Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quá trình thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng năm 1964
Lượt xem: 131
1. Công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở Cao Bằng trước khi thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em (1964):

Công tác bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em (trước năm 1960 còn gọi là công tác bảo vệ sản phụ hài nhi) trước khi có Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại; sức khỏe người phụ nữ và trẻ em chưa được quan tâm chú trọng đúng mức, phần vì điều kiện kinh tế - xã hội khi này còn quá khó khăn, phần thì do thiếu cán bộ y tế, thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, rồi hệ thống y tế nhất là ở cơ sở (xóm, xã) mới hình thành, chưa phát triển; mặt khác, quan niệm, nhận thức thức về bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em trong đồng bào ở miền núi còn nhiều hạn chế, mang nặng tư tưởng, phong tục phụ nữ có mang đến kỳ sinh nở thì đẻ ở nhà; Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1957 của Ty Y tế Cao Bằng (Báo cáo số 15-BC-FB.YT ngày 28/01/1958) cho biết về tình hình tại Phòng hộ sinh ở tỉnh như sau: “Toàn năm chết 19 trẻ sơ sinh với những lý do như sau: đẻ non, con yếu, sản giật, khung xương hẹp, vỡ ối lâu mới mang đến nhà hộ sinh hoặc trường hợp thai nhi đầu to, khi lôi ra bị ngạt và chết. Đối với những ca đẻ khó trên đều có phản ánh kịp thời với y sĩ, có ca thì cứu được cả mẹ lẫn con, có ca thì chỉ cứu được mẹ” và “Số người đến nhà hộ sinh đẻ phần lớn là đồng bào ở các thị trấn và một xã lân cận. Trường hợp ở các huyện đưa đến thì phần lớn là những bà trước đây đã sinh đẻ không được thì họ mới đến nhà hộ sinh như huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hà Quảng. Vợ con cán bộ và bộ đội hoặc một số chị em biết lợi ích đến nhà hộ sinh để đẻ, biết tại hại của nạn hữu sinh vô dưỡng ở nông thôn do đó họ cũng đến nhà hộ sinh đẻ”, đối với khám thai “số người khám thai 642 người, số lần khám thai 981 trong số người khám thai phần nhiều là ở Thị xã, các xã lân cận hoặc chỉ có những chị em cán bộ hay những chị em trước đây đã bị mộ vài lần đẻ khó thì nay mới đến nhà hộ sinh khám thai”; còn ở huyện “các hộ sinh thuộc Phòng phần lớn có con mọn kém hoạt động, có nơi xin đổi không được, xin về nhà”; ở xã “các trạm xá dân lập chưa hình thành, hộ sinh xã đi đỡ đẻ thiếu phương tiện, sản phụ chưa thực sự tin tưởng”. Công tác tuyên truyền vận động cũng gặp nhiều khó khăn vì một số phụ nữ: “Từ trước tới nay không biết gì đến việc sinh đẻ và kinh nguyệt. Con cái ốm chết cũng cho là tại số, đấy là một số chị em ở nông thôn”.

Bởi vậy, Báo cáo tổng kết năm bảo vệ bà mẹ trẻ em năm 1964 của Trạm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em tỉnh Cao Bằng đã nêu: “Trong gia đình, người phụ nữ ngoài việc sản xuất trên nương rẫy khi trở về nhà còn có lợn gà, bếp núc con cái và chợ búa. Do ảnh hưởng của chế độ cũ, phụ nữ các dân tộc nói chung còn rất khổ cực, tự ti, không tin ở sức mình, chỉ tin ở giời đất ma quỷ và số mệnh, trình độ văn hóa rất thấp kém, chưa nhìn thấy ánh sáng của khoa học. Vì thế mà sức khỏe của chị em sút kém, tính mạng bị đe dọa trong lúc bụng mang dạ chửa, các cháu sinh ra không được săn sóc nuôi dưỡng chu đáo nên tình trạng gầy còm, ốm đau không phải là ít. Có đẻ mà không nuôi được là một thực tế rất phổ biến nhất là ở những vùng cao”. Nội dung nêu trong Báo cáo này thật mộc mạc, chân thật nhưng phần nào cho thấy được thực tế tình hình sức khỏe bà mẹ và trẻ em khi này.


(Ảnh tư liệu cuốn Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển (1961 – 2011)
do Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xuất bản tháng 12/2011)

Quán triệt phương châm, nguyên tắc “Công tác y tế phục vụ sản xuất, quốc phòng, các dân tộc ít người, phụ nữ, trẻ em” theo chỉ đạo của Bộ Y tế ở thời kỳ này, công tác bảo vệ sản phụ hài nhi đã sớm được ngành y tế Cao Bằng hết sức quan tâm chú trọng, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện. Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1957 của Ty Y tế Cao Bằng (Báo cáo số 15-BC-FB.YT ngày 28/01/1958) đã cho biết như sau: “Ty đã đặt thành kế hoạch hoạt động cho từng Phòng, từng tháng và đã tranh thủ hội ý họp với Ban Chấp hành phụ nữ tỉnh, Ủy ban hành chính tỉnh để ra ý kiến trong công tác bảo vệ sản phụ hài nhi và họp các cán bộ hộ sinh nói chuyện hữu sinh vô dưỡng”; đối với các huyện đã: “Tổ chức khám thai, tổ chức đỡ đẻ, báo đẻ khó, củng cố tổ trợ sản, vệ sinh thai nghén, vệ sinh kinh nguyệt. Ngoài kế hoạch trên, Phòng còn xen kẽ với những ngày xuống thôn xóm, xã chữa bệnh để phổ biến gây ý thức về công tác bảo vệ sản phụ hài nhi trong các hội nghị. Về phần xã sau khi được học tập phổ biến nói chuyện các công tác trên, xã nào có hộ sinh đều có tiến bộ và xã nào chưa có hộ sinh củng cố tổ trợ sản hoạt động tương đối”; trong năm 1957, “Kết quả số người khám thai 1.171, số người sảy thai 104, số lần đẻ thường 833, số lần đẻ khó 64. Số trẻ sơ sinh sống 793, số trẻ sơ sinh chết 104, số sản phu chết 14. Con số trên đây chưa kể tháng 12-57”, “Nói chung phong trào bảo vệ sản phụ hài nhi trong Tỉnh nhà lên khá. Do đó các phòng hộ sinh huyện như Hòa An, Trùng Khánh, Quảng Uyên, Thạch An nhiều khi nhân viên giải quyết không kịp và đa số trường hợp cấp cứu đẻ khó đã biết mang lên Phòng hay Tỉnh”.
Chủ trương kế hoạch năm 1958 của Ty Y tế Cao Bằng đã xác định: “Tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, chống sốt rét, vệ sinh ba sạch và bảo vệ sản phụ hài nhi, chú ý các dân tộc rẻo cao” (Báo cáo số 13/BC/FB ngày 06/01/1959 của Ty Y tế Cao Bằng). Cho nên, trong năm 1958 mặc dù: “Nữ hộ sinh xã còn thiếu, đa số không hoạt động đều nên việc tuyên truyền cũng chưa rộng khắp”, “tuy có những khó khăn trên nhưng việc học tập tuyên truyền cũng đã thu được kết quả như có được 121 tổ và thành lập 239 tổ hộ sản. Có nơi nhân dân đã mời nữ hộ sinh đến đẻ. Các nữ hộ sinh đã cố gắng không ngại đêm hôm vất vả, hy sinh quyền lợi cá nhân của mình đi thăm thai, đỡ đẻ, tuyên truyền vệ sinh thai nghén, các nơi đã kịp thời phát hiện các trường hợp đẻ khó, tiền rau. Nhưng cũng có trường hợp hoãn báo hoặc báo quá chậm, con bị ngạt lâu nên chỉ cứu được người mẹ như Hà Quảng” (Báo cáo số 13/BC/FB ngày 06/01/1959).

Trong năm 1959: “công tác này đã gắn liền trong kế hoạch của đoàn thể phụ nữ nên việc thăm thai đỡ đẻ cũng được thường xuyên phổ biến rộng rãi trong cuộc họp phụ nữ tỉnh, huyện, xuống đến xã” và “Trong công tác tuyên truyền cũng nhiều khó khăn, các chị em đi học nói về chưa làm quen công tác dân vận nên rất bỡ ngỡ, một số hộ sinh sinh trẻ về xã lấy chồng, do đó việc tuyên truyền chưa được sâu rộng trong giới phụ nữ, nhất là ở những nơi rẻo cao hẻo lánh”, trong năm 1959 đã thành lập được 113 tổ trợ sản miền thấp, 55 tổ trợ sản miền cao, củng cố được 50 tổ trợ sản miền thấp và 36 tổ trợ sản miền cao (Báo cáo số 207/BC-FB ngày 30/12/1959 về công tác y tế năm 1959 của Ty Y tế Cao Bằng).

Về công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em từ năm 1958 – 1960, Ty Y tế Cao Bằng và Ủy ban Kế hoạch tỉnh Cao Bằng có nhận xét như sau:
+ “Về mặt bảo vệ bà mẹ và trẻ em trong 3 năm qua chúng ta cũng cố làm nhưng nhìn lại kết quả không được bao nhiều. Sở dĩ công tác nay kết quả không tốt vì cán bộ chúng ta chưa thông. Một số chị em hộ sinh còn ngại khó khăn, chữa khắc phục khó khăn để đi xuống cơ sở xã giúp đỡ các chị em ở xã hoạt động. Chúng ta chỉ mới đề ra kế hoạch chung chung, chưa cụ thể hóa để anh chị em ở xã có phương hướng công tác” (Báo cáo tổng kết công tác 3 năm ngày 25/3/1961 của Ty Y tế Cao Bằng).

+ “Đi đôi với công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh thì công tác bảo vệ sản phụ hài nhi cũng được chú ý. Chị em phụ nữ đã tương đối có ý thức bảo vệ thai sản. Cụ thể năm 1960 số phụ nữ đến khám thai là 1.936 người. Số người đẻ là 1.467. Trong đó đến đẻ ở bệnh viện, bệnh xá 860 người. Tỷ lệ trẻ sơ sinh chết năm 1960 là 4,02%, so với năm 1957 thì tỷ lệ trẻ sơ sinh chết đã giảm đi 70,06%. Công tác Bảo vể sản phụ hài nhi 3 năm qua, tuy hoạt động chưa rộng rãi lắm, công tác tuyên truyền còn yếu nhưng đã có nhiều ảnh hưởng tốt tới quần chúng nhân dân nhất là những trường hợp đẻ khó, mổ cứu được cả mẹ lẫn con làm cho nhân dân tin tưởng” (Báo cáo số 56/KNVX ngày 13/3/1961 của Ủy ban Kế hoạch tỉnh Cao Bằng tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch năm 1960 và 3 năm về phát triển sự nghiệp y tế).

Như vậy, trước năm 1960, công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em cho đồng bào các dân tộc trong Tỉnh tuy gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ và trở ngại nhưng bám sát phương châm, nguyên tắc “Công tác y tế phục vụ sản xuất, quốc phòng, các dân tộc ít người, phụ nữ, trẻ em”, y tế Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, thiếu thốn, trở ngại, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc bà mẹ trẻ em cho đồng bào các dân tộc trong Tỉnh và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả ban đầu tuy vẫn còn một số mặt hạn chế.

Cùng với công tác bảo bảo vệ bà mẹ và trẻ em, vấn đề dân số và sinh đẻ có kế hoạch (thời kỳ này còn gọi là sinh đẻ có hướng dẫn) đã được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và chú trọng ngay từ rất sớm; ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 216/CP về sinh đẻ có hướng dẫn, Quyết định số 216/CP nêu rõ: “Hiện nay việc sinh đẻ của nhân dân ta không được hướng dẫn một cách thích hợp, cho nên đã ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người mẹ, tới hạnh phúc và hòa thuận trong gia đình, đặc biệt là tới việc nuôi dạy con cái, tương lai của đất nước”, bởi vậy: “ vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp” và “Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp với giá rẻ, một cách dễ dàng và thuận lợi nhất cho những người cần dùng các phương tiện có liên quan đến việc sinh đẻ có hướng dẫn”. Khi này công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em luôn được gắn chặt với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Ngày 13/10/1963, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 99-TTg về hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch và công tác tổ chức và hoạt động của Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Nói về vấn đề này, Báo cáo tổng kết năm bảo vệ bà mẹ trẻ em năm 1964 của Trạm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em tỉnh Cao Bằng có ghi: “Năm 1961 ta bắt đầu chủ trương nghiên cứu vấn đề sinh đẻ có hướng dẫn, tuyên truyền vận động trong cán bộ công nhân viên. Cuối năm 1963 Phủ Thủ tướng ban hành Chỉ thị 99 về việc tổ chức Ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em. Ở Trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Trưởng Ban. Từ đó cuộc vận động được mở rộng ra khắp các vùng nông thôn đồng bằng. Tỉnh ta là một tỉnh miền núi cho nên từ năm 1963 mới bắt đầu vận động trong cán bộ công nhân viên ở Thị xã và Tĩnh Túc. Năm 1964, chúng ta bắt đầu tuyên truyền ở một số thị trấn. Qua các buổi nói chuyện, qua những lời ghi cảm tưởng trong các cuộc ghi triển lãm, rất nhiều đồng bào ở nông thôn đã nói lên sự thiết tha của mình đối với chủ trương đó, có người còn cho rằng chủ trương đó đến hơi muộn”.

2. Thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng
Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng cho biết, ngày 12/5/1964 Ủy ban hành chính tỉnh đã họp Ủy ban tiêu diệt sốt rét tỉnh và Ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh, cuộc họp do đồng chí Hoàng Đức Tôn – Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng chủ trì, dự họp có đại diện của các ngành là thành viên Ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh, đại diện Ty Y tế Cao Bằng dự họp là ông Lâm Văn Tín – Phó Trưởng ty Y tế và các ông: Chu Văn Khánh, Nguyễn Văn Nỉnh và Nguyễn Thế Cát (ông Nguyễn Thế Cát là bác sĩ sản), đây là cuộc họp cũng đã quyết định thành lập Trạm Sốt rét Cao Bằng).

Về công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, trong Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng có nội dung như sau:
“Sau khi nghiên cứu Chỉ thị số 99 TTg của Phủ Thủ tướng về công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, cuộc họp đã thông qua kế hoạch công tác này với một số nét chính như sau:

- Về công tác sinh đẻ có hướng dẫn.
Trong năm 1964 sẽ tiến hành công tác này ở Thị xã, Thị trấn Tĩnh Túc, ở các huyện lỵ và xã Vĩnh Quang, Hòa An. Cán bộ công nhân viên ở những nơi này sẽ giảm tỷ lệ sinh đẻ năm 1964 xuống 1/3 so với năm 1963 và giảm tỷ lệ phát triển dân số ở những vùng này xuốn 0,5%.

- Xây dựng Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở tỉnh để giúp Ban chỉ đạo phong trào chung.

- Tăng cường công tác bảo vệ thai sản ở nông thôn, ở xí nghiệp, cơ quan và công nông trường. Làm tốt công tác đăng ký quản lý thai nghén và đẩy mạnh tuyên truyền vệ sinh phụ nữ ở những nơi này.

Trong tháng 6/1964 sẽ mở hội nghị chuyên đề giữa Ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh với đại diện chính quyền, công đoàn các cơ quan chung quanh tỉnh, Thị xã và Mỏ thiếc Tĩnh Túc...cùng một số cán bộ y tế có quan hệ với công tác này”.

Việc Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng cho thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trong Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 rất quan trọng đối với ngành y tế và đối với công tác dân số Cao Bằng, đáp ứng yêu cầu cần phải có trạm chuyên khoa để kịp thời tham mưu, giúp Ty Y tế và Ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em và công tác sinh đẻ kế hoạch; đó cũng là triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Hội đồng Chính phủ trong năm 1964: “Đẩy mạnh công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ em, tổ chức các trạm nghiên cứu hướng dẫn công tác này mà nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền rộng rãi việc sinh đẻ có hướng dẫn” (Báo cáo của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch Nhà nước năm 1964 do Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa II ngày 30/01/1964 – Văn kiện Quốc hội toàn tập 1960 – 1964, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2007).

Mặt khác, thực hiện Chỉ thị số 99-TTg ngày 16/10/1963 của Phủ Thủ tướng về việc đẩy mạnh công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em và sinh đẻ có hướng dẫn và thông tư liên Bộ Y tế - Nội vụ số 04-LB-TT ngày 24/02/1964 hướng dẫn cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương, trước đó Bộ Y tế đã có Thông tư số 10-BYT-TT ngày 28/4/1964 hướng dẫn việc thành lập các trạm bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó trạm bảo vệ bà mẹ và trẻ em có nhiệm vụ giúp các Sở, Ty Y tế lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, sơ kết tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, tuyên truyền công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em và sinh đẻ có hướng dẫn; xây dựng và củng cố tổ chức các phòng, trạm hộ sinh và phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện để có những biện pháp cần thiết về tránh thai, điều trị sản, phụ, nhi khoa; cùng với cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch củng cố các nhà trẻ, hướng dẫn, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh cho các cháu... Thông tư số 10-BYT-TT cũng quy định “Trạm bảo vệ bà mẹ và trẻ em do một trạm trưởng phụ trách và có một trạm phó giúp việc. Trạm trưởng do Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở, Trưởng hoặc Phó ty Y tế phụ trách”.

Cũng như Trạm Sốt rét Cao Bằng và một số trạm chuyên khoa được thành lập vào thời gian này, mặc dù đã có cố gắng, nhưng cho đến nay Sở Y tế chưa tìm được quyết định cụ thể về việc thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng. Tuy nhiên, trên cơ sở Chỉ thị số 99-TTg ngày 16/10/1963 của Phủ Thủ tướng và Thông tư số 10-BYT-TT ngày 28/4/1964 của Bộ Y tế, với việc cho thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trong Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng thì trong khi chưa tìm được quyết định thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng, việc xác định Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng được thành lập vào tháng 6/1964 là phù hợp và có cơ sở vì việc thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em không chỉ thể hiện trên văn bản mà còn phải được thể hiện qua bộ máy và hoạt động của Trạm sau khi được thành lập. Các văn bản sau đã ghi nhận về tổ chức bộ máy và hoạt động của Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trong năm 1964.

- Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1964 của Ty Y tế Cao Bằng: “6 tháng đầu năm Ty đã thành lập Trạm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em theo Thông tư số 99-TTg, biên chế của Trạm gồm có 01 bác sĩ, 01 y sĩ sản và 01 nữ hộ sinh. Đến quý 3 được Bộ tăng cường thêm 03 y sĩ chuyên khoa Bảo vệ bà mẹ trẻ em, tới nay con số gồm 4 y sĩ và 01 bác sĩ. Là một công tác mới mẻ, cán bộ chưa quen việc, tuy vậy đã đạt được một số kết quả đầu”, về tuyên tuyền đã “Tổ chức triển lãm và nói chuyện sinh đẻ có hướng dẫn ở Ty Thương nghiệp, triển lãm ở Hòa An với số lượng 2.600 lượt người xem, triển lãm ở Trùng Khánh”, “Trạm đã cho in và phát hành quyển: “Muốn thụ thai và tránh thụ thai”, loại sách bỏ túi cho cán bộ và công nhân viên. Ngoài ra còn viết bài tuyên truyền về vệ sinh phụ nữ, chửa đẻ có hướng dẫn trên đài phát thanh và báo địa phương”.

- Báo cáo số 168/YT/BC ngày 23/11/1964 thực hiện kế hoạch năm 1964 của ngành y tế Cao Bằng tỉnh Cao Bằng do Bác sĩ Đoàn Ngưỡng – Trương ty Y tế ký: “Đầu năm Ty đã thành lập Trạm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em theo Thông tư số 99-TTg. Biên chế của Trạm có 01 bác sĩ, 04 y sĩ, có phân công cụ thể cho từng người như bảo vệ bà mẹ trẻ em, tuyên truyền vệ sinh phụ nữ, đăng ký quản lý thai nghén, công tác nhà trẻ và sinh đẻ hướng dẫn”.

- Báo cáo tổng kết năm bảo vệ bà mẹ trẻ em năm 1964 của Ban Bảo vệ Bà mẹ trẻ em tỉnh Cao Bằng: “Từ tháng 8 – 1964, Ủy ban hành chính tỉnh quyết đinh thành lập Trạm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em. Hiện nay Trạm gồm 01 bác sĩ và 05 y sĩ. Nhờ có Trạm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em mà công tác tuyên truyền vận động và phổ biến chủ trương sinh đẻ có hướng dẫn được tăng cường. Trạm đã soạn và kết hợp với Hội phổ biến khoa học kỹ thuật cho phát hành cuốn “Muốn thụ thai và tránh thụ thai”, lịch sinh đẻ có hướng dẫn. làm sách bỏ túi cho cán bộ công nhân viên tìm hiểu vấn để này. Trạm đã tổ chức hàng chục lần nói chuyện và triển lãm thu hút hàng vạn người nghe và xem. Trạm bước đẫu tổ chức và theo dõi mọi mặt công tác về bảo vệ sức khỏe của người mẹ và trẻ em hệ thống hơn”.

Tuy thời điểm thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng trong năm 1964 trong Báo cáo tổng kết năm bảo vệ bà mẹ trẻ em năm 1964 của Ban Bảo vệ Bà mẹ trẻ em tỉnh Cao Bằng (ghi có quyết định thành lập tháng 8/1964) khác với Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 1964 và Báo cáo số 168/YT/BC ngày 23/11/1964 của Ty Y tế Cao Bằng (ghi thành lập 6 tháng đầu năm 1964), nhưng như đã nói ở trên, khi chưa tìm được quyết định thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng thì căn cứ vào Biên bản số 53/VG ngày 12/6/1964 của Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng để xác định thời điểm ra đời của Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng là có cơ sở và phù hợp hơn cả.

Còn về Trạm trưởng Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Cao Bằng đầu tiên là y sĩ Lâm Tín – Phó Trưởng ty Y tế vì:

- Báo cáo tổng kết năm bảo vệ bà mẹ trẻ em năm 1965 của Trạm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em tỉnh Cao Bằng có chữ ký của y sĩ Lâm Tín – Phó Trưởng ty Y tế và con dấu của Ty Y tế.

- Báo cáo tổng kết kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ngày 08/02/1966 Ty Y tế Cao Bằng cho biết: “Hiện nay Ty Y tế Cao Bằng chỉ có đồng chí Quyền Trưởng ty (cán bộ chính trị) và 01 đồng chí Phó ty (chuyên môn) nhưng đồng chí Phó ty đang chuẩn bị đi học chuyên tu bác sĩ”.

- Báo cáo tổng kết năm bảo vệ bà mẹ trẻ em năm 1967 (do bác sĩ Đỗ Quang Tạc – Phó Trưởng Ty Y tế ký ngày 20/10/1967 (bác sĩ Đỗ Quang Tạc được bổ nhiệm Phó Trưởng Ty Y tế Cao Bằng tháng 9/1966) có ghi: “Ngoài đồng chí Phó ty kiêm Trạm trưởng đang đi học gần 02 năm nay, Trạm không có Trạm phó, không có Phụ trách Trạm, không có cán bộ chính trị” (đây là thời điểm y sĩ Lâm Tín – Phó Trưởng ty Y tế đang đi học bác sĩ).

- Thông tư số 10-BYT-TT ngày 28/4/1964 của Bộ Y tế quy định Trạm trưởng bảo vệ bà mẹ và trẻ em do Trưởng hoặc Phó ty Y tế phụ trách.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang