Hạ Lang nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là một trong những nội dung thuộc Dự án 7 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 đang được Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang triển khai thực hiện nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn huyện.
Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang tổ chức chiến dịch truyền
thông về chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và khám sức khoẻ, sàng lọc một số
bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại xã Thống Nhất.
Nhằm thực hiện hiệu
quả và đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đối với nội dung “Nâng cao chất lượng
dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Dự án 7 giai đoạn 2021 - 2025,
huyện tập trung triển khai tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào DTTS để người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các cấp
ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả quản lý
nhà nước đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); các tổ dân
phố, xóm đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước gắn với tiêu chí xây
dựng gia đình, xóm văn hóa; phát huy vai trò của già làng, trưởng xóm, người có
uy tín trong các cuộc vận động thực hiện tốt việc truyền thông; thay đổi nhận
thức, xóa bỏ các quan niệm lạc hậu.
Trung tâm Y tế huyện phối
hợp với Phòng Dân tộc, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương
vận động, tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và
phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh,
tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trên mạng xã hội qua nhóm zalo,
facebook với nội dung ngắn gọn về hệ lụy và tác động của việc sinh nhiều con
đến sự phát triển kinh tế - xã hội... Cộng tác viên dân số ở các xã, thị trấn
“đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” kiên trì thực hiện vận động
tại gia đình để thực hiện công tác DS-KHHGĐ; thực hiện truyền thông, tư vấn
nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp qua các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản,
nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản, DS-KHHGĐ, tư vấn và khám sức khỏe
trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh
và sơ sinh; giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; không sinh con thứ 3
trở lên; hỗ trợ cho phụ nữ là người DTTS ở những xã khó khăn khi sinh con đúng
chính sách dân số.
Từ
đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện tổ chức 14 cuộc nói chuyện chuyên đề
về chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số; tư vấn, truyền thông, vận
động xã hội, chuyển đổi hành vi và tư vấn chuyên môn tại cộng đồng về khám sức
khỏe trước khi kết hôn và tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh…
tại các xã với 980 người tham dự; tổ chức 13 cuộc chiến dịch truyền thông
phổ biến kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, già hóa dân số ở
người cao tuổi, lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh
thường gặp ở người cao tuổi; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp
dịch vụ DS-KHHGĐ tại 8 xã với 495 người tham dự; đặt dụng cụ tử cung… Qua đó,
người dân được cung cấp các thông tin về thực hiện tư vấn, khám tiền hôn nhân,
sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn về các bệnh lây truyền qua đường tình
dục, HIV/AIDS; các dấu hiệu, nguy cơ lây nhiễm, cách phòng tránh và điều trị;
tư vấn về hôn nhân, gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các dịch vụ
chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai. Chỉ tiêu các biện
pháp tránh thai đạt 83,2% kế hoạch, trong đó, vòng tránh thai 46,2% kế
hoạch, triệt sản 125% kế hoạch, tiêm tránh thai đạt 85,8% kế hoạch, viên
uống tránh thai đạt 109,3% kế hoạch...
Theo bác sĩ Nông Thị
Chim, Phó trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính và Dân số - Truyền thông Giáo dục
sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện, các hoạt động của Dự án 7 đem lại hiệu quả
tích cực, đáp ứng nhu cầu thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe
sinh sản của người dân. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, phấn đấu 70% cặp nam, nữ
thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn; 32% phụ nữ mang thai
được tầm soát sàng lọc trước sinh; 30% trẻ sơ sinh được tầm soát sàng lọc sơ
sinh; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; 75% người cao tuổi được theo
dõi lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.
Kim Thoa