Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Một số kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch Chiến lược Dân số Việt Nam của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025
Lượt xem: 954
Ngày 20/5/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch số 1234/KH-UBND Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Cao Bằng thực hiện chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch 1234/KH-UBND) với mục tiêu tổng quát phấn đấu đạt và duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và lồng ghép yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
anh tin baiTập huấn nâng cao năng lực quản lý công tác Dân số và phát triển năm 2023. Ảnh: Trọng Thụ

Sau 3 hơn năm (2020 - 2022) triển khai thực hiện Kế hoạch 1234/KH-UBND, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời về công tác dân số của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự tích cực triển khai của các đơn vị trong ngành Y tế, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Niên giám Thống kê năm 2022 của Cục Thống kế tỉnh Cao Bằng, dân số trung bình năm 2020 là 533.086 người và sơ bộ năm 2022 tăng lên 543.052 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 là 5,85‰ và sơ bộ năm 2022 tăng lên 8,42‰. Số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2020 là 2,42 con/1 phụ nữ và và sơ bộ năm 2022 giảm xuống 2,40 con/1 phụ nữ. Theo số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số hàng năm, tỷ số giới tính khi sinh từ năm 2020 - 2022 duy trì ở mức 111 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống. 

Hàng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) luôn chủ động tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao theo Kế hoạch 1234/KH-UBND. Duy trì và thực hiện tốt công tác quản lý thông tin chuyên ngành dân số và kho dữ liệu điện tử, cập nhật thông tin biến động dân số, làm cơ sở phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xác định và dự báo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu về dân số.

Đến nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được mở rộng, đa dạng và nâng cao chất lượng ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã. Tuyến tỉnh gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuyến huyện gồm 04 bệnh viện (Bệnh viện Tĩnh Túc, Bệnh viện Đa khoa các huyện: Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh) và 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Tuyến xã gồm 161 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và 02 Phòng khám đa khoa khu vực; có 161 cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác dân số xã, phường thị trấn và 1.367 nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số/1.462 thôn, bản. Có 22 cơ sở y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ về dân số. Hoạt động cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) được thực hiện qua các hình thức cung cấp miễn phí và xã hội hóa. Kết quả trung bình hàng năm có trên 26 nghìn cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Chi cục Dân số - KHHGĐ đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị y tế thực hiện có hiệu quả hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh theo hình thức miễn phí và xã hội hóa. Tổ chức 05 lớp lớp tập huấn cập nhật kiến thức sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, 03 lớp tập huấn kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh, 02 hội nghị chuyên đề cập nhật kiến thức về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho viên chức các đơn vị: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện, Trung tâm Y tế 10 huyện, thành phố và 161 Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh với 499 lượt người tham dự. Kết quả sàng lọc trước sinh được 5.521 ca, trong đó, 1.563 ca thực hiện theo kênh miễn phí và 3.958 ca theo kênh xã hội hóa; Sàng lọc sơ sinh được 4.672 ca, trong đó, 2.056 ca thực hiện theo kênh miễn phí và 2.516 ca theo kênh xã hội hóa.   

Năm 2020, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo rà soát việc đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào Quy ước của xóm, tổ dân phố, trong đó đề nghị bổ sung nội dung cụ thể là “Không lựa chọn giới tính thai nhi; không kỳ thị, đối xử bất công với trẻ em gái và những người chỉ sinh con gái”. Đến hết năm 2022, quy ước của 1.151/1.462 xóm, tổ dân phố đã bổ sung nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào Quy ước được cấp có thẩm quyền phê duyệt công nhận.

Công tác truyền thông dân số được đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp chú trọng đẩy mạnh. Hằng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ ký hợp đồng thực hiện hoạt động truyền thông phối hợp liên ngành với một số cơ quan, ban, ngành trong tỉnh lồng ghép các hoạt động công tác Dân số - KHHGĐ trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng, Báo Cao Bằng phản ánh các hoạt động công tác Dân số - KHHGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng ( kết quả thực hiện 13 phóng sự và 35 tin, bài); trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Cao Bằng và Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật (81 tin, bài); tuyên truyền trên Bản tin Y tế và Dân số Cao Bằng (04 số/năm).

Các sự kiện về công tác dân số hàng năm (Ngày Thalassemia thế giới 8/5; Ngày Dân số thế giới 11/7; Ngày Tránh thai thế giới 26/9; Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam và Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10; Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10; Ngày Dân số Việt Nam 26/12 và Tháng hành động quốc gia về Dân số) được triển khai thực hiện đồng bộ, phù hợp tại các cấp thông qua các hình thức như: treo băng rôn, cổ động, hội nghị chuyên đề, nói chuyện chuyên đề, phóng sự, tin, bài phản ánh, thông điệp truyền thông theo chủ đề hằng năm ... Tích cực tham gia các cuộc thi về Dân số và phát triển do Tổng cục Dân số -KHHGĐ phát động đạt được nhiều kết quả, năm 2022, đạt 01 giải khuyến khích tập thể, 01 giải khuyến khích cá nhân Cuộc thi sáng tạo clip trên nền tảng Tiktok "Ngành Dân số đồng hành cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19; đạt 01 giải khuyến khích tập thể, 01 giải khuyến khích cá nhân cuộc thi chụp ảnh, vẽ tranh giữ tay sạch khuẩn hưởng ứng Ngày Vệ sinh tay Thế giới 05/5/2022; đạt 01 giải khuyến khích tập thể, 01 giải khuyến khích cá nhân cuộc thi xây dựng tiểu phẩm hoặc thuyết trình thể hiện thông điệp "Sống chủ động - cùng viết nên câu chuyện ngày mai" nhân Ngày Tránh thai thế giới 26/9. Công tác truyền thông tại tuyến huyện, xã đã được chú trọng, duy trì và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, tư vấn, gặp gỡ tại nhà của đội ngũ cán bộ dân số xã, y tế thôn bản.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Lồng ghép tổ chức các hoạt động truyền thông tại các cấp nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) theo chủ đề từng năm. Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Cao Bằng, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng của Tổng cục Dân số -KHHGĐ tổ chức 02 hội nghị chuyên đề công tác Dân số trong tình hình mới, về già hoá dân số, công tác chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi cho trên 300 đại biểu tham dự.

Chi cục Dân số - KHHGĐ luôn quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dân số các cấp. Trong 3 năm, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về Dân số và phát triển cho lãnh đạo, viên chức phòng chuyên môn thực hiện công tác dân số thuộc Trung tâm Y tế 10 huyện, thành phố và cán bộ dân số xã của 161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Có 18 lượt công chức của Chi cục Dân số - KHHGĐ được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực.  

Sau hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch 1234/KH-UBND, công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh Cao Bằng đã đạt được một số kết quả, song vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại: tỷ số giới tính khi sinh chưa có xu hướng giảm, mức sinh còn cao và không đồng đều giữa các địa phương, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sơ sinh còn thấp (năm 2022, có 24,2% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và 21,6% trẻ sinh được sàng lọc sơ sinh)...

Để thực hiện tốt các mục tiêu Kế hoạch 1234/KH-UBND, công tác Dân số và phát triển cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác Dân số và phát triển, trong đó phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo công tác dân số các cấp. Đổi mới công tác truyền thông dân số và chú trọng các hình thức truyền thông hiện đại. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ về Dân số và nâng cao chất lượng dân số (sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên...). Thực hiện tốt các chính sách Dân số; lồng ghép thực hiện hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số với các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Huyền Hương

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang