Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nâng cao chất lượng công tác y tế học đường
Lượt xem: 139
Xác định tầm quan trọng của y tế học đường (YTHĐ) trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, đặc biệt trong thời điểm giao mùa như hiện nay với nhiều dịch bệnh bùng phát, vai trò của lực lượng y tế học đường càng quan trọng hơn. Chính vì vậy thời gian qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác y tế học đường, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh, hạn chế các dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
anh tin bai

Chị Lãnh Thị Thơ, nhân viên y tế  Trường THCS Hợp Giang thực hiện sơ cứu ban đầu cho học sinh

Tại Trường THCS Hợp Giang (Thành phố), cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường quan tâm đến công tác YTHĐ để chăm sóc sức khoẻ (CSSK) ban đầu cho giáo viên và học sinh. Cô giáo Bùi Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện công văn chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Thành phố, nhà trường đã kiện toàn Ban CSSK học sinh theo đúng quy định. Nhân viên YTHĐ phối hợp Tổng phụ trách đội thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh luôn sạch sẽ. Nhà trường có Phòng Y tế, nhân viên y tế trực hàng ngày thực hiện sơ cứu trường hợp học sinh bị bệnh thông thường, tai nạn thương tích và chuyển tuyến những học sinh bị ốm nặng, thông tin liên lạc với gia đình học sinh khi cần thiết. Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo nhân viên y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ đầu năm học cho học sinh, ghi chép và lưu trữ hồ sơ đảm bảo. Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia, có ý thức tìm hiểu thêm về bệnh tật học đường, bệnh truyền nhiễm. Nhờ đó, công tác CSSK ban đầu cho học sinh nhà trường được đảm bảo.

Toàn tỉnh hiện có 519 cơ sở giáo dục với gần 135.000 học sinh, sinh viên. Nhận thức rõ vai trò của công tác y tế trường học (YTTH), liên ngành Y tế - Giáo dục phối hợp chặt chẽ để triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh. Trong đó, 485 trường học thành lập Ban Chăm sóc sức khỏe, 360 trường học có Phòng y tế, 119 trường học có nhân viên YTTH. Các trường thiếu nhân viên y tế đã chủ động phối hợp với cơ sở y tế trên địa bàn chăm sóc sức khỏe cho học sinh theo kế hoạch.

Để nâng cao chất lượng YTTH, các nhà trường đã bố trí Phòng y tế riêng, đảm bảo diện tích, có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ sơ, cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Hằng năm, các trường học phối hợp với Trạm y tế xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác YTTH; kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh và tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về công tác YTTH.

Các hoạt động quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh được Ban Giám hiệu các nhà trường và Hội cha mẹ học sinh quan tâm. Công tác phòng chống dịch bệnh và truyền thông giáo dục sức khỏe được đảm bảo... Bên cạnh đó, các trường còn quan tâm thực hiện công tác vệ sinh học đường, an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Các trường tiểu học, mầm non có bếp ăn bán trú đều được quan tâm về cơ sở vật chất, quản lý bếp ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ đó, công tác CSSK, phòng chống dịch bệnh trong trường học được đẩy mạnh. Các trường tổ chức hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe học sinh về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống một số dịch bệnh, bệnh tật học đường, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, tai nạn thương tích, vệ sinh an toàn thực phẩm, BHYT, kỹ năng sống và tuyên truyền về hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe... Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, bảo đảm an toàn thực phẩm. 100% trường học tổ chức ăn bán trú triển khai các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh.

Chị Lãnh Thị Thơ, Nhân viên y tế Trường THCS Hợp Giang cho biết: công việc hàng ngày của tôi là thực hiện theo dõi sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, chỉ số khối cơ thể (BMI) của học sinh để xây dựng và thay đổi phương án bảo đảm dinh dưỡng phù hợp, giám sát vệ sinh môi trường học đường, phòng chống dịch bệnh, bệnh học đường, bạo lực học đường, phát hiện một số bệnh thông thường ở học sinh để xử lý chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định; tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh...

Nhà trường luôn chú trọng công tác tuyên truyền cho học sinh biết cách giữ sức khỏe, phòng, chống đuối nước. Đối với nhân viên YTHĐ, hàng năm vào đầu năm học, tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho học sinh, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe học sinh; phối hợp với ngành chuyên môn Trung tâm Y tế thành phố khám sức khỏe, tư vấn về thị lực, các bệnh về khúc xạ học đường, xương khớp, hướng dẫn học sinh phòng tránh các bệnh học đường hay mắc. Từ đó, học sinh nhà trường có sức khỏe tốt, đảm bảo yêu cầu trong học tập.

Còn tại Trường mầm non 3 - 10 (Thành phố), công tác y tế học đường cũng được nhà trường quan tâm, đặc biệt nhà trường luôn chú trọng đến các vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Cô giáo Nguyễn Nhâm Nhị - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, giữ môi trường lớp học, khuôn viên trong sạch. Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho học sinh, ngay từ đầu năm nhà trường đã có kế hoạch triển khai khám sức khỏe định kỳ. Ngoài nhân viên y tế ở trường, hàng năm nhà trường phối hợp với Trạm y tế phường Hợp Giang triển khai thực hiện các đợt tiêm chủng mở rộng và khám sức khỏe định kỳ cho các cháu nhằm phát hiện sớm những bệnh của trẻ để trẻ được điều trị chăm sóc kịp thời. Ngoài ra, hàng năm nhà trường đều có kế hoạch truyền thông giáo dục sức khoẻ về các bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, chân tay miệng, sởi… để các phụ huynh biết cách phòng tránh”.

anh tin bai

Trường mầm non 3 -10 phối hợp với Trạm Y tế phường Hợp Giang tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi đợt II năm 2025

Thạc sĩ Nông Thị Thu Lê, Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - YTTH - Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho biết: Nhờ có sự quan tâm phối hợp tốt trong công tác Y tế học đường góp phần làm giảm tỷ lệ bùng phát của dịch bệnh. Cụ thể, thời gian qua dịch sởi đã bùng phát tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, 100% cơ sở giáo dục đã phối hợp với cơ sở y tế địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch sởi, rà soát các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Các nhà trường đều có sổ sách, hồ sơ lưu trữ tình trạng sức khỏe học sinh. Công tác phòng chống bệnh, tật trong trường học được triển khai, góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán, hen phế quản và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học.

Trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh đã tổ chức 17 lớp đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về y tế trường học cho 875 cán bộ chuyên trách ngành Y tế và nhân viên y tế trong trường học, giáo viên kiêm nhiệm; Truyền thông giáo dục sức khỏe, tư vấn sức khỏe về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh tật học đường, ngộ độc thực phẩm, dinh dưỡng, bạo lực học đường bằng nhiều hình thức như: truyền thông trực tiếp, truyền thông gián tiếp qua hệ thống loa phát thanh, tờ rơi, áp phích cho trên 132.000 lượt người; Thực hiện công tác đo kiểm tra yếu tố vệ sinh trường học tại các trường học từ cấp Mầm non đến Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, trung bình 40 trường/năm.

Tuy nhiên, theo thống kê số trường học trên toàn tỉnh có nhân viên y tế còn rất khiêm tốn, chủ yếu kiêm nhiệm, vì vậy công tác chăm sóc sức khỏe học đường cũng còn một số hạn chế. Thực tế số lượng trẻ em và học sinh chiếm 1/3 dân số của cả tỉnh. Đây là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện thể chất, tinh thần, lối sống nhưng rất dễ mắc các loại bệnh tật. Nguyên nhân do trẻ có nhiều hoạt động tiếp xúc, sinh hoạt ở lớp học nên dễ phát sinh bệnh tật ở trẻ em và học sinh. Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh được ngành GD&ĐT và ngành Y tế tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Thảo Vân

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang