Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng ôxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Mỗi người dân cần kiểm tra sức khoẻ định kỳ
để tầm soát các yếu tố nguy cơ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng
tránh đột quỵ hiệu quả
Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào
não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể,
thậm chí gây tử vong. Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập
tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh
hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu
hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các
di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn
cảm xúc, thị giác suy giảm...
Nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào và làm
ngành nghề gì, thường xuất hiện ở người cao tuổi, nhưng hiện nay có xu hướng
trẻ hóa.
Theo các chuyên gia y tế, phòng ngừa và điều trị phòng ngừa đột quỵ là quan
trọng nhất, vì khi đột quỵ xảy ra, chỉ từ vài ba phút não thiếu oxy không hồi
phục sẽ dẫn đến tử vong.
Nếu không may bị đột quỵ, người bệnh cần nhanh chóng được sơ cứu ban đầu và
được đưa đến bệnh viện gần nhất trong thời gian sớm nhất.
Có 2 loại đột
quỵ là đột quỵ do thiếu máu chục bộ và đột quỵ do xuất huyết. Trong đó đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng
85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục
máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não. Đột quỵ do
xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất
huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc
xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
Ngoài ra,
người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột
quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những
triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo
dài khoảng vài phút. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất
cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý.
Nguyên nhân gây đột quỵ
Có rất nhiều
yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, bao gồm các yếu tố không thể thay đổi và
các yếu tố bệnh lý.
Các yếu tố không thể thay đổi bao gồm:
- Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy
nhiên, người cao tuổi có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55,
cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ
giới
- Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình từng
bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc đột quỵ cao
gần gấp đôi so với người da trắng.
Các yếu tố bệnh lý gồm:
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến
thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, tăng huyết áp
còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông
máu lên não. Tăng huyết áp làm tăng gấp 2 - 4 lần nguy cơ độ quỵ. Những người
có huyết áp ở mức 140/90 hoặc cao hơn cần được điều trị sớm và hiệu quả để giảm
thiểu nguy cơ đột quỵ.
- Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao
bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài
khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
- Đái tháo đường: Các vấn đề liên quan đến đái tháo đường có
khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch có khả năng
bị đột quỵ cao hơn người bình thường. Khoảng 25% số các ca đột quỵ ở
người cao tuổi xuất phát từ các bệnh lý tim mạch.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ
do tắc mạch máu. Hút thuốc có thể làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá
trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Hút
thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Mỡ máu: Khi lượng
cholesterol trong máu cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật
cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
- Thừa cân, béo phì: Những người thừa cân, béo phì
cũng là đối tượng rất dễ bị đột quỵ. Do tình trạng này thường liên
quan đến sự tích tụ chất béo trong cơ thể, tăng hình thành các mảng bám ở thành
động mạch, gây xơ vữa mạch máu.
Các triệu chứng của bệnh đột quỵ
Đột quỵ xảy
ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não bị thiếu ôxy,
không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu
chứng như: tê hoặc yếu
cơ thường xảy ra ở một bên cơ thể; Thay đổi thị lực, giảm hoặc mất
khả năng nhìn ở một hoặc cả hai mắt; Xuất hiện cảm
giác khó nuốt; Đau nhức đầu một cách nghiêm
trọng mà không rõ nguyên nhân; Cảm thấy chóng mặt, khó cử
động, đi lại khó khăn; Thay đổi giọng nói, bệnh nhân
có thể nói ngọng, khó nói, tê cứng lưỡi; Rối loạn về trí nhớ.
Gần đây các
chuyên gia y tế, y bác sĩ nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc
"FAST":
Liệt mặt
(Face): Mặt bị mất cân đối, một bên miệng bị méo
Yếu, liệt tay
(Arm) hoặc chân: Arm: Khó cử động tay, khi được yêu cầu giơ cả hai tay lên, bệnh
nhân không làm được hoặc giơ được tay lên nhưng không giữ được lâu.
Rối loạn ngôn
ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ
... như bình thường trước đó.
Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu
chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để
thông báo với nhân viên y tế.
Các triệu
chứng báo hiệu đột quỵ thường không kéo dài vì thế khi phát hiện bất kể một
biểu hiện bất thường nào của người bệnh thì không nên chủ quan, mà hãy thực
hiện việc cấp cứu kịp thời.
Di chứng nguy hiểm của các cơn đột quỵ
Nếu như không
được cấp cứu kịp thời, đột quỵ có thể để lại nhiều di chứng liên quan đến các
cơ quan, hệ cơ quan khác nhau trên cơ thể người bệnh như:Tàn tật vĩnh viễn hoặc
tạm thời, mức độ phụ thuộc vào khoảng thời gian mà não bị thiếu máu cục bộ và
các bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng do tế bào não bị tổn thương; Bị tê liệt,
mất khả năng vận động một số cơ hoặc một số bộ phận; Mất khả năng
giao tiếp, ngôn ngữ và cử động của miệng, gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt; Suy giảm trí
nhớ, nhận thức, khả năng suy nghĩ, khó khăn khi diễn đạt bằng lời; Ảnh hưởng đến
tâm lý, người đã từng trải qua cơn tai biến sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm
soát cảm xúc, dễ thu mình và có thể bị trầm cảm.
Cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
Khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ, người dân nhanh chóng gọi xe cấp cứu để
đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian chờ xe cấp cứu, đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên trên
nền phẳng, nới lỏng quần áo, kéo lưỡi bệnh nhân để tránh tụt lưỡi ra sau gây
tắc nghẽn đường thở. Tuyệt đối không cho bệnh nhân uống nước hay dùng thuốc,
không áp dụng các phương pháp dân gian như cạo gió, chích 10 đầu ngón tay, vắt
chanh vào miệng...
Nếu bệnh nhân
bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm
nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa,
cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường
hô hấp.
Nếu thấy bệnh nhân đột ngột hôn mê, sờ mạch cảnh, hoặc mạch bẹn không thấy
đập thì phải ép tim ngoài lồng ngực ngay.
Việc sơ cứu ban đầu thành công sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của
một ca cấp cứu, do vậy việc cấp cứu ngoài cộng đồng là rất cần thiết và cần
được coi như kỹ năng sống của mỗi người.
Cách
phòng ngừa đột quỵ
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp
lý: Nguyên nhân gây đột quỵ đến nhiều từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường,
mỡ máu... Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh
lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu
quả.
Tăng cường tập thể dục: Tập thể dục
giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe
mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ
mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
Giữ huyết áp ổn định: Kiểm soát
huyết áp bằng cách hạn chế muối và thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao như đồ
ăn được chế biến sẵn. Bổ sung các thực phẩm giàu kali, omega-3 hỗ trợ giảm nguy
cơ đột quỵ. Những người có tiền sử cao huyết áp cần dùng thuốc giảm huyết áp
dúng theo chỉ định.
Không hút
thuốc lá: Thuốc lá là
một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho
sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ
2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.
Để hạn chế
nguy cơ mắc đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người dân cần kiểm tra sức
khoẻ định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ và chủ động
can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Những người
mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định
kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.
Mai Hoa