Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lâm Văn Tín - từ học sinh lớp y tá do y tế Cao Bằng mở đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám (tháng 12/1945) đến lãnh đạo Sở Y tế Cao Bằng
Lượt xem: 1841
Trong năm 2013 khi tiến hành sưu tầm, khai thác các tài liệu, tư liệu về y tế Cao Bằng giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để phục vụ cho việc biên soạn cuốn lịch sử y tế tỉnh Cao Bằng, Sở Y tế gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các tài liệu, tư liệu về thời kỳ này mà Sở Y tế có được rất ít và rời rạc, trong khi các nhân chứng biết về thời kỳ hình thành y tế Cao Bằng sau Cách mạng Tháng Tám hầu như không còn. Được sự giúp đỡ của Bs Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thị Hiếu khi đó là Hiệu trưởng Trường Trung cấp y tế Cao Bằng, Sở Y tế đã có được bản góp ý ngày 26/4/1996 do Bs Lâm Văn Tín - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng viết gửi Trường Trung cấp y tế Cao Bằng khi Trường biên soạn cuốn 35 năm truyền thống Trường Trung học y tế Cao Bằng (1961 – 1996) và cuốn sách này đã được thẩm định, xuất bản năm 1997; nội dung trong bản góp ý của Bs Lâm Tín gửi Trường Trung cấp y tế Cao Bằng có rất nhiều thông tin quý giá, định hướng cho Sở Y tế trong việc tiếp tục khai thác các tài liệu, tư liệu hiện đã được Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Cao Bằng và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III chỉnh lý, đưa ra phục vụ; nhờ đó Sở Y tế có thêm được nhiều tài liệu, tư liệu để góp phần bổ sung cho việc biên soạn, in ấn phát hành cuốn Lịch sử y tế tỉnh Cao Bằng trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trước Cách mạng Tháng Tám ở Cao Bằng chỉ có “01 bệnh viện, phòng khám bệnh tỉnh gồm có 01 y sĩ và 15 y tá dưới quyền kiểm soát của viên quan Ba Đốc – tơ. Ngoài ra còn có trạm phát thuốc hộ sinh ở các huyện lẻ trong tỉnh, trạm có 01 y tá và 01 bà mụ. Tính chất mở bệnh viện và trạm phát thuốc mục đích chỉ là ban ơn cho một số ít đồng bào ở Thị xã và thị trấn nhưng đi sâu vào thực tế tổ chức của họ chỉ là phục vụ quan lại, viên chức và binh lính. Về mặt phòng bệnh tuy có tổ chức nhưng không đi sâu vào nông thôn nên đa số nhân dân lao động bị ốm đau, không được đến bệnh viện để chạy chữa. Về khoa học thường thức không biết gì là về phòng bệnh. Do ăn ở thiếu vệ sinh nên bệnh tật phát sinh nhiều, hàng năm các bệnh sốt rét cơn, ỉa chảy, kiết lỵ rất phổ biến, nhân dân ta mắc bệnh chỉ biết mời thầy cúng ma hoặc bói”(1) và “dưới những hình thức tổ chức có tính chất nhà thương, vài trạm phát thuốc ra, ở nông thôn không còn một tổ chức bảo vệ sức khỏe nào để phục vụ cho nhân dân lao động”(2). Sau khi phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp ngày 09/3/1945, Bệnh viện ở Thị xã Cao Bằng bị đóng cửa một thời gian, sau đó mới được phát xít Nhật đồng ý cho hoạt động trở lại nhưng lúc này cũng chỉ còn vài y tá làm việc(3).
Tháng 8/1945, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, ngày 14/8/1945 phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Lúc này, ở trong nước, phong trào cách mạng dâng cao, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, quân Nhật và bè lũ tay sai theo Nhật hoang mang tan rã, tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, tận dụng thời cơ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Tại Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Cao Bằng, đến ngày 21/8/1945 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi hầu hết tại các huyện trong Tỉnh, ngày 22/8/1945 khởi nghĩa giành thắng lợi tại Thị xã Cao Bằng, chính quyền của Nhật và bọn tay sai bị xóa bỏ, Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh được thành lập và ra mắt nhân dân. Vừa mới giành được chính quyền, tỉnh Cao Bằng đã phải đứng trước muôn vàn khó khăn do 2 vạn quân Tưởng núp giới chiêu bài “Đồng minh vào để tước vũ khí quân Nhật” vượt biên giới tiến vào nước ta qua Cao Bằng theo cửa khẩu Sóc Hà (Hà Quảng), Pò Peo (Trùng Khánh) và Tà Lùng (Phục Hòa) với những mưu đồ đen tối, nham hiểm, đi tới đâu quân Tưởng đều thi hành chính sách “tam quang” bắn giết cán bộ cách mạng, quần chúng chung kiên, cướp bóc của cải của nhân dân ta(4).
Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn thách thức và bộn bề công việc cần phải giải quyết nhưng công tác y tế đã được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh hết sức quan tâm. Để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đầu tháng 9/1945, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh đã giao cho y tá Hoàng Quế Xuân và y tá Lâm Ngọc Roanh là những y tá làm việc dưới thời Pháp thuộc đã được giác ngộ cách mạng nhiệm vụ đưa bệnh viện Cao Bằng (khi đó còn gọi là nhà thương Cao Bằng) trở lại hoạt động và nhanh chóng mở lớp đào tạo y tá để tạo ngay nguồn cán bộ y tế cho các huyện. Sau đó, Bệnh viện Cao Bằng đã sớm trở lại hoạt động để phục vụ nhân dân, đánh dấu sự ra đời của y tế Cao Bằng dưới chính quyền Cách mạng. Tháng 12/1945 Bộ Y tế cử Bs Nguyễn Duy Ngọ lên Cao Bằng, Bs Nguyễn Duy Ngọ cùng y tá Hoàng Quế Xuân và y tá Lâm Ngọc Roanh đã khẩn trương tổ chức và mở lớp y tá đầu tiên của tỉnh Cao Bằng sau Cách mạng Tháng Tám, trong lớp học này có Lâm Văn Tín, sau này là Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng.
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015), Ban Biên tập trang Thông tin điện tử Sở Y tế Cao Bằng trân trọng giới thiệu tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp của Bs Lâm Văn Tín đối với y tế Cao Bằng.
Lâm Văn Tín tức Lâm Tín quê ở Nước Giáp Phường Hợp Giang, Ông sinh ngày 18/3/1927; trước Cách mạng Tháng Tám, Lâm Văn Tín đã làm liên lạc tham gia cung cấp thuốc cho cách mạng; Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Lâm Văn Tín 18 tuổi, với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ sẵn sàng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Lâm Văn Tín đã theo học lớp y tá đầu tiên do y tế Cao Bằng mở để tạo nguồn cán bộ y tế cho y tế Cao Bằng khi đó mới được hình thành vô cùng thiếu thốn về nhân lực; theo nội dung bản góp ý ngày 26/4/1996 của Bs Lâm Văn Tín gửi Trường Trung cấp y tế Cao Bằng thì khi mở lớp y tá đầu tiên ở Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn vì không trường và không có kinh phí, do đó đã phải vận động con em Thị xã học tự túc và lấy lớp học của trường con em Pháp để lại để làm nơi giảng dạy. Lớp y tá được khai mạc ngày 05/12/2945, hôm khai mạc có 27 người toàn là người Thị xã vừa đi học vừa đi làm; sáng đi bệnh viện, chiều đi học, tối trực không có trợ cấp. Đến khi kết thúc khóa học và tổ chức thi chỉ còn 11 người, trong đó có Lâm Văn Tín; cả 11 người dự thi đều được cấp bằng tốt nghiệp y tá do Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí ký. Học xong y tá (tháng 7/1946), Lâm Văn Tín đã vào phục vụ trong ngành y tế Cao Bằng và nhận công tác ở Hạ Lang; từ năm 1946 – 1954, Ông đã công tác tại Hạ Lang, Bảo Lạc, tham gia phục chiến dịch Biên giới (1950), tham gia chiến dịch sản xuất gỗ tà vẹt để phục vụ xây đường xe lửa từ Nam Ninh (Trung Quốc) đến Hữu Nghị Quan (Việt Nam), tham gia phục vụ chiến dịch Tây Bắc 1953 – 1954.
Tháng 8/1954 – 7/1961, Lâm Văn Tín đến công tác tại Bệnh viện tỉnh Cao Bằng (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng), thời gian này Ông đã học xong chương trình y sĩ vệ sinh phòng bệnh. Từ tháng 8/1961 - 7/1962, Lâm Văn Tín được giao phụ trách phòng chuyên môn của Ty Y tế Cao Bằng (thực chất khi này Ty Y tế Cao Bằng chưa có phòng chuyên môn nghiệp vụ cụ thể mà phòng chuyên môn này bao gồm các bộ phận: tổ chức cán bộ, kế hoạch, thống kê, tổng hợp…). Tháng 8/1962 – 12/1975, Lâm Văn Tín được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ty Y tế Cao Bằng, trong giai đoạn này ông đi học bác sĩ và khi Trạm Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh Cao Bằng được thành lập năm 1964 (tiền thân của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em hiện nay) ông kiêm Trạm trưởng Trạm Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh Cao Bằng.
Năm 1976 – 1978 khi tỉnh Cao Bằng sát nhập với tỉnh Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng, Lâm Văn Tín được cử giữ chức Phó Trưởng ty Y tế Cao Lạng. Sau khi tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn được tái lập trở lại (01/1979) trên cơ sở chia tách tỉnh Cao Lạng, Ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ty Y tế Cao Bằng. Ngày 13/10/1979, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng được thành lập, Bs Lâm Văn Tín được cử làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh kiêm Phó Trưởng ty Y tế Cao Bằng. Tháng 4/1980, sau khi Ty Y tế Cao Bằng sáp nhập với Ty Thể dục thể thao Cao Bằng thành Sở Y tế - Thể dục Thể thao Cao Bằng theo Quyết định số 267 QĐ/UB-TC ngày 15/4/1980 của UBND tỉnh, Bs Lâm Văn Tín được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Y tế - Thể dục Thể thao kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng. Tháng 10/1982, Sở Y tế Cao Bằng và Sở Thể dục Thể thao Cao Bằng được thành lập trên cơ sở chia tách Sở Y tế - Thể dục Thể thao Cao Bằng, Bs Lâm Văn Tín tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng kiêm Phó Giám đốc Sở Y tế; tháng 12/1989 Bs Lâm Văn Tín nghỉ hưu; Ông mất ngày 19/12/1997.
Cách mạng Tháng Tám thành công, y tế Cao Bằng được thành lập đã đưa Lâm Văn Tín đến với nghề y, từ học sinh lớp y tá do y tế Cao Bằng mở đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám (tháng 12/1945), sau khi học xong vào phục vụ trong ngành y tế Cao Bằng (tháng 7/1946) cho đến khi được nghỉ hưu (1989), trong 43 năm công tác, phục vụ, với hoài bão cống hiến cho sự nghiệp y tế Cao Bằng, từ người y tá, Lâm Văn Tín đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, lao động, học tập, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở thành người bác sĩ, người cán bộ làm công tác quản lý ngành y tế giàu phẩm chất đạo đức cách mạng, có năng lực, có uy tín, luôn luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển y tế Cao Bằng, Ông đã có 27 năm được Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cao Bằng giao trọng trách giữ cương vị lãnh đạo ngành y tế Cao Bằng. Sau khi được nghỉ hưu cho đến khi mất, Bs Lâm Văn Tín vẫn giành nhiều thời gian, trí tuệ tâm huyết tham gia đóng góp xây dựng ngành y tế Cao Bằng.
______________________________________________________________________________________________________

(1), (2): Báo cáo số 01 KH ngày 19/01/1960 của Ty Y tế Cao Bằng (tài liệu lưu trữ tại Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Cao Bằng).
(3): xem bài Lớp y tá cách mạng đầu tiên của tác giả Ngọc Lâm đăng trên Báo Cao Bằng số 1899 năm thứ 38 ngày 24/02/2003.
(4): xem Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, tập I (1930 -1945), xuất bản 1995.



Nghị định số 269 –ZYO/ND/2 ngày 19/8/1950 của Bộ trưởng Bộ Y tế (khi này Bộ trưởng Bộ Y tế được ban hành Nghị định)
bổ dụng một số y tá Cao Bằng tốt nghiệp lớp y tá ngày 29/7/1946 vào y tá tập sự (ngạch cán sự, hạng B, bậc 6),
trong đó có y tá Lâm Văn Tín (tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – Hà Nội).






Quyết định số 818/BYT-QĐ ngày 08/8/1962 của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm Bs Lâm Tín làm Phó trưởng Ty Y tế Cao Bằng
(theo phân cấp công tác cán bộ thời kỳ này quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Ty Y tế là do Bộ trưởng Bộ Y tế),

tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – Hà Nội.




Bài viết 30 năm xây dựng và phát triển của ngành y tế tỉnh ta của Bs Lâm Tín trên Báo Cao Bằng ngày 30/8/1975
(bài viết kỳ niệm 30
Cách mạng Tháng Tám, 19/8/1945 - 19/8/1975).



Đội viên thiếu niên chữ thập đỏ Trường Phổ thông cơ sở Tân Giang, Thị xã Cao Bằng chụp ảnh với lãnh đạo
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam,đại biểu tỉnh và Thị xã Cao Bằng ngày 06/7/1983;
từ phải qua trái: Bs Lâm Văn Tín – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng,
Bs Nguyễn Văn Tín – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam,
Đ/c Hứa Đông Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng,
Đ/c Nông Văn Lai – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cao Bằng
và Đ/c Nguyễn Thế Bình – Phó Trường phòng Giáo dục Thị xã Cao Bằng
(ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)




Nghị quyết số 32/NQ.NS.CB ngày 09/3/1979 của Tỉnh ủy Cao Bằng bổ nhiệm lãnh đạo Ty Y tế Cao Bằng
sau khi tỉnh Cao Bằng được tái lập, Bs Lâm Văn Tín được bổ nhiệm làm Phó trưởng ty Ty Y tế


Quyết định số 385 BYT-QĐ của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lãnh đạo Ty Y tế Cao Bằng
sau khi tỉnh Cao Bằng được tái lập năm 1979, trong đó Bs Lâm Văn Tín được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ty Y tế
(giai đoạn này, theo phân cấp công tác cán bộ, việc bổ nhiệm lãnh đạo Ty Y tế có sự thống nhất (hiệp y)
giữa Bộ Y tế và Tỉnh nên sau khi có quyết định của Tỉnh ủy Cao Bằng còn có quyết định bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế).


Quyết định số 352 UB/QĐ-TC ngày 05/5/1980 của UBND tỉnh Cao Bằngbổ nhiệm Bs Lâm Tin Phó Trưởng ty Y tế
giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng kiêm Phó Giám đốc Sở Y tế - Thể dục thể thao Cao Bằng




Trang cuối bản góp ý ngày 26/4/1996 của Bs Lâm Văn Tín gửi Trường Trung cấp y tế Cao Bằng
khi Trường biên soạn cuốn 35 năm truyền thống Trường Trung học y tế Cao Bằng (1961 – 1996)

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang