Thời tiết nắng nóng, khiến nhiệt độ môi trường tăng cao, làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, làm cơ thể trẻ dễ bị mất nước kèm theo mất điện giải. Vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng của trẻ còn yếu kém thời tiết nắng nóng rất dễ làm trẻ bị mắc bệnh và nhiều tác động không tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Vì vậy, các trường học và phụ huynh học sinh cần có những biện pháp hiệu quả để nâng cao sức khỏe, tăng cường thể chất, để phòng tránh các bệnh thời điểm nắng nóng cho trẻ, góp phần giúp trẻ thích nghi tốt hơn với thời tiết, cải thiện sức đề kháng và giúp trẻ luôn khỏe mạnh trong suốt thời kỳ nắng nóng.
Các giáo viên Trường Mầm non Nắng Hồng thường xuyên lau dọn lớp học, đồ chơi trước khi bắt đầu buổi
học.
Khi thời tiết chuyển biến đột ngột,
thay đổi khí hậu thất thường từ lạnh sang nóng sẽ khiến cơ thể trẻ khó thích
ứng. Nguyên nhân là vì hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, chưa đủ
sức đề kháng, trẻ dễ bị mắc các triệu chứng như: say nắng, cảm cúm, các bệnh về tiêu hóa,
ngộ độc thức ăn, tiêu chảy, bệnh tay - chân - miệng, thủy đậu, sởi,.. Ngoài ra, thời tiết nóng, ẩm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và
ruồi nhặng gây bệnh và lây lan mầm bệnh nhanh chóng. Việc cần thiết lúc này là
đảm bảo an toàn vệ sinh trong không gian sinh hoạt, để tránh các vi khuẩn gây
hại qua đường hô hấp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các trường Mầm
non trên địa bàn Thành phố Cao Bằng, trong mỗi buổi sáng việc làm đầu tiên của các cô giáo tại các trường mầm non là dọn dẹp, lau
chùi các vật dụng sinh hoạt, đồ chơi, không gian sàn nhà trước khi bắt đầu tiết
học để đảm bảo cho trẻ thỏa sức vui chơi, học tập trong môi trường an toàn,
sạch sẽ, không khí trong lành. Bên cạnh đó, các cô giáo cũng thường xuyên hướng
dẫn, nhắc nhở học sinh rửa tay, khử khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,
đảm bảo bổ sung đầy đủ nước giúp duy trì thân nhiệt ổn định, hỗ trợ các chức
năng cơ bản của cơ thể và ngăn ngừa tình trạng mất nước. Cùng với chăm sóc và
phòng dịch bệnh, các Trường Mầm non còn tăng cường tổ chức các hoạt động vui
chơi, thể dục giúp các bé có cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện về thể chất
lẫn trí tuệ, góp phần tăng cường hệ miễn dịch.
Để góp phần giúp trẻ nâng cao sức đề
kháng, các cơ sở giáo dục mầm non cũng đã chú trọng, tăng cường đảm bảo dinh
dưỡng. Bổ sung thêm các loại nước ép, trái cây, những thực phẩm giàu đạm, vi
chất vào khẩu phần ăn; chia nhỏ các bữa ăn, thường xuyên thay đổi thực đơn; tập
cho trẻ có thói quen uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau, củ, quả, nhằm bổ sung
vitamin và chất xơ; cải thiện tầm vóc cho nhóm trẻ còi xương, suy dinh dưỡng.
Cô giáo Nông Thị Hồng Gấm, Trường mầm non Trẻ Thơ (Thành phố) cho biết: Nhà
trường đẩy mạnh công tác thực đơn thay đổi theo mùa, thực đơn đảm bảo cho trẻ
được đa dạng các nhóm thực phẩm, chế thực phẩm, để trẻ ăn ngon miệng, hết suất.
Ví dụ như là các bữa ăn của các con có các thực phẩm đủ 4 nhóm trứng, sữa, cá,
thịt, đặc biệt là sữa chua, tăng cường cho các bạn uống để đảm bảo thể chất tốt
nhất và chúng tôi cũng luôn thay đổi các cách tổ chức bữa ăn cho các con hàng
ngày.
Tăng cường đảm bảo
dinh dưỡng cho trẻ trong mùa nắng nóng.
Bà Đàm Thị Lập, Hiệu trưởng Trường mầm
non Tuổi Thơ, Phường Đề Thám (Thành phố) cho biết: Trong mùa nắng nóng,
ngoài chất dinh dưỡng cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày, nhà trường còn bổ sung
thêm các loại hoa quả, các loại trái cây, các loại sữa, để bổ sung thêm cho
trẻ, đảm bảo sức khỏe. Nhà trường luôn luôn chú trọng đến các loại sữa về hoa
quả, cũng như các loại sữa đậu để cho trẻ đủ lượng nước hàng ngày, để cơ thể hạ
nhiệt.
Trong bối cảnh bệnh hô hấp, dịch sởi đang
có những diễn biến phức tạp, các nhà trường cũng đẩy mạnh vận động, tuyên
truyền, phối hợp với các bậc phụ huynh, theo dõi sát sao sức khỏe, đưa trẻ nhỏ
tới các cơ sở y tế khám định kỳ, tiêm phòng vắc xin sởi trong chiến dịch năm 2025 đầy đủ, kịp thời. Tại Cơ sở mầm non Nắng Hồng, đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng gần 100 trẻ. Cô giáo
Lý Thị Ngọc Lan, Trường mầm non Nắng Hồng (Thành phố) chia sẻ: Đối với chiến dịch sởi năm 2025, trường mầm
non Nắng Hồng đã phối hợp, vận động các bậc phụ huynh đưa các con đến tiêm
chủng đầy đủ tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Cao Bằng. Đối với trẻ có
nguy cơ, có nhiễm bệnh, chúng tôi phối hợp với phụ huynh theo dõi sát sao các
con. Chúng tôi cũng hy vọng giúp các con có cơ thể khỏe mạnh, phòng chống các
dịch bệnh khi thời tiết nắng nóng như bây giờ, giúp các con có cơ thể khỏe
mạnh, phát triển toàn diện.)
Để phòng bệnh trong
thời tiết nắng nóng cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần phối hợp chặt chẽ với
nhà trường triển khai các biện pháp phòng chống dịch, chú trọng đến các biểu
hiện của trẻ để sớm có các biện pháp can thiệp phù hợp. Bác sĩ CKI Lương Thành
Long, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng khuyến cáo: Để
phòng bệnh cho trẻ nhỏ vào thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh và người chăm
sóc trẻ cần lưu ý: Duy trì chế độ
dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo trẻ uống đủ nước hằng ngày, ăn đủ dinh dưỡng, tăng
cường thức ăn giàu Vitamin, các yếu tố vi lượng (sắt, kẽm, vitamin D3..) để
tăng sức đề kháng. Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, thông
thoáng, rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ
sinh. Vệ sinh mũi, họng hằng ngày. Hạn chế đưa
trẻ tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh ho, sốt, cảm cúm. Nếu trẻ bị
bệnh cần cách ly chăm sóc tại nhà, nên cho nghỉ học. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo lịch. Đưa trẻ đi khám nếu có
các dấu hiệu bất thường: Sốt cao, ho nhiều, khó thở, tím tái, nôn nhiều, tiêu
chảy mất nước, ngủ li bì, bỏ bú, co giật.
Mùa nắng nóng mang đến nhiều thách thức
cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với sự chăm sóc đúng cách và kiến thức
phòng bệnh hiệu quả sẽ giúp trẻ có sức khỏe, sức đề kháng tốt nhất và phòng
chống được các bệnh thường gặp, từ đó trẻ được học tập, vui chơi và phát triển
toàn diện.
Thảo Vân