Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
HÒA AN ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO TOÀN DÂN THAM GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TRONG CỘNG ĐỒNG
Lượt xem: 1601
Thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS, những năm qua mặt trận tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể huyện Hòa An đã tích cực trong các hoạt động truyền thông, hỗ trợ giúp đỡ người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Cả 2 vợ chồng anh Nông V. H và chị Vũ T.H đều bị nhiễm HIV từ đầu những năm 2000, không có việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Thời điểm đó, sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV còn nặng nề, chưa biết rõ HIV là thế nào nên khi biết vợ chồng chị bị nhiễm bệnh cả gia đình, xóm phố ai cũng xa lánh. Chị H tâm sự: Khi đó sốc lắm, nghĩ mình đã mất tất cả nên nhiều lần muốn quên sinh. Năm 2007, Dự án "Tăng cường năng lực về chăm sóc sức khỏe phòng chống HIV/AIDS và xóa đói giảm nghèo cho người dân" (CEPHAD) được triển khai tại thị trấn, vợ chồng chị được cộng tác viên (CTV) của chương trình tư vấn, giúp đỡ, anh chị đã lấy lại tinh thần, biết cách chăm sóc sức khỏe. Anh chị tham gia Câu lạc bộ (CLB) "Vì sức khỏe và hạnh phúc của bạn". Đều đặn hằng tuần, CLB là nơi sinh hoạt, gặp gỡ và sẻ chia của những người cùng hoàn cảnh như anh, chị. Bây giờ, chị cùng những người bạn trong CLB lại tiếp tục các hoạt động giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Ngoài ra, anh chị còn tích cực tham gia tuyên truyền, phát tờ rơi đến các thành viên và người dân để góp phần ngăn chặn sự lây lan của HIV ở địa phương. Anh H cho biết: cũng nhờ sự tuyên truyền của câu lạc bộ mà mọi người hiểu về căn bệnh, từ đó không còn e ngại mà động viên sự chúng tôi. Được hỗ trợ từ dự án CEPHAD, vợ chồng tôi sử dụng để nuôi lợn nái, thêm nghề may nên có nguồn thu nhập. 2 năm nay, chúng tôi mở hàng cháo nên cũng có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chị Hoàng T. L ở xóm Khau Lừa, xã Bế Triều bị lây nhiễm HIV từ người chồng. Năm 2009, sau khi chồng mất cũng là thời điểm chị biết mình mang trong người HIV. Bàng hoàng, mất phương hướng, thương 2 con nhỏ dại nên chị suy sụp, sức khỏe giảm sút nhanh. Nhưng được người thân, hàng xóm kịp thời động viên nên chị đã lấy lại tinh thần. Đến nay, đã 5 năm trôi qua, chị sử dụng thuốc ARV đều đặn theo chỉ dẫn của bác sỹ, biết cách chăm sóc bản thân nên sức khỏe vẫn ổn định. Ngày ngày, chị vẫn làm lụng trên đồng ruộng để nuôi 2 con ăn học. Đến nay, 1 người con của chị đã đi làm công nhân, còn con út đang học phổ thông.
Vợ chồng anh H, chị L chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp đón nhận được sự giúp đỡ từ các chương trình phòng chống HIV/AIDS đang triển khai trên địa bàn huyện trong những năm gần đây.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, tại Hòa An đã triển khai các dự án (DA) phòng chống HIV/AIDS: DA Life – gap, DA Quỹ toàn cầu HIV/AIDS, DA do ngân hàng thế giới WB tài trợ. Huyện đặc biệt chú trọng tới việc phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, đã tạo được sự đồng thuận trong phong trào toàn dân phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư. Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị HIV mở rộng, lồng ghép hiệu quả chương trình phòng chống HIV. Đội ngũ Cộng tác viên cơ sở, y tế thôn bản, giáo dục viên đồng đẳng (GDVĐĐ) được xây dựng, củng cố. Hiện nay, 21 xã, thị trấn đều thành lập Ban chỉ đạo, nhóm nòng cốt tại các tổ dân phố trong thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS". Trong đó lựa chọn 2 điểm thực hiện là Thị trấn và xã Bế Triều.
Chị Nông Thị Bích Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo phong trào tại Thị trấn Nước Hai cho biết: hiện nay thị trấn có 19 người nhiễm HIV/AIDS, chưa phát hiện trường hợp nhiễm mới. Trong năm, thị trấn đã tổ chức 15 buổi tuyên truyền ở tổ dân phố cho trên 200 lượt người, có 870/957 hộ gia đình ký cam kết tham gia phòng chống HIV/AIDS. Ngoài ra, mặt trận, các tổ chức hội phụ nữ, hội nông dân, cựu chiến bình và đoàn thanh niên các khu dân cư thường xuyên lồng ghép tuyên truyền phòng chống HIV vào các buổi họp.
Còn tại xã Bế Triều công tác phòng chống HIV được đẩy mạnh. Xã đã tổ chức 19 cuộc tuyên truyền tại 21 xóm cho trên 800 lượt người. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ "Tư vấn pháp luật và phòng chống ma túy", các chương trình do hội liên hiệp phụ nữ chọn làm điểm "xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", "Phụ nữ hộ khá giúp hộ nghèo", "tổ hợp tác nuôi lợn nái"… đã góp phần tích cực trong xây dựng nếp sống lành mạnh, phòng chống ma túy và HIV ở cơ sở; tuyên truyềncho các đối tượng có nguy cơ cao thay đổi hành vi; đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Đến nay, tại xã có 4 t/h nhiễm AIDS, còn 7 t/h nhiễm HIV đều được điều trị ARV.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Hòa An, tính đến nay trên địa bàn có 225 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó 105 người đã tử vong. Năm 2013, phát hiện mới 4 trường hợp Hiện tại 120 trường hợp: 64 người nhiễm HIV, 54 người nhiễm AIDS, trong đó 51 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Trung tâm y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn đã cấp phát trên 9.900 bơm kim tiêm sạch, phát trên 4.000 bao cao su, thu về trên 9.200 bơm kim tiêm bẩn, tiến hành lấy máu giám sát trọng điểm 40 đối tượng nghiện chích ma túy (NCMT). Trong năm, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức 2 đợt tập huấn công tác phòng chống HIV/AIDS (kỹ năng truyền thông, tiếp cận người có hành vi nguy cơ cao, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ tại nhà cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS )cho đại diện các ban, ngành, cán bộ trạm y tế 21 xã, CTV y tế thôn bản; tổ chức cổ động truyền thông cho 900 lượt người.
Qua các hoạt động truyền thông, giám sát cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV chủ yếu tập trung trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy NCMT, mại dâm, dân di biến động… Những người lầm lỡ dẫn tới nhiễm bệnh, nhiều phụ nữ bị lây nhiễm từ chồng, phần lớn không có việc làm thu nhập ổn định, cuộc sống rất khó khăn. Họ đều có khát khao sống mãnh liệt, muốn sống có ích cho gia đình, mọi người. Họ cần được giúp đỡ nhiều mặt, nhất là dạy nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Có thể khẳng định, với sự hoạt động thiết thực của đội ngũ các nhóm nòng côt, tuyên truyền viên, cộng tác viên, giáo dục viên đồng đẳng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi đã góp phần quan trọng vào công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Trước năm 2006, 100% đối tượng nghiện chích ma túy không được cấp phát bơm kim tiêm sạch, các đối tượng nhiễm HIV bị kỳ thị, xã lánh nên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS. Dẫn tới tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng cao. Nhưng từ năm 2006 đến nay, tử vong do AIDS trên địa bàn đã giảm xuống còn từ 3 - 5 người/năm.
Để nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS, huyện Hòa An cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối kết hợp của các cấp ủy, chính quyền và tổ chức hội, đặc biệt là các Ban chỉ đạo, nhóm nòng cốt ở khu dân cư. Hướng tới thực hiện mục tiêu: toàn dân hòa nhập cộng đồng không phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV xuống dưới 0,3%, tăng tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 – 49 có hiểu biết đầy đủ về HIV đạt 80% vào năm 2020.

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang