Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
LỚP Y TÁ CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN
Lượt xem: 2069
Tháng 8/1945, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, sau khi chiến thắng phát xít Đức trên chiến trường châu Âu, ngày 08/8/1945 Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão tiêu diệt đạo quân Quan đông chủ lực của phát xít Nhật ở Mãn Châu (Trung Quốc), buộc phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện ngày 14/8/1945. Ở trong nước, phong trào cách mạng dâng cao, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, quân Nhật và bè lũ tay sa theo Nhật hoang mang tan rã, tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, chớp thời cơ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, khai sinh ra nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau khi chính quyền thuộc về nhân dân, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ngày 28/81945, Chính phủ lâm thời nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên cáo thành lập gồm 13 bộ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu trong đó có Bộ Y tế do Bs Phạm Ngọc Thạch làm Bộ trưởng, Bộ Y tế được thành lập đã đánh dấu sự ra đời ngành y tế Việt Nam dưới chính quyền cách mạng để phục vụ nhân dân. Ngày 02/91945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Đối với tỉnh Cao Bằng, sau khi vừa giành được chính quyền ngày 22/8/1945 thì đã phải đứng trước muôn vàn khó khăn do 2 vạn quân Tưởng núp giới chiêu bài “Đồng minh vào để tước vũ khí quân Nhật” tràn vào với những mưu đồ đen tối; mặc dù gặp bộn bề khó khăn thách thức và muôn vàn công việc cần phải giải quyết nhưng công tác y tế đã được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh hết sức quan tâm. Để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, việc tổ chức, thành lập bộ máy y tế đã được Tỉnh ủy và Ủyban nhân dân lâm thời tỉnh chỉ đạo khẩn trương thực hiện; kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015), Ban Biên tập trang Thông tin điện tử Sở Y tế Cao Bằng trân trọng giới thiệu bài viết “Lớp y tá cách mạng đầu tiên” của tác giả Ngọc Lâm đăng trên Báo Cao Bằng số 1899 năm thứ 38 ngày 24/02/2003, bài viết đã phần nào phản ánh về sự hình thành y tế Cao Bằng sau khi vừa giành được chính quyền và trong bối cảnh 2 vạn quân Tưởng tràn vào Cao Bằng với những âm mưu thủ đoạn nham hiểm ra sức tìm cách bóp nghẹt chính quyền cách mạng non trẻ, hòng thủ tiêu thành quả đấu tranh cách mạng mà nhân dân ta vừa có được.
Để tránh đụng độ quân sự với quân Quốc dân đảng Trung Hoa, sau khi chính quyền cách mạng ra mắt quần chúng (22/8/1945) đã rút khỏi Thị xã Cao Bằng. Hai vạn quan Tưởng tràn vào Thị xã liền lộ hẳn chân tướng một đạo quân xâm lược. Bệnh viện Thị xã sau ngày Nhật đảo chính Pháp bị đóng cửa vừa hoạt động trở lại được 4 tháng nay lại phải ngừng một lần nữa, tại bệnh viện này có hai ông y tá rất thân nhau. Một ông tên là Hoàng Quế Xuân1, người Tày ở châu Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn là y tá trưởng thời Pháp thuộc, đã hàng chục năm nay làm việc tại bệnh viện. Còn người thứ hai là ông Lâm Ngọc Roanh2, trước đây là y tá châu Quảng Uyên, quê ở xóm Nước Giáp, ông còn là Trạm trưởng Việt Minh bí mật ở Thị xã. Từ tháng 6/1945, ông Roanh đã giới thiệu ông Xuân vào Việt Minh. Một hôm vào đầu tháng 9/1945, ông Roanh đến gặp ông Xuân trao đổi:

- Bác Xuân ạ, vừa rồi đồng chí Hồng Kỳ ngoài ấy nhắn vào: "tìm mọi cách mở lại bệnh viện để chữa bệnh cho dân. Đào tạo cấp tốc một lớp y tá cung cấp cho các châu không có quân Tưởng chiếm đóng". Ta thử bàn tính xem thế nào.

Ông Xuân suy nghĩ giây lát nói:
- Mấy tháng trước ta còn dựa vào thế tỉnh trưởng bảo an Nguyễn Tòng để xin xỏ với Nhật cho mở lại bệnh viện. Nay Nguyễn Tòng lại làm tay sai cho quân Tưởng biết xin vào đâu bây giờ.

Ông Roanh giải thích:
- Hôm chính quyền ta ra mắt quần chúng nhân dân ở Thị xã, ta có mời Nguyễn Tòng ra làm cố vấn, ít nhiều nó đã thấy được sức mạnh của Việt Minh, bác đến gặp nó xem sao. Còn tôi đã dò hỏi được tên quan tư bên lính Tưởng cũng họ Lâm. Người Tàu họ thích người cùng họ. Tôi sẽ đến gặp nó, với lại lính nó ốm đau cũng lắm, biết đâu nó cũng muốn có chỗ chứa bệnh cho lính. Khi có bệnh viện rồi thì việc mở lớp sẽ trôi thôi.
Thế là công việc mở lại bệnh viện được thực hiện. Song, việc mở lớp đào tạo y tá đâu có dễ: Ai là thầy dạy? lấy đâu ra người điều về các châu làm việc trong khi người xin theo học lại toàn là người Thị xã tuổi mới 15 -16, hai ông lại bàn với nhau. Ông Xuân đề xuất ý kiến:

- Bác Roanh ạ, tốt nhất là gọi được học sinh nam giới ở các châu đến học, học xong người ở đâu lại về đấy làm việc, nhưng tình hình lúc này không cho phép, lộ ra bọn Tưởng lại cấm đoán, gây khó dễ. Ta cứ mở một lớp cho các cô thiếu nữ Thị xã. Học xong ta bố trí vào làm việc tại bệnh viện rồi vận động các y tá cũ là nam giới đi nhận việc ở các châu vậy. Nếu tình hình sáng sủa ra ta mở tiếp lớp đào tạo cho chính người quê ở đây. Còn thầy dạy thì đành "cơm chấm cơm vậy", đào đâu ra y sĩ, bác sĩ bây giờ. Y tá già dạy cho y tá trẻ cốt sao họ biết sơ sơ chẩn đoán bệnh mà cấp phát thuốc, biết tiêm chủng, biết băng bó viết thương, không cho bệnh nhân nhức đầu uống thuốc đau bụng và quan trọng hơn là họ yêu nghề tận tụy chăm sóc người bệnh.

Ông Roanh tán thưởng, thế là lớp y tá đầu tiên được mở với 16 học viên trong đó có 12 nữ. Thầy dạy là các y tá Xuân, Roanh, Dung, Khánh, Ninh. Học viên cứ cơm nhà, ngủ nhà, đến giờ thì học, còn thầy cũng không có lương. Sau 3 tháng một số học viên nữ được bố trí ở lại bệnh viện Thị xã, một số đưa về xưởng quân giới Lê Tổ, Trung đoàn 24 và các châu gần tỉnh. Sau này không ít người theo đuổi nghề đến cùng trở thành bác sĩ tài giỏi làm việc ở các bệnh viện tuyến Trung ương như các nữ bác sĩ Thanh, Hợi, Cung, Khiết, Yến...có người trở thành cán bộ lãnh đạo của ngành như bác sĩ Lâm Tín, nguyên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng.
Ngày 15/11/1945 lính Tưởng rút về xuôi, chỉ còn để lại một Trung đội, các UBND lâm thời từ tỉnh đến các châu công khai hoạt động. Sự nghiệp y tế cách mạng Cao Bằng được gây dựng ban đầu từ hơn 20 y tá già và trẻ như vậy. Rồi hàng chục lớp đào tạo y tá được mở liên tiếp cung cấp cho các huyện, các đơn vị bộ đội, các cơ quan trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

NGỌC LÂM
_________________________________________________________________________________________________________________
1. Ông Hoàng Quế Xuân sau này Quyền Trưởng ty y tế Cao Bằng, Bệnh viện trưởng Bệnh viện tỉnh Cao Bằng (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng).
2. Ông Lâm Ngọc Roanh (bí danh là Bảo Thanh), sau này là Phó Trưởng ty y tế Cao Bằng, rồi Bí thư Thị ủy Thị xã Cao Bằng (tháng 12/1963).


Báo Cao Bằng số 1899 năm thứ 38, Thứ Hai ngày 24/02/2003 đăng bài Lớp y tá cách mạng đầu tiên của tác giả Ngọc Lâm

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang