Đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân
Xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ
Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu” giành cho ngành Y tế, từ ngày ra đời đến nay
ngành Y tế Cao Bằng, trong mỗi giai đoạn lịch sử đều đánh dấu một chặng đường
vẻ vang xây dựng và phát triển, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ
của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh việnThị xã Cao Bằng tháng 2 năm 1961
Ảnh: Tư liệu
Qua từng thời kỳ
cách mạng, cán bộ, viên chức của ngành Y tế luôn phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn
thử thách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao
phó. Trong giai đoạn từ năm 1961 - 1965, ngành Y tế Cao Bằng đã xây dựng được hệ
thống y tế tuyến xã với tên gọi khi đó là Trạm Y tế và hộ sinh xã, qua đó đã
thực sự đưa y tế đến với dân, gần dân; tiếp tục tổ chức tốt công tác vệ sinh
phòng bệnh, phòng chống dịch, đặc biệt là phòng chống sốt rét, từng bước nâng
cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và bệnh xá, tăng cường đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế nhất là y tế cho tuyến xã, tổ chức lại hệ thống tổ
chức bộ máy từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, thành lập Trường cán bộ y tế và một số trạm chuyên khoa.
Giai đoạn 1966 - 1975, tổ chức y tế
của tỉnh đã từng bước phát triển và ngày càng có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế
cơ sở đã được hình thành sâu rộng. Các tổ chức vệ sinh phòng dịch, khám chữa
bệnh, đông y, dược, đào tạo... đã được thành lập. Đến năm 1974, toàn tỉnh có
745 gường bệnh, trong đó tuyến tỉnh là 245 gường và tuyến huyện là 500 giường;
khám bệnh cho 250.000 lượt người, trong đó có 106.000 trẻ em, điều trị ngoại
trú 6.900 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú 25.800 bệnh nhân, thực hiện 900 ca
phẫu thuật các loại. Đồng thời, ngành Y tế Cao Bằng góp phần củng cố hậu
phương, tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược,
hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bước vào thời kỳ cùng cả
nước đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Y
tế Cao Bằng đã không ngừng phấn đấu thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân
dân và đã đạt nhiều thành tựu, góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khoẻ
nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.
Hoạt động y tế đã tập trung vào công
tác xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, chăm lo sức khoẻ ban đầu của nhân dân và
nâng cao chất lượng phục vụ y tế ở các tuyến điều trị. Do vậy, công tác phòng
bệnh, chữa bệnh có những chuyển biến và thu được kết quả đáng kể, thiết thực
bảo vệ sức khoẻ nhân dân và ngăn chặn các dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, ngành Y
tế cũng rất quan tâm đến công tác phát triển về đội ngũ cán bộ, nâng cao trình
độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý. Đã có nhiều người được cử đi học chuyên khoa
sau đại học. Nhiều lượt bác sĩ được cử đi tập huấn ở Trung ương để nâng cao
trình độ chuyên môn; khi trở về triển khai rộng rãi tại các tuyến huyện, tuyến
xã và xóm bản về các chương trình phòng chống dịch bệnh. Trường trung cấp Y tế
là đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ
y tế thôn bản, cung cấp cho cả tỉnh và ưu tiên cho các vùng đặc biệt khó khăn.
Ngành Y tế Cao bằng đã triển khai công
tác y tế theo quan điểm của Đảng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Kiên trì quan điểm dự phòng tích cực,
phòng bệnh phải đi trước một bước. Cao Bằng đã từng bước đẩy lùi các
bệnh dịch tả, thương hàn, sốt rét, bại liệt…Công tác khám, chữa bệnh cho người
nghèo được thực hiện thường xuyên. Hệ thống các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã ngày
càng được củng cố, phát triển, một số đã được đầu tư xây dựng mới. Bằng các
nguồn vốn của Trung ương, vốn đầu tư của các chương trình, dự án và các nguồn
vốn huy động khác, ngành Y tế đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết
bị cho các cơ sở y tế. Nhờ vậy, công tác điều trị có nhiều tiến bộ rõ rệt, giải
quyết được hầu hết các loại hình bệnh tật, được nhân dân tín nhiệm. Song song
với phát triển y học hiện đại, y học cổ truyền trong tỉnh cũng được ngày càng
phát triển, tạo sự chuyển biến mới trong công tác khám chữa bệnh. Bệnh viện đa
khoa tỉnh đã thành lập Tổ Y học cổ truyền điều trị lồng ghép trong Khoa Nội
nhằm kế thừa, phát huy y học cổ truyền, kết hợp y dược học cổ truyền với y dược
hiện đại trong công tác khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, đáp ứng ngày càng
có hiệu quả việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
và các chính sách đúng đắn phù hợp của Nhà nước, xã hội rất quan tâm việc chăm
sóc và bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ngành Y tế cũng đã thực
hiện phương châm xã hội hóa công tác y tế, đa dạng hóa các hình thức chăm sóc
sức khỏe nhân dân. Nhiều loại hình dịch vụ y tế được mở ra, từng bước đáp ứng
nhu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh
hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương để thực hiện các chương trình mục
tiêu phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng
chống lây nhiễm HIV/AIDS, phục hồi chức năng, phòng chống bệnh tiểu đường… và
điều trị kỹ thuật cao.
DSCKI. Đàm Trung Cao - Phó Giám đốc Sở Y tế
phát biểu chỉ đạo tại buổi diễn tập thực hành xử lý trường hợp bệnh viêm đường
hô hấp cấp COVID-19. Ảnh: Trọng Thụ
Đến năm 2019, công tác y tế của Cao
Bằng đã đạt được nhiều thành tích, kết quả đáng phấn khởi trên nhiều mặt công
tác: mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố và mở rộng; đội ngũ
cán bộ y tế ở các tuyến được tăng cả về số lượng và chất lượng, đạt 15 bác
sĩ/1vạn dân; có 169/199 ( chiếm 84,9%) Trạm Y tế xã có bác sỹ; chất lượng khám, chữa bệnh
cho nhân dân không ngừng được nâng lên; các Trạm Y tế, các bệnh viện thực hiện
tốt chế độ khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội. Các chương
trình mục tiêu Quốc gia về y tế được triển khai thực hiện đạt kết quả; một số
bệnh xã hội đã có chiều hướng giảm; thường xuyên làm tốt công tác y tế dự
phòng, không có dịch bệnh lớn xảy ra; công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia
đình được quan tâm triển khai thực hiện
có kết quả. Những kết quả đó đã tạo tiền đề, cơ sở vững chắc cho việc thực hiện
các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của công tác Y tế tỉnh Cao Bằng trong những
giai đoạn mới.
Trải qua một chặng đường đầy thử thách
cam go, nhưng rất đỗi tự hào, những người thầy thuốc hôm nay tiếp tục xây dựng
nền y học tốt hơn với những bước đột phá cả về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu
bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu
của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Những năm gần đây, ngành y tế tỉnh nhà
đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh
đến cơ sở không ngừng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp và xây mới,
trang thiết bị được đầu tư hiện đại; công tác phòng chống dịch bệnh được triển
khai kịp thời; công tác y tế ứng phó với thiên tai được ngành chỉ đạo thực hiện
quyết liệt, nên không có dịch bệnh lớn xảy ra; nhiều kỹ thuật mới được triển
khai thực hiện. Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường về lực lượng, nâng cao năng
lực chuyên môn và đổi mới phương thức hoạt động, những hạn chế, yếu kém từng
bước được đẩy lùi. Ngành đã có nhiều đổi mới, luôn nỗ lực cao nhất để hoàn
thành các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nổi bật là, ngành đã tập
trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện đổi mới phong cách phục vụ, phát
triển y tế tuyến huyện và cơ sở, nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng, giúp nâng
cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đa dạng hóa các loại hoạt động dịch vụ
đáp ứng cơ bản công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân các dân
tộc trong tỉnh, từ đó chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, đáp ứng ngày
càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện
mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong công tác phòng chống
dịch bệnh, đã đánh dấu sự nỗ lực của toàn ngành y tế, nhất là các đơn vị làm
công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh, đã duy trì công tác giám sát dịch tễ
thường xuyên, tăng cường giám sát nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh, ngăn
chặn không để các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh.

Một ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc. Ảnh: Nguyễn Khoa
Các chương trình mục tiêu quốc gia về
y tế được triển khai và thực hiện khá tốt. Ngành đã thực hiện có hiệu quả công
tác tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt và
vượt mức kế hoạch đề ra, số trẻ em dưới 1
tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 85,7%; tỷ lệ tiêm phòng viêm gan B 24 giờ sau sinh cho trẻ sơ sinh đạt 89,1%; phụ nữ có thai được tiêm đủ liều vắc xin phòng uốn
ván sơ sinh đạt 86,1%. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được
đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ các hoạt động. Công tác phòng chống
HIV/AIDS được đẩy mạnh, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp
giảm tác hại, chăm sóc điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, hoạt động giám sát HIV/AIDS đều được chú trọng, tăng cường
các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90, góp phần thực
hiện mục tiêu chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm
nhìn 2030, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư đang được khống chế ở mức
dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS với sự phát triển kinh tế - xã
hội.
Song song với công tác y tế dự phòng,
ngành Y tế tỉnh đã tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động khám
chữa bệnh, đặc biệt là việc phát triển các kỹ thuật cao. Bệnh viện Đa khoa
tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải
pháp trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thu hút, đào tạo
nguồn nhân lực có chất lượng nhằm triển khai nhiều kỹ thuật mới, trong đó có
một số kỹ thuật chuyên sâu mà trước đây chỉ bệnh viện tuyến Trung ương mới thực
hiện được.
Bên cạnh sự tiến bộ về chuyên môn, kỹ
thuật, tinh thần, thái độ và kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế trong các cơ sở khám
chữa bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở khám chữa bệnh duy trì
tốt quy chế chuyên môn, quy chế giao tiếp ứng xử, nâng cao y đức, cải tiến chất
lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng "Xanh - sạch - đẹp".
Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thầy thuốc tận tụy, hết lòng chăm sóc người
bệnh, được nhân dân tin yêu, đồng nghiệp mến phục. Đặc biệt, cán bộ, công chức,
viên chức ngành y tế luôn tiên phong trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát
huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong năm 2019, toàn ngành đã triển khai thực
hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 53 đề
tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; 41 sáng kiến, giải pháp hữu ích, trong
đó nhiều đề tài nghiên cứu với nội dung mới, phù hợp, sáng tạo, được áp dụng
vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần nâng cao chất
lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong thời gian tới, ngành Y tế Cao
Bằng tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe
nhân dân. Trong đó, xây dựng đội ngũ nhân viên y tế có số lượng, cơ cấu hợp lý,
đủ trình độ năng lực thi hành nhiệm vụ, cụ thể hóa trong đề án vị trí việc làm
của từng đơn vị. Tiếp tục triển khai thực hiện chuẩn năng lực cần thiết cho
từng loại hình nhân viên y tế, tiêu chuẩn hóa kết quả đầu ra cho đào tạo nhân
lực y tế. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các
tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các lĩnh vực y học cơ bản, y
học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế cộng đồng, quản lý y tế. Đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh; chuyển giao kỹ
thuật mới cho các bệnh viện tuyến huyện để giảm tải cho bệnh viện công lập
tuyến tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện số cơ sở y tế, giường bệnh, tập trung
cho các chuyên khoa sâu... Tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới bằng
nhiều hình thức: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn
đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường công tác chỉ đạo
tuyến, đào tạo, tập huấn; tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Hoàn thiện hệ thống quản
lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh các cấp và hệ thống đánh giá phản hồi của
người dân; triển khai thực hiện các quy trình chuyên môn. Kết hợp giữa chăm sóc
sức khỏe ban đầu với các dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao,
giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện việc đa dạng hóa các loại
hình khám chữa bệnh; phát triển một số lĩnh vực y học mũi nhọn phù hợp với điều
kiện và khả năng của địa phương.
Trải qua quá
trình xây dựng và phát triển, ngành Y tế Cao Bằng đã có nhiều tập thể, cá nhân
vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý của Nhà nước, trong
đó có 1 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới và Huân
chương độc lập hạng Ba, 2 đơn vị trực thuộc được tặng Huân chương lao động hạng
Hai; Sở Y tế và 3 đơn vị, 8 cá nhân được tặng Huân chương lao động hạng Ba; 1
cá nhân được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và 51 cá nhân được tặng danh
hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được,
đội ngũ cán bộ ngành Y tế Cao Bằng đang ra sức phấn đấu rèn luyện y đức, học
tập để không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, để xứng đáng là người thầy
thuốc của nhân dân và vì nhân dân.
Dược sĩ CKI. Đàm Trung Cao, Phó Giám đốc Sở
Y tế