Bệnh nhi tại xã Xuân Trường (Bảo Lạc) tử vong do biến chứng bệnh sởi
Theo kết quả công bố của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 13/4, trường hợp bệnh nhi Vàng A. L. (sinh năm 2023), dân tộc Mông, ở xóm Cao Bắc, xã Xuân Trường (Bảo Lạc) tử vong dương tính với vi rút sởi.
Viên chức Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc phun khử trùng xử lý môi trường nhà bệnh nhân mắc sởi tại xóm Cao Bắc, xã Xuân Trường (Bảo Lạc)
Bệnh nhân Vàng A. L, đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi tháng 11/2024. Ngày khởi
phát bệnh 3/4/2025, nhưng đến ngày 6/4 bệnh nhân được người nhà đưa đi nhập
viện, điều trị tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bảo Lạc. Đến ngày 9/4, bệnh nhân
chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa Khoa tỉnh trong tình trạng suy hô hấp, chẩn đoán
lúc vào viện là sởi biến chứng viêm phổi nặng/suy hô hấp cấp/tiêu chảy cấp. Mặc
dù đã được điều trị tích cực theo đúng phác đồ, tuy nhiên quá trình điều trị,
chăm sóc và theo dõi tình trạng nguời bệnh không cải thiện, ngày 11/4, bệnh
nhân tử vong. Trước đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân L. gửi Viện vệ sinh dịch tễ
Trung ương để xét nghiệm.
Qua điều tra dịch tễ, từ 1/1 - 11/4/2025, tại
xã Xuân Trường có 65 trường hợp mắc sởi, trong đó xóm Cao Bắc có 40 trường hợp
mắc sởi. Số ca mắc đang điều trị tại Trung tâm Y tế Bảo Lạc 5 ca (xóm Cao Bắc
có 3 ca).
Ngay từ khi xuất hiện các trường hợp nghi mắc
sởi tại xóm Cao Bắc và xã Xuân Trường, Trạm Y tế xã đã chỉ đạo đội ngũ nhân
viên y tế thôn bản các xóm tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp
phòng, chống dịch tại cộng đồng và báo cáo ngay lên Trạm Y tế các trường hợp
nghi mắc các bệnh truyền nhiễm; phối hợp Trạm Y tế xã và Ban Chỉ đạo xã giám
sát thu thập thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và phun khử khuẩn;
đảm bảo thường trực phòng chống dịch 24/24; dự trù đầy đủ cơ số thuốc, trang
thiết bị vật tư, hóa chất, sinh phẩm sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch bệnh xảy
ra. Đồng thời, thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.
Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch sởi, không để dịch lây lan, bùng phát, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc chỉ đạo
Trạm Y tế xã tiếp tục chủ động bám sát tình hình ổ dịch trên địa bàn, theo dõi
chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện bệnh, báo cáo kịp thời để thực hiện điều
tra, giám sát và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Thường xuyên
đánh giá nguy cơ để kịp thời tham mưu các biện pháp phòng chống phù hợp và hiệu
quả. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông các biện pháp phòng chống dịch cho nhân dân
địa phương, huy động cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Thực
hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, bệnh dịch truyền nhiễm
theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh
truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Bệnh sởi chủ yếu
lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong
không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, chất tiết đường mũi họng của người
bệnh. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 - 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây
truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi: Sốt và phát ban
là hai biểu hiện chính của bệnh. Trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện
ban dạng sần (gồ lên mặt da) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng
và toàn thân. Sau 7 đến 10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để
lại những vết thâm thường gọi là “vằn da hổ”. Ngoài ra bệnh còn kèm theo một số
biểu hiện khác như: chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, tiêu chảy…
Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu phát hiện muộn
hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Viêm
tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng
có thể dẫn đến tử vong, trẻ nhỏ có thể bị suy dinh dưỡng.
Ở thai phụ, bệnh sởi có thể gây biến chứng
viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc
sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn,
sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.
Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh
sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được
khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng của bệnh sởi.
Mai Hoa