cố được 99 ban phòng bệnh ở xã và 630 tổ phòng bệnh xóm, thành lập mới được 5 ban phòng bệnh và 22 tổ phòng bệnh; sự tiến bộ về phòng bệnh trong năm 1958 là: “phong trào uống nước sôi đã bắt đầu lên, các tổ đổi công và một số xóm đã biết mang theo nước sôi khi đi làm việc tập thể, các trẻ em chăn trâu cũng đã có ý thức mang theo nước sôi đựng vào ống tre”, “riêng ở Thị xã, thị trấn căn bản về phân rác đã được giải quyết tương đối tốt, tình trạng rác ứ đọng lâu ngày không còn nữa. Nhân dân và cán bộ các cơ quan đã phát động những ngày tổng vệ sinh”, “Đội chống dịch trong năm đã tiến hành những công tác chính như xây dựng những xã thí điểm uống sôi, điều tra hữu sinh vô dưỡng, củng cố cơ sở, chống dịch, tiêm phòng và phát hiện lao. Kết quả đội đã xây dựng xong xã thí điểm vận động uống sôi ở Bế Triều, Hòa An và làm xong công tác điều tra tình hình bệnh tât, nhu cầu thuốc men và hữu sinh vô dưỡng ở xã Đa Thông (Hà Quảng), Nam Tuấn (Hòa An)” (Báo cáo số 13/BC/FB ngày 06/01/1959 của Ty Y tế Cao Bằng).

Tình hình dịch bệnh năm 1959 ở Cao Bằng như sau: “Đầu năm có vụ dịch cúm là to nhất, hầu hết đồng bào, cán bộ, công nhân trong khu Mỏ thiếc trong Tĩnh Túc có hơn 2.000 người mắc, ngoài ra ở các công trường cầu đường, các huyện trong Tỉnh nơi có đường giao thông đi lại đều mắc cúm. Tổng só mắc là 9.932, chết vì bị chứng sưng phổi 29 người. Khi phát hiện được dịch cúm, Ty đã truy đến tận nơi điều tra, bố trí lực lượng cán bộ, huy động đoàn cán bộ y tế trong lực lượng nghĩa vụ quân sự, các y tá, hộ sinh làm công tác chống dịch, bao vây kịp thời nên tỷ lệ tử vong cũng rất ít so với người mắc. Các vụ dịch lẻ ở địa phương khác đều quản lý được. Trong tháng 7 và 8/1959 có cúm tái phát ở Thị xã và một số cơ quan chung quanh Tỉnh, đã làm công tác dự phòng được tốt nên chỉ có 106 người mắc. Trong tháng 10/1959 ở xã Ngọc Khê huyện Trùng Khánh báo tin có dịch sởi, Ty đã đến tận nơi điều tra và bố trí đội lưu động phòng dịch vào điều tra phát hiện, điều trị tại chỗ, có tới 734 trẻ em mắc và chết 7 vì biến chứng sưng phổi. Nhờ sự tích cực của Phòng y tế huyện, Đội lưu động và các cơ sở chống dịch ở địa phương làm được tốt nên dịch sởi không lan tràn sang xã xung quanh, hiện nay dịch đã chấm dứt”; “Các vụ dịch tuy đã có kế hoạch ngăn chặn nhưng vì tổ chức cơ sở còn quá yếu nên khi phát hiện được thì dịch đã lan rộng, có tử vong, thời gian diễn biến quá lâu, Ty phải đối phó tương đối vất vả” (Báo cáo số 207/BC-FB ngày 30/12/1959 của Ty Y tế Cao Bằng).

Sang năm 1960, công tác chống dịch ở Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả so với các năm trước: “Đối với mọi trường hợp dịch xảy ra đều được các đội chống dịch xuống phòng và chữa cho nhân dân, nên trong công tác phòng chống dịch đã không để cho dịch phát triển và chữa kịp thời nên số tử vong so với năm 1955, cúm năm 1957- 58 và 1959; vụ dịch ho gà năm 1959 số mắc trên 900 người nhưng chỉ xẩy ra 5 trường hợp tử vong” (Báo cáo số 01 KH ngày 19/01/1960 của Ty Y tế).

“Năm 1960 chúng ta có dịch ho gà lan rộng hầu hết các huyện trong tỉnh, rải rác ở một vài nơi trong tỉnh có dịch bạch hầu xảy ra, dịch sởi cũng có lác đác ở một vài huyện. Chúng ta đã kịp thời tập trung lực lượng làm công tác chống dịch tốt, tỷ lệ chết không đáng kể. Trong công tác chống dịch anh chị em cán bộ cũng đã khẩn trương đi khắp thôn xóm để điều trị và phát hiện dịch thời. Đặc biệt các đội chống dịch đã không ngại khó khăn vất vả đi khắp các thôn xóm réo cao để điều trị các em bị dịch. Ngoài ra còn làm nhiệm vụ xây dựng củng cố cơ sở xã để đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh ở những nơi đội công tác”, “Trong năm 1960 chúng ta đã tiến hành chủng đậu toàn dân, nhiều nơi đã đạt được kết quả rất tốt như ở Thị xã đã chủng đậu được 90% nhân dân, Phục Hòa 85%, Trà Lĩnh đạt 85% dân số” (Báo cáo tổng kết công tác y tế 3 năm của Ty Y tế Cao Bằng ngày 25/3/1961).

Đánh giá công tác vệ sinh phòng bệnh từ năm 1958 – 1960, Báo cáo tổng kết công tác y tế 3 năm của Ty Y tế Cao Bằng ngày 25/3/1961 đã nêu: “Trong 3 năm qua công tác vệ sinh phòng bệnh trong tỉnh đã có nhiều tiến bộ rõ rệt”, về tuyên truyền: “Năm 1958 có 15.433 người nghe nói chuyện về phòng dịch và bảo vệ sản phụ hài nhi. Năm 1960 chúng ta đã nói chuyện được cho 23.627 người ở khắp nông thôn, thành thị”; “Năm 1958 có 277 gia đình rời chuồng gia súc xa nhà, năm 1960 có 2.351 gia đình rời chuồng gia súc”; “Đi đôi với tuyên truyền vận động nhân dân làm hố xí, rời chuồng gia súc xa nhà, công tác vận động nhân dân thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống sạch, diệt ruồi muỗi, cháy rận, rệp cũng đã được chú ý. Trong năm 1960 nhiều nơi đã làm được tốt công tác này như ở Trà Lĩnh, Phục Hòa, Hòa An, Nguyên Bình”.

Ngày 19/01/1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng; sáng 21/2/2961, Bác đã dành thời gian đến thăm Bệnh viện tỉnh rồi sau đó mới rồi mới ra sân vận động Thị xã Cao Bằng để nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng; trong bài nói chuyện tại sân vận động, về y tế, Bác đã nhắc nhở: “Nhiều xã có trạm chữa bệnh. Như thế là khá. Cần phải tuyên truyền rộng khắp phòng trào thể dục và vệ sinh phòng bệnh, làm cho mọi người biết ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch” (Báo nhân dân, số 2531, ngày 23/02/1961).

Sự kiện Bác về thăm Cao Bằng, thăm Bệnh viện tỉnh và có những căn dạy về công tác y tế đối với tỉnh Cao Bằng trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng tại sân vận động sáng ngày 21/01/1961 là nguồn cổ vũ, động viên lớn để cán bộ, nhân viên ngành y tế tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong Báo cáo tổng kết công tác 3 năm của Ty Y tế Cao Bằng ngày 25/3/1961 có ghi: ‘Với sự quan tâm của Đảng, của Bác trong dịp lên thăm Tỉnh ta, với sự chú ý của Chính phủ, của Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh chắc chắn chúng ta sẽ thu được nhiều thắng lợi hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Tỉnh ta, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Năm 1962, công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch ở Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến, không còn xảy ra các vụ dịch lớn có nhiều người mắc và có tỷ lện tử vong cao như năm 1955, các vụ dịch xuất hiện trong năm đã được xử lý kịp thời: “Trong năm so với năm 1961 được tổ chức chặt chẽ khẩn trương hơn nên trong năm những bệnh truyền nhiễm có phát sinh như sởi, ho gà, kiết lỵ, ỉa chảy, cúm, quai bị ở các huyện Trà Lĩnh, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Uyên, Phục Hòa đã khống chế kịp thời, không phát thành dịch lớn là nhờ có mạng lưới vệ sinh phòng dịch bệnh tổ chức chặt chẽ, phát hiện sớm, bao vây dập tắt kịp thời, tỷ vong các bệnh trên chiếm tỷ lệ rất thấp” (Báo cáo số 151/YT.PB ngày 27/10/1962 của Ty Y tế Cao Bằng).

II. Sự ra đời của Trạm vệ sinh phòng dịch Cao Bằng

Bước vào năm 1963, công tác y tế, đặc biệt là công tác vệ sinh phòng bệnh và phòng dịch trên miền Bắc đã đạt được những kết quả quan trọng, trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa II, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày này 29/4/1963 khẳng định: “Công tác y tế đã khắc phục nhiều khó khăn, đẩy lùi được những bệnh xã hội mà chế độ cũ không giải quyết được, như bệnh tả, bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, bệnh sốt rét, bệnh lao, bệnh hủi… Công tác y tế đã có nhiều thành tích trong việc phát động và tổ chức phong trào vệ sinh ở nông thôn, giữ gìn sức khoẻ cho công nhân và cán bộ, bảo vệ các bà mẹ và trẻ em, phát triển màng lưới y tế” (Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập II, 1960 – 1964, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2007).

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác y tế, trong Báo cáo phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965) do Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Nguyễn Duy Trinh trình bày ngày 29/4/1963 tại tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II đã nêu: “phải lấy việc phòng bệnh làm chính. Chú trọng kết hợp chặt chẽ đông y và tây y trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và sản xuất thuốc. Tích cực dựa vào dân làm công tác phòng các bệnh dịch, bệnh nghề nghiệp và các bệnh xã hội. Ra sức tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn nhân dân ăn, ở, lao động, giải trí theo nếp sống mới, hợp vệ sinh. Xây dựng trạm vệ sinh phòng dịch ở các khu, tỉnh, thành và một số huyện lớn. Xúc tiến mạnh công tác tiêu diệt bệnh sốt rét; tăng cường các phòng chống lao, mắt hột, da liễu ở các địa phương; phát triển công tác tiêm phòng và chống dịch. Tăng cường vệ sinh thực phẩm và vệ sinh trong việc ăn uống. Chú trọng hơn nữa việc bảo vệ sức khỏe và việc cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở, nghỉ ngơi của công nhân, nhất là ở hầm mỏ, ở vùng rừng núi và ở các cơ sở có chất độc. Tăng cường công tác y tế ở miền núi, chú ý các vùng kinh tế mới” (Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập II, 1960 – 1964, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2007).

Xác định tầm quan trọng của công tác phòng bệnh và thực hiện được nhiệm vụ phòng bệnh, Chính phủ đã đặt ra phải: “Xây dựng trạm vệ sinh phòng dịch ở các khu, tỉnh, thành” và trong năm 1964 phải xây dựng và củng cố cho xong trạm vệ sinh phòng dịch ở tỉnh: “Trong công tác y tế, vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, vẫn phải nắm vững phương châm phòng bệnh là chính. Đẩy mạnh công tác thể dục vệ sinh, công tác phòng dịch đi sát cơ sở sản xuất. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, cần ra sức củng cố và xây dựng các trạm y tế hộ sinh ở xã, ở nơi đồng bào khai hoang, ở miền núi; xây dựng và củng cố cho xong các trạm vệ sinh - phòng dịch ở tỉnh” (Báo cáo của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch Nhà nước năm 1964 do Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Nguyễn Duy Trinh trình bày ngày 30/3/1964 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa II – Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập II, 1960 – 1964, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2007).

Thực hiện nhiệm vụ kế hoạch y tế về vệ sinh phòng dịch, chống dịch năm 1963 đã được Hội đồng Chính phủ thông qua là mỗi khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập “trạm vệ sinh phòng dịch”, ngày 16/8/1963, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ có Thông tư liên bộ số 21-TT-LB hướng dẫn việc thành lập các trạm vệ sinh phòng dịch ở các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông tư liên bộ số 21-TT-LB nêu rõ: Trạm vệ sinh phòng dịch có nhiệm vụ giúp các sở, ty y tế lập các kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch chống dịch; điều tra, nghiên cứu, phát hiện các nguyên nhân có hại đến sức khỏe của nhân dân trong các vấn đề ăn, uống, ở, làm việc, học tập; điều tra, nghiên cứu, phát hiện các nguyên nhân phát sinh các bệnh: truyền nhiễm, dịch tễ, ký sinh trùng, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, các bệnh nghề nghiệp...Trạm vệ sinh phòng dịch là một đơn vị tổ chức trực thuộc các sở, ty y tế chịu sự quản lý trực tiếp về mọi mặt của các sở, ty y tế đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của viện Vệ sinh dịch tễ học ở Trung ương. Trạm vệ sinh phòng dịch do một trạm trưởng phụ trách và một hoặc hai trạm phó giúp việc, trạm trưởng do Giám đốc hoặc phó giám đốc sở, trưởng hoặc phó ty y tế phụ trách; số cán bộ nhân viên của trạm vệ sinh phòng dịch sẽ lấy ở các bộ phận sau đây: các đội vệ sinh phòng dịch, cán bộ hiện đang theo dõi công tác vệ sinh phòng dịch ở các sở, ty y tế...
Báo cáo số 168/YT/BC ngày 23/11/1964 thực hiện kế hoạch năm 1964 của Ty Y tế Cao Bằng cho biết: “Đầu năm nay Ty mới tiến hành tổ chức xong Trạm Vệ sinh dịch tế. Là một tổ chức mới để nắm được nội dung hoạt động và chức năng của nó, Ty đã tổ chức tham quan học tập các tỉnh bạn. Thực tế đã đi: Hải Dương, Hà Đông, Hà Nội.

Sơ bộ bước đầu đã làm được:
- Lập bản đồ theo dõi dịch trong tỉnh.
- Thống kê đăng ký theo dõi 4 bệnh dịch chính.
- Bước đầu quản lý vệ sinh thực phẩm. Tiến hành kiểm tra toàn bộ các kho thực phẩm trong toàn tỉnh thường kỳ.
- Xuống các huyện xác minh dịch bệnh và tham gia chống dịch.
- Xây dựng cơ sở làm việc trong Trạm (nhà, phương tiện, y vụ) và lập kế hoạch công tác.
- Xuống các huyện chỉ đạo trong các đợt tiêm phòng.
- Cử cán bộ xuống huyện hỗ trợ về việc lập đề án kế hoạch công tác phòng bệnh cho huyện.
- Tổ chức triển lãm vệ sinh phòng bệnh”.

Đối với y tế học đường, “Quý II Ty đã cử cán bộ đi học lớp bổ túc nghiệp vụ về chuyên trách công tác này. Bước đầu đã tìm hiểu các cơ sở trường học trong tỉnh và tình hình sức khỏe trong địa phương và đã in 1.000 cuốn tài liệu vệ sinh học đường. Sáu tháng cuối năm tiến hành giảng vệ sinh học đường cho lớp giáo viên hè và cho một số trường phổ thông tinh và huyện (cấp II và III)” (Báo cáo số 168/YT/BC ngày 23/11/1964 của Ty Y tế Cao Bằng).




(Sách tài liệu lược soạn Vệ sinh học đường
do Trạm Vệ sinh
phòng dịch Cao Bằng xuất bản năm 1964)
Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1964 của Ty Y tế nêu: “Theo kế hoạch đã định, Trạm Vệ sinh phòng dịch chính thức được thành lập vào quý II năm 1964. Để Trạm trở thành trung tâm chỉ đạo phong trào vệ sinh phòng dịch, củng cố cơ sở, thiết thực cho lâm sàng và nghiên cứu khoa học. Mãi đến nay chưa hoạt động đúng chức năng của nó vì thiếu phương tiện (mà toàn là những yêu cầu cơ bản như: tủ ấm, tủ lạnh...), tuy vậy Trạm cũng có chương trình hoạt động là cử cán bộ xuống cơ sở các huyện lập kế hoạch chương trình hoạt động. Đồng thời cũng đã cử một số cán bộ đi tham quan tỉnh bạn: Hải Dương, Hà Đông, Hà Nội và cử cán bộ về Viện bổ túc nghiệp vụ”.

Mặc dù đã có cố gắng, nhưng rấc tiếc cho đến nay Sở Y tế chưa tìm được quyết định cụ thể về việc thành lập Trạm Vệ sinh phòng dịch Cao Bằng cũng như Trạm Sốt rét Cao Bằng và Trạm Bảo vệ bà mẹ trẻ em Cao Bằng được ra đời trong năm 1964. Tuy nhiên căn cứ vào chỉ đạo của Hội đồng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư liên bộ số 21-TT-LB ngày 16/8/1963 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, Báo cáo số 168/YT/BC ngày 23/11/1964 và Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1964 của Ty Y tế Cao Bằng thì khẳng định Trạm Vệ sinh phòng dịch Cao Bằng được thành lập trong năm 1964 (6 tháng đầu năm 1964) trên cơ sở hai đội vệ sinh phòng chống dịch bệnh của Ty Y tế đã được hình thành và hoạt động từ năm 1957 và số cán bộ theo dõi công tác vệ sinh phòng dịch ở Ty Y tế (Văn phòng Ty Y tế) có từ năm 1956.

Việc Trạm Vệ sinh phòng dịch Cao Bằng, Trạm Sốt rét Cao Bằng và Trạm Bảo vệ bà mẹ trẻ em Cao Bằng được ra đời trong năm 1964 là một sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế Cao Bằng, Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1964 của Ty Y tế Cao Bằng đã đánh giá: “Năm 1964 tuy có gặp một số khó khăn nhưng do quyết tâm của cán bộ trong toàn ngành, được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chúng ta đã hoàn thành một số chỉ tiêu về phòng bênh, điều trị”, “các trạm tuy mới thành lập, kinh nghiệm còn nghèo nàn nhưng đã có nhiều cố gắng thực hiện được những kết quả bước đầu”.

Trạm Vệ sinh phòng dịch Cao Bằng thành lập trong năm 1964 đã đánh dấu bước phát triển mới của y tế Cao Bằng, từ đây đã có đơn vị chuyên để tham mưu, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch chống dịch; giúp cho công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch chống dịch ở Cao Bằng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, không để dịch bệnh lớn xảy ra, giảm tỷ lệ người mắc và giảm tỷ lệ tử vong. Đồng thời còn sẵn sàng chuẩn bị đối phó với chiến tranh vi trùng, chiến tranh hóa học nếu kẻ thù liều lĩnh tiến hành trên miền Bắc. Về vấn đề này, Báo cáo công tác y tế năm 1965 (số 20/YT/BC ngày 29/12/1965 của Ty Y tế Cao Bằng) có ghi: “Có thể nói là trong năm qua toàn tỉnh Cao Bằng không có vụ dịch nào xảy ra, lẻ tẻ chỉ có một vài chỗ có một số ỉa chảy, ho gà, nhờ công tác tuyên truyền học tập đẩy mạnh và củng cố cơ sở vệ sinh phòng dịch tốt, song song với việc học tập phòng chống chiến tranh A.B.C (tên gọi chiến tranh vi trùng, hóa học) do Trạm Vệ sinh dịch tế hướng dẫn, chỉ đạo, nhiều cán bộ y tế đã xuống tận gia đình, hợp tác xã, xã nói chuyện giải thích vận động thực hiện nếp sống vệ sinh ăn sạch, uống, ở sạch, diệt ruồi, muỗi, rận rệp, chuột, rời chuồng gia súc xa nhà, nằm màn, theo đường lối đánh cái dễ trước, nhổ cái khó sau, lấy ít vận động nhiều”. Đánh giá về vai trò, vị trí Trạm Vệ sinh phòng dịch ở thời kỳ này, Báo cáo tổng kết kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ngày 08/02/1966 của Ty Y tế Cao Bằng khẳng định: “Trạm Vệ sinh phòng dịch của tỉnh có tác dụng tốt trong việc xây dựng phong trào phòng bệnh ở các cơ sở trong thời bình. Trạm này là một trung tâm chỉ đạo phong trào, song thời chiến, Trạm này càng có một vai trò quan trọng trong việc phòng chiến tranh A.B.C của giặc Mỹ gây ra”.
Sở Y tế Cao Bằng tháng 6/2014

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang