Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể trước một sự nhiễm khuẩn (virus, vi khuẩn) nào đó. Sốt giúp chống lại sự nhiễm khuẩn bằng cách khởi động hệ miễn dịch của cơ thể. Khi nhiệt độ cơ thể từ 37,1°C - 38,4°C là mức độ sốt nhẹ, chỉ cần cho mặc đồ thoáng mát, uống nhiều nước và chưa cần dùng thuốc. Chỉ khi trẻ sốt từ 38,5°C trở lên mới cần can thiệp bằng các loại thuốc hạ sốt.
Khi trẻ bị sốt các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. Không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt khi chưa có chỉ định của bác sĩ
Các thuốc
thường dùng hạ sốt cho trẻ:
Các
thuốc có thành phần Paracetamol là lựa chọn đầu tiên để hạ sốt cho trẻ do có
tính an toàn cao và ít tác dụng phụ. Ngoài ra, còn có Ibuprofen và
Aspirin nhưng chỉ dùng khi có
chỉ định của bác sĩ do có nhiều tác dụng không mong muốn.
Quy tắc chung khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ:
- Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sỹ,
đặc biệt với trẻ < 3 tháng tuổi.
- Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5°C trở
lên.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
- Tính liều dùng thuốc theo cân nặng của trẻ.
- Chỉ dùng các thuốc còn hạn sử dụng.
1. Paracetamol
Các biệt dược hay dùng: Efferalgan (80mg; 150mg; 300mg);
Hapacol kid (80 mg; 150mg; 250mg)…
Paracetamol là thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay,
liều dùng là 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ.
Trường hợp trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa các lần dùng
thuốc tối thiểu là 8 giờ.
Có nhiều dạng Paracetamol. Tuy nhiên thông dụng nhất là
các dạng đặt trực tràng (hậu môn) và dạng uống.
Dạng đặt trực tràng:
- Thích hợp khi cần hạ sốt trong lúc trẻ ngủ, nôn nhiều
và trẻ đang lên cơn sốt cao co giật.
- Điều trị bằng dạng đặt trực tràng ngắn hạn, sau đó
chuyển sang dạng uống vì dạng đặt có thể gây ngứa, kích thích trực tràng.
- Cách dùng: Làm lạnh viên thuốc trước khi đặt. Cho viên
thuốc vừa vào hết hậu môn là được. Không đặt thuốc quá sâu vì sẽ làm giảm tác
dụng của thuốc. Sau khi đặt thuốc nên cho trẻ nằm yên vài phút. Nên chọn loại
viên đặt có hàm lượng phù hợp với cân nặng của trẻ.
Dạng uống:
- Thích hợp khi cần hạ sốt trong lúc trẻ thức, có nhiều
dạng như thuốc bột, thuốc giọt, sirô, thuốc viên nhai,…
- Gói bột sủi bọt vị hoa quả là dạng uống phổ biến
nhất.
- Cách dùng: cho thuốc vào chén và thêm lượng nước vừa đủ
theo hướng dẫn để hòa tan, cho trẻ uống ngay sau khi thuốc đã hòa tan hoàn
toàn.
2. Aspirin
- Không được dùng khi trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu
hóa, sốt xuất huyết. Hiện nay, Aspirin ít được dùng để hạ sốt cho trẻ em vì có
thể gây nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và có liên quan đến hội chứng
Reye (gây tổn thương gan và thần kinh).
- Liều dùng 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ.
- Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
3. Ibuprofen
- Chỉ dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Ở trẻ nhỏ,
Ibuprofen thường gây nhiều tác dụng phụ, nhất là ở trẻ bị Thủy đậu.
- Không được dùng khi trẻ bị loét dạ
dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết.
- Liều dùng 20 - 30mg/kg/ngày hoặc
7-10mg/kg mỗi 6 - 8 giờ đường uống.
- Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Trước khi dùng thuốc
hạ sốt cho trẻ nên đo nhiệt độ cho trẻ và chỉ dùng thuốc khi trẻ sốt từ
38,5°C trở lên. Trong các loại thuốc hạ sốt thì Paracetamol là thuốc được
dùng phổ biến. Nên lựa chọn dạng dùng (đặt, uống) thích hợp và tính liều phù
hợp với cân nặng của trẻ.
Cần cho trẻ tới cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều
trị ngay nếu trẻ có 1 trong số các triệu chứng sau:
+ Sốt cao > 40°C, sốt liên tục không giảm trong vòng
24h.
+ Trẻ bị co giật, mệt li bì.
+ Nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn.
+ Sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái.
Sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Khi trẻ bị sốt các
bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Không tự ý sử dụng thuốc hạ sốt khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Mai Hoa