Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC ĐẠI DANH Y HỌC DÂN TỘC - DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI
Lượt xem: 514
Tại kỳ họp thứ 42 ngày 22/11/2023 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhà y học cổ truyền Việt Nam là “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025 nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông. Đây là sự tôn vinh những đóng góp to lớn của Hải Thượng Lãn Ông cho sự nghiệp khoa học giáo dục và văn hoá của nhân loại - Niềm tự hào của nền y học Việt Nam.
anh tin bai

   Tượng đài tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cao Bằng

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông sinh ra  trong một gia đình dòng dõi khoa bảng quan viên, nội tộc làm đến chức thượng thư. Thời trai trẻ đã từng thao lược binh pháp, hơn chục năm phục vụ trong quân sỹ triều đình; ngán cảnh tranh giành quyền lực của Vua Lê - Chúa Trịnh, dân tình đói khổ lầm than, chất chồng ai oán, nên mới cáo lui về quê ngoại ở ẩn nơi thôn dã rừng sâu (Hương Sơn - Hà Tĩnh) làm nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người, chăm sóc mẹ già, người thân, an trí dưỡng tâm dưõng đức, mở lớp truyền dạy cho môn sinh… Rồi tự đặt cho mình danh hiệu là Hải Thượng Lãn Ông ( ý nói ông lười ở Hải - Thượng) nhưng lãn cũng có nghĩa là  lãn công, tránh xa công việc triều chính để toàn tâm toàn ý dốc sức cho nghề Thầy thuốc.

Hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu sưu tầm và trải nghiệm, Ông đã để lại cho đời bộ sách y học “Hải thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập 66 quyển giới thiệu 3.000 phương thuốc và những nguyên lý cơ bản về y thuật, y đức của người thầy thuốc: Đạo làm thuốc là một nhân thuật, lo cái lo của người,vui cái vui của người, không cầu lợi kể công, không phân biệt địa vị. Gặp đồng nghiệp cần khiêm tốn học hỏi, người lớn thì kính trọng, người già cả coi như bậc thầy; người kiêu ngạo thì nhún nhường, người kém mình thì dìu dắt, xét bệnh còn lơ mơ dã cho thuốc chữa bệnh là tội dốt nát… Đây được coi là bộ Bách khoa thư về y học cổ truyền, một di sản quý báu cho nền Y học Việt Nam và cả nhân loại.

Giáo sư tiến sỹ Đỗ Tất Lợi (tác gỉá cuốn sách Những cây thuốc quý và vị thuốc  Việt Nam) đã từng đánh giá:“Hải Thượng Lãn Ông không những là nhà Đại danh y học mà còn nhà văn, nhà tư tưởng lớn của thời đại, nhà triết lý nhân sinh sâu sắc”.    

Ngoài bộ sách Y học đồ sộ được viết theo dạng công trình nghiên cứu khoa học. Ông còn để lại cho chúng ta cuốn “Thượng kinh ký sự” (bản dịch mới nhất Ký sự lên kinh” nhà Xuất bản Hội Nhà văn năm 2022) một tác phẩm văn học nổi tiếng, ông viết cách đây hơn 200 năm, ghi chép về cuộc hành trình của Ông khi được triệu hồi về kinh thành Thăng Long chữa bệnh cho vua chúa (Năm 1782). Đối với nhiều người đấy là điều vinh hạnh lớn, là cơ hội để thăng tiến công danh, lợi lộc… Nhưng Ông lại coi đây là sự bất đắc dĩ “Đi không muốn, ở không xong”.   

Ông tự trách mình: Chỉ vì mấy năm trước chữa khỏi bệnh cho quan Chánh Đường trấn thủ Châu Hoan, vị ấy bây giờ về kinh lên chức Tam công có quyền thế lớn  trong triều. Nay chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán lâm bệnh, nên đã tấu trình lên ngai vàng gọi ông về chữa trị. Chiếu chỉ vua ban đâu phải chuyện đùa.

Ông ngậm ngùi nói với mọi người: Ta tất không tránh khỏi một phen vất vả lên kinh, e phải bận rộn nơi đất Chúa, mà phụ tình hoa cỏ, hồn núi non xưa. Thương cho vật kia vì sắc đẹp mà bị người ta tìm thấy, cây nọ vì có hoa mà bị người ta  ngắt hái. Con người vì danh suông mà mắc luỵ về danh, nào ngờ vì chút hư danh mà sinh ra phiền luỵ. Thôi cũng tại vì mình không biết ở ẩn thật kỹ nên mới đến nông nỗi này!

Chuyến đi về kinh trong tâm trạng khấp khởi lo âu, trùng trùng nỗi nhớ, đi qua những vừng núi non, sơn thủy hữu tình, mặc cho quân trạm giục gấp, Ông vẫn cứ dừng chân ngắm cảnh, lưu bút đề thơ, nhắn gửi nỗi niềm: Học thuốc xa đời giữ chữ chân/Giàu sang không biết, biết chi bần/Ba sinh rừng suối mong tròn đạo/ Muôn dặm vua vời phải dấn thân/Nửa gánh khói mây rầu ngựa trạm/Đầy non vượn hạc tiễn chinh nhân/Danh suông tự thẹn không gì quý/Lo sợ ngông cuồng đối thánh quân (Lên Kinh).

Dọc đường thấy ai lâm bệnh ông lại giang tay cứu giúp, nấn ná cả tháng trời mới đến Kinh đô, vào dinh quan Chánh đường thấy trong nhà ngoài sân sơn son thếp vàng, binh khí sáng loá, lính canh rầm rập… Ông lại cám cảnh: Ba mươi năm lưu lạc giang hồ/Chiếu chỉ ai ngờ đến đế đô/Áo mũ hào hoa phường phố ngợp/Đình đài lầu quán nối trời xa /Vụng khờ quen tính người quê núi/ Thù tạc e dè bậc gấm hoa.

Gặp người quen cũ làm quan trong triều, ông ta cười bảo: Cụ có nhận ra tôi là ai không? Ông từ tốn đáp: Tôi ở nơi núi non làm thế nào mà biết được đông đảo các vị triều đình. Thật là khiêm nhường mà khí khái, không muốn phiền luỵ.  Song cũng tỏ rõ thái độ của ông đối với nhân tình thế thái và chí hướng lao tâm  làm nghề, cốt để cứu nhân độ thế chứ không màng công danh lợi lộc “Phàm con người ta đã đi ở ẩn thì phải giữ được đạo, ra làm quan phải cứu giúp được đời như vây mới gọi là sự nghiệp…”

Vào cung xem bệnh cho Trịnh Cán, Ông không ngần ngại nhận xét: Bệnh thế tử là do sinh trưởng nơi màn the trướng gấm, ấm no quá sức, phủ tạng yếu kém,  tinh huyết hao kiệt, nguyên khí đã quá tổn thương lại thêm dùng nhiều thuốc công phạt nên càng thêm hao tổn… Có chỗ không đủ thì là bệnh rồi, nhưng quá thừa cũng sinh bệnh. Một triết lý y học (cân bằng sinh học) mà thời ấy chưa mấy ai  nhận ra, đặc biệt là trong giới thượng lưu quý tộc ngay cả đám ngự y trong cung  cũng thấy lạ nên đã tìm cách dèm pha. Đến nỗi Ông phải nói với chúng rằng:   Một năm nay các ông biết sức mình cũng đã  kiệt khó lòng cứu chữa, sao vẫn còn gen tài tranh công gièm pha kẻ khác. Làm nghề thầy thuốc phải trị bệnh cứu người làm chính. Tấm lòng trung nghĩa của đạo thần tử làm nghề thuốc ở đâu?

Bằng sự quan sát tinh tế, ghi chép tỷ mỷ, nhận xét sâu sắc với văn phong giản dị sinh động khúc triết “Thuợng kinh ký sự” đã cung cấp cho người đọc bức tranh toàn cảnh về đời sống kinh tế - xã hội thời Lê mạt, đặc biệt là cảnh sống xa hoa phè phỡn đến sa đọa phẩm giá đạo đức, đầy rẫy mưu mô thủ đoạn hiểm ác… Nơi chốn cung đình.

Nhà văn dịch giả Bùi Hạnh Cẩn nhận xét: Nếu như muốn dựng lại bộ phim lịch sử thời ấy, chắc chắn những tài liệu trong cuốn sách này sẽ cung cấp được nhiều điều bổ ích. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét:  Hải thượng y tông tâm lĩnh và Thượng kinh ký sự là tổng hợp kiến thức uyên thâm về khoa học giáo dục, lịch sử, địa lý, văn chương, y học với góc nhìn triết lý nhân sinh của một chí sỹ yêu nước thương dân, am hiểu thời cuộc: Nước trôi sao quá gấp/Người đi ý muốn trầy/Chia bờ hàng núi chạy/ Rẽ khói một chèo ba.

Sau gần một năm chữa bệnh cho chúa xong, Ông vội rời Kinh đô trở về núi rừng Hương Sơn được mấy ngày thì xảy ra sự kiện “Kiêu binh nổi loạn giết Quận Huy” phế bỏ Trịnh Cán lập Trịnh Khải lên làm chúa; quan Chánh Đường và toàn bộ phe phái đều bị sát hại chu di tam tộc… Giàu sang như mây nổi, những nơi đàn sáo lâu đài trước đây bỗng phút chốc biến thành gò hoang cồn vắng/…

 Ngay cả việc viết “Thượng kinh ký sự” cũng đựơc Ông cắt nghĩa một cách đơn giản mà đầy tính nhân văn: Ngẫm mình nay được an thân nơi núi rừng, chẳng đoái hoài gì tới chuyện công danh… Không bị người đời chê cười là nhờ ở chỗ không tham lam đó thôi. Bèn đem đầu đuôi các việc ghi chép lại để cho con cháu sau này biết lẽ xử thế, nên tuỳ cảnh giữ phận, biết chỗ đủ, biết nơi dừng lấy điều không tham lam làm tấm gương sáng mà noi theo.

Có lẽ  chính đạo lý nhân văn ấy đã làm cho thân thế và sự nghiệp của Hải Thựong Lãn Ông Lê Hữu Trác trường tồn với thời gian, vựợt qua không gian mà toả sáng  khắp năm châu bốn biển, xứng đáng để thế giới hiện đại tôn vinh là: Danh nhân văn hoá của nhân loại.

                                         Tùng Trang

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang