Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi
Dịch bệnh sởi đang tiếp tục diễn biến phức tạp, một số địa phương trong tỉnh ghi nhận số ca mắc cao, có 01 trường hợp tử vong nghi sởi. Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, ngành Y tế Cao Bằng đã chủ động, quyết liệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi.
Đồng chí Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế (thứ 2 từ trái sang) giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm và Kiểm soát nhiễm khuẩn Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2025
đến nay, cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố,
trong đó có gần 3.500 trường hợp dương tính với sởi; 5 trường hợp tử vong liên
quan đến sởi. Số mắc sởi chủ yếu tập trung ở
trẻ em từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi, chiếm 72,7% tổng số ca mắc. Hơn 90% các ca
mắc sởi chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ, miễn
dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa dịch bệnh. Một
bộ phận người dân chủ quan, lơ là, không đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng
lịch, làm
tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sự gia tăng của dịch sởi này được dự báo sẽ
tiếp tục trong năm 2025.
Tại tỉnh Cao Bằng, từ ngày 01/01
đến hết ngày 19/3/2025, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ghi nhận 2.797
trường hợp nghi mắc bệnh sởi, trong đó 15 trường hợp có kết quả xét
nghiệm
dương tính, 01 trường hợp tử vong nghi sởi. Độ tuổi
mắc chủ yếu là từ 1 - 5 tuổi (chiếm 60,7 %), trẻ từ 6 - 10 tuổi
(chiếm 20,3%). Đa số các trường hợp mắc chưa được tiêm vắc xin có thành phần sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Chủ động, quyết liệt trong công tác phòng,
chống dịch bệnh
Thực hiện Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024
của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống bệnh sởi ngay
từ đầu năm, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích
cực, chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi. Tăng
cường giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng,
trường học và các cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc
sởi, xử lý kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan. Tăng
cường năng lực hệ thống điều trị, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu,
điều trị kịp thời các bệnh nhân bị sởi; rà soát, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư,
trang thiết bị, nhân lực, sẵn sàng về cơ sở vật chất, giường bệnh, thiết lập
khu vực cách ly riêng để khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi. Rà soát, đảm
bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng,
chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng hỗ trợ các huyện cấp
cứu, điều trị bệnh nhân khi cần thiết; tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ
thuật cho tuyến y tế cơ sở về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách
ly, triển khai các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch
bệnh truyền nhiễm nói chung và phòng chống dịch sởi nói riêng tại các huyện,
thành phố gồm: Hà Quảng, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm và Thành phố Cao Bằng. Phối
hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống
dịch sởi tại huyện Bảo Lâm. Tổ chức các cuộc họp trực tuyến với
các đơn vị trực thuộc về công tác phòng, chống bệnh sởi. Đồng
thời chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tổ
chức tập huấn chuyên môn về cập nhật chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh cúm,
sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cho 125 học viên là viên chức y tế
công tác tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng.
Sau
khi ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên nghi mắc bệnh sởi là dân tộc Mông,
trú tại Bản Oóng xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc. Ngay khi nhận
được thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, ngay trong sáng ngày (18/3) Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo khẩn Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật tỉnh thành lập đoàn công tác trực tiếp đến xã Sơn
Lập, huyện Bảo Lạc để giám
sát, chỉ đạo và hỗ trợ Trạm Y tế xã Sơn Lập và Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đồng
thời Sở Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến với Trung tâm Y tế
huyện Bảo Lạc và Trạm Y tế xã Sơn Lập về trường hợp tử vong do nghi sởi tại xóm
Bản Oóng, xã Sơn Lập.
Theo thông tin từ Trung tâm
Y tế huyện Pác Nặm, bệnh nhân Q. phát bệnh từ ngày 7/3 nhưng đến 9h30' ngày
10/3 mới đưa vào viện trong tình trạng bệnh nặng, da xanh nhợt, môi khô tím
tái, mắt trũng sâu do mất nước nặng, không đáp ứng khi gọi hỏi. Bệnh nhân được
chẩn đoán suy hô hấp cấp, viêm phổi, sốt cao, mất nước nặng/theo dõi sởi (chưa
được lấy mẫu xét nghiệm). Mặc dù đã được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng
tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân tử vong vào 21h30' cùng ngày. Nguyên
nhân tử vong được xác định do đến viện muộn, biến chứng viêm phổi nặng, suy hô
hấp cấp và mất nước nghiêm trọng.
Sở Y tế họp trực tuyến với các đơn vị trực thuộc về công tác phòng, chống bệnh sởi. Ảnh: Thủy Tiên
Tại cuộc họp đồng chí Nông
Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế tiếp tục chỉ đạo các Trạm
Y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế,
Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về công tác phòng, chống bệnh sởi, phối hợp
chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhập kịp thời thông tin tình
hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi. Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các đơn vị y tế trong công
tác phòng, chống bệnh sởi, tiếp tục tập trung nâng cao công tác tiêm chủng đảm
bảo an toàn, hiệu quả.
Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát, hỗ trợ chuyên môn về công tác phòng, chống bệnh sởi tại xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Thủy Tiên
Trung tâm Kiểm soát
bệnh tật Cao Bằng đã chủ động thực hiện triển khai các hoạt động theo chỉ đạo,
hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế Cao Bằng về tăng cường giám sát chặt chẽ diễn
biến dịch sởi; Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát
phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; giám sát, lấy mẫu các trường hợp sốt
phát ban nghi sởi để xét nghiệm, hướng dẫn các đơn vị thực hiện quản lý ca bệnh,
cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời tại cộng đồng. Tổ chức hội nghị trực tuyến Phổ biến,
cập nhật văn bản và hướng dẫn một số nội dung về tiêm chủng vắc xin phòng, chống
bệnh sởi cho Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế xã. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện, thành phố rà soát trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng về tiền
sử tiêm chủng và tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi (cho trẻ từ đủ 9
tháng tuổi) và vắc xin sởi - rubella (cho trẻ từ đủ 18 tháng tuổi, rà soát trẻ từ 1-10
tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra sẽ được tiêm đủ
mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định. Cấp
5.000 viên VitaminA cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân sởi. Hỗ trợ chuyên môn về
công tác phòng, chống bệnh sởi tại các huyện có nhiều ca bệnh như: Bảo Lâm, Bảo
Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng; tham mưu Sở Y tế ban hành Kế hoạch tổ chức chiến dịch
tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi tại huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm, hướng
dẫn Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm xây dựng kế hoạch
và tổ chức tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi trên địa bàn
đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, chỉ đạo
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng
và truyền thông trên hệ thông loa phát thanh của các xã, thị trấn, trên các
phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong chủ
động phòng, chống dịch bệnh sởi. Khuyến cáo người dân cần chủ động đưa trẻ em
đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế...
Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi đợt 1 cho trẻ từ 1-10 tuổi tại Trạm Y tế xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Thủy Tiên
Theo đánh giá của Bộ Y tế tại cuộc họp
trực tuyến toàn quốc về phòng, chống bệnh sởi tổ chức vào ngày 15/3/2025, Cao Bằng
là một trong số những tỉnh hoàn thành sớm chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh
sởi đợt 1 cho trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ theo Công văn số 109/VSDTTƯ-TCQG ngày
22/01/2025 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc cấp vắc xin sởi, sởi -
Rubellla để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi.
Đẩy nhanh chiến dịch
tiêm vắc xin phòng sởi ngay khi được phân bổ
Thực
hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng
vắc xin phòng, chống bệnh sởi và Công văn số 78/DP-TC ngày 11/02/2025 của Cục
Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh
sởi năm 2025, Trung tâm Kiểm soát bệnhh tật đã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm
Y tế huyện, thành phố rà soát trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi,
đề xuất nhu cầu số lượng vắc xin phòng, chống dịch sởi gửi
Sở Y tế đề xuất nhu cầu vắc xin với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Theo đó số lượng
vắc sin phòng sởi tỉnh Cao Bằng đề xuất là 13.760 liều. Dự kiến ngay sau khi được
phân bổ vắc xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ phân bổ cho các đơn vị để triển
khai tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi.
Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sởi và công tác chuẩn bị tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Trạm Y tế xã Vĩnh Quang, Tp. Cao Bằng. Ảnh: Thảo Vân
Dự báo thời gian tới, số ca
mắc sởi tiếp tục gia tăng, thậm chí có thể ghi nhận các trường hợp tử vong, đặc
biệt là ở nhóm trẻ em mắc các bệnh lý nền, thường xuyên phải nhập viện điều
trị. Thời gian qua các trường hợp mắc bệnh hầu hết đều chưa được tiêm chủng
hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi. Do đó, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chủ
động xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của
Bộ Y tế và Sở Y tế ngay khi được phân bổ vắc xin cần đẩy nhanh
tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm
chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, không
để bùng phát dịch Sởi trong thời gian tới.
Ông Nông Tuấn Phong - Giám đốc
Sở Y tế cho biết: hiện nay thời tiết chuyển
mùa, biến động khí hậu tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Mặc dù Sở Y tế đã
chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch sởi từ cuối năm 2024, nhưng số ca
mắc vẫn ở mức cao và có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Trước diễn biến phức tạp,
khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi, Sở Y tế
đã chỉ đạo các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng,
chống bệnh sởi ngay sau khi được phân bổ vắc xin và hoàn thành tiêm chủng trong
tháng 3/2025. Chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở cần phối
hợp, hỗ trợ ngành Y tế trong việc rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng, bảo đảm
không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi, đặc
biệt tại những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bên cạnh đó Sở Y tế cũng chỉ đạo
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các Trạm Y
tế tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến
kiến thức về các biện pháp phòng bệnh sởi, lợi ích tiêm chủng vắc xin sởi; vận
động nhân dân đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Ông Đàm Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố Cao
Bằng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y
tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Thành phố đã chỉ đạo các Trạm
Y tế rà soát, thống kê số lượng trẻ trong diện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi,
với tổng cộng 1.760 trường hợp. Trong đó, 270 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi và
1.490 trẻ từ 1 đến 10 tuổi sẽ được tiêm trong đợt này. Ngay khi tiếp nhận vắc
xin, Trung tâm Y tế Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành chiến dịch tiêm chủng vắc
xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 trước ngày 31/3/2025, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt
trên 95%, nhằm nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch
sởi.
Chị Dương Thị
Điềm - Tổ 7, phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng chia sẻ: Qua
các phương tiện truyền thông và được cán bộ Trạm Y tế phường tuyên truyền, vận
động, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi,
tiêm vắc xin sẽ giúp con có sức đề kháng tốt, phòng ngừa bệnh lây nhiễm, tôi sẽ
tuân thủ đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo thông báo của Trạm Y tế.
Chủ động
phòng, chống dịch sởi không cỉ bảo vệ sức khoẻ cá nhân mà còn là trách nhiệm
chung trong việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, vì sức khoẻ cộng đồng. Do vậy,
mỗi người dân và gia đình cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo vệ sinh cá
nhân, bổ sung các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; kịp thời thông báo
cho các cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu nghi mắc sởi.
Mai Hoa