Tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cơ bản kiểm soát được nhưng vẫn tăng cao ở một số vùng trọng điểm, tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS và các chỉ đạo của tỉnh nhằm hạn chế tốc độ lây truyền, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng và giảm ảnh hưởng, tác hại của dịch HIV/AIDS đến kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh tư
vấn, khám sàng lọc, xét nghiệm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2024, phát hiện 69 trường hợp (TH) nhiễm mới HIV. Đến
nay, lũy tích các TH nhiễm HIV toàn tỉnh là 2.418 người tại 131/161 xã, phường,thị
trấn; lũy tích bệnh nhân AIDS là 1.687 người, có 1.443 TH đã tử vong do AIDS. Số
bệnh nhân HIV còn sống quản lý được là 975 người, trong đó có 7 trẻ em nhiễm
HIV. Trong 2 năm trở lại đây, số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng
tăng tại một số địa bàn trọng điểm: xã Mai Long (Nguyên Bình), Đình Phùng (Bảo
Lạc), Đàm Thủy (Trùng Khánh), Thái Sơn, Thái Học (Bảo Lâm).
Là
một trong những “điểm nóng”, có sự gia tăng đột biến về số người nhiễm HIV, tính
riêng 10 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã phát hiện 31 ca nhiễm
mới HIV, trong đó nhiều nhất là Yên Thổ với 11 trường hợp (TH), Thái Sơn có 9
TH, Thái Học 7 TH, Mông Ân 3 TH, Thạch Lâm 1 TH.
Giám
đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm Lý Văn Chuyên cho biết: Trước diễn biến phức tạp
của tình hình nhiễm HIV trên địa bàn huyện, để thực hiện đảm bảo, kịp thời các
hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ tháng 5/2024 Sở Y tế đã thành lập đoàn
giám sát, hỗ trợ, chỉ đạo về chuyên môn và các giải pháp phòng, chống dịch HIV
tại địa bàn các xã; phối hợp với chính quyền địa phương để đưa ra các biện pháp
can thiệp cũng như huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương đối với tình
hình dịch HIV trên địa bàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ chuyên môn kỹ
thuật cho Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm khẩn trương thành lập Cơ sở cấp phát thuốc,
điều trị ARV và Cơ sở cấp phát thuốc, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện
bằng thuốc thay thế Methadone tại Trạm Y tế xã Thái Học. Cùng với đó, triển
khai các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực của Ban Chỉ đạo và đội ngũ y tế
địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để những người nhiễm HIV và các đối tượng
nguy cơ cao có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt
đối xử.
Trong
những năm qua, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã được
triển khai kịp thời, quyết liệt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần
tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho người dân. Thế nhưng, số người nhiễm mới HIV
phát hiện chủ yếu tập trung trong nhóm đối tượng nghiện chích ma túy, vợ/chồng
của người nhiễm HIV và có xu hướng chuyển dịch từ vùng đô thị đến các địa bàn
vùng sâu, vùng xa, tăng cao ở một số xã thuộc các huyện Trùng Khánh, Nguyên
Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Ngành Y tế đã nỗ lực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các
địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kịp thời kiểm soát dịch HIV
tại cộng đồng, chú trọng công tác giám sát dịch HIV/AIDS và can thiệp giảm tác
hại dự phòng lây nhiễm HIV; đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng để kịp
thời phát hiện các trường hợp nhiễm HIV. Tiếp tục triển khai dịch vụ điều trị
HIV/AIDS tại tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh nhân vùng sâu, vùng
xa tham gia điều trị.
Tháng
7/2024, ngành Y tế đã mở mới 1 cơ sở điều trị ARV tại Trạm Y tế xã Thái Học (Bảo
Lâm), hiện toàn tỉnh có 19 cơ sở điều trị HIV/AIDS, với tổng số 773 bệnh nhân
đang điều trị ARV, trong đó có 7 bệnh nhân trẻ em; 94,3% bệnh nhân điều trị ARV
được điều trị dự phòng lao. 100% cơ sở điều trị thực hiện khám chữa bệnh
HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, số bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế đạt 98%. Trong
10 tháng đầu năm năm 2024, có 290 bệnh nhân tham gia điều trị ARV được hỗ trợ
mua thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách địa phương theo Đề án “Bảo đảm tài
chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”.
Đẩy
mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm nghiện chích ma túy gồm: cấp
phát bơm kim tiêm sạch, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su cho các khu vực
có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, khó tiếp cận bơm kim tiêm sạch, đặc biệt tại khu
vực miền núi. Từ đầu năm đến nay, mở mới 1 Cơ sở điều trị Methadone Bệnh
viện Tĩnh Túc (Nguyên Bình), 2 Cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trạm Y tế xã
Thái Học (Bảo Lâm) và Trạm Y tế xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Duy trì điều trị
thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 13 cơ sở điều trị
và 2 cơ sở cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh, có 1.119 bệnh nhân điều trị, đạt 89,52% so với kế
hoạch, ước thực hiện năm 2024 là 1.125 bệnh nhân, đạt 90% kế hoạch giao. Việc
triển khai các cơ sở cấp phát thuốc Methadone tạo điều kiện thuận lợi cho người
nghiện ma túy được tiếp cận, duy trì việc uống thuốc, đồng thời nâng cao hiệu
quả của phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay
thế.
Thực
tế cho thấy, nguyên nhân chính của việc gia tăng số người nhiễm HIV là do một bộ
phận còn thiếu thông tin và kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục,
HIV/AIDS và các biện pháp dự phòng. Cùng với đó, sự kỳ thị kép từ cộng đồng, xã
hội và định kiến về giới cũng là nguyên nhân khiến nhiều người không dám công
khai về tình trạng bệnh tật của mình, không tuân thủ đầy đủ trong quá trình điều
trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó, với đặc thù tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, các
rào cản về tài chính và giao thông, địa lý cũng là trở ngại làm hạn chế khả
năng tiếp cận dịch vụ của những nhóm đích nguy cơ cao. Cơ quan y tế cũng cảnh
báo hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng
chiếm tỷ trọng cao hơn so với đường máu, nhất là nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm
soát trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tại một số tỉnh,
thành phố trong cả nước.
Với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp
cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm
2030”, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 diễn ra từ ngày
10/11 - 10/12/2024, tương đồng với chủ đề Ngày thế giới phòng, chống AIDS do
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đề ra năm 2024 “Đảm bảo
nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên,
trước hết, mỗi người dân không được chủ quan, coi thường HIV/AIDS; rất cần sự
vào cuộc, góp sức của các sở, ban, ngành, đoàn thanh niên, các doanh nghiệp, học
sinh, sinh viên… tiếp tục chung tay, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để thực
hiện tốt các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt
động truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS,
cung cấp thông tin về các mô hình tư vấn, xét nghiệm, dự phòng HIV; tuyên truyền
về những lợi ích của bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV, điều trị nghiện bằng
thuốc thay thế Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng
HIV (PrEP), lợi ích của điều trị HIV/AIDS sớm bằng thuốc ARV; điều trị các bệnh
đồng nhiễm HIV/Lao, HIV/Viêm gan C... Mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại
tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng... đảm bảo người
nhiễm HIV/AIDS được đối xử bình đẳng và được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế
và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cần thiết khác, đặc biệt là những người dễ tổn
thương, có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào
dân tộc thiểu số ít người.
Phòng, chống HIV/AIDS rất cần nhiều giải
pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn theo từng địa bàn, giai
đoạn, thời điểm. Với sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, việc nâng cao năng
lực, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ
góp phần tiến tới với mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS ở nước ta vào năm
2030.
Bảo Bình - Mai Hoa