Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo, lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo
Lượt xem: 73
Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn luôn là một trong những quan tâm, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Để tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đối về chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (sau đây gọi là đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn), ngày 01/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo; theo đó, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện khó khăn ngoài việc được Ngân sách Nhà nước đảm bảo đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thì khi đi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên còn được hỗ trợ tiền ăn, được hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được BHYT hỗ trợ....

Ngày 18/10/2013, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC (Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC) hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013; Thông tư này đã hướng dẫn việc thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo để thực hiện việc hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện khó khăn theo Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg; việc lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo; theo đó, Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo được đặt tại Sở Y tế, có con dấu riêng, được mở tài khoản tiền gửi tại kho bạc nhà nước để quản lý nguồn hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước.

Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban; lãnh đạo Sở Y tế là Phó trưởng ban thường trực; lãnh đạo Sở Tài chính làm Phó trưởng ban; đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh và đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo để thực hiện các nội dung quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg theo phân cấp quản lý Ngân sách Nhà nước hiện hành. Việc lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

Trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật về BHYT; Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo không hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp này.

Kinh phí quản lý Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp y tế hằng năm của Sở Y tế.
Việc hạch toán, quyết toán Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính hướng.

Trường hợp Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo sử dụng vốn viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, việc quản lý, sử dụng, theo dõi, hạch toán và quyết toán thực hiện theo các quy định của pháp luật về tiếp nhận, quản lý, sử dụng viện trợ và quy định của nhà tài trợ (nếu có).

Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức, quản lý và điều hành Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo quyết định của UBND tỉnh; lập dự toán ngân sách Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo và kinh phí quản lý Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt; hằng năm, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp tình hình thành lập và hoạt động của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo trình Chủ tịch UBND tỉnh gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC quy định trong năm 2013 các địa phương chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ Quỹ và kinh phí quản lý Quỹ trong dự toán chi ngân sách địa phương đã được giao. Trường hợp có khó khăn về kinh phí, các địa phương có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Là tỉnh miền núi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, có trên 95 % đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống, với 179/199 xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC được Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành có ý nghĩa đặc biệt rất quan trọng đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn của tỉnh Cao Bằng, tạo cơ hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn tiếp tục có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế khi chẳng may bị ốm đau phải vào nằm điều trị nội trú từ bệnh viện từ tuyến huyện trở lên.

Từ thực tế sau 4 năm tổ chức triển khai, thực hiện nội dung Văn kiện Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc” sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới được phê duyệt tại Quyết định số 5053/QĐ-BYT ngày 11/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 2009 đến nay cho thấy nhờ có hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại nên việc sử dụng dịch vụ y tế tại tuyến huyện, tần xuất sử dụng thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế tại tuyến huyện của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg đã được tăng cao; giúp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bớt khó khăn, lo lắng trong việc phải trả các chi phí gián tiếp như ăn uống, đi lại...khi vào điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến huyện. Cụ thể, số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ như sau: năm 2010 có 4.796 người được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại với số tiền là 1,063 tỷ đồng; năm 2011 có 18.129 người được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại với số tiền là 3,961 tỷ đồng; năm 2012 có 40.261 người được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại với số tiền là 10,666 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 có 32.982 người được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại với số tiền là 9,307 tỷ đồng. Theo nội dung Hiệp định tài trợ và Công văn số 6786/BYT-KHTC ngày 22/10/2013 của Bộ Y tế, đến ngày 31/3/2014 Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ kết thúc hoạt động hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống.

Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BYT-BTC vừa được ban hành, cụ thể hóa cơ chế hỗ trợ, cơ chế tổ chức thực hiện và nguồn lực đảm bảo việc hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi đi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên không chỉ góp phần tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội mà còn hết sức ý nghĩa và rất thiết thực đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; riêng đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng sau khi Dự án “Hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc” kết thúc hoạt động hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thì Ngân sách Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thông qua Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo; trong điều kiện kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch nhưng Ngân sách Nhà nước vẫn bố trí để hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi đi điều trị nội trú tại bệnh viện huyện trở lên là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước tiếp tục dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.




ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang