Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng, đơn vị giàu truyền thống của ngành y tế Cao Bằng
Lượt xem: 121
Từ năm 2011, Sở Y tế và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe đã tập trung nỗ lực cố gắng sưu tầm tài liệu để nghiên cứu, biên soạn cuốn lịch sử ngành y tế Cao Bằng. Tuy nhiên do thời gian đã quá lâu, những nhân chứng biết rõ về quá về quá trình hình thành của y tế Cao Bằng từ sau Cách mạng Tháng Tám cho đến năm1960 không còn, ngay cả những người làm việc, biết tương đối cụ thể những sự việc diễn ra trong giai đoạn từ 1965 đến 1975 của ngành y tế Cao Bằng nay do tuổi tác và sức khỏe nên cũng không còn nhớ rõ, đầy đủ, chi tiết; các tài liệu về y tế Cao Bằng trước năm 1978 hầu như không còn nhiều do đã bị mất mát trong chiến tranh Biên giới năm tháng 2/1979 và do việc lưu trữ, bảo quản chưa được tốt.
Qua quá trình sưu tầm, nghiên cứu và khai thác tài liệu tại Chi cục Văn thư lưu trữ Cao Bằng, Sở Y tế có tìm được một số tài liệu (dù chưa đầy đủ) về sự ra đời của Trạm Sốt rét Cao Bằng (nay Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng) trong năm 1964, một trong số những trạm chuyên khoa đầu tiên của y tế Cao Bằng.

Hưởng ứng Kế hoạch số 345/KH-BYT ngày 24/4/2014 của Bộ Y tế hướng tới kỷ niệm lần thứ 60 Ngày truyền thống ngành y tế (27/02/1955 – 27/02/2015), Sở Y tế có bài viết trên trang Thông tin điện tử Sở Y tế Cao Bằng về quá trình hình thành của một số đơn vị ngành y tế, trong đó có Trạm Sốt rét Cao Bằng cách đây 50 năm qua những thông tin, tài liệu hiện đã sưu tầm và khai thác được; Sở Y tế trân trọng đề nghị và kính mong các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành nếu biết và có các tài liệu liên quan đến ngành y tế Cao Bằng, nếu có thể được thì cung cấp cho Sở Y tế để Sở Y tế bổ sung vào cuốn lịch sử ngành y tế Cao Bằng.

I. Công tác phòng, chống bệnh sốt rét ở Cao Bằng trước khi chưa thành lập Trạm Sốt rét
Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở khu vực miền núi, trong đó có Cao Bằng. Dưới chế độ phong kiến, thực dân, nhân dân khu vực miền núi thường xuyên bị bệnh sốt rét hoành hành, nhiều người bị bị bụng báng, da vàng, sức khỏe suy yếu, phụ nữ mắc bệnh sốt rét thường bị sảy thai, đẻ non, trẻ em chết yểu. Sốt rét ác tính gây tử vong rất nhiều. Sốt rét làm cho sản xuất bị giảm sút, đời sống người dân nghèo nàn, lạc hậu. Vào thời kỳ này, đồng bào dân tộc thiểu số khi bị mắc bệnh sốt rét thì cho là do ma bắt, người kinh ở miền xuôi thì sợ hãi vùng rừng núi vì cho đó là nơi “ma thiêng nước độc”. Ở Cao Bằng đã có câu ca lưu truyền sự khủng khiết về sốt rét: “Ai qua Sông Gâm không câm cũng điếc” (sông Gâm từ Bảo Lạc, Cao Bằng chảy xuống sông Lô).

Trong Báo cáo công tác phòng bệnh, chống bệnh năm 1955 của y tế Cao Bằng có mô tả tình hình bệnh sốt rét ở Cao Bằng khi này như sau: “Bệnh sốt rét sốt nóng: Phát sinh và tác hại ở mùa nào, thời kỳ nào cũng có, bệnh có thể trạng kinh niên, làm xanh sao, thiếu máu, lá lách to, hay chảy máu cam, phụ nữ không có kinh nguyệt, ít chửa đẻ, trẻ em gầy còm, chậm lớn khó nuôi. Bệnh kinh niên nhiều khi bột phát trong những lúc mùa nóng, nóng lạnh bất thường làm sốt cao thành ác liệt, sốt mê dễ chết. Bệnh cũng có tính chất dịch tễ làm nhiều người chết. Bệnh làm cho cơ thể suy yếu tạo điều kiện làm mắc các bệnh khác. Bệnh sốt rét sốt nóng thường ghép thêm với bệnh ho sưng phổi, ỉa chảy, kiết lỵ, phù và đã cùng với bệnh ho sưng phổi làm chết 2.005 người vào đầu năm. Bệnh có những thể rét làm chết 56 người, cho đến cuối năm con số mắc bệnh thì hầu hết đến 90% dân số trong tỉnh, trong đó có 30% bệnh kinh niên, lá lách to từ số 3 đến số 6 nhiều nhất là ở ba huyện: Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng và ở những xã có nhiều núi, nhiều rừng. Nguyên nhân của bệnh là do muỗi đốt có hút máu người mắc bệnh phải, hút máu của người lành. nhân dân một phần nghèo đói, thiếu chăn nàm, một phần chưa có ý thức diệt muỗi chống đốt nên mắc bệnh”. Đây có lẽ cũng là tài liệu mô tả sớm nhất và khá cụ thể về tình hình bệnh sốt rét ở Cao Bằng của ngành y tế mà hiện nay Sở Y tế sưu tầm được.

Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), công tác phòng, chống sốt rét luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm, ngành y tế chú trọng; phòng, chống sốt rét được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác y tế ở miền núi, muốn thực hiện chính sách dân tộc, phát triển miền núi phải tích cực phòng chống sốt rét. Do đó, Bộ Y tế đã sớm cho thành lập các Đội chống Sốt rét tại các khu và các tỉnh; đối với Cao Bằng, tháng 6/1956, Đội chống sốt rét của tỉnh được thành lập. Trong thời kỳ này, Đội chống sốt rét tỉnh chủ yếu tiến hành điều tra nghiên cứu tình hình bệnh sốt rét và triển khai thí điểm phòng, chống sốt rét tại một số xã như: Thể Dục và Minh Thanh (huyện Nguyên Bình), Phù Ngọc và Trường Hà (huyện Hà Quảng), Lý Bôn và Đức Hạnh (Bảo Lạc - nay thuộc huyện Bảo Lâm), Hồng Trị (huyện Bảo Lạc)...

Bước sang năm 1960, công tác phòng, chống sốt rét ở miền Bắc chuyển sang một bước mới, chuẩn bị cho giai đoạn tấn công bệnh sốt rét trên toàn miền Bắc (nhiệm vụ phòng, chống sốt rét giai đoạn từ 1957 – 1960 chủ yếu là điều tra nghiên cứu tình hình bệnh sốt rét, nghiên cứu các biện pháp về tổ chức và kỹ thuật trong triển khai thí điểm, tích cực chuẩn bị lực lượng vật chất, cán bộ); để tổ chức việc phòng chống sốt rét thành một hệ thống, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác phòng, chống sốt rét, tại các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành đã thành lập Uỷ ban tiêu diệt bệnh sốt rét từ tỉnh đến huyện và xã. Trong đề án công tác chống sốt rét năm 1960 (số 03/SR ngày 03/3/1960) của Ty Y tế Cao Bằng đã giao Đội chống Sốt rét có nhiệm vụ “thành lập một thí điểm để nghiên cứu tình hình, tích chất và trình độ lan truyền của bệnh sốt rét trong tỉnh, nghiên cứu mùa bệnh, trọng tâm vào các huyện miền tây, cụ thể là huyện Bảo Lạc”; đồng thời Ty Y tế cũng xác định đường lối công tác phòng, chống sốt rét là: “Tăng cường tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và ủy ban”, “công tác phòng, chống sốt rét là công tác của toàn Đảng và toàn dân đều phải làm”, “lúc đầu phải làm làm thí điểm một diện nhỏ để rút kinh nghiệm tốt, rồi mới mở rộng diện tích, áp dụng kinh nghiệm ấy vào nơi khác, chống tư tưởng nóng vội, muốn ăn to ngay, đồng thời chống tư tưởng rụt rè bảo thủ”; nhiệm vụ là phải “tuyên truyền giáo dục cán bộ công nhân viên và nhân dân về công tác tiêu diệt bệnh sốt rét”, “tổ chức củng cố và phát triển cơ sở y tế về mọi mặt để xây dựng một mạng lưới phát hiện bệnh nhân sốt rét đầy đủ và kịp thời”; Chương trình kế hoạch phun thuốc DDT tại các công trường xí nghiệp (số 04/SR ngày 03/3/1960) của Ty Y tế cũng đã xác định “ thành lập Đội phun” DDT và thành lập “Ban Tiêu diệt sốt rét để lãnh đạo, đôn đốc việc phun thuốc”.

(Vào nửa đầu thế kỷ 20, với việc phát minh ra hóa chất DDT và thấy có tác dụng chống muỗi hiệu quả, cùng với đó là việc phát minh ra một số thuốc chữa sốt rét như acrikine, plasmocid nên năm 1955, Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ VIII thông qua chủ trương tiêu diệt sốt rét trên thế giới. Tuy nhiên, từ sau năm 1970, người ta thấy hóa chất DDT có tác hại tới môi trường và sức khỏe nên nó không còn được sử dụng nữa.Mặt khác, trong quá trình tấn công tiêu diệt sốt rét, cho thấy khả năng loại trừ hoàn toàn (hay tiêu diệt) bệnh sốt rét trong một thời gian hạn định trên thế giới là rất khó khăn. Bởi vậy, Đại hội đồng y tế thế giới lần thứ 31 đề ra nghị quyết chuyển hẳn từ chiến lược tiêu diệt sốt rét sang chiến lược phòng chống sốt rét không hạn định thời gian với mục tiêu để phòng và giảm tử vong do sốt rét, giảm tỷ lệ mắc, và giảm thiệt hại do sốt rét gây ra.

Ở Miền Bắc khi này ta cũng tiến hành chủ trương tiêu diệt bệnh sốt rét toàn miền Bắc, tuy nhiên căn cứ vào diễn biến tình hình bệnh sốt rét trong nước và chiến lược phòng chống sốt rét trên Thế giới, từ năm 1977 nước ta đã chuyển từ tiêu diệt sốt rét sang thanh toán bệnh sốt rét (theo Chỉ thị số 261-TTg ngày 20/6/1977 của Thủ tướng Chính phủ), từ cuối năm 1989 chuyển sang phòng, chống bệnh sốt rét. Hiện nay, việc phòng, chống bệnh sốt rét thực hiện theo Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011).

Ngày 12/5/1961, Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 53-VX thành lập Ban Tiêu diệt sốt rét tỉnh với nhiệm vụ “giúp Ủy ban hành chính tỉnh lãnh đạo thực hiện toàn bộ kế hoạch tiên diệt sốt rét”, quyền hạn của Ban Tiêu diệt sốt rét tỉnh “ra chỉ thị và kế hoạch cụ thể cho các Ban Tiêu diệt sốt rét cấp dưới thi hành nhiệm vụ chuyên môn”. Ban Tiêu diệt sốt rét tỉnh do ông Phan Hương - Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh là Trưởng ban, ông Nguyễn Lung – Trưởng ty Y tế làm Phó Ban Thường trực và ủy viên là đại diện Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên, Ty Lao động và Ty Văn hóa. Quyết định cũng nêu rõ “ở cấp huyện và cấp xã thành lập Ban Tiêu diệt sốt rét tương đương, thành phần có đơn giản hơn nhưng nhất thiết phải cấp ủy hay ủy ban cấp đó làm trưởng ban. Ban Tiêu diệt sốt rét cấp nào, do cấp đó quyết định”.

Sau đó, ngày 15/9/1961, Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 116 VX kiện toàn Ban Tiêu diệt sốt rét tỉnh Cao Bằng gồm các thành viên sau:
Ông Nguyễn Thế Kiêm - Ủy viên văn xã Ủy ban hành chính tỉnh làm Chủ tịch.
ÔngNguyễn Lung – Trưởng ty Y tế làm Phó Chủ tịch thường trực.
Ông Đinh Văn Kinh - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn thanh niên làm Phó Chủ tịch.
Các ủy viên là: Ông Hồng Cao - Ủy viên Ban Công tác nông thôn; Bà Bích Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh hội phụ nữ; Ông Đàm Tùng – Phó Ty Văn hóa; Ông Trần Thanh Cao – đại diện Ty Giáo dục và Ông Chu Văn Khánh – Đội trưởng Đội chống sốt rét thuộc Ty Y tế.

Báo cáo tổng kết công tác tiêu diệt sốt rét năm 1962 và chỉ thị bổ sung đề án công tác tiêu diệt sốt rét của Ty Y tế Cao Bằng cho biết khi này cả tỉnh có 168 xã, 7 đơn vị thị trấn với số dân là 292.956 người nhưng: “Cao Bằng cũng đang bị thần sốt rét ám ảnh trong 62 xã với dân số 75.000 người có nhiều thể trạng, mang những biến chứng không còn khả năng sản xuất, đời sống bấp bênh... Trước tình hình đó cần phải giải phóng các con bệnh, đem lại cuộc sống yên vui, đẩy lùi mê tín dị đoan dần dần đi vào dĩ vãng, để tạo ra một sức khỏe mới, đẩy mạnh sản xuất, kiến thiết đất nước”. Chỉ thị số 91-TTG-VG ngày 10/6/1964 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc cũng ghi nhận khi này tỷ lệ người sưng lá lách so với tổng số công nhân cao, trong đó có ở khu vực Công trường xây dựng Mỏ thiếc Tĩnh Túc và Công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Tà Xa thuộc Cao Bằng; tỷ lệ ở Công trường xây dựng mỏ thiếc Tĩnh Túc là 8,5% và ở Công trường xây dựng nhà máy thủy điện Tà Xa là 19,19%.

Báo cáo tổng kết công tác tiêu diệt sốt rét năm 1962 của Ty Y tế Cao Bằng đã đánh giá trong năm 1962 từ Tỉnh đến huyện đã thành lập được Ban Tiêu diệt sốt rét, trong đó Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh do đồng chí Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là đại diện Ty Y tế và Ty Văn hóa, các Ủy viên có thành phần của tổ chức, cơ quan: thanh niên, phụ nữ, tuyên huấn, giáo dục, ban công tác nông thôn. Biên chế của Đội phòng, chống sốt rét thời gian này có 04 y sĩ và 06 y tá. Nhờ đó, công tác phòng chống sốt rét ở Cao Bằng trong năm 1962 -1963 đã đạt được nhiều kết quả; để có cán bộ y tế tham gia vào công tác phòng chống sốt rét, trong năm 1962 đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về phòng chống sốt rét cho 206 y tá và hộ sinh xã, việc bồi dưỡng chuyên môn về phòng chống sốt rét cho các vệ sinh viên thì Ty Y tế cấp kinh phí cho phòng y tế huyện đảm nhiệm; triển khai việc học tập lời hiệu triệu của Ban Tiêu diệt Sốt rét Trung ương, tài liệu vấn đáp về bệnh sốt rét; tổ chức phun thuốc DDT cho các huyện: Quảng Uyên, Hạ Lang, Phục Hòa, Trùng Khánh, Hòa An, Trà Lĩnh, Thạch An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, (Thị xã Cao Bằng và Thị trấn Tĩnh Túc chưa thực hiện được trong năm 1962); cho 5.032 người uống thuốc điều trị chống sốt rét. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số thiếu sót như một số nhà chưa được phun thuốc DDT, việc lấy lam máu để tìm ký sinh trùng số rét chưa đảm bảm số lượng, chất lượng, việc cho uống thuốc phòng chống sốt rét chưa đạt yêu cầu, công tác tuyên truyền phòng chống sốt rét còn mang tính bề rộng, chưa có tính bề sâu, chưa làm chuyển biến mạnh mẽ một cách liên tục trong cán bộ và nhân dân, các ban, ngành là thành viên của Ủy ban tiêu diệt sốt rét phối hợp chưa chặt chẽ.

II. Thành lập Trạm Sốt rét Cao Bằng
Trong Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Đức Tôn – Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh ký ban hành cho biết, ngày 12/5/1964 Ủy ban hành chính tỉnh đã họp Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh và Ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh, cuộc họp do đồng chí Hoàng Đức Tôn – Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng chủ trì, cuộc họp có sự tham gia của đồng chí Vũ Khải – cán bộ của Viện Sốt rét Trung ương và đại diện các ngành là thành viên Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh, đại diện Ty Y tế Cao Bằng dự họp là ông Lâm Văn Tín – Phó Trưởng ty Y tế và các ông: Chu Văn Khánh, Nguyễn Văn Nỉnh và Nguyễn Thế Cát (ông Chu Văn Khánh và ông Nguyễn Văn Nỉnh dự họp là cán bộ của Đội chống sốt rét tỉnh); sau khi nghe ông Lâm Văn Tín – Phó Trưởng ty Y tế báo cáo công tác tiêu diệt sốt rét năm 1962 - 1963, cuộc họp đã nhất trí nhận định: “Công tác tiêu diệt bệnh sốt rét trong hai năm qua tuy có gặp nhiều khó khăn, nhưng do có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể nhất là đoàn thể thanh niên nên công tác này đã đạt kết quả về căn bản. Bên cạnh đó, công tác này còn những thiếu sót như: một số chưa được phun thuốc DDT, việc lấy máu để phát hiện bệnh chưa đảm bảo sốt lượng, chất lượng, việc cho uống thuốc điều trị bệnh sốt rét chưa đạt yêu cầu. Công tác tuyên truyền chỉ có bề rộng, thiếu bề sâu, chưa làm chuyển biến mạnh mẽ một cách liên tục trong cán bộ và nhân dân. Trong Ban thiếu sự kiểm điểm sinh hoạt nên các cơ quan là thành viên và các ngành liên quan nói chung thiếu sự phối hợp chặt chẽ, bởi vậy trong Ban nhiều khi không đề xuất vấn đề một cách nhạy bén để kịp thời uốn nắn những lệch lạc”.

Để làm tốt công tác tiêu diệt sốt rét, cuộc họp đã thống nhất cần phải:
- Tiếp tục củng cố kiện toàn Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh và huyện, thành lập Ban Tiêu diệt sốt rét ở Thị trấn Tĩnh Túc. Ban Thường trực Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh gồm Ủy ban hành chính và y tế mỗi tháng họp một lần, toàn Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh họp 3 tháng một lần. Khi đi công tác cho ngành mình, các thành viên Ủy ban tiêu diệt sốt rét kết hợp kiểm tra công tác tiêu diệt sốt rét ở cấp dưới.
- Xây dựng mạng lưới vệ sinh viên lấy máu người có sốt ở xã, công, nông, lâm trường, xí nghiệp. Thành lập Trạm tiêu diệt sốt rét tỉnh.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống sốt rét.
- Trong 2 năm 1964 – 1965 trọng tâm là lấy lam máu đề xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét. Ngành bưu điện gữi một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển lam máu từ xã về tỉnh nên thành phần của Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh và huyện phải có đại diện của ngành bưu điện.

Do một số ủy viên Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh thay đổi công tác nên cuộc họp đã nhất trí củng cố lại Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh gồm các thành viên sau:
+ Ông Hoàng Đức Tôn – Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, Chủ tịch Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh.
+ Ông Lâm Văn Tín – Phó Trưởng Ty Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh.
+ Các ủy viên Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh: Bà Vân Anh – Bí thư Tỉnh hội Phụ nữ, ông Long Nam Hưng – Trưởng ty Văn hóa, ông Lê Long - Ủy viên Ban công tác nông thôn, ông Chu Văn Điển – Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Tỉnh đoàn thanh niên, ông Đoàn Ngọc Tiến – Phó trưởng Ty Giáo dục, ông Thanh Tùng – Phó Trưởng ty Bưu điện, ông Chu Văn Khánh – Đội trưởng Đội tiêu diệt sốt rét tỉnh.
Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng cho thấy nội dung chỉ đạo về công tác tiêu diệt sốt rất cụ thể và chi tiết, đặc biệt trong đó có quyết định thành lập Trạm Sốt rét. Những nội dung này rất sát và đúng với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được ban hành sau đó 04 tháng (Chỉ thị số 91-TTG-VG ngày 06/10/1964) về việc tăng cường tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc; Chỉ thị số 91-TTG-VG ngày 06/10/1964 khẳng định: “Tiêu diệt bệnh sốt rét là công tác của toàn Đảng, toàn dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ủy ban hành chính các cấp phải chỉ đạo chặt chẽ các ngành, các giới ra sức thi hành côngtác này” và “ Chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo công tác tiêu diệt bệnh sốt rét”, trong đó “Cần phải củng cố Ủy ban tiêu diệt bệnh sốt rét các cấp, củng cố và phát triển cơ sở y tế xã, hợp tác xã”, “Cần xây dựng trạm tiêu diệt bệnh sốt rét tỉnh và tổ tiêu diệt bệnh sốt rét huyện; bố trí hàng ngũ cán bộ làm công tác tiêu diệt bệnh sốt rét cho hợp lý theo chỉ tiêu biên chế của kế hoạch Nhà nước”.

Quyết định thành lập Trạm tiêu diệt sốt rét tỉnh (Trạm Sốt rét) tại cuộc họp cuộc họp ngày 12/5/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh tổ chức có một ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với công tác tiêu diệt sốt rét khi đó mà còn đối với ngành y tế Cao Bằng, vì mặc dù từ năm 1961 Tỉnh ta đã thành lập được Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh từ tỉnh đến xã và đã có Đội chống sốt rét thuộc Ty Y tế được ra đời từ 1956, bên cạnh những mặt đã được thì công tác tiêu diệt sốt rét ở Tỉnh ta trong hai năm 1962 – 1963 còn nhiều hạn chế, thiếu sót, chưa đáp được được yêu cầu trong khi Cao Bằng lại là tỉnh có bệnh sốt rét lưu hành (trong Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng đã nêu cụ thể một số hạn chế, thiếu sót này). Do đó, cần phải có ngay một một đơn vị chuyên môn y tế để giúp cho Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh và Ty Y tế lập kế hoạch tiêu diệt sốt rét và tổ chức thực hiện kế hoạch đó, hướng dẫn, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện kế hoạch tiêu diệt sốt rét; củng cố tổ chức màng lưới làm công tác tiêu diệt sốt rét từ tỉnh đến huyện, xã.. là hết sức cần thiết.

Mặt khác, trước đó, ngày 24/02/1964, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ có Thông tư liên bộ số 04-LB-TT về việc hướng dẫn cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương, trong đó quy định về Tổ chức các trạm chuyên khoa, trong đó có trạm chống sốt rét. Thông tư liên bộ số 04-LB-TT quy định: “Để tăng cường chất lượng cho công tác phòng và chống các bệnh xã hội như Đảng và Chính phủ đã đề ra, cần có sự chỉ đạo tập trung thống nhất về các chuyên khoa như: vệ sinh phòng dịch, chống lao, chống sốt rét, mắt hột, da liễu, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em mới đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân, cho nên ngoài các trạm vệ sinh phòng dịch và trạm bảo vệ bà mẹ, trẻ em hiện có, trong năm 1964 và các năm tới phải thành lập xong các trạm chống lao, trạm chống sốt rét, trạm mắt và trạm da liễu ở mỗi tỉnh và thành phố để quản lý, phát hiện đăng ký, theo dõi các bệnh tật nói trên và có kế hoạch phòng bệnh, chữa nội trú, ngoại trú về các bệnh đó cho nhân dân” (trong Thông tư số 013-BYT/TT ngày 04/8/1961 của Bộ Y tế hướng dẫn thống nhất nhiệm vụ, chấn chỉnh tổ chức biên chế văn phòng các ty và thống nhất sự lãnh đạo giữa phòng y tế huyện, châu với bệnh xá chưa có hướng dẫn thành lập các trạm y tế chuyên khoa).

Thực hiện Thông tư liên bộ số 04-LB-TT ngày 24/02/1964của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việccải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương, Bộ Y tế đã có Thông tư số 19-BYT-TT ngày 26/6/1964 hướng dẫn việc thành lập các trạm sốt rét ở các tỉnh, Thông tư quy định: “Về tổ chức các trạm sốt rét căn cứ vào yêu cầu và nhiệm vụ cần thiết trong công tác tiêu diệt sốt rét ở mỗi địa phương, các tỉnh sau đây: Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Bắc, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tiến hành thành lập trạm sốt rét, còn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì thành lập tổ sốt rét đặt trong các trạm vệ sinh phòng dịch để hoạt động” và biên chế cán bộ, nhân viên của trạm sốt rét lấy ở các đội sốt rét ở tỉnh và tất cả xét nghiệm viên đang làm công tác xét nghiệm ở các tổ xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, trường hợp còn thiếu thì bổ sung dần cho đủ để hoạt động. Trong Thông tư số 19-BYT-TT ngày 26/6/1964 của Bộ Y tế cũng nêu rõ đối với tỉnh Cao Bằng phải thành lập Trạm Sốt rét.

Như vậy, việc thành lập Trạm Sốt rét Cao Bằng được thể hiện tại Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng và trong Thông tư số 19-BYT-TT ngày 26/6/1964 của Bộ Y tế. Mặc dù đã có cố gắng, nhưng cho đến nay Sở Y tế chưa tìm được quyết định cụ thể về việc thành lập Trạm Sốt rét Cao Bằng. Tuy nhiên, với quyết định thành lập trạm sốt rét ghi trong Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng và quy định tỉnh Cao Bằng phải thành lập trạm sốt rét trong Thông tư số 19-BYT-TT ngày 26/6/1964 của Bộ Y tế thì trong khi chưa tìm được quyết định thành lập Trạm Sốt rét Cao Bằng, việc coi Trạm Sốt rét Cao Bằng được thành lập vào tháng 6/1964 là phù hợp và có cơ sở.

Việc Trạm Sốt rét Cao Bằng được thành lập trong năm 1964 không chỉ được thể hiện trong Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng và Thông tư số 19-BYT-TT ngày 26/6/1964 của Bộ Y tế mà còn được khẳng định qua tổ chức bộ máy và con người của Trạm Sốt rét hoạt động trong năm 1964 được ghi nhận trong các văn bản khác. Trong Báo cáo tổng kết công tác tiêu diệt sốt rét Cao Bằng năm 1964 (báo cáo số 3/TDSR) do Y sĩ Lâm Tín – Phó Ty Y tế kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh Cao Bằng ký ban hành ghi nhận kết quả công tác tiêu diệt sốt rét trong năm 1964 như sau: đã tuyên truyền, nói chuyện về phòng chống sốt rét được 813 lần cho 5.384 người, triển lãm được một lần cho 2.500 người xem, phun thuốc DDT cho 12 huyện, thị xã và thị trấn Tĩnh Túc, số gia đình được phun thuốc là 54.263, tổng số dân được bảo vệ là 292.300; lấy được 10.462 lam máu (trong đó có 2.491 lam máu lấy khi người bệnh có sốt), phát hiện 02 lam có ký sinh trùng sốt rét; khám và điều trị ngoại trú (phát thuốc) sốt rét cho 6.714 người có dấu hiệu sốt rét, điều trị nội trú cho 1.015 người có dấu hiệu sốt rét tại các bệnh viện, bệnh xá...Đồng thời trong Báo cáo này cũng nêu: “Do biên chế đội ngũ Trạm tiêu diệt sốt rét còn thiếu nên không đủ cán bộ trực tiếp xuống giúp đỡ các huyện lãnh đạo và một số cán bộ trưởng phòng chưa quán triệt được kế hoạch tiêu diệt sốt rét cho là không phải chuyên khoa về sốt rét nên có tư tưởng ỷ lại vào cán bộ Trạm” và về “Công tác điều tra côn trùng: Trạm có một bộ phận côn trùng gồm có: 01 y sĩ, 01 y tá. Hàng tháng đã xuống các huyện, xã để tiến hành thực hiện bắt muỗi, bắt bọ gậy, lấy mẫu DDT để thử tác dụng tồn dư của thuốc”. Qua thực hiện công tác phòng, chống sốt rét năm 1964, Trạm Sốt rét đã có một số tấm gương tiêu biểu và được Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh khen, đó là y sĩ Nông Văn Vệ và y sĩ Chu Văn Khánh.

Trong Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1964 của Ty Y tế Cao Bằng đã ghi nhận Trạm Sốt rét đã gửi cho Ty Văn hóa 08 ban tin về tiêu diệt sốt rét để phát tại các buổi chiếu bóng lưu động.

Do Trạm Sốt rét đã được thành lập nên bước sang năm 1965 công tác tiêu diệt sốt rét của Cao Bằng tiếp tục có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả. Báo cáo tổng kết công tác tiêu diệt sốt rét năm 1965 của Trạm Sốt rét Cao Bằng ghi: “Trong năm 1965 đã phổ biến Chỉ thị số 91-TTG-VG ngày 10/6/1964, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc tại các cuộc họp ở huyện được 287 lần, có 81.121 người nghe, qua đó nhận thực, tư tưởng về phòng chống sốt rét tiếp tục được nâng cao, công tác phòng chống sốt rét được quan tâm đúng mức và đẩy mạnh như ở các huyện: Thạch An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hòa An, Bảo Lạc, Hạ Lang. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về phòng chống sốt rét cho 14 y sĩ, 24 y tá, 108 y tá xã, 112 y tế hợp tác xã; phối hợp với Trường Cán bộ y tế Bắc Giang bồi dưỡng cho một lớp y sĩ nông thôn gồm 47 người về: kế hoạch tiêu diệt sốt rét của Đảng và Chính phủ, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét, thực tập khám lách, kỹ thuật lấy máu, bắt muỗi, bọ gậy. Trong năm 1965 đã lấy được 19.306 lam máu (trong đó có 3.710 lam lấy khi có sốt) để xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, kết quả xét nghiệm không phát hiệu thấy có ký sinh trùng sốt rét trong lam máu; sốt bệnh nhân đến khám do có dấu hiệu sốt rét là 3.022 người và điều trị nội trú do có dấu hiệu sốt rét là 403 người (năm 1964 có 7.729 người vào điều trị do có dấu hiệu sốt rét)”.

Quyết định thành lập Trạm Sốt rét Cao Bằng vào năm 1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng và Bộ Y tế là rất quan trọng và kịp thời, đáp ứng cho yêu cầu cần phải có đơn vị y tế chuyên môn để tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch tiêu diệt sốt rét; tham mưu sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm việc chỉ đạo phong trào tiêu diệt sốt rét; xây dựng củng cố tổ chức màng lưới làm công tác tiêu diệt sốt rét từ tỉnh đến huyện và xã; dự trù, cấp phát và bảo quản thuốc, dụng cụ để phục vụ cho công tác tiêu diệt sốt rét...Nhờ đó mà trong một thời gian ngắn công tác phòng, chống sốt rét ở Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả, Báo cáo tổng kết kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ngày 08/2/1966 của Ty Y tế Cao Bằng do ông Nông Hoài Thanh – Quyền Trưởng ty Y tế trình bày đã ghi nhận: “Từ năm 1962 tỉnh Cao Bằng đã bắt đầu tấn công tiêu diệt bệnh sốt rét. Trước đây bệnh này đã thực tế phá hoại sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đến sức phát triển các dân tộc miền núi chúng ta. Nhiều người sốt rét lâu năm, da xanh bụng báng, gầy yếu, nhiều người đã chết. Trong tỉnh ta, nhất là các huyện rẻo cao như Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng từ 48% đến 78% số người có báng, 35% số người có ký sinh trùng sốt rét trong máu (Bảo Lạc). Qua 3 – 4 năm tấn công diệt muỗi bằng phun thuốc DDT, diệt ký sinh trùng trong máu bằng ký ninh các loại, tiến hành làm vệ sinh hoàn cảnh như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vận động nhân dân nằm màn. Tỉnh ta đang phấn đẫu căn bản tiêu diệt được bệnh sốt rét. Hiện nay bệnh này đã giảm đi rất nhiều, đi đến đâu ta không còn thấy người có nước da xanh, gầy nhiều như trước nữa. Cán bộ khi được phân công đi Bảo Lạc, Hà Quảng công tác không còn sợ bị ngã nước nữa. Ngày xưa có câu: âi qua Sông Gâm không câm cũng điếc”.

Được thành lập 1964, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Trạm Sốt rét Cao Bằng trước đây mà nay là Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng hiện nay luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm là công tác tiêu diệt bệnh sốt rét trước đây và sau này là phòng, chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh, nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, qua đó đã cùng với ngành y tế Cao Bằng thực hiện tốt nhiệm vụ y tế trong mọi thời kỳ.


(Tài liệu Huấn luyện vệ sinh viên trong công tác tiêu diệt sốt rét do Viện Sốt rét Trung ương biên soạn,
được Ty Y tế Cao Bằng xuất bản năm 1961)
III. Chặng đường từ Trạm Sốt rét (năm 1964) đến Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Cao Bằng

Từ Trạm Sốt rét được thành lập vào năm 1964 và phát triển thành Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Công trùng Cao Bằng ngày hôm nay, trên chặng đường 50 xây dựng và phát triển, để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ tập trung làm công tác tiêu diệt bệnh sốt rét trước đây và sau này là phòng, chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh cũng như do điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, Trạm Sốt rét Cao Bằng đã trải qua quá trình có những tên gọi như sau:
1964 – 1975: Trạm Sốt rét Cao Bằng.
1976 – 1978: Trạm Sốt rét Cao Lạng (Trạm Sốt rét Cao Bằng sát nhập với Trạm Sốt rét Lạng Sơn thành Trạm Sốt rét Cao Lạng do hợp nhất tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng theo Nghị quyết ngày 27 tháng 12 năm 1975, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa V).

1979 – 02/1999: Trạm Sốt rét Cao Bằng (Trạm Sốt rét Cao Bằng được tái lập đầu năm 1979 do chia tách tỉnh Cao Lạng thành tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết ngày 29 tháng 12 năm 1978, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI; theo đó, Trạm Sốt rét Cao Lạng chia tách thành Trạm Sốt rét Cao Bằng và Trạm Sốt rét Lạng Sơn).

3/1999 – 5/2012: Trung tâm Phòng chống Sốt rét Cao Bằng (Trạm Sốt rét Cao Bằng được đổi tên thành Trung tâm Phòng chống Sốt rét Cao Bằng theo Quyết định số 136/1999/QĐ-UB ngày 13/02/1999 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc kiện toàn lại hệ thống tổ chức y tế địa phương).

6/2012 đến nay: Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Cao Bằng (Trung tâm Phòng chống Sốt rét được tổ chức thành Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng theo Quyết định số 736/QĐ-UBND ngày 12/6/2012 của UBND tỉnh Cao Bằng để đáp ứng yêu cầu công tác y tế trong giai đoạn mới và để đúng theo Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phòng, chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh tại Quyết định số 37/2006/QĐ-BYT ngày 07/12/2006 của Bộ Y tế).

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Công trùng Cao Bằng mà ban đầu là Đội chống sốt rét ra đời năm 1956, đến Trạm Sốt rét thành lập năm 1964, rồi Trung tâm Sốt rét năm 1999 và Trung tâm Sốt rét – Ký sinh trùng – Công trùng năm 2012, có thể nói đây là một trong những đơn vị y tế được thành lập sớm, có bề dày truyền thống, giàu thành tích, có nhiều những đóng góp lớn cho ngành y tế Cao Bằng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang