Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bác sĩ Nguyễn Trọng Lê - Người bác sĩ Cao Bằng đầu tiên được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú
Lượt xem: 4100
Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên, khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực y tế, ngày 06/02/1985 Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 39-HĐBT lấy ngày 27 tháng 2 hàng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam; sau đó, ngày 30/5/1985, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các thầy thuốc, đó là danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Thầy thuốc Ưu tú; Pháp lệnh nêu rõ: danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú được công bố vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2; thi hành Pháp lệnh ngày 30/5/1985 của Hội đồng Nhà nước, ngày 09/1/1987, Hội đồng Bộ trưởng đã có Nghị định số 05-HĐBT quy định các danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các thầy thuốc, sau đó ngày 07/4/1987, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14-BYT/TT hướng dẫn đối tượng, tiêu chuẩn và quy trình xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Thầy thuốc Ưu tú.
Trong số các Thầy thuốc Ưu tú vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng lần đầu tiên vào năm 1989, đối với tỉnh Cao Bằng có một người, đó là bác sĩ Nguyễn Trọng Lê, khi đó ông đang giữ cương vị Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng. Chuẩn bị đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2019, Sở Y tế Cao Bằng có bài viết nhớ về Ông, Người bác sĩ Cao Bằng đầu tiên được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Cao Bằng; nguyên Giám đốc Bệnh viện tỉnh Cao Bằng (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng) sinh ngày 17 tháng 11 năm 1936 tại Hoàng Tung, Hòa An; vùng đất giàu truyền thống cách mạng và hiếu học của tỉnh Cao Bằng. Với hoài bão được cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, sau khi học xong phổ thông, người thanh niên Nguyễn Trọng Lê đã vào học tại Trường Đại học y Hà Nội khi này mới được chuyển từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội sau thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng. Tháng 12/1963, tốt nghiệp Trường Đại học y Hà Nội, bác sĩ tân khoa Nguyễn Trọng Lê trở về Cao Bằng và nhận công tác tại Bệnh viện huyện Hòa An làm bác sĩ điều trị, đến tháng 6/1964 chuyển đến nhận công tác tại Bệnh viện huyện Bảo Lạc, nơi khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng; tháng 5/1966 chuyển từ Bệnh viện Bảo Lạc ra công tác tại Khoa ngoại Bệnh viện tỉnh Cao Bằng làm bác sĩ điều trị, sau đó được cử phụ trách Khoa Ngoại rồi Phòng Y vụ Bệnh viện tỉnh Cao Bằng; ngày 13/12/1972, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; tháng 4/1973 được bổ nhiệm làm Bệnh viện phó Bệnh viện tỉnh Cao Bằng; tháng 4/1974 được bổ nhiệm làm Bệnh viện trưởng Bệnh viện tỉnh Cao Bằng; tháng 01/1976 tỉnh Cao Bằng hợp nhất với tỉnh Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng, khi này Bệnh viện tỉnh Cao Bằng chuyển thành Bệnh viện Bắc Cao Lạng, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê tiếp tục được cử làm Bệnh viện trưởng Bệnh viện Bắc Cao Lạng. Tháng 01/1979, tỉnh Cao Bằng được tái lập trở lại, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê được cử làm Bệnh viện trưởng Bệnh viện tỉnh Cao Bằng; tháng 10/1979 đến tháng 10/1982, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê đi thực tập sinh tại Bungari; tháng 11/1982 trở lại công tác tại Bệnh viện tỉnh Cao Bằng và tiếp tục giữ cương vị Bệnh viện trưởng; tháng 3/1983 được Tỉnh Ủy- UBND tỉnh và Bộ Y tế bổ nhiệm Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng. Tháng 12/1983, Đảng ủy Sở Y tế Cao Bằng được thành lập, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê được chỉ định làm Phó Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Cao Bằng.
Là một trong những thế hệ bác sĩ đầu tiên con em của đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, trong suốt 30 công tác trong ngành y tế, từ người bác sĩ làm chuyên môn đến khi trở thành người lãnh đạo bệnh viện rồi người lãnh đạo Sở Y tế, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê luôn luôn đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lòng, hết mình cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân mà trực tiếp là đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Cháy bỏng với hoài bão được cống hiến cho sự nghiệp y tế; lựa chọn ngành y để được phục vụ nhân dân, suốt quá trình công tác ngay cho đến khi nghỉ hưu, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê luôn luôn giữ gìn, nêu cao phẩm chất đạo đức, tư cách cao quý của người thầy thuốc, người đảng viên; dù ở bất cứ vị trí nào, khi làm người bác sĩ điều trị cũng như trở thành người lãnh đạo quản lý của ngành y tế Cao Bằng, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê luôn luôn hết mình, tận tâm với công việc, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của ngành y tế Cao Bằng; trong những năm đầu khi mới nghỉ hưu, điều kiện sức khỏe cho phép, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê vẫn tiếp tục đem kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình để phục vụ nhân dân thông qua việc tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời hết sức có trách nhiệm, tâm huyết khi được Sở Y tế đề nghị tham gia góp ý, đóng góp để xây dựng ngành.

Bs Nguyễn Trọng Lê – Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng (người nồi giữa) và Bs Nguyễn Vũ Bá – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng (người ngồi bên trái) trong buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Liên xô đến thăm và kiểm tra việc hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Liên xô cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng (ảnh tư liệu của Sở Y tế Cao Bằng)
30 năm công tác, phục vụ trong ngành y tế Cao Bằng, trưởng thành từ người bác sĩ làm công tác điều trị trong những năm tháng cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn, gian khổ đến khi trở thành người lãnh đạo ngành y tế Cao Bằng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trên cương vị đứng đầu ngành y tế Cao Bằng đúng vào những năm 80 và đầu 90 của thế kỷ XX khi đất nước gặp rất khó khăn về kinh tế do bị bao vây cấm vận và mới bước vào thời kỳ đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội chưa thoát khỏi khủng khoảng, tác động mãnh mẽ đến hoạt động của hệ thống y tế, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương đảng khoá VII ngày 14/1/1993 đã nhận định: “Những năm gần đây, ngành y tế có nhiều biểu hiện xuống cấp, có mặt khá nghiêm trọng. Công tác vệ sinh phòng bệnh kém, chưa quan tâm đầy đủ các hoạt động mang tính quần chúng. Y tế cơ sở suy yếu. Nhiều bệnh viện xuống cấp cả về cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, điều trị và tinh thần phục vụ. Một số chủ trương như thu viện phí, cho các cơ sở y tế nhà nước khám chữa bệnh ngoài giờ... tuy có giải quyết được một phần khó khăn, nhưng lại làm nảy sinh những vấn đề mới, những tiêu cực. Việc thu viện phí còn tuỳ tiện, gây nhiều khó khăn, phiền hà cho nhân dân, nhất là cho những bệnh nhân nghèo”.
Trên cương vị là người đứng đầu ngành y tế Cao Bằng lúc bấy giờ, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê đã thể hiện và đề cao phẩm chất, đạo đức, tư cách, ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc – đảng viên, vừa thực sự “lương y như từ mẫu”, hết lòng, hết sức vì công việc, tập hợp đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tận tâm cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; tích cực, chủ động cùng tập thể lãnh đạo Sở Y tế Cao Bằng tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy- HĐND- UBND tỉnh và Bộ Y tế để xây dựng, củng cố, phát triển ngành y tế tỉnh Cao Bằng; trong đó nổi bật là việc tập trung củng cố mạng lưới y tế cơ sở, chống xã trắng về y tế, thành lập trung tâm y tế huyện trên cơ sở hợp nhất bệnh viện huyện, phòng y tế, đội y tế dự phòng, đội phòng chống sốt rét, đưa y tế tuyến huyện quản lý theo ngành dọc nhằm phát huy tối đa sức mạnh của ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương...30 năm phục vụ cho ngành y tế, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân, cho công tác xây dựng, củng cố và phát triển ngành y tế Cao Bằng; bác sĩ Nguyễn Trọng Lê được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý; là người thầy thuốc đầu tiên của tỉnh Cao Bằng vinh dự được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú vào năm 1989. Tháng 11/1994, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê được nghỉ hưu theo chế độ. Khi bàn giao công tác, bác sĩ Nguyễn Trọng Lê vẫn hết sức tâm huyết, mong mỏi, trăn trở với ngành, với nghề, với sự nghiệp y tế tỉnh Cao Bằng, trong Biên bản bàn giao chức vụ Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng ngày 14/11/1994, Ông viết: “Tôi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao giữ chức Giám đốc Sở từ tháng 3/1983 với cơ chế quản lý theo lãnh thổ cho nên có rất nhiều khó khăn trong cách chỉ đạo và điều hành. Dù sao nhìn lại trong 10 năm qua Ban lãnh đạo đã cùng nhau đưa sự nghiệp ngành y tế ngày càng phát triển, đáp ứng với nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Căn cứ vào thông báo của Tỉnh ủy và quyết định của UBDN tỉnh cho tôi được nghỉ công tác để về hưu. Tôi làm văn bản này để bàn giao cho bác sĩ Nguyễn Đình Cương mới đề bạt Giám đốc Sở để tiếp tục điều hành đưa sự nghiệp y tế của Tỉnh ngày càng đi lên”. Do tuổi cao, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Trọng Lê đã mất 17/12/2015.

Trích Biên bản bàn giao chức vụ Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng ngày 14/11/1994 của Bs Nguyễn Trọng Lê
(tài liệu lưu trữ của Sở Y tế Cao Bằng)


Những tâm huyết, mong mỏi của Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Trọng Lê đối với ngành, với nghề, với sự nghiệp y tế tỉnh Cao Bằng cũng là nỗi trăn trở của các thế hệ người làm công tác y tế tỉnh Cao Bằng hôm nay đang tiếp tục sự nghiệp của Ông, nhất là trong giai đoạn tất cả ngành y tế Cao Bằng đang nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, tập trung trí tuệ, tăng cường đoàn kết, quyết tâm tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tácbảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới và Đề án số 12-ĐA/TU ngày 08/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang