Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng Đông - Xuân. Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, với 90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình, một người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác. Chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tiêm Vắc xin sởi cho trẻ tại điểm Trường Tiểu Học Pác Rà, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm. Ảnh: Thủy Tiên
Trên 90% các ca mắc sởi chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm
không đầy đủ
Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng
số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn
thế giới, với 184 quốc gia ghi nhận ca mắc. Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng
phát tại 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vắc xin thấp (dưới
80%).
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2025
đến nay, cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố,
trong đó có gần 3.500 trường hợp dương tính với sởi; 5 trường hợp tử vong liên
quan đến sởi. Số mắc sởi chủ yếu tập trung ở
trẻ em từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi, chiếm 72,7% tổng số ca mắc. Hơn 90% các ca
mắc sởi chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ, miễn
dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa dịch bệnh. Một
bộ phận người dân chủ quan, lơ là, không đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ,
đúng lịch, làm
tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sự gia tăng của dịch sởi này được dự báo sẽ
tiếp tục trong năm 2025.
Tại tỉnh Cao Bằng, tính từ đầu năm 2025 đến ngày
17/03/2025, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ghi nhận 2.639 trường hợp nghi mắc bệnh
sởi, trong đó 15 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương
tính, 01 trường hợp tử vong. Số mắc được ghi nhận tại 07/10 huyện, thành
phố, cụ thể: Bảo Lâm (1.938 trường hợp), Bảo Lạc (480 trường
hợp), Hà Quảng (128 trường hợp), Nguyên Bình (51 trường hợp),
Thành phố Cao Bằng (38 trường hợp), Hòa An (03 trường hợp),
Quảng Hòa (01 trường hợp). Độ tuổi mắc chủ yếu là từ 1 - 5 tuổi với 1.602 trẻ
(chiếm 60,7 %), trẻ từ 6 - 10 tuổi với 535 trường hợp (chiếm
20,3%). Đa số các trường hợp mắc chưa được tiêm vắc xin có thành phần sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ .
Các
dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ
Bệnh
sởi hình thành do vi rút siêu vi sởi nằm ở mũi và họng của người bệnh, vì vậy
bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua hô hấp cụ thể các đường lây như:
khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho,… vi rút sởi sẽ theo ra ngoài không
khí bằng những giọt nước nhỏ, người hít phải sẽ bị lây nhiễm. Những
giọt nước đó dính vào đồ đạc xung quanh, khi sờ vào những đồ đạc ấy và đưa tay
lên mũi, miệng cũng sẽ bị lây bệnh.
Sau khi trẻ tiếp xúc với người bị sởi từ 1 - 3 tuần, có
thể xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Triệu
chứng viêm long: Kéo dài 2 - 4 ngày, trẻ sốt cao liên
tục, viêm long đường hô hấp trên và kết mạc, đôi khi có cả viêm thanh quản.
- Triệu
chứng toàn phát: Kéo dài 2 - 5 ngày, trẻ hết sốt, bắt
đầu phát ban, hồng ban dạng sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau
tai, sau gáy, trán, mặt, cổ lan dần đến thân mình và tứ chi, cả lòng bàn tay và
bàn chân.
-
Triệu chứng hồi phục bệnh: Ban nhạt màu dần rồi chuyển
sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn như da hổ và biến mất
theo thứ tự lúc xuất hiện. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết
bệnh.
Sau khi mắc bệnh sởi, trẻ thường bị suy giảm miễn dịch
nên dễ bị bội nhiễm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm
phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử
vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
Tất cả những người chưa có
miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn
miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc
sởi.
Tiêm vắc xin sởi là biện
pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi
Bệnh sởi có khả năng lây truyền
cao và chỉ có thể cắt đứt được sự lây
truyền trong cộng đồng khi miễn dịch
bảo vệ đặc hiệu cần đạt ít nhất 95%. Các trường hợp chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng
chưa đầy đủ tích luỹ qua nhiều năm tạo
khoảng trống miễn dịch làm giảm khả năng bảo vệ trước nguy cơ lây lan.
Bên cạnh đó, việc ghi nhận các trường hợp mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm
chủng (khoảng hơn 20% trẻ dưới 9 tháng tuổi) làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch
bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn
ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó một bộ phận người dân chủ quan,
lơ là, không đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Hiện tượng chống vắc xin đã xuất hiện và có
xu hướng gia tăng, nhất là ở các đô thị lớn.
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Thủy Tiên
Bệnh sởi nguy hiểm khi có thể gây suy giảm miễn dịch,
khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng như: Viêm
tai giữa cấp; viêm phổi nặng; viêm não; tiêu chảy; mờ hoặc loét giác mạc; suy
dinh dưỡng...
Ở thai phụ, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi,
viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc sởi
trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi
có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.
Vì
vậy việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ, kịp thời rất
quan trọng vì không chỉ bảo vệ bản thân người tiêm mà còn bảo vệ cho cộng đồng,
đặc biệt là các trẻ không tiêm chủng được hoặc chưa đủ tuổi tiêm vắc xin.
Trước
tình hình bệnh sởi gia tăng và diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống bệnh
sởi, biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin sởi. Người dân cần chủ động đưa con em
từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi
vắc xin sởi đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để tiêm vắc xin phòng sởi. Nếu
trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có
đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng
tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90 - 95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo
lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền
vững suốt đời. Đối với trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi
cần tới tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy
cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
Bên cạnh đó, để chủ
động phòng bệnh sởi, người dân cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thường xuyên rửa tay và vệ
sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp
xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc
trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Hạn
chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ
mắc bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần đến ngay cơ sở y tế gần
nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng của bệnh sởi.
Tránh
xa phong trào “anti vắc xin”(phản đối vắc xin)
Phong trào anti vắc xin được xem là phong trào nguy hiểm
nhất trên thế giới. Chính do phong trào này nhiều căn bệnh gần như đã bị xóa sổ
ở nhiều quốc gia như sởi đã bùng phát. Không chỉ dẫn những thông tin sai lạc
cho rằng tiêm vắc xin có hại cho sức khỏe, những phong trào anti vắc xin còn
lấy cớ quyền tự do và quyền lựa chọn của phụ huynh để phản đối việc tiêm vắc
xin. Ví dụ: Có thông tin cho rằng “Miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch tạo ra
bởi vắc-xin”, trong một số trường hợp, khả năng miễn dịch tự nhiên - có nghĩa
là khi đã mắc bệnh cơ thể sẽ tạo khả năng miễn dịch đối với bệnh mạnh hơn so
với tiêm chủng. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của phương pháp này vượt xa lợi ích
tương đối của nó. Lấy ví dụ về bệnh sởi, bằng cách mắc bệnh tự nhiên, bạn sẽ
phải đối mặt với nguy cơ tử vong 1 trên 500 do các triệu chứng bệnh. Ngược lại,
số người bị dị ứng nghiêm trọng khi tiêm phòng vắc-xin sởi, ít hơn một phần
triệu.
Ngành
Y tế Cao Bằng chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi
Ngay
khi xuất hiện các trường hợp nghi mắc sởi trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị
trực thuộc tăng cường năng lực hệ thống điều trị, tổ chức tốt việc thu dung,
cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời các bệnh nhân bị sởi; rà soát, chuẩn bị đầy
đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực, sẵn sàng về cơ sở vật chất, giường
bệnh, thiết lập khu vực cách ly riêng để khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi.
Cùng với đó tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban
nghi sởi tại cộng đồng, rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc,
thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại
chỗ”; sẵn sàng hỗ trợ các huyện cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi cần thiết;
tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở về phân tuyến
điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng chống
lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Đồng chí Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở
Y tế và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sởi tại Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cao Bằng đã
chủ động thực hiện triển khai các hoạt động theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế
và Sở Y tế Cao Bằng về tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch sởi; Chỉ đạo
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh
tại cộng đồng; giám sát, lấy mẫu các trường hợp sốt phát ban nghi sởi để
xét nghiệm, hướng dẫn các đơn vị thực hiện quản lý ca bệnh, cách ly và xử lý ổ
dịch kịp thời tại cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế
huyện, thành phố rà soát trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng về tiền
sử tiêm chủng và tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi (cho trẻ từ đủ 9
tháng tuổi) và vắc xin sởi - rubella (cho trẻ từ đủ 18 tháng tuổi, rà soát
trẻ từ 1-10 tuổi tại
vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra sẽ được tiêm đủ mũi vắc
xin chứa thành phần sởi theo quy định. Hỗ trợ chuyên môn về công tác phòng, chống bệnh sởi tại các
huyện có nhiều ca bệnh như: Bảo Lâm, Bảo Lạc; tham mưu Sở Y tế ban hành Kế
hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi tại huyện Bảo
Lạc và huyện Bảo Lâm, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, Trung tâm Y tế
huyện Bảo Lâm xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm vắc xin phòng chống dịch
sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi trên địa bàn đảm bảo an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó,
chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông tại
cộng đồng và truyền thông trên hệ thông loa phát thanh của các xã, thị trấn,
trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân
trong chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi. Khuyến cáo người dân cần chủ động
đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành
Y tế...
Theo đánh giá của Bộ Y tế tại cuộc họp
trực tuyến toàn quốc về phòng, chống bệnh sởi tổ chức vào ngày 15/3/2025, Cao Bằng
là một trong số những tỉnh hoàn thành sớm chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh
sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ.
Mai Hoa