Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 982
Số bệnh nhân HIV mới của tỉnh 3 năm gần đây đều tăng, đặc biệt trong năm 2023, số người nhiễm HIV/AIDS tăng cao ở một số vùng trọng điểm và có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Do đó, việc triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra là cần thiết.

 

Khám sàng lọc HIV cho các đối tượng nguy cơ cao tại xã Đình Phùng (Bảo Lạc)

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 30/9/2023, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV toàn tỉnh 2.310 người tại 128/161 xã/phường/thị trấn, 1.682 bệnh nhân AIDS, trong đó 1.375 trường hợp đã tử vong do AIDS. Số bệnh nhân HIV còn sống được quản lý 886 người, trong đó có 8 trẻ em nhiễm HIV. 9 tháng năm 2023, phát hiện thêm 78 trường hợp nhiễm HIV mới, tăng 44 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022; 7 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 và 22 trường hợp HIV tử vong, tăng 12 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Từ năm 2022 đến nay, số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng tăng tại một số địa bàn trọng điểm: xã Mai Long (Nguyên Bình), Đình Phùng (Bảo Lạc), Đàm Thủy (Trùng Khánh). Các trường hợp mới phát hiện chủ yếu tập trung trong nhóm đối tượng nghiện chích ma túy, vợ/chồng của người nhiễm HIV. 

Ngành Y tế nỗ lực phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp nhằm kịp thời kiểm soát dịch HIV tại cộng đồng, chú trọng công tác giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp nhiễm HIV. Triển khai dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh nhân vùng sâu, vùng xa tham gia điều trị. Trạm Y tế xã Mai Long là Trạm Y tế đầu tiên trên cả nước triển khai điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế từ tháng 8/2023, đến nay Trạm quản lý, điều trị 18 bệnh nhân HIV. 

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai thêm cơ sở điều trị HIV/AIDS tại Trạm Y tế xã Đình Phùng (Bảo Lạc), Trạm Y tế xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) và Bệnh viện Tĩnh Túc (Nguyên Bình). Để chuẩn bị nhân lực và điều kiện mở rộng dịch vụ ARV (thuốc kháng vi rút HIV) thuận tiện cho các địa bàn có nhiều người nhiễm HIV chưa sử dụng dịch vụ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn về chẩn đoán, điều trị và quản lý thuốc ARV cho gần 100 học viên. Các đơn vị tổ chức triển khai điều trị bằng thuốc kháng HIV sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế sẵn có và tiếp tục đầu tư, cải tạo, mua sắm trang thiết bị y tế đáp ứng theo quy định. Các cơ sở y tế tập trung từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: duy trì hiệu quả của chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại 12 cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai thêm 1 cơ sở điều trị Methadone tại Bệnh viện Tĩnh Túc; đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm nghiện chích ma túy gồm: cấp phát bơm kim tiêm sạch, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su cho các khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, khó tiếp cận bơm kim tiêm sạch, đặc biệt tại khu vực miền núi. Xác định công tác thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi là một trong những vấn đề then chốt để giúp việc phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông với nhiều hình thức, phù hợp với đối tượng, địa bàn. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 733 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc ARV tại 15 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có 8 bệnh nhân trẻ em. 100% cơ sở điều trị thực hiện khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, số bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế đạt 98%. Năm 2023, có 309 bệnh nhân tham gia điều trị HIV/AIDS được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, hạn chế. Trong 2 năm 2021 - 2022, dịch bệnh Covid-19 gây gián đoạn các hoạt động dự phòng, trong đó có công tác tuyên truyền và xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, người nhiễm HIV/AIDS khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị. Số người nhiễm HIV/AIDS mới tăng cao trong năm 2023, dịch HIV/AIDS tập trung ở các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao, tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ làm lây lan HIV ra cộng đồng. Dịch vụ cấp phát bao cao su chỉ có trong chương trình kế hoạch hóa gia đình, do đó nhiều bạn tình/bạn chích chưa nhận được dịch vụ này, vẫn còn nhiều người quan hệ tình dục không an toàn. Hiện tại không có dịch vụ điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV- PrEP tại tỉnh; nhân lực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS thiếu và năng lực chuyên môn còn hạn chế, nhất là tuyến cơ sở. Một số bệnh nhân HIV/AIDS không có nơi ở ổn định, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm: người nghiện chích ma túy, thanh thiếu niên trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, khó tiếp cận để truyền thông, vận động tham gia tư vấn, xét nghiệm HIV, điều trị HIV/AIDS. Một bộ phận người dân còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nên người nhiễm bệnh ngại bộc lộ tình trạng bệnh, dẫn đến khó triển khai các biện pháp can thiệp tại cộng đồng... 

Trước diễn biến của dịch HIV trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV tại tỉnh năm 2023 - 2024 với tổng kinh phí trên 2 tỷ 590 triệu đồng. Việc triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng nhằm kiểm soát sự gia tăng nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV tại tỉnh, trong đó chú trọng đến các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Trùng Khánh và tăng cường các hoạt động phòng, chống, điều trị HIV/AIDS của các huyện, thành phố; hướng đến mục tiêu 90% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm của mình, 90% người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, 90% người điều trị ARV có tải lượng vi rút  HIV ở mức thấp dưới ngưỡng ức chế.

BsCKII Bế Thị Bạch - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Phòng, chống HIV/AIDS cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn theo từng địa bàn, giai đoạn, thời điểm. Trong đó, sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và sự đồng hành của toàn xã hội sẽ quyết định đến hiệu quả công tác quản lý, điều trị người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người nhiễm HIV/AIDS, người có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS có cơ hội tiếp cận đầy đủ và chủ động sử dụng các dịch vụ, biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu tác hại lây nhiễm; đăng ký và tuân thủ điều trị tại các cơ sở điều trị ARV trên địa bàn tỉnh. Việc nâng cao năng lực, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần cùng cả nước tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, giảm tối đa tác động dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

  Bảo An

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang