Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quá trình hình thành, phát triển của Công đoàn ngành y tế Cao Bằng
Lượt xem: 1388
Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn đã được từng bước xây dựng trong các cơ sở y tế. Năm 1948 đến năm 1950, công đoàn cơ sở được hình thành trong các cơ sở y tế Liên khu 4, Liên khu Việt Bắc, kể cả các đơn vị trực thuộc Khu, Bộ. Tổ chức công đoàn phát triển ở các cơ sở y tế trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là một nhân tổ thúc đẩy giáo dục ý thức lao động, động viên thi đua thực hiện mọi yêu cầu, kế hoạch công tác ngành y tế (theo tài liệu phục vụ kỷ niệm 35 năm Công đoàn ngành y tế Việt Nam năm 1992). Đối với tỉnh Cao Bằng, theo Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Cao Bằng (tập I – năm 1998) thì năm 1947, Liên hiệp Công đoàn tỉnh được thành lập, sau đó các công đoàn bộ phận lần lượt được ra đời.
Sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, giai đoạn Tổng phản công; tháng 6/950, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Chiến dịch Biên giới với nhiệm vụ tiêu diệt một số bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Cao Bằng đến Thất Khê, củng cố và mở rộng khu căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 19/9/1950, quân ta tiến đánh đồn Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chiến dịch Biên giới toàn thắng. Với thắng lợi Chiến dịch Biên giới 1950, tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng, từ đây ngành y tế Cao Bằng vừa có điều kiện củng cố, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy vài trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong ngành để động viên cán bộ, công nhân viên y tế Cao Bằng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Báo cáo y tế Cao Bằng năm 1952 cho biết tổ chức công đoàn khi này đã góp phần rất quan trọng trong thúc đẩy và động viên cán bộ, nhân viên y tế Cao Bằng trong các hoạt động chữa bệnh, phòng bệnh, đào tạo cán bộ, sản xuất thuốc, tham gia y tế dân công phục vụ cho chiến dịch cầu đường phà, đi dân công làm cầu đường, làm mương nước chống hạn hán giúp dân gặt hái (ở những nơi cơ quan y tế đóng), tăng gia sản xuất, chăn nuôi (năm 1952 tăng gia sản xuất của nhân viên y tế Cao Bằng đã đạt mức 6 kg rau/người/tháng và 10 kg thịt/người/năm). Báo cáo y tế Cao Bằng năm 1952 kết luận: “Ngành y tế Cao Bằng đã phát triển hơn năm 1951 về phòng bệnh và chữa bệnh mặc dầu thuốc thiếu tới 50%. Đặc biệt là Ty Y tế đã sản xuất được một số thuốc cần thiết để chữa các bệnh thường xuyên, tiết kiệm cho công quỹ 900.000 đồng. Do sự cải tạo tư tưởng và sự thúc đẩy của công đoàn, các công nhân viên đa số có tinh thần phục vụ nhân dân và ý thức thi đua ái quốc”.

Với Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 07/5/1954 và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh để thống nhất nước nhà. Năm 1956 số đoàn viên công đoàn trong ngành y tế ở miền Bắc lên tới 11.000 người trong số 14.000 cán bộ công nhân viên toàn ngành (chiếm 78,5%); tổ chức công đoàn đã có trong các đơn vị y tế ở địa phương và các đơn vị y tế Trung ương nhưng giữa các tổ chức công đoàn trong ngành y tế chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đều khắp với nhau, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngành y tế thấy cần thiết phải có tổ chức công đoàn y tế ngành dọc để lãnh đạo công tác công đoàn ngành tiến lên trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, ngày 23/12/1957, Đại hội thành lập Công đoàn y tế Việt Nam đươc tổ chức tại Hà Nội.

Để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn trong “công cuộc xây dựng chính quyền, kiến thiết kinh tế, phát triển văn hoá, nhằm củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, ngày 05/11/1957, Chủ tịch nước đã ban hành Sắc lệnh công bố Luật Công đoàn (Luật Công đoàn số 108 – SL/L10) được Quốc hội thông qua ngày 14/9/1957; Chính phủ đã có Nghị định số 188-TTg ngày 09/4/1958 hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn, đối với tổ chức công đoàn trong các cơ quan Nhà nước, Nghị định nêu rõ: “Để mở rộng dân chủ, phát huy mọi khả năng, sáng kiến của cán bộ, viên chức, đảm bảo hoàn thành công tác chuyên môn, thủ trưởng cơ quan phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức những Hội nghị cán bộ, viên chức của cả cơ quan hoặc từng bộ phận để nghe và thảo luận báo cáo của thủ trưởng về chương trình công tác của cơ quan, về việc sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình công tác của cơ quan, hoặc về việc thi hành các chính sách, luật lệ quan hệ đến đời sống vật chất và văn hóa của cán bộ, viên chức”.

Sau đó, ngày 18/12/1958, Bộ Y tế đã có Thông tư số 1363-/BYT/TT về thi hành Luật Công đoàn trong ngành y tế, Thông tư nêu rõ: “Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Chấp hành Công đoàn Y tế Việt Nam, Bộ quyết định tiến hành từng bước việc thi hành Luật Công đoàn trong toàn ngành Y tế trên cơ sở những nguyên tắc đã quy định trong Nghị định thi hành Luật Công đoàn” và “Bộ nhắc các Sở, các Ty, các cơ quan y tế cần nghiên cứu kỹ và sâu Luật công đoàn và nghị định thi hành luật ấy rồi phối hợp chặt chẽ với các Công đoàn Y tế đồng cấp để thực hiện được tốt. Các cấp cần nhận rõ trách nhiệm của mình và lợi ích của việc thi hành Luật Công đoàn”. Như vậy, cùng với việc thành lập Công đoàn y tế Việt Nam, công tác công đoàn trong ngành y tế rất được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo.

Ngày 22/5/1967, Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 549/TCDC ngày 22/5/1967 cử y sĩ Mã Thị Châm làm công tác chuyên trách công đoàn Ty Y tế, đánh dấu một bước phát triển mới của tổ chức công đoàn trong ngành y tế Cao Bằng. Ghi nhận về những kết quả đạt được của y tế Cao Bằng trong năm 1968, Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1968 của Ty Y tế Cao Bằng (ngày 24/3/1969) cho biết một trong những nguyên nhân đó là: “sự nỗ lực của toàn ngành, sự tham gia quản lý kế hoạch của Công đoàn, phát huy tinh thần dân chủ bàn bạc, phát huy tinh thần làm chủ, tinh thần tập thể xung phong gương mẫu” và ở “ nhiều cơ sở, nhiều anh chị em đoàn viên công đoàn đã tham gia xây dựng kế hoạch cũng như cách làm ăn của cơ sở một cách tích cực, đấu tranh và làm bằng được những việc làm mà chính quyền đã giao”. Báo cáo tổng kết công tác y tế toàn tỉnh năm 1974 của Ty Y tế (tháng 1/1975) cho biết: “Kết hợp chính quyền, công đoàn vận động cán bộ công nhân viên chức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác tăng gia cải thiện, đã góp phần cải thiện một phần đời sống cán bộ, nhất là tập thể”. Xác định vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn trong ngành y tế nên thời kỳ này, y tế Cao Bằng rất chú trọng trong việc tham gia giới thiệu những y bác sĩ có năng lực tham gia Ban Chấp hành công đoàn ngành y tế, Báo cáo tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm 1975 của Ty Y tế Cao Bằng (ngày 03/10/1975) có ghi: “Tôn trọng quyền tham gia quản lý của công đoàn, ngành đã tiến hành đại hội công đoàn toàn ngành đề ra phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới và bầu ra Ban Chấp hành mới. Đảng đoàn Đảng ủy cũng đầu tư một số y bác sĩ có trình độ hoạt động phong trào sang chuyên trách công đoàn”. Phó Thư ký chuyên trách công đoàn ngành y tế Cao Bằng từ tháng 7/1975 – 5/1976 là đồng chí Trương Thị Chi.

Thực hiện Nghị quyết ngày 27/12/1975 của Quốc hội về hợp nhất tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng, vào đầu năm 1976, Ty Y tế Cao Bằng đã hợp nhất với Ty Y tế Lạng Sơn thành Ty Y tế Cao Lạng, theo đó công đoàn ngành y tế Cao Bằng cũng được hợp nhất với công đoàn công đoàn ngành y tế Lạng Sơn thành công đoàn ngành y tế Cao Lạng. Đứng trước yêu cầu tình hình mới, ngày 29/12/1978, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chia tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn theo địa giới hành chính như trước khi hợp nhất (tháng 12/1975). Từ tháng 7/1976 – 12/1978, đồng chí Trương Thị Chi là Thư ký chuyên trách công đoàn ngành y tế Cao Lạng, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn y tế Việt Nam nhiệm kỳ 1978 - 1983.

Bước vào đầu năm 1979, trong khi tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn đang khẩn trương tái lập tỉnh trên cơ sở chia tách tỉnh Cao Lạng thì ngày 17/02/1979 đã xảy ra cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc, sau 01 tháng thì chiến tranh kết thúc. Qua cuộc chiến tranh Biên giới tháng 2/1979, tại các tỉnh biên giới phía Bắc, bên cạnh những mặt đã đạt được cũng còn một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần phải được kịp thời chấn chỉnh và khắc phục, ngày 14/11/1979, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 407-CP về việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy các tỉnh Biên giới trong tình hình mới, trong Chỉ thị đã quy định hợp nhất ty y tế với ty thể dục thể thao thành sở y tế thể dục thể thao. Thực hiện Chỉ thị số 407-CP ngày 14/11/1979 của Hội đồng Chính phủ, ngày 29/3/1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ/TC/CB về việc hợp nhất và thành lập một số ty, ban ngành của tỉnh, trong đó Ty Y tế Cao Bằng hợp nhất với Ty Thể dục thể thao Cao Bằng thành Sở Y tế Thể dục thể thao Cao Bằng. Căn cứ Nghị quyết số 40/NQ/TC/CB ngày 29/3/1980 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có Quyết định số 267 UB/QĐ-TC ngày 15/4/1980 hợp nhất Ty Y tế Cao Bằng hợp nhất với Ty Thể dục thể thao Cao Bằng thành Sở Y tế Thể dục thể thao Cao Bằng (Sở Y tế TDTT). Sau đó, ngày 16/5/1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 68/NQ.TC.CB chỉ định Ban Cán sự đảng Sở Y tế TDTT gồm 03 đồng chí, đồng chí Đỗ Quang Tạc – Giám đốc Sở Y tế TDTT làm Trưởng ban, đồng chí Trương Thị Chi – Phó Giám đốc Sở Y tế TDTT và Nguyễn Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế TDTT làm ủy viên.

Do xảy ra chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 mà Cao Bằng là một trong những tỉnh có chiến sự diễn ra rất ác liệt, bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên trong năm 1979 ngành y tế Cao Bằng tập trung cho chiến đấu, phục vụ chiến đấu và khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục cơ sở vật chất nên công tác kiện toàn lại tổ chức Công đoàn ngành y tế trong năm 1979 do điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh chưa thực hiện được. Sau đó, đến cuối năm 1979, Ty Y tế lại chuẩn bị hợp nhất với Ty Thể dục thể thao theo chủ trương của Chỉ thị số 407-CP ngày 14/11/1979 của Hội đồng Chính phủ.

Tháng 4/1980, Sở Y tế TDTT Cao Bằng chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, cùng với đó, tổ chức công đoàn của Sở Y tế TDTT Cao Bằng được hình thành với các đoàn viên công đoàn nguyên là đoàn viên công đoàn ngành y tế và các đoàn viên công đoàn nguyên là đoàn viên công đoàn ngành thể dục thể thao. Đồng chí Trương Thị Chi, nguyên Thư ký chuyên trách công đoàn ngành y tế Cao Lạng mặc dù được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ty Y tế Cao Bằng từ tháng 3/1979 nhưng tiếp tục đảm nhận Thư ký công đoàn ngành y tế Cao Bằng từ tháng 01/1979 – 3/1980. Sau khi, công đoàn ngành Y tế TDTT Cao Bằng được hình thành, đồng chí Trương Thị Chi – Phó Giám đốc Sở Y tế TDTT, nguyên Thư ký công đoàn ngành y tế Cao Bằng tiếp tục đảm nhận Thư ký công đoàn ngành ngành Y tế TDTT Cao Bằng từ tháng 4/1980 – 8/1980.

Sở Y tế TDTT Cao Bằng được thành lập, tổ chức bộ máy, nhân sự có thay đổi, để đáp ứng với yêu cầu công tác công đoàn trong giai đoạn sát nhập này, ngày 13/9/1980, Ban Cán sự đảng Sở Y tế TDTT đã có Quyết định số 114 QĐ-TC phân công đồng chí Hoàng Khôi, y sĩ Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Sở Y tế TDTT làm chuyên trách công đoàn ngành y tế thể dục thể thao từ ngày 15/9/1980. Sau đó, ngày 8/11/1980 Ban Tổ chức Tỉnh ủy có Nghị quyết số 707/NQ.NS.CB điều động bà Nguyễn Thị Thìn, kế toán Xí nghiệp Dược phẩm Cao Bằng đến làm chuyên trách công đoàn ngành y tế thể dục thể thao. Tháng 9/1981, Công đoàn ngành y tế thể dục thể thao đã tiến hành đại hội, đồng chí Hoàng Khôi được bầu làm Thư ký Công đoàn ngành y tế thể dục thể thao, bà Nguyễn Thị Thìn được bầu làm Phó Thư ký Công đoàn ngành y tế thể dục thể thao.

Sau gần 02 năm hoạt động, ngày 20/10/1982, UBND tỉnh có Quyết định số 658 UB/QĐ-TC ngày 20/10/1982 tách Sở Y tế thể dục thể thao thành Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và Sở Thể dục thể thao tỉnh Cao Bằng. Công đoàn ngành y tế Cao Bằng cũng được tái lập trở lại trên cơ sở tách từ công đoàn ngành y tế thể dục thể thao Cao Bằng. Đại hội Công đoàn ngành y tế lần thứ VI tổ chức ngày 09/6/1983 đã bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn ngành y tế gồm 15 người, đồng chí Hoàng Khôi được bầu làm Thư ký và đồng chí Nguyễn Thị Thìn được bầu làm Phó Thư ký. Tháng 12/1984, Liên hiêp Công đoàn tỉnh đồng chí cho đồng chí Hoàng Khôi - Thư ký Công đoàn ngành y tế được nghỉ hưu. Đại hội Công đoàn ngành y tế Cao Bằng lần thứ VII được tổ chức từ ngày 20 - 21/6/1985 đã bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn ngành y tế nhiệm kỳ 1985 - 1988, đồng chí Hà Thị Minh Thu được bầu làm Thư ký, đồng chí Nguyễn Thị Thìn được bầu làm Phó Thư ký.

Trong những năm đầu 80 của thế kỷ XX, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù kinh tế có bước phát triển mới nhưng tình trạng lạm phát vẫn gia tăng, mức độ khủng khoảng kinh tế rất nghiêm trọng. Trên cơ phân tích, đánh giá nguyên nhân của tình hình khó khăn gay gắt kinh tế - xã hội, Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng12/1986), Đảng ta đã quyết định đổi mới toàn diện đất nước. Tháng 10/1987, Liên hiêp Công đoàn tỉnh đồng ý cho đồng chí Nguyễn Thị Thìn - Phó Thư ký Công đoàn ngành y tế nghỉ hưu và đề nghị Đảng ủy Sở Y tế cùng Ban Giám đốc Sở Y tế bố trí người thay đồng chí Nguyễn Thị Thìn.

Tình hình kinh tế trong những năm đầu đổi mới gặp rất nhiều khó khăn. Nghị quyết Đại hội đại biểu công đoàn ngành y tế Cao Bằng tổ chức ngày 24/6/1988 cho biết: “Đại hội đại biểu công đoàn ngành y tế Cao Bằng lần thứ VIII được tiến hành tổ chức trong hoàn cảnh kinh tế xã hội đang gặp nhiều khó khăn nhưng toàn thể đoàn viên và lao động trong ngành quyết đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Cao Bằng lần thứ 12 và Nghị quyết Đai hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đại hội lần này tổ chức trong một ngày 24/6/1988 nên làm việc hết sức khẩn trương, tập trung trí tuệ, đảm bảo thực sự nghiêm túc, dân chủ, thực sự đổi mới phương pháp công tác, đã dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng mức thực trạng của phong trào công nhân viên chức và hoạt động trong thời gian qua và đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ tới 1988 – 1990, Nghị quyết Đại hội đại biểu công đoàn ngành y tế Cao Bằng đã: “kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành khắc phục mọi khó khăn hiện tại, ổn định đời sống và cùng nhau phấn khởi thi đua phát huy tinh thần chủ động sáng tạo trong mọi lĩnh vực công tác, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành – phấn đấu thực hiện bằng được lời dạy của Bác Hồ vĩ đại: Lương y như từ mẫu”. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn ngành y tế Cao Bằng nhiệm kỳ mới, đồng chí Hà Thị Minh Thu được bầu làm Thư ký Công đoàn ngành y tế và đồng chí Bế Coóng được bầu làm Phó Thư ký Công đoàn ngành y tế.

Từ ngày 05-07/7/1988, Công đoàn y tế Việt Nam đã tiến hành đại hội lần VII, tại Đại hội này, đồng chí Hà Thị Minh Thu – Thư ký Công đoàn ngành y tế Cao Bằng đã được bầu vào Ban Chấp hành Công đoàn y tế Việt Nam khóa VII.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI (tháng 10/1988) đã quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên hiệp Công đoàn tỉnh, huyện đổi thành Liên đoàn Lao động; các chức danh Thư ký Công đoàn gọi là Chủ tịch Công đoàn, Phó Thư ký Công đoàn gọi là Phó Chủ tịch Công đoàn. Đại hội VI Công đoàn Việt Nam là đại hội đổi mới của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Đại hội đánh dấu một bước sự đổi mới trong tổ chức và hoạt động của công đoàn nhằm động viên công nhân lao động cả nước phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng VI, trong năm 1987, Ban Bí thư đã có Thông tri số 11-TT/TW ngày 19/8/1987 và Thông báo số 46-TB/TW ngày 12/12/1987 chỉ đạo triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức, nâng cao chất lương và hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, đi đôi với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Trong Thông báo số 46-TB/TW ngày 12/12/1987 của Ban Bí thư yêu cầu đối với các đoàn thể ở tỉnh, thành phố, quận, huyện và cấp tương đương có tổ chức Liên hiệp công đoàn và Tổng Công đoàn cần nghiên cứu việc tổ chức công đoàn ngành dọc đến đâu cho hợp lý và xem xét lại điều kiện như thế nào thì được thành lập công đoàn cấp quận, huyện.

Triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức, nâng cao chất lương và hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, đi đôi với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, ngày 02/6/1989, Liên đoàn Lao động tỉnh có Nghị quyết số 106/NQ-CĐ giải thể Công đoàn ngành y tế (giải thể bộ phận chuyên trách công đoàn ngành và Ban Chấp hành công đoàn ngành), chuyển các công đoàn cơ sở của ngành y tế trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh. Liên đoàn Lao động tỉnh đồng ý cho đồng chí Hà Thị Minh Thu – Chủ tịch Công đoàn ngành y tế chuyên trách được nghỉ hưu theo chế độ và điều động đồng chí Bế Cóong – Phó Chủ tịch chuyên trách công đoàn ngành y tế trở lại nhận công tác tại Sở Y tế (sau đó được Sở Y tế bổ nhiệm làm Bệnh viện phó Bệnh viên Y học dân tộc).

Do Công đoàn ngành y tế Cao Bằng giải thể (7/1989), chuyển các công đoàn cơ sở của ngành y tế trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh nên nhiều hoạt động công đoàn trong ngành khi này không còn mạnh như trước, lúc này lãnh đạo Sở Y tế phải giải quyết nhiều công việc của công đoàn mà không phải chức năng, nhiệm vụ của mình; là ngành có gần 2.000 cán bộ, công nhân viên chức nên việc thành lập lại Công đoàn ngành y tế là hết sức cần thiết. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 1989 – 1990 của Đảng ủy Sở Y tế (ngày 15/6/1990) cho biết giải thể Công đoàn ngành y tế (bộ phận chuyên trách công đoàn ngành và Ban Chấp hành công đoàn ngành) của Liên đoàn Lao động tỉnh - chuyển các công đoàn cơ sở của ngành trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh. Do vậy Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác công đoàn chủ yếu là các chi bộ lãnh đạo công đoàn thuộc phạm vi quản lý của chi bộ mình. Đảng bộ y tế có 7 chi bộ, chỉ đạo 5 công đoàn cơ sở (riêng khối Văn phòng Sở chỉ có 01 công đoàn cơ sở, song về Đảng lại có 03 chi bộ) nên trong việc Chi bộ Đảng, Đảng bộ lãnh đạo công đoàn thuộc phạm vi chi đảng bộ quản lý gặp nhiều khó khăn. Do đó Đảng ủy Sở Y tế đã đề nghị cho thành lập lại Công đoàn ngành y tế Cao Bằng để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức công đoàn, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng.

Tháng 8/1990, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Công đoàn ngành y tế Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh cho thành lập lại Công đoàn ngành y tế Cao Bằng. Tháng 9/1990, Công đoàn y tế Việt Nam, Sở Y tế và Liên đoàn Lao động tỉnh đã có cuộc họp bàn thống nhất thành lập lại Công đoàn ngành y tế Cao Bằng. Được sự nhất trí của Công đoàn ngành y tế Việt Nam và theo đề nghị của Đảng ủy Sở Y tế, ngày 15/12/1990, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có Nghị quyết số 241/NQ-CĐ về việc thành lập Công đoàn ngành y tế Cao Bằng, Nghị quyết số 241/NQ-CĐ quy định Công đoàn ngành y tế Cao Bằng được sử dụng con dấu riêng theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời gồm 09 đồng chí, đồng chí Hà Thị Thọ làm Chủ tịch, đồng chí Đoàn Cảnh Hưng làm Phó Chủ tịch. Ban Chấp hành lâm thời có trách nhiệm chỉ đạo mọi hoạt động công tác Công đoàn trong ngành và tiến hành Đại hội công đoàn ngành để bầu ra Ban Chấp hành chính thức. Thực hiện Nghị quyết số 241/NQ-CĐ, Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn ngành y tế đã tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo các hoạt động công đoàn trong toàn ngành, chỉ đạo các tổ chức công đoàn tại các đơn vị y tế tổ chức đại hội và chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn ngành y tế Cao Bằng sau khi được tái lập.




Nghị quyết số 241/NQ-CĐ ngày 15/12/1990 của Liên đoàn Lao động tỉnh
Cao Bằng về việc thành lập Công đoàn ngành y tế Cao Bằng

Đại hội Đại biểu công đoàn ngành y tế Cao Bằng lần thứ IX tổ chức ngày 26/4/1991, trong Báo cáo trình trước Đại hội cho biết: “Hai năm qua dưới sự chỉ đao trực tiếp của Liên đoàn Lao động tỉnh phong trào hoạt động của các tổ chức công đoàn thuộc ngành y tế nhìn chung vẫn phát huy được vai trò, vị trí của ngành, luôn giữ được niềm tin, đoàn kết, tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn, đặc biệt là khó khăn về đời sống và việc làm của công nhân viên chức, đồng thời vẫn duy trì được nhiệm vụ chính trị của đơn vị, những đơn vị đó là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học dân tộc” và “Đến tháng 12/1990, chính thức Công đoàn ngành được thành lập, từ đó đến nay dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động tỉnh và của ngành cùng sự với sự cộng đồng trách nhiệm của Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành lâm thời đã tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở tiến hành tổ chức Đại hội”. Tại Đại hội này, đồng chí Hà Thị Thọ làm Chủ tịch Công đoàn ngành y tế Cao Bằng và sau đó Liên đoàn Lao động tỉnh đã nhất trí cho đồng chí Hà Thị Thọ làm Chủ tịch Công đoàn ngành y tế Cao Bằng chuyên trách.

Năm 1993, Công đoàn ngành y tế Cao Bằng có 1.600 đoàn viên công đoàn, tại Đại hội Công đoàn ngành y tế Cao Bằng lần thứ X (nhiệm kỳ 1993 – 1998), đồng chí Hà Thị Thọ tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Công đoàn ngành y tế. Khi này, nhiệm kỳ đại hội của Công đoàn ngành y tế bắt đầu là 05 năm (trước đây nhiệm kỳ đại hội của Công đoàn ngành y tế là 02 năm). Được sự đồng ý của Liên đoàn Lao động tỉnh và sự nhất trí của Đảng ủy Sở Y tế, tháng 7/1995, Công đoàn ngành y tế đã bầu bổ sung đồng chí Lục Hữu Lạng vào Ban chấp hành Công đoàn ngành y tế Cao Bằng và bầu làm Phó Chủ tịch chuyên trách, khi này Chủ tịch và Phó Chủ tịch Công đoàn ngành y tế là chuyên trách.

Đại hội Công đoàn ngành y tế Cao Bằng lần thứ XI ngày 25/4/1998 đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 1998 – 2003 gồm 15 đồng chí, đồng chí Hà Thị Thọ được bầu làm Chủ tịch chuyên trách, đồng chí Lục Hữu Lạng được bầu làm Phó Chủ tịch chuyên trách, đồng chí Nông Kim Tuyến làm Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành.

Đại hội Công đoàn ngành y tế Cao Bằng lần thứ XII tổ chức ngày 10/6/2003 đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2003 – 2008 gồm 14 đồng chí, đồng chí Lục Văn Quý – Phó Giám đốc Sở Y tế được bầu làm Chủ tịch Công đoàn ngành kiêm nhiệm (thay đồng chí Hà Thị Thọ được nghỉ hưu theo chế độ), đồng chí Lục Hữu Lạng được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn ngành chuyên trách, đồng chí Nguyễn Thị Hiển làm Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành.

Đại hội Công đoàn ngành y tế Cao Bằng lần thứ XIII tổ chức ngày 28/3/2008 đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2008 – 2013 gồm 15 đồng chí, đồng chí Lục Văn Quý – Phó Giám đốc Sở Y tế tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Công đoàn ngành kiêm nhiệm, đồng chí Lục Hữu Lạng được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn ngành chuyên trách, đồng chí Nguyễn Thị Hiển Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành. Được sự đồng ý của Liên đoàn Lao động tỉnh và sự nhất trí của Đảng ủy Sở Y tế, ngày 11/7/2008, Ban Chấp hành Công đoàn ngành đã bầu bổ sung đồng chí Đàm Thị Hải Hòa - cán bộ chuyên trách của Công đoàn ngành vào Ban chấp hành Công đoàn ngành.

Đại hội Công đoàn ngành y tế Cao Bằng nhiệm kỳ 2013 – 2018 tổ chức ngày 07/12/2012 đã bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn ngành y tế Cao Bằng khóa XIV gồm 17 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế được bầu làm Chủ tịch Công đoàn ngành kiêm nhiệm, đồng chí Nguyễn Thu Hường được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn ngành chuyên trách, đồng chí Đàm Thị Hải Hòa – cán bộ chuyên trách của Công đoàn ngành được bầu làm Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành.
Dưới lãnh đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng, sự chỉ đạo của Công đoàn y tế Việt Nam và Đảng ủy Sở Y tế, sự phối kết hợp chặt chẽ của Sở Y tế, phát huy truyền thống vẻ vang của mình, kể từ khi được tái lập lại tháng 12/1990, Công đoàn ngành y tế Cao Bằng đã không ngừng nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để phát huy, nâng cao tính đại diện và hiệu quả hoạt động của mình, tham gia quản lý, chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của cán bộ công nhân viên chức và người lao động trong ngành y tế; giám sát hoạt động của chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; tăng cường phát triển đoàn viên, xây dựng, củng cố tổ chức công đoàn cơ sở tại các đơn vị y tế trong Tỉnh; phát hiện và bồi dưỡng các đoàn viên công đoàn ưu tú trong ngành để giới thiệu cho Đảng; tổ chức phát động các phong trào thi đua như “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nâng cao y đức”, “Xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện”... kịp thời biểu dương, động viên cán bộ công nhân viên chức và lao động trong ngành không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phấn đấu rèn luyện y đức, thấm nhuần lời dạy của Bác: “lương y phải như từ mẫu”, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; triển khai hoạt động xã hội từ thiện như đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, chăm lo các gia đình chính sách, hỗ trợ đoàn viên công đoàn trong ngành có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sửa chữa và xây mới nhà từ nguồn quỹ Mái ấm công đoàn...qua đó Công đoàn ngành y tế Cao Bằng đã phát huy được vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị xã hội trong ngành y tế; với 3.290 đoàn viên công đoàn (trong đó 2.384 đoàn viên là nữ) từ các tổ công đoàn tại 199 trạm y tế xã, phường, thị trấn đến 26 công đoàn cơ sở ở tuyến huyện và 14 công đoàn cơ sở tuyến tỉnh, Công đoàn ngành y tế Cao Bằng luôn luôn phối hợp cùng với Sở Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền giao, xây dựng và phát triển ngành y tế Cao Bằng không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, kịp thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân các dân tộc Tỉnh nhà. Ghi nhận kết quả và thành tích đã đạt được, từ năm 2008 đến 2013, Công đoàn ngành y tế Cao Bằng đã được tặng các phần thưởng:
- Năm 2008 được tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng.
- Năm 2009 được tặng Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng.
- Năm 2010 được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Năm 2011 được tặng Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng.
- Năm 2012 được tặng Cờ thi đua của Công đoàn y tế Việt Nam.
- Năm 2013 được tặng Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng.



(Đồng chí Hà Nhật Lệ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng tặng hoa chúc mừng
các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành công đoàn ngành y tế nhiệm kỳ 2013 – 2018)

Với tinh thần “Đổi mới sáng tạo hoạt động công đoàn vì đoàn viên công đoàn và người lao động, vì sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của ngành y tế”, trong nhiệm kỳ 2013 – 2018, Công đoàn ngành y tế Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao Chất lượng - Hiệu quả gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế của ngành y tế; tuyên truyền, giáo dục chính trị, pháp luật, đạo đức lối sống cho cán bộ đoàn viên, công chức, viên chức lao động trong ngành bằng nhiều hình thức và nội dung phù hợp; vận động đoàn viên và người lao động không ngừng rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.


ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang