Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi
Lượt xem: 77
Bệnh đái tháo đường là một căn bệnh mạn tính phổ biến ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến khoảng 33% những người từ 65 tuổi trở lên.
anh tin bai

Người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ về thời gian và mức đường huyết mục tiêu.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, các nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường ở những người cao tuổi là do những thay đổi về chuyển hóa glucose, rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên theo tuổi, do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, do lối sống tĩnh ít hoạt động và thừa cân, béo phì.

Tại Việt Nam, tính đến năm 2024, có khoảng gần 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, mắt, thần kinh và thận… Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng sau này. Mặc dù tình trạng này nghiêm trọng ở mọi lứa tuổi, nhưng những bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi phải đối mặt với những thách thức riêng. Nhóm này có nguy cơ cao mắc các biến chứng như: hạ đường huyết, bệnh tim và suy thận. Đó là lý do tại sao tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh đái tháo đường là rất quan trọng đối với người lớn tuổi. Các chuyên gia Hội đồng Quốc gia về người cao tuổi của Mỹ (NCOA) chia sẻ những dấu hiệu bất thường mà người lớn tuổi cần chú ý:

Đầu tiên, bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi vẫn gây ra những triệu chứng điển hình như: khát nước và đi tiểu nhiều hơn, vết thương lâu lành, nhìn mờ. Tuy nhiên, cần chú ý những triệu chứng bất thường sau:

Mệt mỏi quá mức: Một triệu chứng khác của bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi là cực kỳ mệt mỏi. Nguyên nhân là do khi lượng đường trong máu cao, cơ thể sẽ khó chuyển hóa glucose thành năng lượng hơn. Một lý do khác gây ra mệt mỏi có thể là tình trạng mất nước do bệnh đái tháo đường.

Chóng mặt hoặc ngất xỉu: Người lớn tuổi bị đái tháo đường có thể bị hạ đường huyết. Khi lượng đường trong máu giảm mạnh, nó có thể gây ra tình trạng yếu, chóng mặt, run rẩy, lú lẫn và thậm chí là ngất xỉu.

Đau đầu: Não cần được cung cấp glucose liên tục để hoạt động bình thường, nhưng tình trạng đường huyết giảm và tăng đột ngột cản trở quá trình này. Do đó, đau đầu là triệu chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi.

Cảm giác ngứa ran ở tay và chân: Khoảng một nửa số người bị bệnh thần kinh ngoại biên, có thể bị ngứa ran, tê, yếu hoặc thậm chí đau ở tay và chân.

Các vấn đề về nướu: Một triệu chứng khác của bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi là nướu đỏ, sưng và đau. Điều này là do bệnh đái tháo đường có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm tăng khả năng nhiễm trùng ở nướu và xương neo răng. Ngoài ra, cũng cần chú ý xem răng có lung lay, lở loét và túi mủ trong nướu không.

Ăn nhiều hơn: Một dấu hiệu cảnh báo khác của bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi là đói hơn bình thường. Tình trạng này xảy ra khi bệnh đái tháo đường ngăn không cho glucose trong chế độ ăn đến các tế bào, khiến bạn cảm thấy đói cồn cào ngay cả sau khi đã ăn nhiều.

Khô miệng: Đây là một dấu hiệu khác của bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi. Thường đi kèm với môi khô, nứt nẻ và lưỡi thô ráp, cảm giác khó chịu này xảy ra khi miệng không thể sản xuất đủ nước bọt. Triệu chứng này có thể xuất hiện rồi biến mất tùy theo sự thay đổi lượng đường trong máu.

Để phòng bệnh đái tháo đường thì cần lưu ý một số vấn đề sau:

Kiểm soát cân nặng: Kiểm soát trọng lượng cơ thể bằng cách giảm cân, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người bị tiền đái tháo đường (đường huyết tăng cao nhưng chưa đạt ngưỡng chẩn đoán tiểu đường) nên giảm ít nhất 7% - 10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển. Người bệnh muốn giảm cân cần được bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường tư vấn, bác sĩ dinh dưỡng - tiết chế lên kế hoạch từng giai đoạn giảm cân để đưa cân nặng của bạn về các mục tiêu và kỳ vọng ngắn hạn hợp lý, chẳng hạn như giảm 1 - 2 kg/tuần.

Tăng cường vận động thể lực: Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt cho việc phòng bệnh tiểu đường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể: giúp giảm cân nặng, đây là yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Vận động nhiều còn giúp giảm lượng đường trong máu. Tăng độ nhạy cảm với insulin, giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.

Ăn các loại rau quả tốt cho sức khỏe: Ngũ cốc, các loại hạt cung cấp vitamin, khoáng chất và ít carbohydrate. Những thực phẩm carbohydrate chứa ít đường, tinh bột (nguyên liệu tạo nguồn năng lượng cho cơ thể) và nhiều chất xơ đem lại nhiều lợi ích trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường, bao gồm: Trái cây (cà chua, ớt chuông…); Các loại rau không chứa tinh bột (rau lá xanh, bông cải xanh và súp lơ trắng); Các loại đậu (đậu, đậu gà và đậu lăng); Ngũ cốc nguyên hạt (mì ống và bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt, gạo nguyên hạt, yến mạch nguyên hạt…)

Ăn chất béo lành mạnh: Để giảm và kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống nên bao gồm nhiều loại thực phẩm có chất béo không bão hòa, còn được gọi là “chất béo tốt”.

Chất béo không bão hòa (bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa) giúp giảm cholesterol xấu trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nguồn chất béo tốt bao gồm: dầu ô liu, hướng dương, dầu hạt cải…; các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng, hạt lanh, hạt bí ngô; cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ…

Chất béo bão hòa (chất béo xấu) được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa và thịt chỉ nên chiếm một phần nhỏ trong chế độ ăn uống. Thay bằng các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gà và thịt heo nạc.

Tránh ăn kiêng cấp tốc (ăn kiêng theo xu hướng): Nhiều chế độ ăn kiêng theo xu hướng chẳng hạn như chế độ ăn kiêng nhạt hoặc keto - có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về lợi ích lâu dài của những chế độ ăn kiêng này hoặc lợi ích của chúng trong việc ngăn ngừa đái tháo đường. Mục tiêu ăn kiêng là giúp giảm cân nặng và duy trì trọng lượng khỏe mạnh hơn trong tương lai. Do đó, việc chọn chế độ ăn uống lành mạnh cần dựa trên chiến lược có thể duy trì như một thói quen lâu dài. Lựa chọn chế độ ăn lành mạnh cần dựa trên một số sở thích của bản thân đối với thực phẩm và truyền thống ẩm thực, điều này giúp duy trì lợi ích theo thời gian.

Nói không với thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường 50% so với người không hút thuốc, đặc biệt ở nữ giới. Do đó, nên bỏ hút thuốc/không hút để phòng ngừa đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường không nên hút thuốc lá, hạn chế ở gần khu vực khói thuốc lá.

Thường xuyên kiểm tra lượng đường: Cùng với các cách phòng bệnh đái tháo đường trên, người bệnh cũng nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ về thời gian và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.

Ngoài việc phòng ngừa thì đối với việc điều trị đái tháo đường ở người cao tuổi cần tuân thủ các nguyên tắc: Tránh nguy cơ hạ đường huyết; Tránh nguy cơ tăng đường huyết; Chấp nhận mục tiêu kiểm soát đường huyết tương đối; Chăm sóc các biến chứng đái tháo đường; Kiểm soát huyết áp, Lipid máu đạt mục tiêu; Tránh tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng. Theo đó, ở người cao tuổi, mục tiêu chung trong điều trị đái tháo đường tương tự như ở người trung niên, cần kiểm soát cả tăng đường huyết và các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên ở những bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi dễ bị tổn thương cần chú ý tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp và những tương tác thuốc do dùng nhiều loại thuốc. Ngoài ra cần chú ý điều trị các bệnh lý kèm theo.

Bệnh nhân cao tuổi bị tăng đường huyết dẫn tới tình trạng mất nước, giảm thị lực và rối loạn tri giác, do đó làm cho bệnh nhân suy yếu và tăng nguy cơ ngã. Ngoài ra hạ đường huyết do thuốc có thể gây hậu quả xấu như ngã gây chấn thương hoặc làm các bệnh lý đi kèm nặng hơn. Mục tiêu kiểm soát đường huyết cần tùy theo tình trạng sức khỏe chung, thời gian sống còn dự kiến.

Bên cạnh đó, tiết chế và vận động cũng rất có lợi trong kiểm soát đái tháo đường ở người già. Tuy nhiên cũng cần chú ý bệnh nhân lớn tuổi có thể có nguy cơ thiếu dinh dưỡng làm giảm cân quá nhiều dẫn tới tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.

Thảo Vân (St)

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang