Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nâng cao ý thức phòng bệnh trước nguy cơ dịch chồng dịch
Lượt xem: 890
Thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Cùng với đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngoài việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

 

     

    Học sinh các trường mầm non thường xuyên được hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để phòng, chống dịch bệnh

    Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận các ca bệnh lưu hành như: bệnh do vi rút Adeno 297 trường hợp (TH), cúm 5.152 TH, lỵ trực trùng 7 TH, lỵ amip 2 TH, quai bị 15 TH, thủy đậu 24 TH, tiêu chảy 2.341 TH, viêm gan vi rút khác TH; không có TH nào tử vong.

    Ghi nhận 8 TH Rubella tại huyện Trùng Khánh; 1 TH sốt xuất huyết xâm nhập tại phường Đề Thám (Thành phố); 5 TH sởi lâm sàng tại 2 huyện Bảo Lâm, Trùng Khánh; 31 TH mắc bệnh tay - chân - miệng tại các huyện: Trùng Khánh, Hòa An, Hạ Lang, Nguyên Bình, Bảo Lạc và Thành phố; 3 TH uốn ván khác tại 2 huyện Bảo Lâm, Nguyên Bình; 5 TH uốn ván sơ sinh tại 2 huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, tử vong 4 TH; 17 TH viêm gan B tại Thành phố và các huyện Trùng Khánh, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Quảng Hòa; 2 TH viêm gan C tại 2 huyện Thạch An, Trùng Khánh.

    Tính đến ngày 7/10/2022, toàn tỉnh ghi nhận gần 98.000 TH mắc Covid-19, số ca tử vong do Covid-19 lũy tích là 61 ca. Trong đó, hơn 97.000 TH mắc ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh, hơn 500 TH mắc ghi nhận từ các tỉnh, thành có dịch trong nước trở về, 2 TH là công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc. Các địa phương có số ca mắc cao trên 7.000 TH như: Thành phố, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hòa An, Hà Quảng, Thạch An. Đến hết 6/10/2022, 95,6% dân số trên 18 tuổi tiêm 1 mũi vắc xin, 92,2% tiêm mũi 2, 61,7% tiêm mũi 3. 100% trẻ từ 12 - 17 tuổi tiêm mũi 1, 97% tiêm mũi 2, 40,9% tiêm mũi 3. 89,3% trẻ từ 5 - 11 tuổi tiêm mũi 1; 59,9% tiêm mũi 2.

    Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bế Thị Bạch cho biết: Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Một số bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong nước có số ca mắc tăng cao như bệnh cúm Adeno vi rút. Các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm A H7N9, H5N1, sởi, ho gà, bạch hầu... có nguy cơ gia tăng vào mùa đông xuân. Thêm vào đó là nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài vào nội địa như đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, đơn vị chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế và cộng đồng để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Xây dựng phương án, kịch bản đáp ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ, các bệnh truyền nhiễm khác. Đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch như: kiện toàn đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường; tổ chức tập huấn chuyên môn về công tác giám sát, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác... Đồng thời, đảm bảo vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất sẵn sàng tiếp nhận cách ly điều trị các dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, vấn đề quan trọng hiện nay là ý thức tự phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh của mỗi người dân. Do thời gian gần đây, nhờ độ bao phủ của vắc xin, số ca mắc Covid-19 giảm, hoạt động của người dân bình thường trở lại khiến các bệnh truyền nhiễm dễ dàng xâm nhập, lây lan từ vùng này sang vùng khác. Vì vậy, cần phải có sự tuân thủ các biện pháp phòng tránh dịch bệnh mới tạo ra sự miễn nhiễm của toàn cộng đồng. Trước nguy cơ dịch chồng dịch, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế là cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Thế nhưng hiện nay, có không ít người lơ là, không quan tâm đến các biện pháp phòng dịch, nhất là không đeo khẩu trang tại những nơi công cộng như chợ, siêu thị, khu vui chơi, vườn hoa... Nguyên nhân do không ít người chủ quan cho rằng đã tiêm 2 - 3 mũi vắc xin ngừa Covid-19 là an toàn; xuất hiện tâm lý dịch bệnh đã thoái trào, có nhiễm triệu chứng cũng nhẹ. Ngoài ra, tại các khu trọ, nhiều người chưa quan tâm dọn dẹp xung quanh để phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết, vẫn tồn đọng những đống rác lâu ngày không dọn với nhiều chai nhựa, đồ nhựa chứa nước, là nơi muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản.

    Ngoài những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế, mỗi người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường sống; hạn chế đến nơi đông người; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

     

    Bảo An

    ipv6 ready

    Chung nhan Tin Nhiem Mang