Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Niềm vui của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tuyến huyện
Lượt xem: 116
Trong năm 2024 và 2025, Trung tâm Y tế huyện Hòa An và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Quảng Hòa là 2 đơn vị tiếp nhận và triển khai thành công chương trình chuyển giao kỹ thuật thận nhân tạo chu kỳ tại đơn vị. Thay vì phải lên tuyến trên để chạy thận nhân tạo, giờ đây nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính đã được chữa trị ngay tại địa phương. Điều này đã giúp các bệnh nhân giảm bớt gánh nặng các khoản chi phí, đi lại và sức khỏe được đảm bảo hơn, góp phần mang lại niềm vui cho nhiều bệnh nhân.
anh tin bai

Đồng chí Triệu Đình Lê - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND thăm các bệnh nhân chạy thận tại BVĐK huyện Quảng Hòa. Ảnh: Trung Thủy.

Trên 200 km là quãng đường anh Đàm Văn Chanh, xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa) phải di chuyển để thực hiện quá trình chạy thận nhân tạo. Ròng rã 10 năm, đều đặn 3 lần/tuần, anh Chanh lại cùng gia đình đến Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên để chạy thận. Ngay khi Bệnh viện Đa khoa Quảng Hòa triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, quãng đường đến Bệnh viện của anh Chanh được rút ngắn đi rất nhiều. Trong buổi đầu tiên chạy thận tại quê nhà, anh Chanh mừng rỡ: Rất may mắn tôi đã được về đây chạy thận nhân tạo. Trước phải di chuyển cả hai trăm cây số khiến mỗi lần di chuyển rất mệt mỏi thì giờ tôi chỉ mất vài chục phút di chuyển để được chạy thận. Ở đây, các bác sĩ rất nhiệt tình, chu đáo chăm lo cho người bệnh từng chi tiết nhỏ. Trang thiết bị của bệnh viện cũng rất hiện đại. Về đây chạy thận, đi lại đỡ vất vả, tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí. Tiền từ việc đi lại tôi có thể bù vào để mua thuốc điều trị”.

anh tin bai

Bệnh nhân Đàm Văn Chanh xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa) vui mừng khi được chuyển về tuyến huyện chạy thận nhân tạo.

Cũng giống như anh Chanh, niềm vui của anh Hoàng Kim Kang, Thị trấn Nước Hai (Hòa An) cũng được nhân lên rất nhiều lần sau 8 năm vất vả, tuần 3 lần đi lại để xuống Bệnh viện E (Hà Nội) sau đó là bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đ chạy thận. Anh Kang chia sẻ “2 năm chạy thận ở Hà Nội của tôi vô cùng khó khăn. Tôi luôn trong tình trạng mệt mỏi, công việc bị ảnh hưởng, thu nhập vì thế giảm đi nhiều. Chưa kể lúc nào cũng phải có người thân đi cùng, tốn kém lắm. May mắn là sau đó một thời gian, tôi đã được về BVĐK tỉnh để chạy thận nhân tạo. Càng may mắn hơn nữa là giờ tôi được chạy thận ở huyện. Tôi xin cảm ơn các lãnh đạo cấp trên đã đưa máy chạy thận về đây để người dân chúng tôi không phải đi xa để chữa trị nữa.

Ông Nông Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa An cho biết đơn vị Thận nhân tạo, Trung tâm Y tế huyện Hòa An triển khai hoạt động từ tháng 2/2024, với 3 máy chạy thận, điều trị cho 12 bệnh nhân. Đến tháng 11/2024, Trung tâm Y tế đã lắp đặt thêm 2 máy và tiếp nhận thêm 8 bệnh nhân để điều trị. Hiện nay, Đơn vị Thận nhân tạo, Trung tâm Y tế Hòa An có 5 máy chạy thận nhân tạo, điều trị cho 20 bệnh nhân thuộc huyện Hòa An và Hà Quảng. Đối với các bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính thì chạy thận nhân tạo là lựa chọn phổ biến nhất. Đây là quá trình lọc máu thận chu kỳ nhằm thanh lọc những cặn bã và lượng nước dư thừa trong cơ thể. Trung bình mỗi bệnh nhân phải thực hiện chạy thận từ 2 -3 lần/tuần, mỗi lần chạy từ 3 - 4 tiếng. Với tần suất điều trị tương đối lớn như vậy, việc có thể điều trị ngay tại địa phương sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, cũng như người nhà bệnh nhân.

anh tin bai

Đồng chí Trịnh Trường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc - Thận nhân tạo, Trung tâm Y tế huyện Hòa An.

Trung tâm Y tế huyện Hòa An là đơn vị tuyến huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh được lắp đặt máy chạy thận nhân tạo. Đến tháng 2/2025, Bệnh viện Đa khoa Quảng Hòa là đơn vị thứ hai khai trương kỹ thuật này. Để quá trình chạy thận cho các bệnh nhân trơn tru, đảm bảo về chuyên môn thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng luôn được Bệnh viện quan tâm. Bà Phùng Thị Vân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Hòa cho biết: Đối với việc triển khai kỹ thuật thận nhân tạo, BVĐK huyện Quảng Hòa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng. Để đảm bảo trong việc triển khai chạy thận nhân tạo, BVĐK huyện Quảng Hòa đã cử nhiều lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên để tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về thận nhân tạo tại BVĐK Trung ương Thái Nguyên, Trung tâm Thận – Tiết niệu và Lọc máu Bệnh viện Bạch Mai và tại BVĐK tỉnh. Mục tiêu của đơn vị là phát triển các kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ thuận lợi cho bệnh nhân. Đây còn là cơ hội cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tiếp cận học hỏi, nâng cao trình độ, nhất là lĩnh vực khó, tuyến huyện chưa triển khai

Những người không may bị suy thận nếu không tìm được nguồn thận hiến tặng sẽ phải chấp nhận chạy thận nhân tạo đến hết cuộc đời. Không chỉ gánh nặng kinh tế, họ còn phải đối mặt với những lo lắng, tổn thất về tinh thần trước nỗi đau bệnh tật kéo dài. Việc đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo về cơ sở là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn và là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu y học hiện đại vào hoạt động điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Góp phần giảm gánh nặng chi phí cho những người bệnh suy thận, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Qua đó đã khẳng định sự quyết tâm và nỗ lực của ngành Y tế Cao Bằng, sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị để người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại địa phương sinh sống.

Thảo Vân - Quốc Cường

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang