Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Những điều cần biết về bệnh Lao đồng nhiễm ở bệnh nhân HIV
Lượt xem: 489
Bệnh Lao là một bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người sang người. Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis. Trong khi HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Lao. Bệnh Lao thường đồng nhiễm với HIV, nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tích cực sẽ càng khiến cho sức khỏe người bệnh nhanh chóng suy giảm, đồng nhiễm thêm nhiều bệnh lý nhiễm trùng cơ hội khác. Theo tổ chức Y tế thế giới, bệnh Lao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người nhiễm HIV.
anh tin bai

Tư vấn sàng lọc bệnh Lao cho người nhiễm HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Lao tiềm ẩn có nhiều khả năng tiến tới bệnh Lao hoạt động ở người nhiễm HIV hơn ở người không nhiễm HIV. Đồng thời, bệnh Lao cũng có thể có biểu hiện nặng nề hơn ở những người nhiễm HIV hay có thể tình trạng nhiễm HIV trở nên xấu đi. Điều trị với thuốc kháng vi rút HIV sẽ làm giảm tải lượng siêu vi trong máu, qua đó sẽ bảo vệ hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa hay làm chậm nhiễm HIV tiến tới AIDS. Theo đó, ở những người bị đồng nhiễm HIV và Lao, thuốc kháng vi rút cũng sẽ gián tiếp góp phần giúp người bệnh giảm nguy cơ Lao tiềm ẩn chuyển thành Lao tiến triển hoặc bệnh Lao hoạt động sẽ dễ dàng được kiểm soát hơn.

Những người mắc bệnh Lao tiềm ẩn có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh Lao tiềm ẩn tiến triển thành bệnh Lao thực sự, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của bệnh. Các triệu chứng phổ biến của bệnh Lao bao gồm: Ho dai dẳng, ho khạc đờm, ho ra máu, tức ngực, mệt mỏi, sụt cân, sốt âm ỉ, đổ mồ hôi về đêm… Người bệnh khi có một trong các triệu chứng nêu trên cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm nhằm chẩn đoán sớm tình trạng Lao đồng nhiễm với HIV

Bệnh Lao có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào ở người nhiễm HIV. Nhưng biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm lại phụ thuộc vào giai đoạn sớm hay muộn của nhiễm HIV. Các thể Lao hay gặp ở bệnh nhân HIV là: Lao hạch, Lao kê, tràn dịch màng phổi, Lao màng tim, Lao màng bụng. Có thể nói, Lao và HIV là hai bạn đồng hành. Hai bệnh này tương tác thành vòng xoắn bệnh lý, dẫn đến hậu quả là cuộc đời của những bệnh nhân Lao đồng nhiễm HIV càng ngắn lại. Tuy nhiên, bệnh Lao ở người nhiễm HIV hoàn toàn chữa khỏi được, để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.

Tất cả những người nhiễm HIV nên được xét nghiệm nhiễm Lao, tốt nhất là ngay tại thời điểm chẩn đoán HIV theo quy trình của Bộ Y tế. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy người đó mắc bệnh Lao tiềm ẩn, cần thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung để có căn cứ xác định xem người nhiễm HIV đồng nhiễm Lao không để kịp thời điều trị cho người bệnh.

Khi điều trị bệnh Lao do đồng nhiễm HIV cần lưu ý một số điểm: Tiến hành điều trị Lao sớm ở người HIV có chẩn đoán Lao; phối hợp điều trị thuốc chống Lao với điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội khác bằng Cotrimoxazol và ARV càng sớm càng tốt, ngay sau khi người bệnh dung nạp thuốc chống Lao (sau 2 tuần đầu tiên). Bên cạnh đó, việc điều trị Lao cho những người nhiễm HIV/AIDS cũng có nhiều khó khăn như: Tác dụng không mong muốn của thuốc chống lao xảy ra nhiều hơn, vi khuẩn Lao kháng thuốc nhiều hơn, do người bệnh mang tâm tâm lý tuyệt vọng, chán nản, nên không tuân thủ điều trị bệnh, bỏ trị bệnh, tỷ lệ thất bại cao hơn..., nhưng khó khăn nhất vẫn là người bệnh không hợp tác.

Để phòng chống bệnh Lao đồng nhiễm với HIV người nhiễm HIV cần có thái độ sống tích cực, lành mạnh và giữ tinh thần ở trạng thái lạc quan, vui vẻ. Cần lưu ý tới các dấu hiệu bất thường trên cơ thể, đặc biệt là các triệu chứng lâm sàng điển hình ở bệnh Lao như: ho, sốt, sụt cân, ra mồ hôi đêm cần được khám, tư vấn, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời; bảo đảm dinh dưỡng và điều trị thuốc kháng virus ARV theo đúng quy định, chỉ định của bác sĩ.

 

  Ngọc Anh (St)

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang