Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Về quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đầu những năm 90 ở ngành y tế Cao Bằng
Lượt xem: 964
Bảo hiểm y tế (BHYT) được triển khai ở nước ta từ năm 1992, sau 22 năm hình thành và phát triển, BHYT đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, số người tham gia BHYT trong cả nước đã tăng nhanh, từ 5,6% dân số vào năm 1993 lên 67% dân số vào năm 2012; đối với tỉnh Cao Bằng, năm 1993 mới có 24.917 người tham gia BHYT, đến năm 2013 đã có 481.302 người tham gia BHYT(chiếm gần 95% dân số toàn Tỉnh). Cùng các chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội được ra đời trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, BHYT là chính sách đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công trong xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và tạo nguồn tài chính y tế ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững. Cách đây 22 năm về trước, việc lựa chọn BHYT là hướng đi để tạo nguồn tài chính y tế đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe là một vấn đề không chỉ quá mới mẻ ở đối với ngành y tế mà còn là vấn đề đầy nan giải, khó khăn, thách thức do là nhân dân ta khi đó đã quen với việc khám bệnh, chữa bệnh được Nhà nước bao cấp toàn bộ, không mất tiền nên ý thức tham gia BHYT chưa có sự đồng thuận cao, hoạt động của hệ thống y tế chịu ảnh hưởng bởi cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chưa biết gì về BHYT; các cơ sở khám bệnh, chữa vừa được thực hiện thu viện phí từ năm 1989 thấy đấy là đã giải quyết khó khăn cho cho đơn vị mình rồi, chưa thấy được mặt hạn chế của việc thu viện phí nên khi chính sách BHYT ra đời cũng không mặn mà, chú ý. Có thể nói, khi chính sách BHYT mới được triển khai thực hiện quả là một quá trình gian nan, vất vả đối với những người làm công tác y tế vì vào thời điểm này, toàn bộ mọi vấn đề về BHYT từ xây dựng chính sách, tổ chức bộ máy, con người, vận động đối tượng tham gia BHYT, cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT.... chủ yếu do ngành y tế tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện (từ 1992 – 1997, BHYT do cấp tỉnh quản lý; từ 1998 – 2002 BHYT do Bộ Y tế quản lý và từ 2003 đến nay, BHYT được quản lý tập trung tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành y tế (27/02/1955 – 27/02/2015), Sở Y tế có bài viết về thời kỳ đầu mới bắt tay vào thực hiện chính sách BHYT ở Cao Bằng để trân trọng và ghi nhận công lao của những cán bộ, nhân viên Sở Y tế Cao Bằng khi đó đã vượt qua mọi khó khăn, vất vả để tham mưu xây dựng, phát triển và tổ chức triển khai thực hiện một chính sách mới được hình thành, đó là BHYT.
Bước vào những năm đầu 80 của thế kỷ XX, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù kinh tế có bước phát triển mới nhưng tình trạng lạm phát vẫn gia tăng, mức độ khủng khoảng kinh tế rất nghiêm trọng, lĩnh vực phần phối lưu thông diễn biến xấu, Nhà nước không nắm được hàng và tiền, có lúc không đủ tiền để trả lương và thu mua hàng hóa. Đứng trước tình hình, tháng 5/1985, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) họp chuyên bàn về giá – lương – tiền đã khẳng định: “không thể ổn định được tình hình kinh tế và đời sống, cân bằng được ngân sách và tiền mặt trong khi vẫn duy trì bao cấp qua giá và lương” (Văn kiện Đảng toàn tập – tập 46); trên cơ sở đó, tháng 9/1985, cả nước tiến hành tổng điều chỉnh giá – lương – tiền nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, thực hiện đúng hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cuộc tổng điều chỉnh giá – lương – tiền năm 1985 không đem lại kết quả như mong muốn, làm kinh tế nước ta càng trở nên khó khăn gay gắt. Năm 1986, lạm phát nền kinh tế nước ta ở mức cao nhất 774,7%. Trên cơ sở phân tích, đánh giá nguyên nhân của tình hình khó khăn gay gắt kinh tế - xã hội, Đại hội VI (diễn ra từ 15 – 18/12/1986), Đảng ta đã quyết định đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội VI xác định “đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực”, “trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế”, giữ vững ổn định chính trị là tiền đề để bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Phải đổi mới tư duy, “trước hết là tư duy kinh tế”, “từ đổi mới tư duy mà có chủ trương chính sách mới”, đồng thời “đổi mới về tổ chức, về cán bộ” để thực hiện tốt những nhiệm vụ đã đề ra.

Tình hình kinh tế trong những năm đầu đổi mới gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1987 lạm phát vẫn ở mức cao. Từ giữa năm 1988 trở đi, các chủ trương, chính sách đổi mới bắt đầu mang lại kết quả rõ rệt, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân dần dần được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực mới: lối làm ăn chạy theo lợi nhuận, làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, thương mại hoá, hối lộ, lừa đảo ... những hiện tượng tiêu cực này đã tác động mạnh mẽ vào trong đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực y tế. Việc thực hiện chính sách xã hội tuy có một số tiến bộ, nhưng chưa được quan tâm đúng với tầm quan trọng của nó và còn nhiều thiếu sót. Đời sống của một bộ phận nhân dân so với những năm trước có ổn định hơn và được cải thiện, nhưng vẫn còn rất còn gặp rất nhiều khó khăn....nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Những năm đầu thời kỳ đổi mới, ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng vô cùng khó khăn do chới với giữa cơ chế kế hoạch hóa tập trung cần xoá bỏ và cơ chế mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hình thành, các cơ sở khám chữa bệnh lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng kinh phí duy trì hoạt động, không có điều kiện để củng cố và phát triển. Tâm lý người bệnh cũng dần thay đổi và trở nên thực dụng hơn, đòi hỏi chăm sóc y tế thiết thực, nhanh chóng và có hiệu quả, để có nhiều thời gian đầu tư cho hoạt động kinh tế. Đa số các bệnh viện từ trung ương đến tỉnh, huyện xuống cấp nhiều. Nhiều loại bệnh mới phát sinh và một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng phát triển trở lại, nhất là sốt rét phát triển ở một số huyện, xã miền núi. Kinh phí của Nhà nước không đủ cho nhu cầu của y tế, nhưng chưa có những hình thức và biện pháp thích hợp để giải quyết trong khi chi phí khám và chữa bệnh ngày một tăng do áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật y tế, sử dụng các trang thiết bị máy móc hiện đại đắt tiền trong chẩn đoán, điều trị; Ngân sách Nhà nước dành cho y tế chỉ đủ để duy trì và vận hành bộ máy hoạt động của các cơ sở y tế. Báo cáo công tác điều trị ngành y tế Cao Bằng 1988 – 1990 đã đánh giá như sau: “Những năm qua sự thật là những năm đầy khó khăn gian khổ đối với ngành y tế, nhất là năm 1989. Ngành chưa có kinh nghiệm chỉ đạo trong việc chuyển tiếp giữa xóa bỏ cơ chế bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh”.

Trong tình hình khó khăn chung cả nước, kinh phí dành cho hoạt động của y tế Cao Bằng vào giai đoạn này cũng rất eo hẹp; Báo cáo tình hình thực hiện năm 1989 và kế hoạch năm 1990 về công tác quản lý tài chính của ngành y tế tỉnh Cao Bằng nêu: “Năm 1989 tiền lương và giá cả tương đối ổn định. Song sự mất cân đối về kế hoạch và thực hiện,giữa nhu cầu và khả năng cung cùng với tình trạng tiêu cực trong xã hội còn tồn tại lớn, Ngân sách Tỉnh có nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới công tác quản lý tài chính của ngành. Kinh phí cấp cho ngành quá thấp so với yêu cầu và nhỏ giọt. Tiền lương cán bộ nhân viên thường chậm hàng tháng. Đời sống cán bộ công nhân viên còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hạn chế phát triển dân số và kế hoạch gia đình không đủ, không kịp thời nhất là tuyến huyện. Có tháng chỉ có lương thôi”.

Báo cáo công tác y tế năm 1990 của Sở Y tế cho biết: “Đời sống cán bộ y tế chưa được quan tâm đúng mức, lương cán bộ còn quá chậm, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, có huyện lương chậm 2 – 3 tháng như huyện Hòa An, Quảng Hòa nên một số cán bộ y tế xã phải bỏ trạm đi kiếm sống. Báo cáo công tác y tế năm 1991 của Sở Y tế tiếp tục phản ánh: “Kính phí cấp cho hoạt động y tế cấp không đáp ứng kịp thời, không đều, không đủ nhu cầu, không đúng thời gian, thường cấp dồn vào quý 3, phần lớn chỉ cấp lương”.

Thực hiện chủ trương đổi mới trên lĩnh vực y tế với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Để bổ sung nguồn kinh phí và giảm bớt sức ép căng thẳng của các cơ sở khám chữa bệnh, ngày 24/4/1989 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 45/HĐBT cho phép các cơ sở khám chữa bệnh được thu một phần viện phí.

Do nhiều năm được Nhà nước bao cấp, nên việc thu viện phí đã làm cho ngành y tế gặp rất nhiều lúng túng và khó khăn. Biểu hiện rõ nhất là công suất giường bệnh các tuyến đều thấp. Vào thời điểm này, có địa phương công suất giường bệnh tuyến huyện chỉ đạt 30%, ở tuyến thành phố đạt 50 - 60% kế hoạch năm. Thu viện phí tuy có giải quyết được một phần khó khăn cho các cơ sở y tế, song do thiếu chính sách xã hội đồng bộ đi kèm, nên làm nảy sinh những vấn đề mới, sinh ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, dư luận nhân dân một số nơi không đồng tình. Thực tế, tuy có những người giàu lên, song cũng không ít người còn đang sống trong điều kiện kinh tế eo hẹp, khó khăn thiếu thốn, không có đủ khả năng nộp viện phí khi ốm đau nhất là đồng bào sống ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy phải có cơ chế, chính sách, biện pháp mới để tạo điều kiện giúp đỡ các đối tượng này.

Hai bệnh viện thí điểm triển khai thực hiện thu một phần viện phí theo Quyết định số 45/HĐBT ngày 24/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng ở Cao Bằng đầu tiên là Bệnh viện Đa khoa tỉnh (thực hiện tháng 3/1989) và Bệnh viện Hòa An (thực hiện tháng 8/1989); qua quá trình thu viện phí bên cạnh mặt đạt được cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế, trong báo cáo ngày 18/12/1989 của Sở Y tế gửi Vụ Quản lý sức khỏe - Bộ Y tế đã phản ánh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ khi thu viện phí số lượng bệnh nhân khám bệnh giảm 70%, điều trị nội trú giảm 30%, sử dụng gường bệnh giảm chỉ còn 151 gường/210 gường được giao, dư luận nhân dân không đồng tình với thu viện phí, Sở Y tế đã có kiến nghị nên “thành lập bảo trợ y tế toàn dân”. Báo cáo công tác y tế năm 1990 của Sở Y tế có nêu về việc thực hiện thu viện phí khi này như sau: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh năm 1989 là 3.400.000 đồng, 1990 là 10.500.000 đồng; Bênh viện Hòa An 1989 là 1.430.150 đồng, 1990 là 2 triệu đồng. Trong năm 1990 Bệnh viện Trùng Khánh thu được 2 triệu đồng, Bệnh viện Quảng Hòa 3 triệu đồng. Số tiền thu được đã chi mua sắm thông thường: dầu, than, củi, chiếu, chổi quét nhà...để phục vụ người bệnh, 30% chi cho người trực tiếp làm và khen thưởng, không có tỷ lệ gửi lên cấp trên. Thiếu sót của thu một phần viện phí: một số y bác sĩ tự thu khi làm thủ thuật như tiêm truyền, sau nạo phá thai, sau xét nghiệm, sau chiếu xquang, sau nắn bó xương, sau khâu vết thương tai nạn...sau khi thu không có hóa đơn cho bệnh nhân. Ảnh hưởng của thu một phần viện phí: số lượng bệnh nhân vào khám chữa bệnh điều trị tại các bệnh viện, phân viện, phòng khám đa khoa khu vực giảm. Chất lượng khám bệnh giảm. Dư luận nhân dân không đồng tình ủng hộ (người có tiền, người không có tiền). Thu một phần viện phí ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm người bệnh với thầy thuốc”.

Đánh giá về tình hình công tác bảo vệ sức khoẻ những năm đầu đổi mới, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá VII ngày 14/1/1993đã nêu: “Những năm gần đây, ngành y tế có nhiều biểu hiện xuống cấp, có mặt khá nghiêm trọng. Công tác vệ sinh phòng bệnh kém, chưa quan tâm đầy đủ các hoạt động mang tính quần chúng. Y tế cơ sở suy yếu. Nhiều bệnh viện xuống cấp cả về cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, điều trị và tinh thần phục vụ. Một số chủ trương như thu viện phí, cho các cơ sở y tế nhà nước khám chữa bệnh ngoài giờ... tuy có giải quyết được một phần khó khăn, nhưng lại làm nảy sinh những vấn đề mới, những tiêu cực. Việc thu viện phí còn tuỳ tiện, gây nhiều khó khăn, phiền hà cho nhân dân, nhất là cho những bệnh nhân nghèo”.

Đứng trước yêu cầu thực tiễn và qua kinh nghiệm của thế giới cũng như từ hiệu quả của một số mô hình tại một số địa phương trong việc vận động, quyên góp nhân dân đóng góp dưới nhiều hình thức để có thêm nguồn tài chính cho y tế hoạt động, Bộ Y tế đã đề nghị và Hội đồng Bộ trưởng đã có Thông tri số 3504/KG ngày 26/10/1990 chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế tổ chức thí điểm BHYT, từ đó tổng kết đúc rút kinh nghiệm để tổ chức BHYT phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện nước ta. Bộ Y tế có Công văn số 5929/QLSK ngày 07/11/1990 về tiến hành thí điểm bảo hiểm y tế. Đến tháng 6/1991, đã có 3 tỉnh, thành phố tổ chức thí điểm bảo hiểm y tế trên diện rộng là Hải Phòng, Quảng Trị và Vĩnh Phú.

Từ đầu những năm 1990, Sở Y tế Cao Bằng đã bắt đầu xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của BHYT đối ngành y tế nhất là đối với công tác điều trị cũng như xu thế phát triển của BHYT. Trên cơ sở Công văn số 5929/QLSK ngày 07/11/1990 của Bộ Y tế, trong phương hướng nhiệm vụ công tác y tế năm 1991, Sở Y tế đã xác định: “thí điểm bảo hiểm y tế ở một số huyện, sau đó rút kinh nghiệm triển khai ra các huyện khác, đây là một yếu tố trong những yếu tố chống xuống cấp của hệ khám chữa bệnh”; tại báo cáo công tác điều trị ngành y tế Cao Bằng 1988 – 1990, Sở Y tế tiếp khẳng định: “mặc dù hoàn cảnh kinh tế có gặp nhiều, xong năm 1991 để thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, Sở Y tế Cao Bằng sẽ chỉ đạo thí điểm 02 đơn vị thực hiện thu bảo hiểm y tế toàn dân”; trong Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1991 và phương hướng nhiệm vụ năm 1992 ,Sở Y tế đã kiến nghị với UBND tỉnh: “cho ngành y tế tiến hành thí điểm bảo hiểm y tế song song với việc thu một phần viện phí đúng với tinh thần của Quyết định 45/HĐBT”; Sở Y tế đã có Công văn số 57/YT-NV ngày 01/8/1991 báo cáo việc chuẩn bị triển khai thí điểm BHYT.

Theo đề xuất của Sở Y tế, UBND tỉnh đã đồng ý và đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh cho triển khai thí điểm BHYT. Tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XI ngày 14/3/1992 đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1992, trong đó đã quyết nghị: “Thực hiện bảo hiểm y tế theo kế hoạch chỉ đạo cụ thể của Sở Y tế”, sau đó, ngày 02/4/1992 Sở Y tế đã có Kế hoạch chuẩn bị thực hiện thí điểm bảo hiểm y tế. Ngày 12/6/1992, Bộ Y tế đã có Công văn số 3658/QLSK gửi Sở Y tế Cao Bằng đề nghị phổ biến chủ trương thực hiện BHYT trước hết đối với cán bộ công nhân viên trong ngành, tiến hành điều tra cơ bản xây dựng luận chứng kinh tế và điều lệ BHYT cho việc thực hiện BHYT ở địa phương.

Từ kết quả và kinh nghiệm trong quá trình triển khai thí điểm thực hiện BHYT ở một số tỉnh, thành, ngày 18/8/1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ BHYT kèm theo Nghị định số 299/HĐBT, chính thức đánh dấu sự ra đời chính sách BHYT ở nước ta; Điều lệ BHYT nêu rõ: “ BHYT do Nhà nước tổ chức, quản lý nhằm huy động sự đóng góp của cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội, để tăng cường chất lượng trong việc khám bệnh, chữa bệnh”. Ngày 17/9/1992, Bộ Y tế có Thông tư số 11/BYT-TT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, trong đó quy định “mỗi tỉnh, thành phố: thành lập bảo hiểm y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Giám đốc Sở Y tế tỉnh hoặc thành phố”, cơ cấu bộ máy và biên chế BHYT tỉnh, thành phố có Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng, bộ phận văn phòng. Do Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ BHYT nên tỉnh Cao Bằng không triển khai thí điểm BHYT theo như kế hoạch đã chuẩn bị trước đó mà đi vào tổ chức triển khai thực hiện BHYT theo Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan.

Do sớm xác định được ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và có kế hoạch chuẩn bị thực hiện thí điểm BHYT nên sau khi Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số 299/HĐBT và Bộ Y tế có hướng dẫn thực hiện, Sở Y tế đã nhanh chóng có Tờ trình số 119 YT-TT-TC ngày 14/10/1992 đề xuất với UBND tỉnh cho thành lập bộ máy BHYT tỉnh Cao Bằng, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong Tỉnh chuẩn bị về cơ sở, vật chất, tổ chức, tinh thần thái độ nhân viên y tế để phục vụ khám chữa bệnh y tế cho người có thẻ BHYT. Ngày 26/10/1992, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 308 UB/QĐ-TC thành lập Bảo hiểm y tế tỉnh Cao Bằng trực thuộc Sở Y tế Cao Bằng, theo đó BHYT tỉnh Cao Bằng có 03 tổ công tác và 09 biên chế, có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện bảo hiểm y tế theo Điều lệ Bảo hiểm y tế và dưới sự giám sát của Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế tỉnh Cao Bằng. Sau đó Sở Y tế đã có quyết định bổ nhiệm Bs Nguyễn Thị Bằng – Trưởng Phòng Nghiệp vụ y làm Giám đốc và bà Lã Thị Phó – cán bộ Phòng Kế hoạch – Tài chính làm Kế toán trưởng BHYT tỉnh Cao Bằng. Ngay sau được thành lập, ngày 30/10/1992, BHYT tỉnh Cao Bằng đã trực tiếp gặp BHYT Việt Nam (Bộ Y tế) để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo.


(Quyết định 308 UB/QĐ-TC ngày 26/10/1992 của UBND tỉnh Cao Bằng
về thành lập Bảo hiểm y tế tỉnh Cao Bằng trực thuộc Sở Y tế Cao Bằng)

Để công tác BHYT sớm đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 38/UB-CT ngày 13/11/1992, trong đó yêu cầu khẩn trương thành lập bộ máy BHYT huyện, thị để tổ chức này hoạt động ngay trong tháng 11/1992 tại những huyện được chọn làm thí điểm BHYT; các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có trách nhiệm phổ biến Điều lệ BHYT để cán bộ, công nhân viên chức biết trách nhiệm và mức đóng BHYT cũng như quyền lợi được hưởng khi khám, chữa bệnh; Sở Y tế có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bộ máy BHYT sớm hoạt động, chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện nhằm phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh người có thẻ BHYT.

Sau đó UBND tỉnh đã có Quyết định số 343 UB/QĐ-TC ngày 20/11/1992 về việc thành lập Hội đồng quản trị Bảo hiểm y tế tỉnh Cao Bằng, Hội đồng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng Quỹ BHYT theo đúng quy định của Điều lệ BHYT và phát triển sự nghiệp BHYT, xử lý các tranh chấp về BHYT, quyết định các tỷ lệ điều hòa việc sử dụng Quỹ trên địa bàn, quyết định mức đóng, mức hưởng BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện ở địa phương, đảm bảo an toàn Quỹ...Hội đồng quản trị BHYT tỉnh Cao Bằng gồm 09 thành viên do ông Triệu Đình Vượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch, bà Trương Thị Chi – Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế làm Phó Chủ tịch, 07 thành viên còn lại đại diện cho các sở, ngành liên quan và bà Nguyễn Thị Bằng – Giám đốc BHYT tỉnh Cao Bằng.


(Chỉ thị số 38/UB-CT ngày 13/11/1992 của UBND tỉnh Cao Bằng về thực hiện
BHYT theo Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng)

Thực hiện Chỉ thị số 38/UB-CT ngày 13/11/1992 của UBND tỉnh, Sở Y tế đã tích cực phối hợp với các ngành sở, ban, ngành, các công ty, xí nghiệp và UBND các huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện BHYT đến các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo Điều lệ BHYT là cán bộ, công nhân viên chức tại chức, hưu trí, nghỉ mất sức lao động, chủ sử dụng lao động và người lao động. Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 1992 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác y tế năm 1993, Sở Y tế đã quán triệt trong toàn ngành: “từng bước thực hiện bảo hiểm y tế trong địa bàn toàn tỉnh để dần dần đưa công tác khám chữa bệnh của hệ thống bệnh viện từ tỉnh đến huyện và xã, phường vào kỷ cương, đáp ứng yêu cầu cấp bách của người bệnh trong giai đoạn hiện nay”. Việc triển khai BHYT là một vấn đề hết sức mới mẻ, trách nhiệm rất nặng nề đối với Sở Y tế nhưng Sở Y tế đã nhận được sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện, nhất là UBND huyện Bảo Lạc đã ban hành chỉ thị và kế hoạch về thực hiện BHYT.

Với việc UBND tỉnh có quyết định thành lập BHYT tỉnh Cao Bằng trực thuộc Sở Y tế, Sở Y tế có thêm 01 đơn vị mới để thực hiện một chính sách mới của Đảng và Nhà nước, một chính sách an sinh xã hội quan trọng, đó là BHYT.

Do mới thành lập nên thời gian ban đầu BHYT tỉnh Cao Bằng sử dụng kinh phí sự nghiệp của Sở Y tế để hoạt động. Những ngày đầu triển khai công tác BHYT gặp rất nhiều khó khăn vì đây là việc làm mới, chính chính sách mới. Việc khai thác BHYT cực kỳ vất vả, khi đến cơ quan hành chính sự nghiệp còn được tiếp đón niềm nở, nhưng đến với cơ sở sản xuất kinh doanh thường bị thờ ơ, lạnh nhạt, luôn nhận được lời phàn nàn việc làm không ổn định, thu nhập thấp, đời sống khó khăn... Trong một thời gian dài, nhân dân đã quen với việc khám bệnh, chữa bệnh không mất tiền, chưa quen với sự đóng góp thông qua hình thức BHYT, công tác BHYT hết sức mới đối với các cơ quan Nhà nước nhất là đối với Sở Y tế, cơ quan được giao chịu trách nhiệm chính; bên cạnh đó, các cơ sở y tế chưa kịp chuyển đổi thích ứng với cơ chế mới, nhân dân thiếu tin tưởng vào các cơ sở y tế và phàn nàn nhiều về thái độ phục vụ của cán bộ y tế; trái lại cán bộ y tế thì phàn nàn về chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với ngành y tế còn thấp, một số cơ sở y tế và nhân viên chưa hiểu biết về BHYT, còn tư tưởng cho rằng nếu có thực hiện BHYT thì bệnh viện và nhân viên y tế cũng không được khuyến khích về vật chất cũng như tinh thần nên chưa muốn thực hiện BHYT. Đây là những cản trở rất lớn trong những ngày đầu tổ chức triển khai BHYT, để đưa được BHYT vào cuộc sống thật là hết sức khó khăn, vất vả, quả là không dễ dàng do phải thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen bao cấp đã có từ bao lâu nay. Để khắc phục những khó khăn này cần có thời gian để nâng cấp các cơ sở y tế, đồng thời Nhà nước phải có chế độ đãi ngộ thích hợp đối với cán bộ y tế... đó là những vấn đề cốt lõi để thực hiện BHYT mà không thể giải quyết ngay trong một thời gian ngắn; nếu không có biện pháp chỉ đạo điều hành sát sao, tổ chức thực hiện cụ thể chu đáo thì chính cán bộ và nhân viên y tế, những người có vai trò quan trọng trong thực hiện BHYT sẽ làm cản trợ việc đưa chính sách BHYT vào thực tiễn cuộc sống.

Nhưng với tinh thần, ý thức trách nhiệm cùng với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của BHYT tỉnh Cao Bằng cùng các cơ sở khám chữa bệnh và sự chỉ đạo sát sao, điều hành quyết liệt của Sở Y tế nên công tác BHYT ở Cao Bằng bước đầu tuy còn nhiều bỡ ngỡ, hạn chế nhưng sau đó đã được tổ chức triển khai thực hiện tốt, đạt nhiều kết quả, việc số người tham gia BHYT năm sau tăng hơn năm trước, số lượt người sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh và số tiền chi phí khám chữa bệnh được BHYT chi trả trong năm tăng nhanh từ 1993 đến 1998 đã khẳng định điều đó; nếu năm 1993 toàn Tỉnh phát hành được 24.917 thẻ BHYT, thu được 618.068.139 đồng, số lượt người có thẻ BHYT khám bệnh ngoại trú trong năm là 4.854, số lượt người có thẻ BHYT điều trị nội trú trong năm 887, chi phí cho khám chữa bệnh BHYYT (cả ngoại trú và nội trú) là 184.447.333 đồng; đến năm 1998 đã toàn tỉnh phát hành được 45.605 thẻ BHYT, thu được 3.903.794.000 đồng, số lượt người có thẻ BHYT khám bệnh ngoại trú trong năm là 84.503, số lượt người có thẻ BHYT điều trị nội trú trong năm 11.324, chi phí cho khám chữa bệnh BHYYT (cả ngoại trú và nội trú) trong năm là 2.494.613.757 đồng. Cùng với việc triển khai thực hiện BHYT đối với các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo Điều lệ BHYT, từ tháng 7/1995, Sở Y tế đã chỉ đạo BHYT tỉnh bắt đẩu triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện học sinh, năm 1998 có 779 học sinh tham gia. Từ năm 1993 -1997, Quỹ BHYT tỉnh Cao Bằng đã dành một tỷ đồng để mua gường, tủ đầu gường inox, tủ thuốc nhôm kính, quạt trần, chăn màn, phích, ấm chén trang bị cho các cơ sở y tế để phục vụ người bệnh, trang bị cho Bệnh viện Y học dân tộc hệ thống nồi hơi sắc thuốc nam...

Để chính sách BHYT đi vào cuộc sống, đạt được kết quả này trong một thời gian không nhiều trong thời kỳ đầu của quá trình đổi mới trong điều kiện đất nước cũng như của Tỉnh còn nhiều khó khăn, vất vả, chính sách BHYT ở Cao Bằng đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sáp sao, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân nhân tỉnh; sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành. Đối với ngành y tế Cao Bằng đã kịp thời tham mưu, đề xuất, xây dựng, hình thành được hệ thống tổ chức bộ máy BHYT tỉnh Cao Bằng, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện chính sách BHYT có hiệu quả, tạo dựng nên nền móng để BHYT phát triển lớn mạnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngày hômg nay; qua việc thực hiện tốt chính sách BHYT ngay từ những ngày đầu, Sở Y tế đã cùng với ngành Y tế cả nước chứng minh BHYT là một hướng đi phù hợp để tạo thêm nguồn tài chính ổn định cho ngành y tế, khẳng định việc phát triển BHYT là một xu thế tất yếu để tăng cường, nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Với việc triển khai thực hiện BHYT có hiệu quả không chỉ góp phần giúp các cơ sở y tế trong tỉnh từng bước nâng cao và đảm bảo công bằng trong khám chữa bệnh, có thêm nguồn kinh phí hoạt động, tạo điều kiện nhanh chóng thích ứng với việc chuyền đổi từ hoạt động theo cơ chế bao cấp sang việc cung ứng dịch vụ y tế cho người dân trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thêm vào đó còn tác động đến một tư duy mới trong quản lý y tế cho Sở Y tế và các cơ sở y tế, đó là tư duy quản lý y tế bằng biện pháp kinh tế.
Tháng 7/1998 UBND tỉnh có quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ngọc – Phó Giám đốc BHYT tỉnh Cao Bằng làm Giám đốc BHYT tỉnh Cao Bằng (thay bà Nguyễn Thị Bằng nghỉ hưu), bà Nguyễn Thị Thịnh – Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm Phó Giám đốc BHYT tỉnh Cao Bằng.

Ngày 13/8/1998, Chính phủ ban hành Nghị định 58/1998/NĐ-CP về Điều lệ Bảo hiểm y tế thay thế Nghị định số 299/HĐBT ngày 15/8/1992, trong đó quy định cơ quan Bảo hiểm y tế Việt Nam được tổ chức theo hệ thống dọc và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thực hiện Nghị định 58/1998/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 12/1998/TTLT-BYT-BTC-BTCCBCP ngày 23/9/1998 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, BHYT tỉnh Cao Bằng được bàn giao về Bảo hiểm y tế Việt Nam (trực thuộc Bộ Y tế) vào cuối năm 1998. BHYT Cao Bằng trở thành đơn vị trực thuộc Bảo hiểm y tế Việt Nam theo Quyết định số 627/1999/QĐ-BYT ngày 02/3/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Từ đây, Sở Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT tại địa phương và chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn đảm bảo thực hiện cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang