Mấy ngày vừa qua, các địa phương trên toàn tỉnh bước vào đợt rét đậm, rét hại đầu tiên. Từ nền nhiệt độ 15 đến 20 độ C, chỉ sau một đêm, nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 10 độ C. Thời tiết thất thường do chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh, gây ra nhiều bệnh lý ở trẻ em, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến hô hấp và tiêu hóa. Do đó, các bậc phụ huynh cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ nhỏ.
Bệnh nhi mắc bệnh viêm đường hô hấp đang điều trị tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Tại Phòng khám Nhi, Bệnh
viện Đa khoa tỉnh những ngày gần đây trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 - 40 lượt bệnh nhi đến khám.
Đa số các trẻ mắc các bệnh liên quan đến các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ
lệ trẻ em nhập viện tăng cao. Ngoài do thời tiết đang giao mùa, sáng sớm lạnh,
buổi trưa trời nắng, trẻ không kịp thích nghi dẫn đến trẻ dễ mắc bệnh về đường
hô hấp.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị
Hồng Diên, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho
biết: “Thời
tiết chuyển mùa đa số các bệnh Nhi đến
khám tại phòng Khám Nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp như: viêm họng cấp, viêm phổi, viêm
phế quản. Nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh hô hấp thì 70% là do vi rút, 30% là các loại vi khuẩn, ký
sinh trùng hoặc do các loại nấm. Thời tiết giao mùa cũng là nguyên nhân chính
gây ra các bệnh đường hô hấp, vì trong thời tiết giao mùa các loại vi rút, vi khuẩn dễ phát triển gây
bệnh cho trẻ nhỏ.”
Thời tiết rét đậm, rét hại, trẻ
rất dễ bị ốm, nhiễm lạnh, mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhất là với
những trẻ phải đến trường trong ngày lạnh. Với trẻ đi học trong buổi sáng rét
mướt, cha mẹ phải giữ ấm toàn thân cho trẻ. Cha mẹ cũng lưu ý đeo khẩu trang,
đội mũ ấm đầu khi đưa trẻ đến trường, tránh trẻ bị nhiễm lạnh. Tuy nhiên, không
phải ủ ấm càng kỹ là càng tốt, việc làm này đôi khi có thể gây thêm bệnh cho
trẻ. Bởi thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn rất nhạy cảm với những
thay đổi thời tiết đột ngột. Khi mặc quá kín, ủ quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi
lưng, ngực, đầu rồi ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi... Việc ứ đọng
mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các
bệnh về da, gây ngứa ngáy, viêm nhiễm trên da khiến trẻ bứt rứt, khó chịu.
Ngoài ra, trời lạnh cha mẹ thường có thói quen giữ trẻ trong nhà kín gió, không
cho ra ngoài. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ thiếu vitamin D, giảm sức đề
kháng, dễ lây các bệnh truyền nhiễm.
Để phòng, chống các bệnh thường
gặp vào mùa đông, trong những ngày thời tiết lạnh sâu, cha mẹ cần chủ động theo
dõi nhiệt độ thời tiết trong ngày; trẻ em cần được giữ gìn vệ sinh cá nhân thật
tốt, giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay,
ngực, cổ, đầu, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ xuống quá thấp, không gian trong
nhà cần được đóng cửa kín cẩn thận không để gió lùa. Đặc biệt, hằng ngày cho
trẻ vệ sinh mũi, họng, vệ sinh thân thể, tắm ở phòng kín tránh gió lùa... Ngoài
ra, chế độ ăn của trẻ cũng cần được bảo đảm đủ dinh dưỡng, bổ sung rau quả để
cung cấp vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng. Không nên
cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh.
Theo dự báo, thời tiết rét đậm,
rét hại sẽ còn kéo dài trong những ngày tới, cha mẹ cần phải theo dõi, nắm bắt
dự báo thời tiết, từ đó có các biện pháp kịp thời để ứng phó, đảm bảo sức khỏe
và đời sống, sinh hoạt thường ngày. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, cần cho
trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.
Mai Hoa