Mùa hè đến cũng là thời điểm dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát. Thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn – tác nhân truyền bệnh phát triển nhanh chóng. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết từ sớm.
Phun thuốc diệt muỗi là một trong những biện pháp kiểm soát sự lây lan của sốt xuất huyết. Ảnh: Trung Thủy
Theo báo cáo từ Cục Phòng
bệnh (Bộ Y tế), chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4, cả nước ghi nhận hơn 4.000 ca mắc
sốt xuất huyết, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng lo ngại, phần lớn bệnh
nhân là trẻ em dưới 15 tuổi và người cao tuổi, những đối tượng có sức đề kháng
yếu, dễ gặp biến chứng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết sớm
sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh
truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người có sức đề kháng
yếu. Người dân cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết bao
gồm:
- Sốt cao đột ngột, liên tục (39
- 40°C)
- Đau đầu dữ dội, đau sau hốc mắt
- Đau cơ, đau khớp
- Phát ban, xuất huyết dưới da
(dấu hiệu chấm đỏ không mất đi khi ấn tay vào)
- Buồn nôn, mệt mỏi
Trong trường hợp thấy các
biểu hiện trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn
đoán và theo dõi, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt như:
aspirin hoặc ibuprofen, vì có thể làm tình trạng xuất huyết nặng hơn.
Chủ động phòng chống
bằng 4 "Không", 2 "Diệt"
Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo
người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo sau:
- Không có lăng quăng, không có
muỗi.
- Không để nước tù đọng trong các
vật dụng như: lu, chậu, vỏ lon, lốp xe cũ.
- Không ngủ không màn, kể cả ban ngày.
- Không chủ quan khi có dấu hiệu
sốt.
- Diệt muỗi trưởng thành bằng
bình xịt, nhang muỗi, vợt điện.
- Diệt lăng quăng/bọ gậy bằng
cách thay nước thường xuyên, thả cá bảy màu, vệ sinh bể chứa nước.
Ngoài ra, chính quyền địa phương và các hộ gia
đình cần phối hợp tổng vệ sinh môi trường định kỳ hằng tuần, phát động chiến
dịch “Diệt muỗi - Diệt lăng quăng” trong cộng đồng.
Sử dụng các biện pháp chống muỗi
Để tránh bị muỗi đốt, người dân nên mặc quần áo
dài tay, thoa kem chống muỗi hoặc thuốc xịt muỗi, đặc biệt là vào sáng sớm và
chiều tối - thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Ngoài ra, ngủ trong màn dù là
ban ngày hay ban đêm cũng là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ bản thân và gia
đình khỏi các vết muỗi đốt nguy hiểm.
Phun thuốc diệt muỗi là một trong những biện
pháp kiểm soát sự lây lan của sốt xuất huyết. Cần tiến hành phun thuốc diệt
muỗi định kỳ, đặc biệt trong những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao. Các
hộ gia đình có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các dịch vụ y tế hoặc phun thuốc tự
động theo khuyến cáo. Biện pháp này giúp tiêu diệt muỗi trưởng thành trong
không khí và giảm thiểu nguồn lây lan của bệnh.
Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh
Hiện nay, sốt xuất huyết đã có vắc xin phòng
ngừa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm do vi rút
Dengue gây ra như: suy tạng, xuất huyết não, tử vong… Vắc xin sốt xuất huyết
Qdenga (Takeda) có thể bảo vệ hiệu quả trước cả 4 chủng vi rút Dengue gồm
DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 với khả năng phòng bệnh đạt trên 80% và giảm nguy
cơ bệnh trở nặng, phải nhập viện đến 90%.
Vắc xin sốt xuất huyết được khuyến cáo tiêm cho trẻ em từ 4 tuổi,
thanh thiếu niên, người trưởng thành và người cao tuổi nhằm phòng ngừa bệnh và
ngăn chặn nguy cơ tái nhiễm ở những người đã từng mắc. Việc tiêm không đòi hỏi
xét nghiệm sàng lọc trước đó. Đối với những ai đã trải qua sốt xuất huyết,
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ khuyến nghị nên chờ ít
nhất 6 tháng sau lần mắc bệnh để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Để phòng, chống sốt xuất huyết mỗi người dân cần
nâng cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh để bảo vệ sức khỏe cho
bản thân, gia đình và cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ, mỗi giọt nước không đọng
lại là một bước ngăn chặn muỗi sinh sản và dịch bệnh lây lan.
Quốc Cường (St)