Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: cảm cúm, viêm đường hô hấp, ho, viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy, thủy đậu,... Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, cần quan tâm thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thời tiết lạnh và nồm ẩm
kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng
nguy cơ gây bệnh cho người. Các loại bệnh truyền nhiễm như cúm, ho gà, sởi, tay
chân miệng... rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa nên rất dễ bùng phát
thành dịch bệnh. Đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là người già, trẻ em và những người
có bệnh lí nền, hệ miễn dịch yếu. Thời điểm này thường diễn ra nhiều lễ hội, mọi
người gia tăng tiếp xúc gần nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng cao. Để chủ động
phòng chống dịch bệnh, mỗi người cần trang bị kiến thức cơ bản về dịch bệnh mùa
đông xuân như:
Sởi: Sởi là bệnh truyền nhiễm
cấp tính lây qua đường hô hấp do virus Polynosa morbillorum gây ra, lây theo đường
hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng
có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu xảy ra
vào mùa Đông - Xuân.
Rubella: Bệnh do Virus Rubella
gây ra, phát triển mạnh vào cuối mùa đông đầu mùa xuân, lây truyền qua đường hô
hấp khi người lành tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Giai đoạn dễ
lây nhiễm bệnh là từ 7 ngày trước khi phát ban đỏ.
Thủy đậu: Mùa đông xuân không khí ẩm,
nhất là giai đoạn chuyển từ đông sang xuân khiến cho siêu vi có tên Varicella
Zoster Virus gây bệnh thủy đậu phát triển mạnh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới
10 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây
nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Bệnh cảm cúm: Cảm cúm là dịch bệnh thường
xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa hoặc vào những ngày đông lạnh giá.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ thể phản ứng không kịp, sức đề kháng
yếu, tạo điều kiện cho vi rút cúm xâm nhập, lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm
của người bị bệnh, cảm cúm nặng thường có triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt,
đau họng nhẹ...
Ho gà: Ho gà là bệnh truyền nhiễm
cấp tính do trực khuẩn ho gà thuộc họ Pavrobacteriaceae gây ra, lây chủ yếu qua
đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội và thở rít vào. Bệnh
xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu là vào mùa đông xuân, vì thời tiết ẩm ướt, không
khí lạnh khiến cho vi khuẩn ho gà sinh sôi và phát triển nhanh chóng. Bệnh thường
gặp chủ yếu ở trẻ em từ 1-6 tuổi, trẻ càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng.
Tiêu chảy: Dịch tiêu chảy là bệnh dịch
xuất hiện quanh năm, nhưng thời tiết se lạnh là điều kiện lý tưởng hơn cho các
vi khuẩn, kí sinh trùng, vi rút xâm nhâp vào cơ thể và gây bệnh. Trong đó tiêu
chảy là một dịch bệnh khá là nguy hiểm trong mùa đông.
Bệnh viêm đường hô hấp:
Khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu lạnh đột ngột là thời điểm thích hợp cho các
loại virus hợp bào phát triển dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng, nước
bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng ăn uống. Viêm đường hô hấp thường có biểu hiện
như sốt cao, đau họng khi nuốt, nghẹt mũi, đau đầu, lạnh toàn thân, tiêu chảy
nhẹ…
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, cần
lưu ý các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế như sau:
1. Tiêm vắc xin
phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi,
rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …).
2. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy,
khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm
phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
3. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm
đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm ...
4. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng,
ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn
cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
5. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi,
họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà
tiêu hợp vệ sinh.
Lưu ý: Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ
sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Thủy Tiên (St)