Nâng cao chất lượng khám sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường tại cộng đồng
Hiện nay, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp (THA, ĐTĐ) được phát hiện sớm và điều trị kịp thời còn rất thấp. Còn khoảng 50% trường hợp THA và 68,9% trường hợp ĐTĐ trên cả nước chưa được phát hiện. Nguyên nhân là do người dân còn chủ quan, chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Vì vậy, việc sàng lọc, phát hiện sớm để quản lý bệnh THA, ĐTĐ ngay từ tuyến y tế cơ sở rất quan trọng, góp phần giúp người bệnh giảm các biến chứng và tử vong do THA, ĐTĐ gây ra, tiết kiệm chi phí trong điều trị cho người bệnh.
Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện khám sàng lọc cho người dân tại Trạm Y tế
xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh THA,
ĐTĐ, ngành Y tế Cao Bằng xác định việc phát triển năng lực dự phòng, phát hiện
sớm, quản lý điều trị lâu dài các bệnh THA, ĐTĐ ngay tại tuyến y tế cơ sở là một
trong những giải pháp trọng tâm.
Dù không có khả năng lây truyền, nhưng bệnh THA, ĐTH
thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống
của người bệnh, cũng như gây ra những tác hại lớn cho gia đình, xã hội. Chỉ khi
có triệu chứng bất thường, sức khỏe bị ảnh hưởng rõ ràng mới đi khám và phát hiện
thì bệnh đã ở giai đoạn muộn hoặc đã gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh có nhiều yếu
tố nguy cơ, có thể chia thành 2 loại là: yếu tố nguy cơ thay đổi được (chế độ
ăn uống, thói quen sinh hoạt, chế độ tập luyện, dùng thuốc…) và yếu tố nguy cơ
không thay đổi được (tuổi, giới tính, di truyền). Mục đích chính của các sàng lọc
bệnh THA,
ĐTĐ đều tập trung vào thay đổi các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh có thể thay
đổi được.
Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho
nhân dân đặc biệt là công tác phòng, chống tăng huyết áp, đái thái đường, bên cạnh
việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
làm đầu mối đã phối hợp với chính quyền địa phương, Trạm Y tế các xã, phường,
thị trấn thường xuyên tổ chức các buổi khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm những người
mắc bệnh và những người có yếu tố quy cơ mắc bệnh.
Trong buổi khám sàng lọc THA, ĐTĐ tại Trạm Y tế xã Vũ Minh
(Nguyên Bình), từ sáng sớm đã có nhiều bệnh nhân đến chờ khám, hầu hết trong độ
tuổi từ 40 trở lên. Đến khám tại Trạm Y tế, bà Đặng Mùi Pu, dân tộc Dao ở xóm Lũng
Chang phấn khởi: Thời gian gần đây tôi
thường bị chóng mặt kèm đau đầu mà không rõ nguyên nhân là gì. Được Trạm Y tế
xã thông báo có đoàn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đến khám sàng lọc THA, ĐTĐ
nên từ sáng sớm tôi đã đến Trạm Y tế xã để được khám. Sau quá trình khám và tư vấn
tôi được chẩn đoán mình bị tăng huyết áp. Tôi đã được bác sĩ hướng dẫn làm sổ mạn
tính và hàng tháng đến lấy thuốc ở Trạm Y tế. Rất là cảm ơn các bác sĩ đã đến
khám cho chúng tôi.
Bà
Đặng Mùi Pu, xóm Lũng Chang, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) trong buổi khám sàng lọc THA, ĐTĐ tại Trạm Y tế xã Vũ Minh.
Còn chị Hà Hồng Lan, xóm Nà Khoang chia sẻ: Sau khi được khám sàng lọc tôi được biết
mình có nguy cơ đái tháo đường rất cao. Các bác sĩ cũng đã tư vấn về chế độ
dinh dưỡng cũng như tư vấn cho tôi lên tuyến trên để làm các xét nghiệm chẩn
đoán đái tháo đường. Được các bác sĩ khám sàng lọc, tư vấn nên tôi đã nắm rõ được
tình trạng sức khỏe hiện tại của mình.
Ông Lương Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện
Nguyên Bình cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các Trạm
Y tế tổ chức các đợt khám sàng lọc và tư vấn sức khỏe cho người dân tại các
thôn, xóm. Cụ thể, Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt khám sàng lọc sức khỏe
định kỳ, cử đội ngũ y, bác sĩ từ Trạm Y tế trực tiếp đến thôn, xóm để khám sàng
lọc và tư vấn cho người dân. Đội ngũ này sẽ khám các bệnh lý phổ biến như:
huyết áp, đái tháo đường, tâm thần và tư vấn các biện pháp phòng ngừa bệnh tật.
Bên cạnh đó phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, các hội đoàn thể ở địa
phương tuyên truyền, vận động người dân tham gia các đợt khám sức khỏe. Từ đó
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người có
hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Trong năm 2024, toàn tỉnh đã thực
hiện khám sàng lọc THA, ĐTĐ tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng cho người trên
40 tuổi được đo huyết áp ít nhất 1 lần/năm là 116.682 lượt người, trong đó phát
hiện 25.393 người mắc bệnh tăng huyết áp; có 5.729 người mắc bệnh ĐTĐ được phát
hiện. trong đó có 3.817 người được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn
tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; 16.698 người được test đường huyết mao
mạch tại cơ sở y tế. Ngoài ra thực hiện giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn cầm tay chỉ
việc cho viên chức Trạm Y tế xã về dự trù thuốc, sử dụng thuốc, chế độ dinh
dưỡng và theo dõi điều trị bệnh đái tháo đường tại các xã,phường trên địa bàn
tỉnh.
Ths.Bs. Trương Thị Kim, Trưởng khoa
Phòng chống Bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Trong
năm 2024, chúng tôi đã phối hợp với các cơ sở y tế trong tỉnh hướng dẫn triển
khai các hoạt động như tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Trạm Y tế
xã, phường và Y tế thôn bản, đến nay 100% Trạm Y tế xã đã được tập huấn khám sàng lọc,
phát hiện và quản lý điều trị bệnh THA, ĐTĐ; đào tạo nâng cao năng lực dự
phòng, giám sát, phát hiện, quản lí điều trị cho cán bộ làm công tác điều trị,
quản lý bệnh THA, ĐTĐ. Nhiều hoạt động nhằm phát hiện sớm, quản lý THA, ĐTĐ được triển khai như: Khám sàng lọc,
phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh THA, ĐTĐ. Tiếp tục thực hiện giám sát,
hỗ trợ kĩ thuật; Hoạt động thống kê báo cáo bệnh KLN hàng tháng được thực hiện
tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Công tác Truyền thông giáo dục sức khoẻ cũng được chú trọng với
nhiều hình thức, đa dạng và phong phú qua các kênh thông tin đại chúng, truyền
thông trực tiếp tại cộng đồng, cung cấp tài liệu, ấn phẩm…
Việc khám sàng lọc phát hiện sớm
bệnh THA, ĐTĐ luôn được UBND tỉnh và Sở Y tế chú trọng. Hoạt động phòng, chống
bệnh THA, ĐTĐ đã và đang được xây dựng và hoàn thiện thống nhất theo các văn
bản của Chính phủ, Bộ Y tế để đáp ứng về trình độ, năng lực, hiệu quả các hoạt
động về y tế dự phòng và điều trị. Tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn về
nguồn nhân lực, vị trí địa lý, trình độ hiểu biết của một số người dân về bệnh THA,
ĐTĐ còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, ngành Y tế Cao Bằng tiếp tục củng cố,
tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh việc quản lý, điều trị
các bệnh THA, ĐTD; tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống THA, ĐTĐ theo
hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia của các
ban, ngành, đoàn thể tăng khả năng phát hiện và điều trị bệnh THA, ĐTĐ, góp
phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Thảo Vân