Xây dựng những thói quen tốt để trẻ em có một hệ miễn dịch khỏe mạnh là nền tảng quan trọng tạo đà cho sự tăng trưởng, phát triển vượt trội về thể chất và tinh thần của trẻ. Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch còn non yếu nên rất dễ bị mầm bệnh tấn công. Vì thế, tăng cường miễn dịch cho trẻ chính là tạo tiền đề sức khỏe tốt nhất để trẻ phát triển khỏe mạnh. Đây là một quá trình lâu dài, bền bỉ, tốn nhiều công sức và thời gian.
Tư vấn, hướng dẫn bậc phụ huynh các biện pháp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Quá trình tiếp xúc của
trẻ với xã hội chính là lúc hệ miễn dịch chủ động hình thành. Tuy nhiên, hệ miễn
dịch của trẻ nhỏ còn yếu và đang trong quá trình hoàn thiện. Vì thế, trẻ dễ bị
tác nhân gây bệnh tấn công, nhất là giai đoạn 6 tháng - 3 tuổi khi hệ miễn dịch
chủ động của trẻ chưa hoàn thiện, không đáp ứng đầy đủ kháng thể sản sinh để chống
lại mầm bệnh như hệ miễn dịch của người trưởng thành.
Vậy
cha mẹ có thể chủ động cải thiện miễn dịch tại nhà cho con bằng những cách nào,
vấn đề này sẽ được chia sẻ trong nội dung dưới đây.
Bú sữa mẹ
Một phương pháp hiệu
quả, an toàn, tiết kiệm giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ chính là bú sữa mẹ.
Nguồn kháng thể, tế bào bạch cầu được cung cấp từ sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ tránh
một số bệnh nhiễm trùng. Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng giúp phát triển trí não của
trẻ một cách toàn diện, chống một số bệnh không lây nhiễm khi trẻ lớn lên.
Sau khi trẻ chào đời,
ngoài kháng thể được truyền từ mẹ trong giai đoạn bào thai, miễn dịch của trẻ
tiếp tục hình thành từ kháng thể nhận được từ sữa mẹ. Đây chính là nguồn miễn dịch
thụ động nhưng sẽ nhanh chóng giảm sau 6 tháng. Sữa non của mẹ là loại sữa màu
vàng loãng tiết ra trong những ngày đầu sau sinh chứa rất nhiều kháng thể có
giá trị. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới, Bộ
Y tế Việt Nam khuyến khích các bà mẹ cho con bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh,
bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến khi trẻ 24 tháng tuổi.
Bổ sung đầy đủ dinh
dưỡng
Trẻ em phát triển bởi
nhiều hợp chất dinh dưỡng cùng kết hợp với nhau để thúc đẩy quá trình tăng trưởng.
Mặc dù không có chất dinh dưỡng đơn lẻ hoặc nhóm chất dinh dưỡng quan trọng hỗ
trợ tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý chế
độ ăn của trẻ để đáp ứng đầy đủ và bổ sung thành phần dinh dưỡng cho sự tạo
thành và hoạt động của các tế bào miễn dịch.
Sự hoạt động của hệ
miễn dịch cần hỗ trợ và phối hợp của nhiều chất dinh dưỡng khác nhau trong cơ
thể như: vitamin C, vitamin D, vitamin A, kẽm, selen, sắt và protein. Các chất
này hoạt động như chất chống oxy hóa nhằm bảo vệ tế bào khỏe mạnh, hỗ trợ sự phát
triển và hoạt động của tế bào miễn dịch và quá trình sản xuất kháng thể. Nguồn
cung cấp các chất này được trau dồi hằng ngày thông qua nguồn thức ăn mà trẻ ăn
vào từ thực vật, thịt động vật… Tại mỗi gia đình, cha mẹ có thể xây dựng thực
đơn với chế độ dinh dưỡng chứa đạm, tinh bột, chất béo và các yếu tố vi lượng kể
trên cho trẻ.
Khi sử dụng các sản
phẩm bổ sung chứa vitamin và yếu tố vi lượng như: kẽm, sắt,... cho trẻ, các bậc
phụ huynh cần lưu ý có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế, nhằm tránh những độc
tính gây ra do uống quá liều lượng.
Xây dựng thói quen
sinh hoạt lành mạnh
Ngủ đủ giấc hay tập
thể dục đều là những thói quen sinh hoạt tốt cho sự phát triển của trẻ. Giấc ngủ
đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Việc
thiếu ngủ gây suy yếu miễn dịch của trẻ, sụt giảm tế bào diệt tự nhiên, tạo cơ
hội cho vi sinh vật gây bệnh tấn công cơ thể một cách dễ dàng.
Số giờ ngủ cần có
trong ngày thay đổi tùy từng giai đoạn phát triển của trẻ: trẻ sơ sinh cần 18 -
20 giờ/ngày, trẻ mới biết đi cần 12 - 13 giờ/ngày và trẻ học mẫu giáo cần 10 giờ/ngày.
Ngoài việc ngủ đủ giấc,
khuyến khích trẻ tập thể dục thường xuyên cũng là thói quen giúp tăng cường các
tế bào miễn dịch ở trẻ em. Hiện nay, có nhiều bộ môn thể thao phù hợp với từng
lứa tuổi của trẻ. Để tạo thói quen tập thể dục cho trẻ, các bậc phụ huynh nên
trở thành một người bạn đồng hành, cùng tập luyện, hướng dẫn và khuyến khích trẻ
tham gia.
Giữ gìn vệ sinh và đảm
bảo môi trường sống lành mạnh
Để tạo dựng một môi
trường sống lành mạnh cho trẻ trước hết cần phải tạo dựng thói quen từ những
thành viên trong gia đình. Việc giữ gìn vệ sinh cơ thể cũng là một trong những
thói quen giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Các bậc phụ
huynh cần khuyến khích trẻ tạo thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn và
sau khi đi vệ sinh, sau khi tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, vệ sinh
đồ chơi sau khi chơi và đánh răng 2 lần/ngày.
Ngoài ra, từ chính
môi trường sống hằng ngày, khi gia đình có trẻ nhỏ, mỗi người nên tự nâng cao ý
thức của bản thân và hạn chế các thói quen xấu như: hút thuốc lá, hôn má…
Tiêm vắc xin đầy đủ
Đảm bảo trẻ được tiêm
chủng đầy đủ vắc xin đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không chỉ bảo vệ trẻ
khỏi các tác nhân gây bệnh, mà còn giúp cơ thể trẻ tự xây dựng hệ miễn dịch khỏe
mạnh để sinh ra kháng thể tiêu diệt những mầm bệnh có hại ảnh hưởng tới cơ thể.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên lưu ý và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các
loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh,
phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần.
Việc
tăng cường hệ miễn dịch của trẻ rất quan trọng, không chỉ giúp trẻ bảo vệ sức
khỏe mà còn phòng ngừa nguy cơ mắc nhiều bệnh lý. Vì thế, cha mẹ cần thực hiện
các biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ để trẻ luôn có sức khỏe thật
tốt, phát triển đồng đều khỏe mạnh.
Thủy Tiên (st)