Tai nạn đuối nước - Lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và những người chăm sóc trẻ
Mỗi năm, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 trẻ em tại Việt Nam, trong đó các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè. Do đó, trước mỗi dịp nghỉ hè, cha mẹ, những người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em cần nắm được các nguy cơ gây đuối nước cũng như các biện pháp phòng tránh đuối nước ở trẻ em.
Tuyệt đối không nên cho trẻ
tắm sông hay chơi đùa ở gần khu vực bờ sông để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai
nạn và chỉ cho trẻ đến các hồ bơi được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có
nhân viên trông coi.
Từ đầu năm đến
nay, tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều địa
phương trong cả nước, trong đó có các tỉnh như: Phú Thọ, Hà Tĩnh,
Quảng Ninh, Hà Nội… có số lượng người chết do tai nạn đuối nước cao. Riêng tỉnh
Cao Bằng, ngày gần đây nhất (12/5), đã ghi nhận 1 vụ tai nạn đuối nước xảy ra
tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, làm 2 học sinh tử vong thương tâm…
Trong các dịp nghỉ lễ, tết, nhất là vào kỳ nghỉ hè,
nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức cho các bạn học sinh đi du lịch,
nghỉ mát, tắm biển; nhiều trẻ em cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối,
ao, hồ... Do đó, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước
Có rất nhiều nguyên nhân
dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới
những tai nạn đuối nước là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của cha
mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ… Đối
với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ do tính thích
nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội
hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự
nguy hiểm của tai nạn.
Ngoài
ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây
nên tai nạn đuối nước ở trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước...
không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao, hồ... không được rào chắn và có
biển cảnh báo nguy hiểm. Bên
cạnh đó, khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ
cứu người bị đuối nước, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị tai nạn đuối nước
tăng lên.
Vì vậy, chúng ta cần có các
biện pháp phòng tránh và trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước để giảm
thiểu tỷ lệ tử vong.
Trang bị kỹ năng bơi lội
Dù cho bạn sống ở thành thị
hay nông thôn, miền núi thì tai nạn đuối nước vẫn có thể xảy ra. Do đó, cả
người lớn và trẻ nhỏ đều cần phải được trang bị các kỹ năng bơi lội cũng như
cách thoát khỏi đuối nước, nhất là với trẻ em. Đa phần, việc dạy bơi cho trẻ
nhỏ đều là tự phát. Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên cho bé đến các trung tâm học
bơi chuyên nghiệp để được dạy: Cách khởi động, cách xử lý tình huống khi bị
chuột rút, cách xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy… Song, bạn cũng cần tìm hiểu
xem thể trạng của bé có thích hợp cho việc tham gia hoạt động bơi lội hay không
vì không phải trẻ nhỏ nào cũng có sức khỏe đủ tốt để học bơi.
Cảnh
báo về nguy cơ khi tắm suối, sông, hồ
Người lớn cần ý thức và
cảnh báo cho trẻ nhỏ nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ... Bên cạnh
đó, phụ huynh tuyệt đối không nên cho trẻ tắm sông hay chơi đùa ở gần khu vực
bờ sông để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn và chỉ cho trẻ đến các hồ bơi được
trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có nhân viên trông coi.
Chấp
hành quy định khi tham gia giao thông đường thủy
Khi chúng ta tham gia bất
cứ các hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Ngoài ra, trên tàu
thuyền cũng phải được trang bị đủ số lượng các thiết bị cứu hộ đảm bảo tiêu
chuẩn để sử dụng khi có tai nạn xảy ra.
Mặc
áo phao và tắm gần bờ
Khi tắm sông hay tắm biển,
bất cứ người biết bơi hay không cũng phải mặc áo phao và chỉ nên tắm ở gần bờ
để đảm bảo an toàn vì tai nạn đuối nước luôn rình rập, đe dọa chúng ta bất cứ
lúc nào. Khi tắm biển, không nên nằm trên phao thả trôi vì bạn sẽ dễ bị sóng
cuốn ra xa rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nên tìm hiểu rõ về vùng biển trước khi
tắm để không chọn nhầm nơi nước động, nước xoáy hay xuất hiện dòng chảy xa bờ.
Đậy
kín bể chứa nước
Với những gia đình có trẻ
nhỏ, các bể chứa nước dự trữ phải luôn được đậy kín, đảm bảo trẻ không thể mở
ra để tránh trường hợp trẻ bị ngã vào bể, dẫn đến ngạt nước.
Vùng
lũ lụt cần sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền
Đối với các đồng bào miền
núi hay vùng bị ảnh hưởng của lũ quét, cần phải chấp hành đúng hướng dẫn sơ tán
của chính quyền địa phương trước khi lũ xảy ra. Tuyệt đối không được bơi trong
dòng nước lũ và trẻ em phải luôn được trông coi cẩn thận.
Trang
bị kỹ năng cứu người đuối nước
Cả người lớn và trẻ nhỏ đều
cần được trang bị các kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người bị đuối nước. Cụ thể, nếu
phát hiện người đang bị đuối nước nhưng bạn lại không biết bơi, phải hết sức
bình tĩnh và hô hoán, nhờ đến sự trợ giúp của nhiều người. Đồng thời, tìm những
nhánh cây dài cho nạn nhân bám vào để kéo vào bờ. Sau khi đã đưa được nạn nhân
lên bờ, ngay lập tức thực hiện các thao tác sơ cứu người bị đuối nước.
Trên đây là một số điều cơ bản nên biết về cách
phóng tránh tai nạn đuối nước, hãy quan tâm nữa đến vấn đề này, để tránh những
rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình về tai
nạn đuối nước.
Đức
Giang