Cách đây 70 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã viết thư ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân
viên ngành Y tế với 3 nội dung lớn: Phải thật thà đoàn kết; thương yêu người
bệnh, thực hiện Lương y phải như từ mẫu; xây dựng một nền y học của
ta dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng.
Bác Hồ thăm hỏi nhân viên Y tế Bệnh
viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng ngày 21/2/1961. Ảnh: Tư liệu.
Xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương
y phải như từ mẫu” giành cho ngành Y tế, 70 năm qua ngành Y tế Cao Bằng, trong
mỗi giai đoạn lịch sử đều đánh dấu một chặng đường vẻ vang xây dựng và phát triển,
đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.
Qua từng thời kỳ cách mạng, cán bộ, viên chức của ngành Y
tế luôn phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành nhiệm vụ chính
trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong giai đoạn từ năm 1961 -
1965, ngành Y tế Cao Bằng đã xây dựng được hệ thống y tế tuyến xã với tên gọi
khi đó là Trạm Y tế và hộ sinh xã, qua đó đã thực sự đưa y tế đến với dân, gần
dân; tiếp tục tổ chức tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, đặc
biệt là phòng chống sốt rét, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại
các bệnh viện và bệnh xá, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế nhất là y
tế cho tuyến xã, tổ chức lại hệ thống tổ chức bộ máy từ tuyến tỉnh đến tuyến xã,
thành lập Trường cán bộ y tế và một số trạm chuyên khoa.
Giai đoạn 1966 - 1975, tổ chức y tế của tỉnh đã từng bước
phát triển và ngày càng có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế cơ sở đã được hình
thành sâu rộng. Các tổ chức vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh, đông y, dược,
đào tạo... đã được thành lập. Đến năm 1974, toàn tỉnh có 745 gường bệnh, trong
đó tuyến tỉnh là 245 gường và tuyến huyện là 500 giường; khám bệnh cho 250.000
lượt người, trong đó điều trị ngoại trú 6.900 lượt bệnh nhân và điều trị nội
trú 25.800 bệnh nhân, thực hiện 900 ca phẫu thuật các loại. Đồng thời, ngành Y
tế Cao Bằng góp phần củng cố hậu phương, tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn
để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng
dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa. Bước vào thời kỳ cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện
đường lối đổi mới của Đảng, ngành Y tế Cao Bằng đã không ngừng phấn đấu thực
hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ sự
nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và đã đạt nhiều thành tựu, góp phần
tích cực trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân
vào sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.
Hoạt động y tế đã tập trung vào công tác xây dựng mạng
lưới y tế cơ sở, chăm lo sức khoẻ ban đầu của nhân dân và nâng cao chất lượng
phục vụ y tế ở các tuyến điều trị. Do vậy, công tác phòng bệnh, chữa bệnh có
những chuyển biến và thu được kết quả đáng kể, thiết thực bảo vệ sức khoẻ nhân
dân và ngăn chặn các dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, ngành Y tế cũng rất quan tâm
đến công tác phát triển về đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ
thuật và quản lý. Đã có nhiều người được cử đi học chuyên khoa sau đại học.
Nhiều lượt bác sĩ được cử đi tập huấn ở Trung ương để nâng cao trình độ chuyên
môn; khi trở về triển khai rộng rãi tại các tuyến huyện, tuyến xã và xóm bản về
các chương trình phòng chống dịch bệnh. Trường trung cấp Y tế là đơn vị thực
hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn bản,
cung cấp cho cả tỉnh và ưu tiên cho các vùng đặc biệt khó khăn.
Ngành Y tế Cao Bằng đã triển khai công tác y tế theo quan
điểm của Đảng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Kiên trì quan điểm
dự phòng tích cực, phòng bệnh phải đi trước một bước. Cao Bằng đã từng
bước đẩy lùi các bệnh dịch tả, thương hàn, sốt rét, bại liệt… Hệ thống các cơ
sở y tế từ tỉnh đến xã ngày càng được củng cố, phát triển, một số đã được đầu
tư xây dựng mới. Bằng các nguồn vốn của Trung ương, vốn đầu tư của các chương
trình, dự án và các nguồn vốn huy động khác, ngành Y tế đã tích cực đầu tư cơ
sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Nhờ vậy, công tác điều trị có
nhiều tiến bộ rõ rệt, giải quyết được hầu hết các loại hình bệnh tật, được nhân
dân tín nhiệm. Song song với phát triển y học hiện đại, y học cổ truyền trong
tỉnh cũng được ngày càng phát triển, tạo sự chuyển biến mới trong công tác khám
chữa bệnh.
Tháng 2/1979, Y tế Cao Bằng có một hệ thống cơ sở vật
chất về phòng bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, kho hàng, hiệu thuốc huyện,
trường đào tạo y tế thuộc vào loại khang trang, đầy đủ vào lúc bấy giờ. Tuy
nhiên, chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 đã phá hủy hoàn toàn các cơ sở vật
chất của ngành Y tế. Để kịp thời chăm sóc sức khỏe nhân dân, Y tế Cao Bằng tập
trung khôi phục lại cơ sở vật chất.
Bước
vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, và các chính sách đúng đắn phù
hợp của Nhà nước, xã hội rất quan tâm việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cá nhân,
gia đình và cộng đồng. Ngành Y tế cũng đã thực hiện phương châm xã hội hóa công
tác y tế, đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mạng lưới y tế
ngày càng được củng cố và phát triển, nhiều loại hình dịch vụ y tế được mở ra, kết
hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám, chữa bệnh, kết hợp quân
dân y trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, từng bước đáp ứng nhu cầu khám
chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác với
các bệnh viện tuyến Trung ương để đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ,
triển khai, ứng dụng các kỹ thuật mới trong cấp cứu, chẩn đoán, điều trị; thực
hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số, phòng chống các dịch
bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm.

Phó thủ tướng chính phủ Lê Thành Long và các đồng
chí lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu - Đơn vị đột quỵ, Bệnh
viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thủy Tiên
Trải qua một chặng đường đầy thử thách cam go, nhưng rất đỗi tự hào, những người thầy thuốc hôm nay tiếp tục xây dựng nền y học tốt hơn với những bước đột phá cả về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh,
Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND huyện Hoà An, Trung tâm Y tế
huyện Hoà An cắt băng khai trương Đơn vị thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện
Hòa An. Ảnh: Đức Giang
Những năm gần đây, ngành Y tế Cao Bằng đã đạt được những
thành tựu quan trọng. Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở không
ngừng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp và xây mới, trang thiết bị được
đầu tư hiện đại; công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai kịp thời; công
tác y tế ứng phó với thiên tai được ngành chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nên
không có dịch bệnh lớn xảy ra; Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường về lực lượng,
nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương thức hoạt động, những hạn chế,
yếu kém từng bước được đẩy lùi. Ngành đã có nhiều đổi mới, luôn nỗ lực cao nhất
để hoàn thành các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nổi bật là, ngành đã
tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi
số trong các hoạt động hoạt động quản lý, khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh
đến tuyến y tế cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục củng cố mạng lưới y tế tuyến cơ sở, các cơ sở khám, chữa
bệnh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp trong đầu tư cơ sở vật chất, trang
thiết bị hiện đại, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng nhằm triển
khai nhiều kỹ thuật mới, trong đó có một số kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây
chỉ bệnh viện tuyến Trung ương mới thực hiện được điển hình như: Bệnh viện
Đa khoa tỉnh triển khai thực hiện được 39 kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như: phẫu
thuật “Tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuống; Tạo hình thân
đốt sống bằng bơm cement sinh học có bóng” để điều trị các bệnh lý xẹp cột sống;
triển khai ứng dụng thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng như: Xét nghiệm sàng lọc
và phát hiện ung thư sớm, xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định ung
thư giúp cho việc phân tích tổn thương và chẩn đoán bệnh chính xác để tiên lượng
và chẩn đoán giai đoạn ung thư để có biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời;
Thành lập Khoa sức khỏe tâm thần và đơn vị đột quỵ. Trung tâm Y tế huyện Hoà An
khai trương, đưa vào vận hành kỹ thuật thận nhân tạo. Kỹ thuật thận nhân tạo là kỹ thuật phức tạp, sau 13 năm kể từ khi áp dụng
tại BVĐK tỉnh, đến nay, TTYT huyện Hòa An mới tiến hành áp dụng. Đây là TTYT
tuyến huyện đầu tiên của tỉnh áp dụng kỹ thuật này; Bệnh viện Đa khoa y dược cổ
truyền - Phục hồi chức năng triển khai kỹ thuật "Nội soi ống cứng can thiệp
- Tiêm xơ búi trĩ bằng dung dịch PG60 5%"; Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật đã triển khai và đưa vào hoạt động Phòng khám bệnh nghề nghiệp. Đã góp phần nâng
cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đa dạng hóa các loại hoạt động dịch vụ
đáp ứng cơ bản công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân các dân
tộc trong tỉnh.

Các đồng chí
lãnh đạo tỉnh tặng quà và hoa chúc mừng ngành Y tế tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt
Nam (27/02/1955-27/02/2025). Ảnh: Thủy Tiên
Phát triển hệ thống y tế ngoài công lập phù hợp với bối
cảnh kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường sự gắn kết giữa y tế tư nhân
và y tế công lập trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa
bàn và phòng chống dịch bệnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 Bệnh viện tư
nhân với 90 giường bệnh kế hoạch.
Trong
công tác phòng chống dịch bệnh, đã đánh dấu sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, đã
duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát nhằm phát
hiện các trường hợp dịch bệnh, ngăn chặn không để các dịch bệnh nguy hiểm xảy
ra trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2020 đến những tháng đầu năm 2023
đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khó dự đoán, thấm nhuần lời dạy
của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, “Thầy
thuốc phải như mẹ hiền”, cán bộ, đảng viên, CCVC, NLĐ các đơn vị thuộc, trực thuộc luôn vững vàng bản lĩnh,
nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách nơi tuyến đầu chống đại dịch COVID-19, hoàn
thành tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục
tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch COVID-19,
vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, tập trung chỉ đạo,
lãnh đạo toàn ngành hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao. Các dịch bệnh truyền
nhiễm nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi khác đều được giám sát chặt chẽ và khống
chế kịp thời; không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Góp phần bảo đảm an sinh
xã hội, ổn định sức khỏe và đời sống cho nhân dân; củng
cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với ngành Y tế cả
nước nói chung và Cao Bằng nói riêng. Thành quả đó là minh chứng cụ thể của việc
làm theo lời Bác của ngành Y tế Cao Bằng.

Đồng chí Nông Tuân Phong - Giám đốc Sở Y tế báo cáo tình hình triển khai công tác y ứng phó cơn bão số 3 với đồng chí Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh. Ảnh: Trung Thủy
Từ năm 2023 - 2024, dịch
HIV gia tăng đột biến trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, với 166 trường hợp nhiễm HIV
mới. Tập trung chủ yếu tại một số địa bàn trọng điểm: Yên Thổ, Thái Sơn, Thái Học
(huyện Bảo Lâm), Mai Long (huyện Nguyên Bình), Mai Long (Nguyên Bình), Đình
Phùng (Bảo Lạc), Đàm Thủy (Trùng Khánh). Các trường hợp mới phát hiện chủ yếu tập
trung trong nhóm đối tượng nghiện chích ma túy, người có hành vi nguy cơ cao, vợ/chồng
của người nhiễm HIV.
Trước tình hình đó, ngành Y tế nỗ
lực phối hợp với các ban ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm kịp
thời kiểm soát dịch HIV tại cộng đồng, chú trọng công tác giám sát dịch
HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; đẩy mạnh tư vấn xét
nghiệm HIV tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp nhiễm HIV. Để tăng cường công tác
kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, ngành Y tế đã bắt đầu triển khai dịch vụ điều trị
HIV/AIDS tại tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh nhân vùng sâu, vùng
xa tham gia điều trị, góp phần thực hiện mục
tiêu chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trạm Y tế xã Mai Long là Trạm Y
tế đầu tiên trên cả nước triển khai điều trị HIV/AIDS từ nguồn quỹ bảo hiểm y
tế từ tháng 8/2023. Trong năm 2024 đã mở rộng triển khai thêm tại một số cơ sở y tế
như: Bệnh viện Tĩnh Túc (Nguyên Bình); Trạm Y tế xã Thái Học (Bảo Lâm), Trạm Y
tế xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), Trạm Y tế phường Đề Thám Thành phố Cao Bằng. Đưa tổng số các cơ sở cấp
phát và điều trị giảm tác hại lây nhiễm HIV trên toàn tỉnh lên 16 cơ sở cấp
phát và điều trị Methadone (trong đó có 14 cơ sở điều trị và 4 cơ sở cấp phát
thuốc) và 19 cơ sở điều trị ARV.
Đến nay, công tác y tế của Cao Bằng đã đạt được nhiều
thành tích, kết quả đáng phấn khởi trên nhiều mặt công tác: mạng lưới y tế từ
tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển; đội ngũ cán bộ y tế ở các
tuyến được tăng cả về số lượng và chất lượng, đạt 15 bác sĩ/1vạn dân; số
giường bệnh/vạn dân (không tính giường trạm y tế): 35 giường; có 147/161 (chiếm 91,35%) Trạm
Y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 97%; Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được triển
khai thực hiện có hiệu quả. Những kết quả đó đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc
cho việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của công tác Y tế tỉnh Cao
Bằng trong những giai đoạn mới.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, ngành Y tế Cao
Bằng đã có nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng, danh
hiệu cao quý của Nhà nước, trong đó có 1 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng
trong thời kỳ đổi mới và Huân chương độc lập hạng Ba, 2 đơn vị trực thuộc được
tặng Huân chương lao động hạng Hai; Sở Y tế và 3 đơn vị, 8 cá nhân được tặng
Huân chương lao động hạng Ba; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân
và 58 cá nhân được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Tiếp tục phát huy những
thành quả đã đạt được, đội ngũ cán bộ ngành Y tế Cao Bằng đang ra sức phấn đấu
rèn luyện y đức, học tập để không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, để xứng
đáng là người thầy thuốc của nhân dân và vì nhân dân.
Mai Hoa