Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
TỪ THỰC TIỄN TRUNG TÂM Y TẾ CẤP HUYỆN 30 NĂM QUA, NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO SỞ Y TẾ CAO BẰNG KHI THỰC HIỆN TRUNG TÂM Y TẾ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 119/QĐ-UBND NGÀY 31/01/2019 CỦA UBND TỈNH
Lượt xem: 8044
Trước thời kỳ đổi mới (1986), mô hình tổ chức và hoạt động y tế ở cấp huyện được thực hiện theo Nghị quyết số 15/CP ngày 14/01/1975 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ); khi này, tổ chức y tế ở cấp huyện có: phòng y tế và các cơ sở chuyên môn, kỹ thuật trực thuộc: đội vệ sinh phòng dịch và chống sốt rét (trước đó còn có tên là trạm liên hợp), đội y tế lưu động, đội đặt vòng và tuyên truyền vận động sinh đẻ có kế hoạch, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện, Phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV), nhà hộ sinh khu vực; Phòng y tế chịu sự chỉ đạo về mọi mặt của UBND cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Sở Y tế về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tổ chức y tế ở cấp huyện có tên gọi là Trung tâm y tế (TTYT) bắt đầu có ở nước ta từ năm 1988 sau khi thực hiện sự nghiệp đổi mới; chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường, khi mà mọi hoạt động của đời sống xã hội theo sự tác động của quy luật kinh tế khách quan (quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh…) đã đặt ra cho hệ thống tổ chức bộ máy y tế, nhất là tổ chức y tế cấp huyện, nơi gần nhân dân và cũng là nơi nhân dân sử dụng nhiều dịch vụ y tế nhất phải có những thay đổi về tổ chức bộ máy cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Ngày 19/4/1988, Bộ Y tế có văn bản số 1947/TC về việc hướng dẫn sắp xếp lại tổ chức bộ máy y tế địa phương, trong văn bản này Bộ Y tế yêu cầu: “Cần nhận rõ chức năng quản lý nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh và quản lý sự nghiệp. Trên cơ sở đó mà bố trí sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ cho hợp lý, giảm bớt đầu mối, giảm biên chế làm cho bộ máy tinh gọn, thực sự có hiệu lực”, “việc sắp xếp tổ chức bộ máy y tế địa phương phải gắn với đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới phong cách phục vụ và phong cách làm việc”. Về phương pháp sắp xếp, Bộ Y tế nêu: “chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn huyện, thị là trách nhiệm trực tiếp của UBND huyện, thị”. Đối với các cơ sở sự nghiệp y tế, văn bản số 1947/TC ngày 19/4/1988 của Bộ Y tế hướng dẫn “để thống nhất quản lý, điều hành mọi hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ y tế trên địa bàn huyện, thị; quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động, vật tư, kinh tế...nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ sức khỏe nhân dân nên hợp nhất các tổ chức sự nghiệp y tế hiện có của huyện, thị (đội vệ sinh phòng dịch và chống sốt rét, đội y tế lưu động, đội sinh đẻ có kế hoạch, BVĐK, PKĐKKV, nhà hộ sinh khu vực...) thành một tổ chức thống nhất lấy tên là TTYT huyện, thị. TTYT huyện, thị là một tổ chức chuyên môn, kỹ thuật, một đơn vị sự nghiệp chịu sự quản lý trực tiếp về mọi mặt của UBND huyện, thị và chịu sự chi đạo về chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ theo hệ thống ngành dọc của y tế tuyến tỉnh, thành phố”.
Tiếp đến ngày 25/5/1988, Bộ Y tế tiếp tục có Công văn số 2521/TC hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của TTYT huyện, trong đó xác định cơ cấu tổ chức TTYT có: Tổ kế hoạch – nghiệp vụ, Tổ tài chính – kế toán, Tổ hành chính quản trị, đội vệ sinh phòng dịch và chống sốt rét, đội y tế lưu động, đội đặt vòng (lồng ghép vào khoa phụ sản), phòng khám bệnh đa khoa tại trung tâm và các khoa điều trị: nội, truyền nhiễm, phụ sản, ngoại, xquang, xét nghiệm, dược và trang thiết bị y tế...; PKĐKKV, nhà hộ sinh khu vực.
Từ kết quả bước đầu thực hiện mô hình TTYT tại một số địa phương và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác y tế toàn ngành năm 1988, trong Công văn số 746/TC-LĐ ngày 28/02/1989 về việc củng cố y tế địa phương và chế độ chính sách y tế xã, phường gửi UBND các tỉnh, Bộ Y tế đã khẳng định “Mô hình tổ chức TTYT huyện là tối ưu vì nó thống nhất được phòng bệnh và chữa bệnh, nội trú với ngoại trú, quản lý và sử dụng thống nhất được đội ngũ cán bộ, trang thiết bị... trên địa bàn huyện, quận” (Theo báo cáo của Vụ Tổ chức – Lao động (nay là Vụ Tổ chức cán bộ), Bộ Y tế đến năm 1989 đã có 159/517 huyện thực hiện mô hình TTYT, chiếm 31/% số huyện trong cả nước khi đó).
Công văn số 2521/TC ngày 25/5/1988 của Bộ Y tế hướng dẫn về tổ chức TTYT huyện
(tài liệu lưu trữ của Sở Y tế Cao Bằng)

Sau đó 10 năm, ngày 03/01/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/1998/NĐ-CP quy định về hệ thống tổ chức y tế địa phương (thay thế Nghị quyết số 15/CP ngày 14/01/1975), Bộ Y tế và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) có Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 01/1998/NĐ-CP (Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-BYT-BTCCBCP), khi này cơ sở pháp lý về tổ chức TTYT cấp huyện mới chính thức được khẳng định và tổ chức thống nhất tại cấp huyện trong cả nước; TTYT được xác định là tổ chức thuộc Sở Y tế, chịu sự quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của Giám đốc Sở Y tế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh phí, nhân lực y tế; chịu sự quản lý, chỉ đạo của UBND cấp huyện, trong việc xây dựng kế hoạch phát triển y tế của huyện để trình cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch đó sau khi được phê duyệt. Tổ chức cấu thành của TTYT huyện bao gồm: Đội y tế dự phòng, Đội bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em - KHHGĐ; Đội y tế lưu động; Bệnh viện huyện (có các khoa lâm sàng và cận lâm sàng); PKĐKKV; trạm y tế; các phòng chức năng gồm: Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Phòng Tài vụ, Phòng Tổ chức hành chính quản trị.
Từ năm 2004 - 2008, y tế ở huyện được tổ chức và hoạt động theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNVngày 12/4/2005 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ; tổ chức y tế ở cấp huyện khi này cóBVĐK huyện (bao gồm cả PKĐKKV), TTYT dự phòng huyện thực hiện công tác chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành; Phòng Y tế, cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện quản lý trạm y tế (TYT) cấp xã.
Ngày 31/7/2007, Quốc hội khóa XII đã thông qua cơ cấu tổ chức của Chính phủ, theo đó không còn Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 08/8/2007 chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân số và chuyển nguyên trạng về tổ chức, biên chế cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em sang Bộ Y tế. Tại địa phương, Sở Y tế được giao tiếp nhận chức năng và tổ chức về dân số từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008.
Từ năm 2008 – 2015, tổ chức bộ máy y tế cấp huyện ở các địa phương được tổ chức và hoạt động theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ; theo đó, TTYT huyện được thành lập thống nhất trên địa bàn cấp huyện; nơi chưa có đủ điều kiện tách riêng bệnh viện thì thực hiện hai chức năng: y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; nơi có đủ điều kiện thành lập bệnh viện thì TTYT huyện chỉ thực hiện chức năng y tế dự phòng; BVĐK huyện được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí do cấp có thẩm quyền quyết định; TYT xã, phường, thị trấn là đơn vị chuyên môn kỹ thuật thuộc TTYT huyện. Trong cơ cấu tổ chức của Sở Y tế có Chi cục Dân số - KHHGĐ, Chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và được thành lập Trung tâm Dân số - KHHGĐ đặt tại huyện; Trung tâm Dân số - KHHGĐ ở cấp huyện được tổ chức và hoạt động theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ đặt tại huyện, có chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, truyền thông giáo dục về Dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện.
Năm 2015, tổ chức bộ máy y tế cấp huyện bắt đầu tổ chức và hoạt động theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV; theo đó, TTYT huyện được tổ chức thống nhất trên địa bàn cấp huyện, thực hiện chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; các PKĐKKV, nhà hộ sinh khu vực (nếu có) và TYT xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị y tế thuộc TTYT huyện; đối với huyện đã có BVĐK huyện thực hiện sáp nhập BVĐK huyện với TTYT huyện thành TTYT huyện hai chức năng trước ngày 01/01/2021 và Chỉ thành lập BVĐK ở tuyến huyện khi thực sự có nhu cầu, điều kiện và phải đáp ứng đủ tiêu chun là Bệnh viện Hạng II trở lên do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Trung tâm Dân số - KHHGĐ ở cấp huyện tiếp tục được tổ chức và hoạt động theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản thay thế (theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV).
Đối với Cao Bằng, trước năm 1990, tổ chức y tế trên địa bàn huyện do UBND huyện trực tiếp quản lý; sau khi Bộ Y tế có văn bản số 1947/TC ngày 19/4/1988 và văn bản số 2521/TC ngày 25/5/1988, Sở Y tế đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng cho UBND huyện thành lập TTYT huyện trên cơ sở hợp nhất các tổ chức y tế có trên địa bàn huyện (đội vệ sinh phòng dịch và chống sốt rét, đội sinh đẻ có kế hoạch, bệnh viện huyện, PKĐKKV, nhà hộ sinh khu vực); năm 1989, UBND tỉnh đã giao cho Sở Y tế hướng dẫn cho UBND huyện Trùng Khánh và UBND huyện Hòa An xây dựng thí điểm mô hình TTYT (Công văn số 127 UB/QĐ-TC ngày UBND tỉnh Cao Bằng).
Công văn số 127 UB/QĐ-TC ngày 08/8/1989 UBND tỉnh cho thành lập TTYT
tại Hòa An và Trùng Khánh (tài liệu lưu trữ của Sở Y tế Cao Bằng)

Sau khi TTYT huyện Trùng Khánh và TTYT huyện Hòa An được thành lập, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn huyện; UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế và UBND các huyện, thị còn lại triển khai thực hiện thành lập TTYT trên cơ sở hợp nhất của các tổ chức y tế có trên địa bàn. Đến năm 1994, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành việc thành lập TTYT tại các huyện, thị; ngày 23/4/1995, UBND tỉnh Cao Bằng đã có quyết định chuyển giao TTYT từ UBND các huyện, thị về trực thuộc Sở Y tế (Quyết định số 433 UB/QĐ-TC ngày 23/4/1995).
Quyết định số 164/QĐ-UB-TC của UBND huyện Trùng Khánh
thành lập TTYT Trùng khánh (tài liệu lưu trữ của Sở Y tế Cao Bằng)

Như vậy, mặc dù đến năm 1998, việc thành lập TTYT cấp huyện mới có văn bản mang tính pháp lý (Nghị định số 01/1998/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-BYT-BTCCBCP) quy định, hướng dẫn thực hiện nhưng tại Cao Bằng tổ chức y tế tuyến huyện với mô hình TTYT đã được UBND tỉnh cho phép thành lập theo văn bản số 1947/TC ngày 19/4/1988 và văn bản số 2521/TC ngày 25/5/1988 của Bộ Y tế.
Quyết định số 373/QĐ-UB-TC ngày 09/4/1990 của UBND huyện Hòa An
thành lập TTYT Hòa An (tài liệu lưu trữ của Sở Y tế Cao Bằng)

Năm 2006, tổ chức y tế cấp huyện của Cao Bằng có sự thay đổi theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV, cấp huyện không còn TTYT mà thay vào đó là BVĐK huyện và TTYT dự phòng huyện được thành lậptrên cơ sở chia tách từ TTYT, còn TYT xã, phường, thị trấn được giao cho Phòng Y tế quản lý. Thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV, ngày 11/8/2008, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 1414/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Dân số - KHHGĐ tại cấp huyện, Trung tâm Dân số - KHHGĐ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Cao Bằng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế.
Đến năm 2011, UBND tỉnh quyết định đổi tên TTYT dự phòng cấp huyện thành TTYT (Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 13/9/2011) và quyết định chuyển giao TYT từ Phòng Y tế của UBND cấp huyện về TTYT trực thuộc Sở Y tế quản lý từ ngày 01/9/2011 (Quyết định số 1988/QĐ-UBND ngày 13/9/2011). Từ năm 2011 đến nay, cấp huyện của Cao Bằng có 03 đơn vị là: TTYT, BVĐK trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ trực thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ.
Có thể nói, cơ cấu tổ chức TTYT trong giai đoạn trước được tổ chức và phát triển nhiều theo xu thế chiều ngang và thiên hướng có đủ các bộ phận để giải quyết các bệnh truyền nhiễm, bệnh do côn trùng, ký sinh trùng; chưa theo hướng chuyên môn chuyên sâu để đảm bảo chất lượng dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời chưa thể hiện được sự hỗ trợ chuyện môn cho các trạm y tế. đơn vị y tế được thành lập theo đơn vị hành chính thuộc TTYT; cơ cấu tổ chức của các bộ phận hoạt động nghiệp vụ phục vụ cho quản lý và đảm bảo cho cung cấp dịch vụ y tế như tài chính – kế toán, kinh tế y tế, trang thiết bị y tế, thông tin y tế...chưa bị áp lực mạnh do phải tự chủ tài chính như hiện nay. Mặt khác, tổ chức y tế ở cấp huyện trong giai đoạn 2005 – 2015 tại các địa phương trong đó có Cao Bằng có nhiều thay đổi, xáo trộn, thiếu thống nhất, gây ra nhiều tâm tư, tình cảm, suy nghĩ đối với người làm công tác y tế tại tuyến huyện; sự thay đổi tổ chức y tế ở cấp huyện trong những năm qua một phần là do các văn bản hướng dẫn, mặc khác do phân cấp cho địa phương quyết định lựa chọn mô hình y tế cấp huyện nên các địa phương có những phương án lựa chọn khác nhau; những hạn chế, bất cập về tổ chức y tế cấp huyện trong giai đoạn 2005 – 2015 đã được Đảng ta nêu trong nhiều văn bản: Kết luận số 43-KT/TW ngày 01/4/2009 của Ban Bí thư: “mô hình tổ chức y tế còn chưa phù hợp và không ổn định, nhất là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng”; Thông báo số 126-TB/TW ngày 01/4/2013 của Ban Bí thư: “Mô hình tổ chức thay đổi nhiều, cơ chế quản lý còn bất cập”; Kết luận số 118-KT/TW ngày 04/1/2016 của Ban Bí thư: “Mô hình tổ chức hệ thống y tế còn chưa ổn định, nhiều đầu mối, thiếu thống nhất, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở (tuyến huyện, xã)”.
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tiếp tục đánh giá “Hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017); do đó “thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tếdự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; trung tâm trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có). Rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực” (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017).
Quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ” và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; trung tâm trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có); thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU ngày 08/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh về việc hợp nhất Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) 12 huyện và Thành phố Cao Bằng để thành lập Trung tâm y tế tại 12 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang, Hòa An, Nguyên Bình, Phục Hòa, Quảng Uyên, Thạch An, Thông Nông, Trà Lĩnh, Trùng Khánh và Thành phố Cao Bằng; trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện đưa TTYT huyện, Thành phố được thành lập theo Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh vào hoạt động đặt ra cho Sở Y tế một số nhiệm vụ, yêu cầu để đảm bảo cho quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ở cấp huyện có sự đồng thuận, thống nhất cao:
- Tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được trong thực tiễn triển khai thực hiện mô hình TTYT huyện 30 năm qua, đặc biệt là kinh nghiệm quyết tâm thực hiện mô hình TTYT ngay những năm đầu sau đổi mới để tổ chức, triển khai thực hiện.
- Thống nhất nhận thức về bản chất TTYT, Thành phố trực thuộc Sở Y tế được thành lập theo Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh (sau đây gọi là TTYT huyện trực thuộc Sở Y tế theo Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 31/01/2019) là một tổ chức mới do sự hợp nhất TTYT, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện, Thành phố (còn gọi là Trung tâm y tế đa chức năng); thực tiễn 30 năm qua ở cấp huyện mới thực hiện TTYT huyện hai chức năng (y tế dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh), TTYT chưa có chức năng Dân số - KHHGĐ.
- Cơ cấu tổ chức TTYT huyện trực thuộc Sở Y tế theo Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 phải được rà soát, sắp xếp cho thực sự hợp lý, đảm bảo khoa học, khách quan, có tính khả thi cao trước bối cảnh đang diễn ra quá trình chuyển đổi cơ chế hoạt động, tự chủ tài chính và phân cấp mạnh cho các TTYT; đảm bảo cho TTYT không chỉ đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn huyện trong bối cảnh mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số mà còn thích ứng với xu thế cạnh tranh việc cung cấp dịch vụ y tế giữa TTYT với các đơn vị sự nghiệp y tế khác khi việc tiếp cận dịch vụ y tế của nhân dân không còn bị rành buộc giới hạn bởi những thủ tục hành chính hay quy định theo địa bàn hành chính; sắp xếp để TTYT “có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt độnghiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017.
- Cho đến nay việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương cấp huyện có TTYT đa chức năng, bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở hợp nhất TTYT, BVĐK và Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành văn bản pháp luật quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức để làm căn cứ cho việc tổ chức và triển khai thực hiện chưa có; Thông tư số 37/2016/TT-BYT mới hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTYT huyện hai chức năng (y tế dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh); Trung tâm Dân số - KHHGĐ đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT; Bộ Y tế mới có Công văn số 4480/BYT-TCDS 03/8/2018 và đề nghị trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Thông tư số 05/2008/TT-BYT và Thông tư số 37/2016/TT-BYT, khi sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ với TTYT thì thực hiện thành lập Phòng Dân số thuộc TTYT trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Dân số - KHHGĐ. Do đó, Sở Y tế phải tăng cường chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời tổng hợp, tham mưu, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh những xem xét, giải quyết những phát sinh có thể xảy ra trong quá trình hợp nhất TTYT, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Dân số - KHHGĐ.
- Đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình thực hiện hợp nhất TTYT, Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Dân số - KHHGĐ là không được làm gián đoạn, ảnh hưởng đến việc thực hiện cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn huyện vì lý do sắp xếp tổ chức, nhất là trong điều kiện của Cao Bằng, một tỉnh miền núi biên giới, điạ bàn rộng, địa hình đồi núi chia cắt mạnh, giao thông không thuận lợi, nhân dân cơ bản tiếp cận và quen với việc sử dụng các dịch vụ y tế do các đơn vị y tế trên địa bàn huyện cung cấp.
- TTYT huyện trực thuộc Sở Y tế được thành lập theo Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 tiếp túc tiếp nhận và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực y tế (kinh tế và tài chính y tế, nhân lực y tế, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế, thông tin y tế) có trên địa bàn huyện; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực tổ chức quản lý, điều hành để TTYT không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thực hiện tốt việc cung ứng dịch vụ y tế trên địa bàn huyện trong bối cảnh gia tăng các bệnh không lây nhiễm, xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: cúm A (H5N1) (H1N1), bệnh tay, chân, miệng,... quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, yêu cầu của công tác dân số cần phù hợp với tình hình mới, nhu cầu về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao./.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang