Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Lượt xem: 1215
Sau 33 năm phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao không chỉ về sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện mà còn có cam kết chính trị rất mạnh mẽ và kịp thời của lãnh đạo các cấp, từ đó từng bước khống chế, kiểm soát; là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, những năm gần đây, dịch HIV đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
anh tin bai

Truyền thông cổ động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 01/12/2023 trên địa Thành phố Cao Bằng. Ảnh: Trọng Thụ

Những thành tựu phòng chống HIV/AIDS 

Năm 2015, Liên Hợp Quốc đã lần đầu tiên đặt ra mục tiêu có thể chấm dứt giai đoạn coi AIDS là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Năm 2020, UNAIDS đề ra mục tiêu 95-95-95 để có thể tuyên bố chấm dứt dịch bệnh. Ba mục tiêu này cụ thể là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus ngưỡng an toàn. Rwanda, Tanzania và Zimbabwe là những quốc gia đầu tiên ở châu Phi đã đạt được 3 mục tiêu 95-95-95 này.

Nam Phi và Ấn Độ, các quốc gia đang phát triển đã đề xuất Hiệp định Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) năm 1994 để sản xuất các loại thuốc với giá rẻ hơn khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng bị đe dọa. Điều này được hiện thực hóa với "Tuyên bố Doha" năm 2001 giúp giảm 99% chi phí thuốc kháng vi rút ở các nước nghèo nhất. Ngày nay, 75% người bệnh AIDS đã được điều trị bằng thuốc kháng virus. Đầu tư cho nghiên cứu đã giúp một người bệnh AIDS giờ đây có thể có tuổi thọ gần như bình thường. Từ chỗ là đại dịch thế kỷ, AIDS đã dần trở thành một căn bệnh bình thường.

Tại Việt Nam, với sự cam kết và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS. Độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục được mở rộng và cải thiện về chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam.

Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS. Các địa phương tăng cường bố trí ngân sách cho chương trình này thông qua các đề án hoặc kế hoạch, bảo đảm tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục huy động và nhận được nguồn hỗ trợ đáng kể từ các tổ chức quốc tế.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm và khoảng hơn 200.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS của thế giới, không chỉ về sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện mà còn có các cam kết chính trị rất mạnh mẽ và kịp thời.

Dịch HIV nguy cơ bùng phát trở lại

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành quả tích cực, giúp chúng ta hướng tới mục tiêu 2030. Tuy nhiên, theo UNAIDS thì vẫn còn khoảng 5,5 triệu người trên toàn thế giới không biết về tình trạng HIV của mình vào năm 2021, tương đương với 14% số người nhiễm bệnh.

Báo cáo của UNAIDS cũng cho biết thêm rằng đã có sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới ở khu vực Đông Âu và Trung Á, cũng như ở Trung Đông và Bắc Phi. Tổ chức đánh giá "xu hướng này xảy ra chủ yếu là do thiếu các dịch vụ phòng ngừa HIV dành cho những nhóm dân cư yếm thế và chịu thiệt thòi". Đáng lo hơn, kể từ năm 2020, những con số cho thấy công cuộc phòng, chống AIDS đang có những dấu hiệu chững lại.

Sự chủ quan với AIDS đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Một hệ quả tất yếu là nguồn tài trợ cho hoạt động phòng chống AIDS đang giảm dần. Năm 2022, các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ nhận được 8,3 tỉ USD tài trợ từ bên ngoài, thấp hơn 3% so với năm 2021. Chỉ có 20,8 tỉ USD dành cho các chương trình chống AIDS được phân bổ vào năm ngoái và còn thiếu 29,3 tỉ USD cần thiết nữa cho đến năm 2025.

Theo thống kê của UNAIDS, nguồn tài trợ song phương từ Chính phủ Mỹ vốn chiếm 58% tổng số hỗ trợ quốc tế cho HIV, trong khi các khoản giải ngân từ Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét chiếm khoảng 29%. Các nhà tài trợ quốc tế khác đóng góp phần còn lại. Nhưng một vấn đề lớn đã xảy ra khi năm 2024 sắp tới có thể là lần đầu tiên sau 20 năm, chính phủ Mỹ không còn trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho hoạt động này được nữa.

Báo cáo ngân sách mới nhất được thông qua hôm 17/11/2023 của Mỹ đã cắt giảm khoản ngân sách dành cho Kế hoạch khẩn cấp về cứu trợ bệnh AIDS (PEPFAR) vốn được thông qua đều đặn từ năm 2003 tới nay.

Thông báo của UNAIDS cũng cho biết số tiền tài trợ tư nhân cho hoạt động của mình cũng đã giảm đáng kể, từ khoảng 3 tỉ USD năm 2010 xuống còn 1,2 tỷ USD vào năm 2022, giảm 61%. Nguồn lực để đi nốt hành trình 7 năm còn lại của mục tiêu 2030 đã và đang tiếp tục giảm.

Bà Katherine Bliss, thành viên cao cấp của CSIS cho rằng, nguy cơ cao dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại nếu như các quốc gia không chú trọng cho công tác phòng, chống HIV và mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS có thể nằm ngoài tầm với nếu không có sự hỗ trợ của PEPFAR.

Tại Việt Nam, sau một thời gian từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS thì những năm gần đây, đại dịch này đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Mỗi năm đều có hơn 10.000 trường hợp nhiễm mới: năm 2020 là 13.955, năm 2021 là 13.223, năm 2022 là 11.037 và 9 tháng đầu năm 2023 là 10.219 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện.

Trong số trường hợp nhiễm mới được phát hiện năm 2023, hơn 60% được phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh. Nam giới chiếm hơn 80% tổng số nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm, đặc biệt từ năm 2020 trở lại đây.

Năm 2022, có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm từ 15 - 29 tuổi. Quan hệ tình dục đồng giới ở nam và người chuyển giới nữ là những nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở hiện nay (xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện). Độ bao phủ của các dịch vụ hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Những thách thức này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần quyết tâm vào cuộc để đạt được mục tiêu tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam chậm nhất vào năm 2030.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại, nếu chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế đề nghị các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả.

Để đảm bảo các chương trình hoạt động bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các Bộ, ngành, các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân. Cùng với đó, tiếp tục đồng bộ các giải pháp chiến lược, tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên các kênh thông tin, truyền thông, quết tâm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mai Hoa

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang